PhotoStory

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Xã Hương Thọ (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm ở ngã ba Bằng Lãng, điểm hợp lưu của 2 của dòng Tả Trạch và Hữu Trạch để thành sông Hương, là nơi an giấc ngàn thu của 9 chúa nhà Nguyễn.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 1

Lăng Trường Cơ của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, 1525-1613), nằm tại trung tâm thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ). Đây là 1 trong 3 lăng chúa Nguyễn đã được công nhận di tích cấp quốc gia.

Lăng mộ của chúa Nguyễn Hoàng được đặt tên là Trường Cơ từ năm 1808 - thời gian năm Gia Long thứ 7 tái xây dựng.

Trong lịch sử Việt Nam, chúa Nguyễn Hoàng là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn.

Ban đầu, lăng mộ chúa Nguyễn Hoàng được lập ở núi Thạch Hàn, huyện Vũ Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong) tỉnh Quảng Trị, về sau mới dời đến vị trí hiện tại.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 2

Lăng Trường Cơ nằm cách bờ sông Hương chừng 300m, xoay mặt về hướng chính bắc.

Sau thời gian dài xuống cấp, năm 2016, từ nguồn xã hội hóa 3,8 tỷ đồng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành trùng tu lăng Trường Cơ. Không gian di tích được khoanh vùng, tôn tạo cảnh quan và trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhân dân trên địa bàn và du khách.

Hiện nay, Lăng Trường Cơ là nơi có cảnh quan khang trang nhất trong số 9 lăng chúa Nguyễn.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 3

Lăng Trường Diễn của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế - Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, 1563-1635), nằm ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, cách bờ sông Hương khoảng 350m, xoay về phía nam. 

Năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định xếp hạng lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Công trình hiện được tôn tạo lại khá khang trang nhưng bên trong ít được chăm sóc nên cỏ cây mọc um tùm.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 4

Lăng Trường Diên của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan - Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế (1601-1648), nằm ở thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, cách bờ nhánh Hữu Trạch của sông Hương khoảng 200m.

Trước khi được tôn tạo, xây dựng lại, lăng Trường Diên bị xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục bị đổ nát, khuôn viên lăng, nhiều cây cỏ dại xâm lấn.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 5

Lăng Trường Hưng của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần - Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng đế  (1620-1687), dân gian quen gọi là lăng Chín Chậu, nằm ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ. Lăng cách bờ sông Hương khoảng 800m, xoay mặt về hướng đông bắc.

Công trình này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2015. Hiện nay xung quanh lăng, cây cối um tùm, rậm rạp.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 6

Lăng Trường Mậu của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái - Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế (1650-1691), nằm ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, nay được xem là công trình nằm ở vị trí có cảnh quan khá đẹp.

Lăng nằm trên một quả đồi, xoay mặt về hướng bắc, trước mặt lăng có hồ rộng và có các bậc cấp dẫn lên lăng.

Lăng Trường Mậu được Hội đồng Nguyễn Phước tộc tiến hành trùng tu vào năm 2012 và được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh năm 2018.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 7

Lăng Trường Thanh của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chú - Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế  (1675-1725), nằm ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ. 

Lăng được sửa chữa vào thời vua Minh Mạng và thời vua Thiệu Trị. Năm 2009 và năm 2015, con cháu Nguyễn Phúc tộc đã đóng góp trùng tu, tôn tạo lại khu lăng mộ này. Công trình đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 2018.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế, lăng các chúa Nguyễn có quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn. Các lăng mộ đều tọa lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm "tụ thủy". "Minh đường" của lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi chầu về làm thế "tay ngai" (Tả Long, Hữu Hổ).

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 8

Lăng Trường Phong của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chú (Thụ) (1697-1738), nằm ở thôn Định Môn, xã Hương Thọ, đang được trùng tu, tôn tạo.

Lăng xoay mặt về hướng chính bắc, cấu trúc tương tự các lăng chúa Nguyễn khác với 2 vòng tường thành.

Có thể thấy, hệ thống lăng mộ các chúa Nguyễn đều có kiểu thức xây dựng tương tự như nhau. Mỗi lăng mộ đều có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc, vòng ngoài xây bằng đá bazan nhưng phần mũ thành xây bằng gạch vồ, vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch (trừ lăng Trường Diễn). Chiều cao của các vòng thành tương ứng đều như nhau; phần mộ đều xây thấp, phẳng với 2 tầng theo lối giật cấp. Trước mộ có hương án, sau cổng có bình phong trang trí long mã và rồng. 

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 9

Lăng Trường Thái của Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), ở thôn La Khê, xã Hương Thọ. Lăng nằm trên một quả đồi, xoay về hướng chính bắc, có một hệ thống bậc cấp dẫn lên, là công trình di tích cấp quốc gia.

Tại kỳ Festival Huế năm 2020, nơi đây đã từng diễn ra lễ hành hương tri ân người khai sáng áo dài Việt Nam - chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhưng hiện nay có thể thấy xung quanh lăng khá rậm rạp, cỏ cây um tùm.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 10

Cuối cùng là lăng Trường Thiệu của Định Vương Nguyễn Phúc Thuần - Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng đế  (1754-1777), ở thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ. 

Mặc dù là một trong 3 lăng chúa Nguyễn được công nhận di tích cấp quốc gia nhưng công trình này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tường vòng thành bị bong tróc, đổ gãy.

Mặt khác, hầu hết các lăng chúa Nguyễn đều nằm tiếp giáp với diện tích đất canh tác, nên bị xâm lấn khá nhiều.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn - 11

Mới đây, UBND thành phố Huế đã triển khai xây dựng, chỉnh trang đường vào lăng các chúa Nguyễn, hiện đã hoàn thành. Ngoài ra, một số tuyến đường nằm trong dự án hạ tầng của quần thể lăng Gia Long cũng được triển khai và kết nối đến lăng chúa Nguyễn Phúc Chú gần đó.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành đặt biển chỉ dẫn tại tất cả các điểm lăng cháu Nguyễn để phục vụ việc tham quan của du khách.

Ngoài hệ thống lăng chúa Nguyễn, trên địa bàn xã Hương Thọ (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) còn có 2 công trình nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm: lăng vua Gia Long và lăng vua Minh Mạng