Kỳ 1: Bãi rác lộ thiên đe dọa vùng nuôi rươi ở Hải Phòng
(Dân trí) - Một bãi rác sinh hoạt lộ thiên hơn 5.000 tấn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) chất cao như núi đang là mối lo lắng thường trực của người dân địa phương, đe dọa nghiêm trọng các ruộng nuôi rươi gần đó.
Lời tòa soạn: Cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh "xác định không để lỡ thời cơ thêm lần nữa". Để nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn, có 8 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra.
Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra nói trên, có những vấn đề cần ưu tiên, đặc biệt quan tâm như bảo vệ môi trường, khoa học về sức khỏe con người,...
Báo Dân trí đã thực hiện loạt bài viết với chủ đề "Loay hoay xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn", tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bài viết muốn nói lên thực trạng ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm còn kéo dài từ các bãi rác thải sinh hoạt nông thôn không riêng ở địa phương này, nếu không được xử lý triệt để bằng các giải pháp khoa học hiện đại.
Rươi đã chết và nguy cơ tiếp tục bị "bức tử"
Cách cầu phao Đăng ở xã Kiến Thiết (Tiên Lãng, Hải Phòng) hơn 1km dọc theo con đường đê sông Thái Bình là bãi rác sinh hoạt có khối lượng nhiều nghìn tấn lộ thiên nằm giữa những ruộng nuôi rươi, trồng lúa và nuôi tôm thuộc thôn Bắc Phong.
Theo phản ánh của một số người dân sinh sống gần đó tại thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, nhiều năm qua bãi rác ở đây luôn là mối lo lắng của các hộ dân địa phương vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có nhiều thời điểm, người dân đã phải cùng nhau đi phản đối không cho chủ bãi rác chôn lấp rác vì ảnh hưởng đến môi trường đất, môi trường nước và không khí.
Chia sẻ với chúng tôi, ông P.T.H., ở thôn Nam Tử cho biết, năm 2023 và trước đó thường xuyên có hiện tượng đốt rác tại bãi rác trên, gây ô nhiễm môi trường.
"Từ năm 2024 đến nay không có hiện tượng đốt rác như trước nữa. Nhưng rác chất đống cao, xử lý chậm nên mỗi khi có mưa lớn, nước từ bãi rác chảy ra các ruộng nuôi rươi xung quanh làm chết rươi. Nhà tôi có ruộng rươi ở xa hơn chút nhưng cũng bị ảnh hưởng", ông H. chia sẻ.
Hình ảnh hồ điều hòa rộng lớn tại khu vực bãi rác bị hút cạn nước, trải bạt lót sơ sài, hàng nghìn tấn rác sau đó được gạt xuống hồ nhanh chóng với mục đích chôn lấp (Ảnh: Nhóm phóng viên).
Cũng giống như nhà ông H., ông V.V.X. cho biết, xung quanh bãi rác nói trên nhà ông có khoảng 8 mẫu ruộng nuôi rươi, trong đó có khoảng 1,7 mẫu ruộng là nằm sát bãi rác.
Ông X. kể, do tình trạng ô nhiễm từ bãi rác nói trên đã khiến rươi trong ruộng nhà ông bị chết thường xuyên, nhiều vụ liên tục.
"Riêng đợt bão Yagi năm 2024, nước bẩn tràn từ bãi rác vào ruộng khiến rươi chết nhiều, với số lượng ước tính khoảng hơn 1 tấn. Còn những năm trước đó cũng xảy ra hiện tượng rươi chết liên tục. Rươi chết không riêng gì ở những ruộng nằm sát bãi rác, mà các ruộng cách bãi rác một con mương cũng bị chết, nguyên nhân do nước bẩn từ bãi rác khi có mưa lớn chảy tràn vào", ông X. cho biết.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc nuôi rươi, ông X. cho biết thêm, con rươi ưa sống ở môi trường nước sạch. Đặc biệt, khi trồng lúa ở các ruộng rươi quá trình bón phân đạm cũng phải "khéo" không thì rươi cũng chết.
Theo người dân địa phương, khoảng tháng 6/2024, để núi rác cũ bớt cao, một hồ điều hòa lớn ở đây đã bị hút cạn nước, trải bạt lót sơ sài, hàng nghìn tấn rác sau đó được san gạt xuống hồ nhanh chóng với mục đích chôn lấp.
Trước việc làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, nước và không khí, hàng nghìn tấn rác bị san gạt xuống hồ điều hòa nói trên đã được chính quyền địa phương yêu cầu trục vớt lên bờ.
Mặc dù rác được vớt lên khỏi hồ điều hòa, nhưng hậu quả đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo ghi nhận, nước trong hồ vẫn đen đặc, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm nặng và vẫn còn rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt hồ.
Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý rác thải ở địa phương này không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà không xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Từ đó, người dân khu vực này hàng ngày vẫn phải sống trong nỗi lo lắng, bởi bất cứ lúc nào xuất hiện mưa lớn có thể khiến nước ô nhiễm trong hồ điều hòa rỉ thải hoặc tràn sang những ruộng rươi xung quanh.
"Mặc dù gần đây, chính quyền địa phương đã mời Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng vào xử lý miễn phí, dùng máy móc phân loại rác thải nilon; quần áo, thanh gỗ riêng tại bãi rác trên đã được một thời gian, nhưng chúng tôi vẫn bày tỏ lo ngại tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường từ bãi rác này", ông P.T.H. nói thêm.
Cam kết chôn 20% rác hữu cơ không nguy hại sau phân loại
Để tìm hiểu câu chuyện trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết.
Theo ông Hoạt, cách đây khoảng 5-6 năm, xã này đã tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách chôn lấp các loại rác. Đến năm 2020, UBND huyện Tiên Lãng đóng cửa nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) của Công ty cổ phần thương mại du lịch Thành Vinh và chuyển về xã Kiến Thiết.
