DNews

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm

Q.Huy

(Dân trí) - Trước tiên cần xác định nơi nào là trung tâm chính, ở đâu sẽ hình thành trung tâm nhỏ hơn. Các trung tâm được xây dựng theo thứ tự ưu tiên để phù hợp với nguồn lực, vừa đầy đủ hạ tầng, tiện ích.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 và tầm nhìn 2060 đang được thực  hiện, thành phố làm rõ về định hướng phát triển mô hình đa trung tâm. Quan điểm quy hoạch này được kỳ vọng giúp đô thị lớn nhất cả nước khắc phục những hạn chế kéo dài nhiều năm, dẫn dắt các đô thị khác trong vùng và vươn tầm quốc tế.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy - Chủ tịch HĐND TPHCM, đã lật lại thách thức của thời cuộc từ sau ngày thống nhất đất nước tới những năm đầu thập niên 90. Ý tưởng phát triển TPHCM đa trung tâm đã được phác thảo từ khi ấy, nhưng vẫn chưa thể thành hiện thực.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 1

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy - Chủ tịch HĐND TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Vị nguyên lãnh đạo TPHCM cũng bày tỏ sự trăn trở trước những vấn đề mà đầu tàu kinh tế của các nước đang gặp phải suốt thời gian qua. Cùng với đó, ông Phạm Chánh Trực gửi gắm hiến kế với hi vọng, TPHCM sẽ hóa giải được những bất cập, tiếp tục phát triển đúng tiềm năng, vị thế.

Người dân không chỉ than phiền về quy hoạch treo

TPHCM đang thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040 và tầm nhìn 2060. Dưới góc nhìn của ông, đâu là vấn đề thành phố cần rút kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch suốt thời gian qua?

- Trước tiên, vấn đề dễ thấy nhất là người dân thành phố vẫn than phiền về quy hoạch treo, dự án treo. Theo quan điểm của tôi, quy hoạch là tính chuyện tương lai chứ không phải có quy hoạch là làm ngay được. Một bản quy hoạch để hoàn thành cần ít nhất 3 năm, hoặc 5-7 năm, thậm chí 10 năm hay lâu hơn nữa.

Vấn đề dễ thấy nhất là người dân thành phố vẫn than phiền về quy hoạch treo, dự án treo
Ông Phạm Chánh Trực Nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy - Chủ tịch HĐND TPHCM

Trong bối cảnh ngân sách có hạn, các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán ưu tiên thực hiện dự án nào trước, dự án nào sau, nơi nào cần tạm dừng để ưu tiên cho nơi cấp bách hơn. Tôi nghĩ, người dân không đơn thuần than phiền vì vấn đề quy hoạch treo, mà họ có nhiều ý kiến bởi các cơ quan không cho họ biết "treo" đến bao giờ và họ không thể làm gì trên mảnh đất, công trình, tài sản của họ.

Tôi nhớ, khi còn tham gia công tác, quy hoạch TPHCM không có những tòa cao ốc ven sông Sài Gòn, từ bến Bạch Đằng qua Bình Thạnh, Tân Cảng như bây giờ.

Quan trọng hơn nữa, đến hiện tại, thành phố cũng chưa có chiến lược và kế hoạch xây dựng theo định hướng đa trung tâm một cách cụ thể. Mặc dù chủ trương này đã có từ nhiều nhiệm kỳ Thành ủy trước đây và có các văn bản, nghị quyết liên quan.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 2

Khu vực từng là nhà ga đóng tàu Ba Son trước đây nằm bên bờ sông Sài Gòn (Ảnh: Hải Long).

Chủ trương xây dựng TPHCM theo hướng đa trung tâm đã xuất hiện từ khi nào và bối cảnh lúc đó ra sao, thưa ông?

- Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, TPHCM đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng như thất nghiệp, nạn đói, không đảm bảo đời sống, việc làm vì dân số thành phố quá đông do lượng người lánh nạn chiến tranh ở các tỉnh về và hơn nữa chính sách phát triển kinh tế kế hoạch tập trung không phù hợp. Chủ trương được đưa ra thời điểm đó là vận động thanh niên xung phong đi lao động, sản xuất, kêu gọi đồng bào trở về quê cũ sinh sống.

Sau một thời gian thực hiện, vấn đề phát sinh là người dân về quê cũ được một thời gian, họ cũng quay lại TPHCM, người dân di chuyển ra ngoại thành sinh sống nhưng không được đảm bảo về công việc. Do đó, những chủ trương này tạm lắng xuống một thời gian.

