Người lính pháp y và những đêm trắng đau đáu "buộc tử thi lên tiếng"
(Dân trí) - Đối mặt với tử thi không khiến các giám định viên run sợ hay mất bình tĩnh. Điều khiến họ đau đáu, mất ngủ hàng đêm là làm thế nào để các vụ trọng án được sáng tỏ.
Chiều 22/10/2021, Thượng úy Trần Văn Sơn (giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang) nhận chỉ đạo của chỉ huy, lập tức cùng tổ công tác đi thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang.
Tại đây, một vụ trọng án vừa xảy ra, tin báo ban đầu cho biết ít nhất 2 người đã bị sát hại dã man, hung thủ đã bỏ trốn.
Khung cảnh ám ảnh qua con mắt của giám định viên
Hiện trường vụ án là ngôi nhà của ông Trần Văn Luật (75 tuổi), nằm trên một quả đồi. Nhớ lại khung cảnh khi đó, Thượng úy Sơn kể rằng khi vừa bước qua cánh cửa sắt, thi thể của bà Bùi Thị Thoa (74 tuổi, vợ ông Luật) nằm ở đường dẫn vào nhà. Đi khoảng 30m vào trong xuất hiện thêm một thi thể khác.
Quá trình khám nghiệm hiện trường, tổ công tác tìm thấy thêm thi thể chị Trần Thị Thảo (47 tuổi, con gái ông Luật) ở góc sân nhà.
"Hiện trường có sự xáo trộn, thay đổi nhằm che giấu hành vi phạm tội của hung thủ", anh Sơn nói. Cụ thể, thi thể của 3 nạn nhân được lấp, che đậy bằng nhiều vật dụng như bao tải, lá cây, bó thuốc...
Mở rộng việc khám nghiệm, anh Sơn và đồng nghiệp tìm thấy con dao, nghi là hung khí gây án, bị vứt vào vườn nhằm phi tang.
Trong tổ công tác của Phòng Kỹ thuật hình sự còn có sự tham gia khám nghiệm pháp y của Đại úy Trần Văn Đông.
Qua những dấu vết tại hiện trường, trên tử thi, Đại úy Đông khi đó nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng. Có rất nhiều dấu vết, vết thương, đặc biệt là những vết rách da trên thi thể 3 nạn nhân.
"Sau khi đánh giá tỉ mỉ, cẩn thận, chúng tôi nhận định các vết thương được gây ra bởi vật sắc, bản rộng; tác động theo nhiều chiều hướng với nhiều lực tác động khác nhau", Đại úy Đông chia sẻ và nhận định trên phù hợp với con dao mà tổ khám nghiệm của Thượng úy Sơn tìm thấy.
Qua công tác khám nghiệm tử thi, Đại úy Trần Văn Đông đưa ra được kết luận chuyên môn về tổn thương của 3 nạn nhân.
Với ông Luật, người đàn ông này bị tấn công chủ yếu ở vùng cổ gây đứt thực quản, đứt động tĩnh mạch cảnh trái và tử vong do mất máu; bà Thoa bị chém vào đầu gây rách da, sập vỡ xương hộp sọ... Còn chị Thảo bị tổn thương vùng cổ, đứt đốt sống cổ, động tĩnh mạch cảnh phải và tử vong vì mất máu.
"Đánh giá di biến động và các vết thương chí mạng, chúng tôi nhận định hầu như các nạn nhân đều không thể di chuyển xa, đều bị tác động nhanh chóng và tử vong tại chỗ", Đại úy Đông chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Những nhận định, đánh giá dựa vào chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm nêu trên của Thượng úy Sơn, Đại úy Đông và những thành viên khác trong tổ công tác đã góp công lớn trong việc điều tra, khám phá vụ án.
Hung thủ Trần Văn Hiếu (48 tuổi) sau đó bị bắt giữ, khai nhận toàn bộ quá trình gây án và phải đối mặt với pháp luật.
Buộc tử thi phải lên tiếng
Là một giám định viên kỹ thuật hình sự, anh Sơn phải tiếp cận hàng trăm vụ án thương tâm, man rợn. Tuy nhiên, chứng kiến hiện trường vụ án tại huyện Lạng Giang trên, Thượng úy Sơn vẫn có phút giây "gai người, lạnh gáy".
"Hiện trường khi đó thể hiện hình thức gây án của hung thủ là rất máu lạnh, dã man, muốn triệt hạ nạn nhân đến cùng. Đặc biệt khi phát hiện ra thi thể thứ 3, tôi lạnh gáy và cảm thấy rất buồn", vị giám định viên tâm sự.
Tuy nhiên, điều làm anh Sơn đau đáu, mất ngủ khi tham gia điều tra vụ án trên hay những vụ án khác lại là diễn biến vụ án chứ không phải sự ám ảnh, ghê rợn của hiện trường.
"Việc khiến mình mất ngủ là suy nghĩ về di biến động, quá trình gây án của hung thủ, xâu chuỗi sao cho phù hợp với những dấu vết, chứng cứ tại hiện trường", Thượng úy Sơn chia sẻ.
Là một bác sĩ nhưng thực hiện công tác giám định tử thi, Đại úy Trần Văn Đông tâm sự nói "nghề đã chọn anh". "Khác với công việc của các bác sĩ bình thường, công việc của tôi là đánh giá các dấu vết trên cơ thể các nạn nhân, tử thi nhằm tìm ra nguyên nhân, làm căn cứ để sáng tỏ vụ việc", anh Đông nói.
