PhotoStory

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Di sản kiến trúc nghệ thuật triều Nguyễn không chỉ là lăng tẩm các vua, cung điện, đền miếu... mà còn có lăng của các bà hoàng, hoàng thân quốc thích của vua, nằm ở nhiều vị trí khác nhau ở Huế.

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 1

Lăng Vạn Vạn (Tư Thông lăng) tọa lạc tại đường Trần Thanh Mại, phường An Đông, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) là lăng mộ hiếm hoi của hoàng gia triều Nguyễn ở khu vực đồng bằng.

Đây là nơi yên nghỉ của Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục (1868-1944), thường được gọi là bà Tiên Cung, vợ thứ 2 của vua Đồng Khánh, mẹ đẻ vua Khải Định, bà nội của vua Bảo Đại.

Lăng Vạn Vạn là công trình kiến trúc giàu chất nghệ thuật, được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1997. Di tích lăng Vạn Vạn hiện do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 2

So với những lăng mộ các hoàng hậu khác dưới thời Nguyễn, lăng Vạn Vạn có quy mô kiến trúc tương đối lớn, nằm trên diện tích khoảng 6ha. Trục chính khu lăng mộ chạy theo hướng tây bắc - đông nam. 

Riêng khu Huyền Cung có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích khoảng 400m2, chung quanh được bao bọc bởi 2 vòng thành đồ sộ, xây bằng gạch vồ và vữa xi măng. Các góc 2 vòng thành đều được xây và chắp hình hoa sen. Mặt trước Huyền Cung có duy nhất cửa đi vào, được gọi là Bửu Thành Môn. 

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 3
Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 4
Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 5

Hiện nay di tích lăng Vạn Vạn có nhiều hạng mục bị xuống cấp, nhất là ở khu vực sân trước Bửu Thành.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu vực sân chính có nhiều vị trí bị lún, bung gạch lát nền, tường thành, vật trang trí bị đứt gãy, chậu hoa cảnh bị nghiêng, vỡ cạnh,...

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 6

Có kiến trúc, vật liệu xây dựng khá tương đồng với lăng Vạn Vạn là lăng Thánh Cung (Tư Minh lăng) của Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu Nguyễn Thị Nhàn (1870-1935), vợ cả của vua Đồng Khánh.

Lăng Thánh Cung hiện nằm trong quần thể lăng Đồng Khánh (làng Cư Sĩ, phường Thủy Xuân, thành Phố Huế).

Trước lăng có 2 trụ biểu lớn, dạng công trình xuất hiện ở hầu hết các lăng mộ hoàng tộc nhà Nguyễn. Tiếp đến là 3 tầng sân, sau cùng mới đến Bửu Thành, gồm bốn bức tường dày bao quanh mộ phần.

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 7

Nằm cách Thánh Cung không xa là phần lăng mộ của vua Đồng Khánh (Tư Lăng).

Kiến trúc lăng mộ vua Đồng Khánh hầu như được "Âu hóa" hoàn toàn từ kiến trúc, trang trí đến vật liệu xây dựng. Nhà bia là sự biến thể của kiến trúc pha trộn. Tượng quan viên cao, gầy, được đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, ngói ác toa, gạch ca rô.

Nhìn chung lăng Đồng Khánh mở đầu cho thời kỳ kiến trúc pha trộn Âu Á, tân cổ.

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 8

Trong tổng thể khu lăng vua Đồng Khánh còn có: Lăng Kiên Thái Vương (cha ruột ông); lăng Vĩnh Thái, nơi an nghỉ của bà Trương Thị Dung, hiệu là Hiếu Vũ Hoàng hậu, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát, bà nội vua Gia Long; lăng Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, tục gọi là Hoàng tử Cảnh, hoàng thái tử đầu tiên dưới triều Nguyễn (con cả vua Gia Long); lăng An Hóa Quận Công, em vua Khải Định và lăng bà Tiệp dư (một cấp bậc phi tần trong hậu cung) Du Văn Thị.

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 9

Đối diện với lăng vua Đồng Khánh là lăng bà Từ Cung. Đây là nơi yên nghỉ của Từ Cung Đoan Huy Hoàng thái hậu (1890-1980), thân mẫu vua Bảo Đại và là Hoàng thái hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.

Bà tên thật là Hoàng Thị Cúc, người làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, được đưa vào làm cung nữ hầu 2 bà Thánh Cung Nguyễn Hữu Thị Nhàn và Tiên Cung Dương Thị Thục. Tại đây, sự gặp gỡ giữa vị cung nữ với Phụng Hóa công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định sau này), bà đã mang thai và hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này).

Năm 1925, vua Khải Định băng hà, hưởng dương 40 tuổi, bà được di chiếu lập làm hoàng thái hậu, Vĩnh Thụy được đưa lên làm vua kế vị vào năm 1926 lấy niên hiệu là Bảo Đại. 

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 10

Năm 1980, Từ Cung Hoàng thái hậu qua đời, thọ 90 tuổi và được an táng gần lăng Đồng Khánh.

Lăng Từ Cung xây dựng từ năm 1960 khi bà còn sống, nằm bên phía nam lăng Tự Đức và bên phải là lăng Đồng Khánh, giữa một sườn đồi cây xanh, kín đáo nhưng phía trước lại có không gian mở rộng tầm nhìn khá thoáng đãng và uy nghi.

Lăng có kiến trúc khá giống với lăng Vạn Vạn và lăng Thánh Cung, nhưng không bề thế bằng, nhất là vòng la thành cuối cùng bên trong huyệt mộ được xây thấp. Khu lăng Từ Cung hiện chưa có đường, muốn đi vào phải men theo con đường đất nhỏ nằm sát chân ruộng.

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế - 11

Độc đáo không kém là lăng Tùng Thiện Vương (Nguyễn Phúc Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng).

Sinh thời, Tùng Thiện Vương nổi tiếng giỏi chữ nghĩa, là một nhà thơ lớn để lại nhiều tác phẩm giá trị cho đất nước. Sau khi qua đời, ông được an táng tại khu nghĩa trang gần chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, thành phố Huế).