Đến giai đoạn sau, dân số ngày càng gia tăng nhanh chóng, thành phố càng nhận thấy phải hình thành nhiều trung tâm để giải quyết việc làm, điều kiện sống và các vấn đề khác. Điều này nhằm tránh việc dân số bị hút về khu vực trung tâm.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 3

Nguyên lãnh đạo thành phố cho biết, quy hoạch TPHCM trước đây không có các tòa cao ốc ven sông Sài Gòn như hiện tại (Ảnh: Hải Long).

Đầu những năm 1990, Thành ủy TPHCM có chủ trương quy hoạch thành phố đa trung tâm, không tập trung lại khu vực lõi là quận 1, quận 3. Thời điểm đó, dự kiến quy hoạch nội thành thành phố chỉ phục vụ khoảng 5 triệu dân.

Trước khi ra chủ trương này, Thành ủy, các lãnh đạo Thành ủy đã họp bàn nhiều cuộc, từng nội dung về định hướng được xem xét kỹ lưỡng.

Nói vậy để thấy, ý tưởng về một TPHCM đa trung tâm không quá mới, chủ trương, quyết định đã có từ lâu. Tuy nhiên đến nay, thành phố chưa có quy hoạch, chưa có đề xuất cụ thể những nơi nào sẽ là trung tâm, hay nơi nào là đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho nội thành.

Theo ông, đâu là những việc thành phố cần ưu tiên để trở thành một đô thị đa trung tâm?

- Việc phát triển theo mô hình đa trung tâm là điều thành phố cần làm trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, còn nhiều điều cần tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Điều đầu tiên là cần xác định nơi nào là trung tâm chính, nơi nào sẽ hình thành các trung tâm nhỏ hơn. Các trung tâm được xây dựng theo thứ tự ưu tiên ra sao để phù hợp với nguồn lực và quá trình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Việc xây dựng các trung tâm mới có thể tốn nhiều thời gian, cần nhiều nguồn lực để thực hiện. Thành phố cần hình thành một Ban nghiên cứu xây dựng đô thị trung tâm, có phương án và chính sách để huy động nguồn lực, thông tin rộng rãi về định hướng để người dân biết và đồng thuận.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 4
Ý tưởng về một TPHCM đa trung tâm không quá mới, chủ trương, quyết định đã có từ lâu
Ông Phạm Chánh Trực Nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy - Chủ tịch HĐND TPHCM

Theo quan điểm của tôi, các trung tâm mới phải phục vụ cho địa bàn rộng lớn, một hoặc vài quận, huyện. Từng trung tâm sẽ phát triển phù hợp với đặc điểm, điều kiện vốn có của mình.

Các trung tâm mới này đều phải có đầy đủ hạ tầng, tiện ích để người dân sinh sống, làm việc, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Khi những cấu phần cơ bản đó được đảm bảo, từng trung tâm mới tiếp tục nâng cấp và tạo ra bản sắc, xu thế phát triển riêng biệt, làm vệ tinh cho vùng lõi TPHCM hiện hữu.

Cần thay đổi cơ cấu giao thông

Với định hướng phát triển đa trung tâm, việc kết nối giao thông đóng vai trò rất quan trọng với TPHCM. Ông đánh giá ra sao về hạ tầng giao thông của thành phố hiện tại?

- Khi phát triển đa trung tâm, việc kết nối giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng đóng vai trò quan trọng để người dân di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Hệ thống giao thông cũng giúp người dân tại các trung tâm mới thuận lợi hơn trong sinh hoạt, học tập, làm việc, rút ngắn thời gian di chuyển.

Tôi cho rằng, hệ thống giao thông vận tải hiện tại của TPHCM có cơ cấu không hợp lý, sử dụng diện tích đất lớn nhưng chưa đảm bảo chức năng, nhiệm vụ. Thành phố vẫn tập trung cho đường bộ, đường cao tốc mà quên rằng, tại các nước phát triển, những nơi định hướng đa trung tâm, đường sắt phải đóng vai trò chủ lực.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 5

Ông Phạm Chánh Trực cho rằng, hệ thống giao thông vận tải hiện tại của TPHCM có cơ cấu không hợp lý (Ảnh: Q.Huy).

Trước hết, hệ thống đường sắt phải tính toán theo hướng liên kết vùng, kết nối cả nước với đường sắt nội đô, đảm bảo cho cả vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa. Hiện tại, phương tiện giao thông vận tải của thành phố và các địa phương trong cả nước phổ biến vẫn là xe cá nhân.

