Người dân đội nắng, thức đêm hứng từng can nước giữa mùa hạn ở Tiền Giang
(Dân trí) - Kênh, mương cạn trơ đáy, nhà máy nước ở Gò Công Đông (Tiền Giang) không đủ cung cấp buộc lòng người dân phải đến các vòi nước công cộng, xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chờ lấy nước sinh hoạt.
Gần một tháng qua, nhiều tuyến kênh, mương tại các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công thuộc vùng dự án Ngọt hóa Gò Công đang rơi vào tình cảnh cạn kiệt nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do xâm nhập mặn, tỉnh Tiền Giang phải đóng các cửa cống để ứng phó.
Tại cống Nghĩa Chí (xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) mực nước trong kênh đã gần cạn và bị nhiễm mặn nên bà con không thể sử dụng.
Anh Trương Minh Hoàng Quân (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) chỉ về con kênh dẫn nước vào nội đồng bị khô cạn lộ đáy. Anh Quân cho hay, tình trạng hạn hán kéo dài từ sau tháng Giêng đến nay.
"Vườn nhãn và hạnh của gia đình tôi rộng hơn 2.000m2 nhưng do kênh nội đồng cạnh mảnh vườn đã cạn nước nên phải thuê xe ba gác đến lấy nước ở hồ chứa khác để tưới tiêu. Cứ 10 ngày hoặc nửa tháng tôi thuê xe ba gác với giá 600.000 đồng, chở hơn 10m3 nước về tưới vườn cây ăn trái. Còn nước sinh hoạt trong nhà tôi, lấy ở vòi nước công cộng miễn phí", người đàn ông 39 tuổi nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu vực các xã như Tăng Hòa, Phước Trung, Tân Điền... của huyện Gò Công Đông bị thiếu nước sinh hoạt khá nghiêm trọng. Trước tình hình trên, tỉnh Tiền Giang đã lắp 82 vòi nước công cộng miễn phí đặt tại đường lớn để người dân đến lấy nước.
Hình ảnh quen thuộc tại vòi nước công cộng ở xã Phước Trung luôn tấp nập người ra kẻ vào để bơm nước. Mỗi hộ sẽ chuẩn bị vài chiếc can (dung tích 30 lít/can), bơm đầy nước rồi chở về nhà.
Ông Trịnh Minh Quốc (trú xã Phước Trung) chở 14 can nước, tương đương 420 lít. Với hơn chục nhân khẩu và đàn bò, số nước này đủ để gia đình ông Quốc dùng được hơn một ngày.
"Có nước như vầy là mừng lắm rồi vì trước đó nhà máy nước không cấp nước đủ, bà con thiếu nước tắm rửa sinh hoạt nên bức rức lắm. Nhà cách vòi nước công cộng hơn 2km, tuy bất tiện, tốn thời gian nhưng ít ra còn có nước ngọt để xài", ông Quốc bày tỏ.
Người dân xã Gia Thuận xếp hàng chờ lấy nước ở vòi nước công cộng vào ban đêm. Tình trạng này đã kéo dài hơn một tuần nay (Ảnh: CTV).
Hàng trăm hộ dân ở ấp 2 (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) mang can nhựa đến lấy nước từ các xe chở nước từ thiện trong đêm tối (Ảnh: CTV).
Nước được người dân đem về trữ trong lu, thùng, xô... và sử dụng khá tiết kiệm.
Hiện nay, nước sinh hoạt tại huyện Gò Công Đông được xe bồn chở đến bán tận nhà với giá trung bình khoảng 100.000 đồng/m3. Đối với những hộ gia đình khó khăn, đây là một khoản chi phí rất lớn. Do đó, nhiều hộ lựa chọn đội nắng, thức đêm đi lấy nước.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, do giáp biển nên các mô hình sản xuất trên địa bàn là nuôi trồng thủy sản và một số ít canh tác lúa. Nhiều năm qua, ngành chức năng vận động bà con trồng lúa và thu hoạch sớm nên khi xâm nhập mặn xảy ra cũng không gây thiệt hại. Vấn đề khó khăn người dân đang đối mặt là thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài 82 vòi nước công cộng, tỉnh Tiền Giang còn chở nước bằng xe bồn đến những vị trí cuối nguồn, lắp đặt các bồn chứa, lắp thêm vòi lấy nước sạch tại các điểm cho nước miễn phí.