Mùa hạn mặn kỳ lạ: Nơi ruộng đồng khô khốc, chỗ đường hóa thành sông
(Dân trí) - ĐBSCL đang vào cao điểm nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn khiến nhiều nơi thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt. Tuy vậy, lại có chỗ đường sá ngập ngụa nước, triều cường bất thường.
Cánh đồng khô hạn do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn cao điểm của hạn hán, xâm nhập mặn khiến cây cối khô héo, ruộng đồng nứt nẻ, kênh mương khô cằn. Một số nơi còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng (Ảnh: Hữu Khoa).
Nắng nóng, cống đóng khiến nhà máy nước không đủ cung cấp thậm chí ngừng hoạt động buộc người dân ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang phải đội nắng, thức đêm để lấy nước sạch ở các vòi nước công cộng hoặc xe cấp nước từ thiện.
Ông Nguyễn Văn Hậu (ngụ ấp Sơn Lang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết, do đất nhiễm phèn nên bà con thường trồng hoa màu như đậu phộng, ớt, cà... Vài năm gần đây lúa có giá nên có vài hộ chuyển đổi canh tác.
"Đợt này ai trồng lúa coi như lỗ trắng, một công (1.000m2) đất đầu tư 3 triệu đồng rồi nhưng năm nay thời tiết bất lợi, nước mặn kèm thêm nắng hạn khiến kênh mương thiếu nước dẫn lên ruộng. Lúa chậm lớn, èo uột, một số ruộng lúa chưa trổ bông dù sạ đã lâu", ông Hậu nói.
Còn tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hạn mặn gay gắt khiến nhiều diện tích lúa thiệt hại.
Theo tìm hiểu, địa phương có trên 6.000ha lúa vụ 3, đã có 541ha bị ảnh hưởng do ngộ độc phèn, 32ha đứng trước nguy cơ mất trắng. Đây là những diện tích lúa do nông dân sạ đúng thời điểm mặn gay gắt nên không tiếp tục chăm sóc (Ảnh: CTV).
Những kênh nội đồng ở huyện Long Phú, Sóc Trăng có nhiệm vụ trữ, dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất nay đã cạn nước.
Tại Cà Mau, từ đầu tháng 2 đến nay, địa phương này đã có hàng trăm vị trí sụt lún, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tuyến đường giao thông nông thôn dọc bờ kênh Cây Sộp (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) sụt lún nghiêm trọng khiến giao thông đứt gãy (Ảnh: CTV).
Giữa lúc khô hạn cao điểm lại bất ngờ bị triều cường xâm nhập, gây ngập úng nhiều khu vực tại tỉnh Tiền Giang.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sáng và chiều ngày 11/4, triều cường dâng cao gây ngập tại một số khu vực trũng, thấp trên địa bàn TP Mỹ Tho. Đây là đợt triều cường thứ ba, kể từ đầu năm 2024.
Nước tràn vào nhà, hàng quán... khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Chị Trần Quỳnh Anh (TP Mỹ Tho) than thở: "Nước ngập có bán buôn gì được đâu, sáng sớm nước lên đợi rút mới dọn hàng ra, bán được chừng vài tiếng nước lại ngập. Tôi phải kê cao các thiết bị điện tử để tránh hư hỏng. Tháng nào triều cường cũng dâng cao gây ngập, buôn bán khó khăn".
Tình trạng triều cường bất thường ở TP Mỹ Tho không phải là lần đầu xuất hiện, trước đó, từ mùng 1 Tết, người dân hoang mang vì nửa đêm đang ngủ nước ùn ùn tràn vào nhà khiến mọi người trở tay không kịp, nhiều tài sản bị ướt, hư hỏng.
Đài khí tượng thủy văn Tiền Giang cho biết mực nước triều cao nhất ở các trạm vùng hạ lưu sông Tiền trong đợt này xuất hiện vào ngày 10 và 11/4. Tại trạm Mỹ Tho ở mức 1,7-1,8m, cao hơn báo động 3 là 0,1m.
Theo dự báo, từ tháng 3 đến tháng 8, trên địa bàn Tiền Giang sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường. Trong đó, đợt cao nhất dự kiến từ ngày 9 đến 12/4.