Chính vì thế, vấn đề kẹt xe ở TPHCM vẫn chưa tìm ra lời giải. Chi phí vận tải cao khiến hàng hóa bị đội giá, chưa tạo điều kiện tốt để phát triển kinh tế.

Tại khu vực nội thành, các tuyến đường không có khả năng mở rộng thêm, phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng. Khi chưa phát triển theo hướng đa trung tâm, hạ tầng giao thông của TPHCM càng không thể đáp ứng nhu cầu người dân.

Thành phố cần thay đổi việc tổ chức, phân bổ giao thông ra sao để giải quyết thực trạng này?

- Như đã nói ở trên, việc thay đổi quan điểm từ tập trung cho đường bộ sang đường sắt, từ xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng sẽ giúp TPHCM giải quyết nhiều vấn đề.

Bên trong nội thành, khi hệ thống metro hoàn thiện, phát triển đồng bộ các loại hình giao thông kết nối đi kèm như xe buýt, người dân sẽ ủng hộ việc hạn chế phương tiện cá nhân. Áp lực lên các tuyến đường bộ hiện hữu sẽ giảm tải, những bất cập về giao thông đô thị tại TPHCM sẽ được giải quyết.

Ví dụ, người dân có thể  di chuyển bằng xe buýt từ nhà đến ga metro. Sau đó, họ sử dụng metro để di chuyển đến nơi làm việc, đến nhà ga để đi tàu nếu di chuyển quãng đường dài hơn ra các tỉnh, thành.

Việc phát triển đường sắt cũng giúp TPHCM tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng khả năng giao thương giữa các tỉnh, thành và có thêm lựa chọn di chuyển cho người dân. Đường sắt là loại hình giao thông an toàn, đúng giờ và tiết kiệm chi phí.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 6

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM đang dần về đích sau hơn 10 năm xây dựng (Ảnh: Hải Long).

Một điểm khác tôi muốn nói đến là việc phát triển tuyến đường sắt hiện đại chiếm dụng đất ít hơn so với đường bộ. Việc phát triển đường bộ quá nhiều cũng khiến tình trạng thiếu hụt cát xây dựng cục bộ thời gian qua.

Do đó trước mắt, TPHCM cần sớm hoàn thiện hệ thống metro trên địa bàn, phát triển đồng bộ các loại hình vận tải công cộng. Tôi cũng xin kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên chấp thuận dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao hiện đại nối TPHCM - Cần Thơ theo nội dung trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Ngoài ùn tắc giao thông thì ngập nước cũng là vấn đề thành phố chưa tìm ra lời giải triệt để thời gian dài. Theo ông, TPHCM cần làm như thế nào để khắc phục điểm yếu cố hữu này?

- Người dân TPHCM vẫn phải trải qua những đợt ngập do mưa lớn, triều cường. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước đã quá lâu đời, nhiều nơi sử dụng hệ thống cống thoát nước từ thời Pháp. Thậm chí có nhà ở sát kênh, rạch cũng chịu cảnh ngập vì nước không thể thoát được.

Kế đến là tình trạng sụt lún địa tầng do khai thác nước ngầm quá mức, hàng loạt cao ốc tải trọng lớn mọc lên do quá trình đô thị hóa.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 7

Ngập lụt là một trong những vấn đề đô thị mà người dân TPHCM vẫn phải trải qua (Ảnh: Nam Anh).

Tôi lấy ví dụ, khu vực quận 2 trước đây (nay là TP Thủ Đức) vốn dĩ là nơi hoang hóa với nền đất yếu, nhưng nay mọc lên hàng loạt nhà cao tầng, cả ở khu ven sông. Tải trọng của các công trình đè xuống, việc khai thác nước ngầm vẫn diễn ra, cộng thêm yếu tố biến đổi khí hậu khiến vấn đề sụt lún, ngập nước ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, thành phố cần nghiêm cấm việc khai thác nước ngầm cả cho sinh hoạt lẫn kinh doanh. Tiếp theo là các nhà khoa học, người quản lý cần nghiên cứu quy định số tầng, nơi được xây cao ốc và nơi cần hạn chế.

Chúng ta cần sớm có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến TPHCM như nhiều thành phố ven biển đã được giới khoa học cảnh báo.

