1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM lý giải về tên đường Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký

Q.Huy

(Dân trí) - Trước thắc mắc của người dân, Sở VH-TT cho biết, Alexandre De Rhodes là người có công trong việc phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin, hình thành chữ Quốc ngữ của Việt Nam.

Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn về một số vấn đề được quan tâm. Trong đó, cơ quan này đã lý giải về việc đặt tên một số tuyến đường mà người dân còn thắc mắc thời gian qua.

Cụ thể, người dân trên địa bàn đã nêu thắc mắc về việc đặt tên một số nhân vật còn có ý kiến chưa thống nhất như Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký.

TPHCM lý giải về tên đường Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký - 1

Đường Alexandre De Rhodes thuộc phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM) (Ảnh: Hương Lan).

Sở VH-TT TPHCM lý giải, đường Trương Vĩnh Ký hiện nay nằm tại phường Tân Thành (quận Tân Phú), đoạn từ đường Lũy Bán Bích đến đường Tân Sơn Nhì. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 956m, lộ giới 21m, tồn tại từ năm 1967 khi thành lập khu dân cư Tân Phú.

Đường Alexandre De Rhodes thuộc phường Bến Nghé (quận 1), đoạn từ đường Phạm Ngọc Thạch đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuyến đường này có chiều dài 281m, lộ giới 20m.

Đây là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn cũ. Ngày 2/6/1871, đường được đặt tên là Paracels (Hoàng Sa). Đến ngày 16/10/1871, đường được đổi tên lại thành Colombert.

Ngày 22/3/1955, chính quyền Sài Gòn cũ đổi lại tên đường là Alexandre De Rhodes. Đến ngày 4/4/1985, TPHCM đổi lại tên đường này thành Thái Văn Lung.

Đến ngày 16/9/1995, UBND TPHCM ra quyết định đổi tên đường Thái Văn Lung thành tên đường Alexandre De Rhodes như trước đây.

Sở VH-TT TPHCM thông tin thêm, ông Alexandre De Rhodes (1593-1660) là giáo sĩ, học giả, sinh tại Avignon trong một gia đình gốc Do Thái, quốc tịch Tòa thánh La Mã, gia nhập dòng Tên La Mã ngày 14/4/1612.

Năm 1618, ông được Giáo hội La Mã cho phép sang Đông Á truyền giáo. Năm 1624, ông đến Đàng Trong rồi ra Đàng Ngoài truyền đạo. Năm 1630, ông bị Trịnh Tráng trục xuất.

Năm 1640, ông lại đến Đàng Trong một lần nữa. Những năm 1636-1640, ông cùng một số linh mục người Bồ Đào Nha và các thầy giảng Việt Nam phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ La Tinh, soạn thảo một số sách trong đó có bộ Từ điển Việt-Bồ-La (1651).

Có thể nói, ông là người góp công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ của Việt Nam từ thế kỷ XVII.

Sở VH-TT cho biết, danh nhân Alexandre De Rhodes là người có công trong việc phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin. Ngoài ra, việc đổi tên đường sẽ làm ảnh hưởng đến các giấy tờ của người dân, nên việc đổi tên đường sẽ phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng và chỉ đổi khi thật sự cần thiết.