PhotoStory

Những con đường mang tên "Tây" ở TPHCM

Thực hiện: Tâm Linh - Nam Anh

(Dân trí) - Hình thành từ thế kỷ 19, các đường Pasteur, Calmette, Yersin và Alexandre De Rhodes ở TPHCM vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Con đường rợp bóng cây xanh, là nơi nghỉ chân cho bao thế hệ người dân.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 1

Rạch Bến Nghé chảy ra sông Sài Gòn là nơi 3 tuyến đường trung tâm mang tên "Tây" của TPHCM. Đó là Pasteur, Yersin có điểm đầu từ đường Võ Văn Kiệt (quận 1) và đường Calmette nối từ cây cầu cùng tên bắc ngang rạch giữa quận 4 và quận 1, nằm song song nhau.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 2

Đường Pasteur có điểm đầu gần phía sông Sài Gòn, bên dưới là đầu hầm Thủ Thiêm vượt sông, bắt đầu từ đường Võ Văn Kiệt (quận 1) đến đường Trần Quốc Toản (quận 3), dài 2,7km với lộ giới 20-25m, chạy qua 16 giao lộ trên địa bàn các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành của quận 1 và phường 6, 8 của quận 3.

Con đường này đi qua nhiều di tích của thành phố. Ngay đầu đường là tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xây dựng vào năm 1929-1930.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 3

Đây là một trong những đường bộ trung tâm đô thị đầu tiên ở TPHCM do người Pháp xây dựng. Thời Pháp thuộc, nơi đây có con rạch chảy giữa đôi đường, sau đó được lấp nhập vào làm một. Trong ảnh là giao lộ Pasteur (dọc) và đường Lê Duẩn.

Tháng 3/1955, chính quyền Sài Gòn cũ đặt tên đường là Pasteur. Đến tháng 8/1975, chính quyền Cách mạng đổi thành đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhân Quốc khánh 2/9/1991, UBND TPHCM đổi lại thành đường Pasteur.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 4

Con đường được đặt theo tên của nhà bác học Louis Pasteur (người Pháp, 1822-1895), người phát minh ra khoa vi trùng học, sự lên men, nổi danh về phương pháp trị các bệnh truyền nhiễm, đặc trị bệnh chó dại, bệnh nấm than.

Năm 1891, cơ sở đầu tiên của Viện Pasteur Sài Gòn (tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - nay nằm ở 167 Pasteur, quận 3) được thành lập theo ý tưởng của nhà bác học, hoạt động đến nay.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 5

Ngày nay, đường Pasteur đi qua nhiều điểm tham quan, trung tâm thương mại, bảo tàng, trường học, cơ quan hành chính, nhiều cơ sở kinh doanh… Do đó, đây trở thành tuyến phố sầm uất, đông đúc từ lòng đường đến vỉa hè.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 6

Trong ảnh là vỉa hè đường Pasteur cạnh trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (thành lập năm 1906), thường tập trung các sinh viên đồng phục áo xanh dương ngồi giải lao.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 7

Là đường một chiều trong trung tâm thành phố, cung đường này còn có đặc trưng là kẹt xe, do chiều rộng đường không lớn nhưng phải phục vụ lượng lớn phương tiện di chuyển từ trung tâm quận 1 về phía Tây Bắc thành phố.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 8

Con đường thứ hai mang tên "Tây" ngày nay của TPHCM là đường Calmette có điểm đầu từ cây cầu cùng tên bắc ngang rạch Bến Nghé.

Tên của bác sĩ người Pháp Albert Calmette (1863-1933) là Viện trưởng đầu tiên của Viện Pasteur, người kế tục bác sĩ Pasteur nghiên cứu y học phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như chó dại, đậu mùa tại Việt Nam. Ông còn tìm ra thuốc rắn cắn và men rượu giúp cho ngành nấu rượu tiến bộ.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 9

Con đường này dài khoảng 800m, lộ giới 20m, nằm trên địa bàn phường Nguyễn Thái Bình (quận 1). Thời Pháp thuộc, đường mang số 32, đến năm 1877 được đặt tên Bourdais. Tháng 3/1955, chính quyền Sài Gòn cũ đổi tên thành đường Calmette cho đến nay.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 10

Nằm song song với 2 con đường trên là đường Yersin dài hơn 600m, rộng 20m thuộc địa bàn phường Cầu Ông Lãnh (quận 1).

Con đường cũng có từ thời Pháp, khi đó tên là Boresse, được xây trên khu đầm lầy hoang vắng. Tháng 3/1955, chính quyền Sài Gòn cũ đổi thành Yersin theo tên bác sĩ, nhà vi khuẩn học Alexandre Yersin (1863-1943) từng làm việc tại phòng thí nghiệm của bác sĩ Pasteur. Đối với Việt Nam, ông là người có công lập ra các viện Pasteur, nghiên cứu và phát minh ra loại vaccine ngừa bệnh dịch hạch.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 11

Đường Yersin ngày nay nổi tiếng với hoạt động buôn bán sầm uất, trong đó phần lớn là cửa hàng bán đồ vật tư, trang trí, nội thất.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 12

Đường Yersin tuy ngắn, lại giao cắt với tận 6 tuyến đường gồm: đường Nguyễn Công Trứ, Phan Văn Trường, Nguyễn Thái Bình, Trịnh Văn Cấn, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Hưng Đạo. Trong ảnh là ngã tư Yersin và Nguyễn Công Trứ.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 13

Nằm giao với đường Pasteur là con đường Alexandre De Rhodes thuộc phường Bến Nghé (quận 1), đoạn từ đường Phạm Ngọc Thạch đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuyến đường này có chiều dài 281m, lộ giới 20m. 

Đây là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn cũ. Ngày 2/6/1871, đường được đặt tên là Paracels (Hoàng Sa). Đến năm 1871, được đổi lại thành Colombert. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn cũ đổi lại là Alexandre De Rhodes. Đến ngày 4/4/1985, TPHCM đổi lại thành Thái Văn Lung. Đến ngày 16/9/1995, UBND TPHCM ra quyết định đổi tên đường Thái Văn Lung thành đường Alexandre De Rhodes như trước đây.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 14

Con đường này nằm bên công viên 30/4 trước Dinh Độc Lập, đặt theo tên ông Alexandre De Rhodes (1593-1660) là giáo sĩ, học giả, người góp công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ của Việt Nam từ thế kỷ XVII.

Những con đường mang tên Tây ở TPHCM - 15

Nằm dưới bóng mát cổ thụ, từ mặt công viên 30/4 trên đường này, nhiều bạn trẻ thường tập trung đến đây để vui chơi. Bên cạnh đó, đường Alexandre De Rhodes cũng được chọn làm nơi "trú chân" của các ô tô dừng đỗ do không quá nhiều xe qua lại.