Cuối cùng, thành phố vẫn cần quay lại thực hiện các chính sách giãn dân, hình thành một đô thị đa trung tâm. Để khắc phục những bất cập của đô thị, TPHCM không thể phát triển theo hướng tập trung dân cư trong nội thành hay một khu vực.

Lời giải cho vấn đề đất đai, quy hoạch

Theo dõi quá trình xây dựng, phát triển TPHCM qua các thời kỳ, ông có nhận định gì về công tác quản lý, sử dụng đất đai tại thành phố hiện tại?

- Trước tiên, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đã nêu rõ, thành quả phát triển TPHCM thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Nghị quyết này cũng chỉ ra những khuyết điểm về việc sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, giao thông quá tải, ngập úng, triều cường, ô nhiễm môi trường gia tăng và nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tôi cho rằng, đây là những đánh giá sát nhất với thực trạng mà TPHCM đang gặp phải.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 8

Ô nhiễm môi trường vẫn là một trong những hạn chế lớn của TPHCM hiện tại (Ảnh: Nam Anh).

Ngoài mặt tích cực đã được nhìn nhận, thành phố vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát, nước ngầm không kiểm soát chặt chẽ khiến tình trạng sạt lở, sụt lún diễn ra trên diện rộng. Thị trường địa ốc vẫn nghiêng về sản phẩm thương mại, phục vụ việc kinh doanh và chưa thật sự giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhân dân.

Với những hạn chế nêu trên, theo ông, đâu là lời giải cho thành phố trong vấn đề đất đai, quy hoạch?

- Theo quan điểm cá nhân của tôi, không chỉ TPHCM mà các địa phương khác cũng cần sắp xếp, phân loại đất theo thứ tự ưu tiên là đất phục vụ quốc phòng, an ninh - đất sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường - đất ở cho nhân dân - đất xây dựng công trình thiết yếu, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian công cộng - đất phục vụ công trình kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội - đất dự trữ và cuối cùng mới là đất kinh doanh.

Chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của đất quốc phòng, an ninh vì liên quan đến việc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Do đó, loại đất này cần được ưu tiên trên hết.

Kế đến là đất sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, rồi đất ở cho nhân dân. 2 loại đất này đảm bảo để người dân có nơi làm việc, sản xuất, tạo ra của cải và có điều kiện sống đầy đủ, đây là điểm trọng yếu nhất để xã hội tồn tại.

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 9

Nguyên lãnh đạo TPHCM cho rằng, địa phương cần sắp xếp lại các loại đất theo thứ tự ưu tiên (Ảnh: Hải Long).

Đất dùng với mục đích kinh doanh được xếp sau cùng khi đã đảm bảo các mục đích cơ bản. Chúng ta đồng ý để một tỷ lệ đất đai trong quy hoạch cho kinh doanh bất động sản, mua bán nhưng phần đất này không nên quá lớn.

Tôi cũng cho rằng, Nhà nước nên đấu thầu dự án chứ không đấu giá bán đất. Đất đai là không gian sinh tồn của cộng đồng, không thể mua bán như hàng hóa thông thường.

Khi trúng thầu các dự án xây dựng công trình dân dụng, nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện dự án tới nơi tới chốn. Nếu không, họ phải bị chế tài và rút giấy phép.

Về mặt chính sách, vừa qua, TPHCM đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, điểm cốt lõi vẫn là việc hình thành một mô hình chính quyền đô thị toàn diện, tạo sự khác biệt rõ nét với mô hình chính quyền nông thôn.

TPHCM cần tập hợp trí tuệ nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị đầy đủ, trọn vẹn. Trong đó, mô hình cần làm rõ một thành phố đa trung tâm cần cơ chế, chính sách cụ thể gì đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn và từng cấp.

Xin cảm ơn ông!

Việc TPHCM cần làm để phát triển đô thị đa trung tâm - 10

Ông Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị) sinh ra trong một gia đình giáo chức quê ở tỉnh Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, ông tham gia phong trào học sinh tại thị xã Vĩnh Long, sau đó tiếp tục hoạt động và lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn.

Ông từng bị bắt, tù đày và vượt ngục. Sau năm 1975, ông được ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM, trao lá cờ ra quân Thanh niên Xung phong xung kích trên mặt trận kinh tế.

Ông là Bí thư Thành đoàn đầu tiên của TPHCM. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục, Bí thư Quận ủy quận 5, Phó chủ tịch UBND TPHCM, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, Phó ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM.