1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM thống nhất quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm

Q.Huy

(Dân trí) - Trong hồ sơ quy hoạch TPHCM vừa được các đại biểu HĐND thông qua, thành phố kiến nghị nghiên cứu Luật Quản lý và phát triển thành phố đặc biệt, phát triển các dự án điện gió và tuyến đường ven biển.

Tại kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra sáng 22/6, các đại biểu đã thống nhất thông qua hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung quy hoạch, thành phố giữ quan điểm sắp xếp, tổ chức không gian theo hướng đô thị toàn cầu, đa trung tâm.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho rằng, quy hoạch TPHCM cần được làm đồng bộ với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật khác. Ngoài ra, đồ án quy hoạch cần xác định rõ các phạm vi khuyến khích phát triển để đề xuất mô hình, chính sách mới, đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện quy hoạch.

TPHCM thống nhất quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm - 1

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, trong phiên thảo luận của HĐND TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Đối với địa bàn huyện Củ Chi, bà Phạm Thị Thanh Hiền nhận định, để đến năm 2030, huyện đạt chuẩn đô thị loại III và chuyển lên thành phố, TPHCM cần có chính sách thu hút đầu tư cho các công trình, dự án tại đây. Thành phố cũng cần xác định cụ thể những khu vực động lực để có chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển.

Đối với Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Chủ tịch huyện Củ Chi đề nghị thành phố không mở rộng thêm. Thay vào đó, khu xử lý rác hiện hữu có thể cải tạo lại trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

"Việc mở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là chưa cần thiết. Hiện nay, khu xử lý rác chỉ đang sử dụng đất để chôn lấp rác, còn một phần lớn diện tích đất làm dự án hàng rào cây xanh cách ly chưa sử dụng tới. Khu xử lý này cũng đặt dọc theo kênh Thầy Cai, chảy thẳng ra sông Sài Gòn, nguy cơ ô nhiễm rất cao", bà Phạm Thị Thanh Hiền bày tỏ.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nêu ý kiến, ban soạn thảo đồ án quy hoạch cần xem xét đến dân số thực tế thay cho dân số chính thức trên địa bàn như hiện tại. Việc này nhằm giải tỏa những vướng mắc nhiều năm qua của địa bàn như kẹt xe, ngập nước, quá tải giáo dục, y tế...

TPHCM thống nhất quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm - 2

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân góp ý cho quy hoạch TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Đại biểu Quân cũng góp ý, thành phố cần xem xét, nghiên cứu kỹ về kịch bản tăng trưởng, GRDP bình quân. TPHCM cũng cần xác định rõ tính chất các điểm nghẽn của địa phương, đưa ra những giải pháp khả thi để thực hiện thành công đồ án.

Theo hồ sơ vừa được các đại biểu HĐND thành phố thông qua, mục tiêu tổng quát của quy hoạch TPHCM lần này là hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, là đầu tàu về kinh tế xanh, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ. Thành phố cũng đề ra mục tiêu có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

TPHCM thống nhất quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm - 3

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, trình bày tờ trình về thông qua quy hoạch thành phố (Ảnh: Q.Huy).

TPHCM lựa chọn phương án hình thành 5 đô thị vệ tinh là 5 huyện ngoại thành, một đô thị khác là TP Thủ Đức và khu vực đô thị trung tâm hiện hữu gồm 16 quận. Theo UBND TPHCM, phương án này có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của thời kỳ quy hoạch và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của địa phương.

Trong thời kỳ quy hoạch, TPHCM cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết. Cụ thể, thành phố cần hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong thực hiện quy hoạch. Địa phương cũng hướng tới phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy dịch vụ hóa, đẩy mạnh các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo.

TPHCM cũng hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế. Công tác quy hoạch của TPHCM cần được nâng cao chất lượng, thích nghi với biến đổi khí hậu và kết cấu hạ tầng phải đồng bộ, hiện đại.

TPHCM thống nhất quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm - 4

Các đại biểu HĐND TPHCM tham quan các đồ án quy hoạch thành phố (Ảnh: Q.Huy).

Địa phương cũng đưa ra 3 khâu đột phá liên quan việc hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả quản trị; đột phá trong huy động các nguồn lực; đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.

Cuối cùng, UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu một số đề án có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của địa phương. Trong đó có việc xây dựng Luật Quản lý và Phát triển thành phố đặc biệt.

TPHCM cũng mong muốn phát triển các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ và dự án vịnh Gành Rái làm đầu mối kết nối khu vực phía Nam TPHCM với vùng Đông Nam Bộ. TPHCM cũng nêu kiến nghị phát triển tuyến đường ven biển mới phía Nam phục vụ phát triển kinh tế biển từ Gò Công Đông, Tiền Giang qua Cần Giờ rồi đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

TPHCM thống nhất quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm - 5