Vì vậy, nơi làm việc của anh Đông và những giám định viên khác chẳng phải trong phòng mổ mà thực hiện dưới trời nắng, trời mưa, hay trong nắng nóng hoặc dưới cái rét buốt... Bởi nạn nhân ở đâu các anh khám nghiệm tại đó.
Chia sẻ một cách hóm hỉnh, anh Đông nói hay bị bạn bè, người thân trêu là "kền kền" khi luôn phải mò mẫm, tìm kiếm sự thật từ những xác chết, tử thi.
"Có khi tử thi bị phân hủy, bị giòi bọ ăn, rồi bốc mùi... chúng tôi vẫn phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để buộc "tử thi phải lên tiếng". Đó là những khó khăn mà chúng tôi coi là đặc thù của nghề. Trên hết, tôi luôn xác định bản thân là một chiến sĩ công an nhân dân, sẵn sàng vượt qua những thử thách, vất vả để thực hiện tốt nghiệm vụ. Khi vụ án được làm sáng tỏ, cũng là lúc chúng tôi cảm thấy vững vàng hơn", Đại úy Đông chia sẻ.
Nói về hậu phương, anh Đông không giấu được sự hạnh phúc. Vào ngành CAND và vào nghề giám định tử thi từ trước khi quen vợ, Đại úy Đông từng rất "khó nghĩ" trong việc làm thế nào để chia sẻ với nửa kia, để người phụ nữ của anh hiểu và thông cảm cho đặc thù công việc.
"May mắn thay, vợ tôi hoàn toàn ủng hộ công việc của tôi. Cô ấy còn cảm thấy tự hào khi tôi làm những công việc mà không phải ai cũng làm được. Điều này khiến tôi yên tâm trong công tác, tập trung hoàn thành những nhiệm vụ được giao", Đại úy Đông tâm sự.
"Kết quả khám nghiệm là căn cứ quan trọng"
Được thành lập từ ngày 6/3/1984, trải qua 40 năm phấn đấu, cống hiến, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang luôn đáp ứng tốt và phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vụ việc về dân sự, hành chính khác tại địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thượng tá Thân Ngọc Thắng (Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự) cho biết hiện nay, phòng có tổng cộng 32 cán bộ chiến sĩ nhưng trung bình hàng năm khám nghiệm hơn 100 vụ các loại, giám định khoảng 2.500 vụ việc.
Dù vậy, năng lực công tác của Phòng Kỹ thuật hình sự đáp ứng được phần lớn yêu cầu của các cơ quan trong và ngoài lực lượng trên địa bàn tỉnh.
Bất kỳ vụ án nào, dù lớn hay nhỏ, công tác khám nghiệm hiện trường là bước đi đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng. Việc tiếp cận hiện trường càng nhanh càng có ý nghĩa to lớn trong phát hiện, bảo toàn dấu vết, nhất là các loại dấu vết có giá trị truy nguyên cao như: Dấu vết đường vân, dấu vết sinh học, dấu vết công cụ…
"Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể nhanh chóng lần tìm được dấu vết bởi có những vụ việc hiện trường gần như bị xáo trộn, yêu cầu người cán bộ Kỹ thuật hình sự phải vận dụng kinh nghiệm để thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ nguyên nhân, giúp cơ quan điều tra phá án.
Nhiều vụ việc từ kết quả khám nghiệm là căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án, là căn cứ để truy bắt đối tượng theo dấu vết nóng, nhất là đối với các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như giết người, tai nạn giao thông...", đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự cho biết.
Bên cạnh đó, để một vụ án được khám phá thành công, công tác giám định đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thông qua giám định, lực lượng kỹ thuật hình sự đã phát hiện các thủ đoạn hoạt động của tội phạm để kịp thời báo cáo cấp trên, thông báo cho lực lượng chức năng chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, nhất là về các loại ma túy mới, thủ đoạn làm giả tài liệu, hướng dẫn thu mẫu giám định, mẫu so sánh đối với các vật chứng là hình ảnh thu được từ camera an ninh…
"Kết quả giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học duy nhất nhằm buộc tội hay gỡ tội cho các nghi phạm, giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án; củng cố chặt chẽ nguồn chứng cứ, truy nguyên thủ phạm hoặc bị hại. Do đó, trong mỗi vụ việc, các giám định viên cần tuân thủ đúng quy trình, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót.
Các kết luận giám định do các giám định viên của đơn vị ban hành đều đảm bảo chính xác 100%, không có vụ việc nào phải giám định lại", Phòng Kỹ thuật hình sự cho biết.
Trao đổi với Dân trí, Đại tá Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, khẳng định lực lượng kỹ thuật hình sự dù không có chức năng điều tra nhưng là đơn vị nghiệp vụ quan trọng, hỗ trợ cho hoạt động điều tra.
Vì vậy, theo Đại tá Bình, những năm qua, ban giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang có sự quan tâm đặc biệt tới các cán bộ chiến sĩ Phòng kỹ thuật hình sự.
"Đây là lực lượng rất vất vả, công việc nhiều nhưng số lượng giám định viên thì có hạn", Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang nói.