"Nhà máy xử lý rác này vừa có nhiệm vụ xử lý rác cho xã Kiến Thiết, vừa xử lý rác thải ở thị trấn Tiên Lãng chuyển về. Đến cuối năm 2023 đầu năm 2024, nhà máy rác này hoạt động cầm chừng, chỉ thực hiện chuyển rác về nhưng không xử lý hoặc xử lý rất chậm, khiến rác ùn ứ chất đống cao", ông Hoạt cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoạt, khoảng từ tháng 7/2024, rác thải của thị trấn Tiên Lãng không vận chuyển về bãi rác của xã này, mà được chuyển đến bãi rác của TP Hải Phòng để xử lý.
Sau đó, UBND huyện Tiên Lãng tìm đến Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng để mời về xử rác thải tại bãi rác trên, gồm cả lượng rác tồn trước đó và rác thải hiện nay của xã Kiến Thiết.
Rác sau khi được Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng phân loại vẫn còn lẫn nhiều rác thải khó phân hủy như nilon (Ảnh: Nhóm phóng viên).
Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng mới thực hiện công việc trên được khoảng 1 tháng và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4 tới đây, theo lời ông Hoạt.
Về phương pháp xử lý rác thải, ông Hoạt cho biết, Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng sử dụng máy móc phân loại rác hữu cơ và vô cơ riêng, tuyệt đối không được đốt và chôn lấp rác thải nguy hại như nilon, chai nhựa,…
"Phương án công ty có đưa ra là dự kiến sẽ chôn khoảng 20% rác thải hữu cơ không nguy hại sau khi phân loại, nhưng thực tế là chưa chôn mới chất đống để đó thôi", ông Hoạt nói.
Khi phóng viên đưa ra các hình ảnh rác thải sau khi công ty trên phân loại vẫn còn rất nhiều rác thải nguy hại như nilon được đưa xuống một trong 2 hố đã đào rất sâu, rộng lớn ở phía trong khu vực bãi rác được trải bạt sơ sài, nghi ngờ sẽ chôn lấp, ông Hoạt cho biết: Chỗ rác này công ty đang ý định chôn lấp, chúng tôi yêu cầu công ty dừng lại. Phía công ty có giải thích là do rác bị ẩm ướt quá không sàng lọc, tách bóc hết được.
"Chúng tôi yêu cầu công ty phải phơi khô số rác này để tiếp tục tách bóc rác thải nguy hại, không được phép chôn lấp", ông Hoạt nói.
Hình ảnh rác thải sau khi công ty trên phân loại vẫn còn rất nhiều rác thải nguy hại như nilon được đưa xuống một trong 2 hố (Ảnh: Nhóm phóng viên).
Ông Hoạt thừa nhận, việc xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề khó và bày tỏ lo ngại khâu sàng lọc, tách bóc riêng nilon khỏi các loại rác khác tại bãi rác trên chưa thể khẳng định Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng sẽ làm được triệt để.
Đồng thời, ông Hoạt cũng thừa nhận thời gian qua có hiện tượng rươi của các hộ dân xung quanh bãi rác bị chết, nhưng ông cho rằng, cần xem xét lỹ lưỡng các nguyên nhân làm rươi chết.
Người dân kéo nhau đi phản đối chôn lấp rác
Trước đó, sáng 6/1, nhiều bà con nhân dân có ruộng rươi xung quanh bãi rác trên đã bức xúc kéo nhau đi phản đối việc Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng đang có hành vi chôn lấp rác thải xuống một trong 2 hố đã đào rất sâu, rộng lớn ở phía trong.
Khi bị người dân ngăn cản, phản đối quyết liệt, Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng đã tạm dừng hành vi chôn lấp rác. Sau đó, công ty chỉ vận hành hệ thống phân loại rác và điều thêm 2 xe cẩu múc công suất lớn hơn cùng 1 xe ben đến bãi rác.
Ghi nhận của phóng viên, khi đã có đủ phương tiện, công ty trên lại tiếp tục có hành vi chôn lấp rác thải lẫn rác vô cơ như nilon ở các khung giờ khác nhau trong ngày, như sáng sớm hoặc đêm khuya.
Hình ảnh máy móc thiết bị của Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng san gạt, chôn lấp rác thải còn chứa nhiều nilon ở nhiều khung giờ khác nhau trong ngày (Ảnh: Nhóm phóng viên).
Ngoài ra, các xe cẩu múc của Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng còn tiến hành đào hố sâu dọc ngay chân hành lang đê trước cửa của bãi rác, rồi đưa rác thải có chứa nhiều loại khó phân hủy như nilon xuống chôn.
Sau đó, công ty này dùng xe ben đổ rác thải phân loại chưa triệt để còn chứa rất nhiều túi nilon cùng lớp đất được trộn rác phủ lên tại khu vực trên.
Từ ngày 17/1 trở lại đây, Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng đã tiến hành quây hàng rào tôn phía ngoài hàng lang, đổ hàng tấn rác sau phân loại vẫn còn rất nhiều rác thải khó phân hủy như nilon xuống hồ điều hòa đang bị ô nhiễm chưa được xử lý lâu nay.
Toàn bộ hành vi chôn lấp rác nói trên của Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng đã được chúng tôi ghi lại được bằng các video ở các thời điểm khác nhau và sẵn sàng cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần thiết.
Hình ảnh rác thải gồm cả rác chưa được phân loại triệt để như nilon được Công ty TNHH dịch vụ môi trường Hải Phòng chôn lấp gần hành lang đê. Bên cạnh khu chôn lấp rác thải này là ruộng nuôi rươi của nhà ông X. nói trên, khiến ông và nhiều hộ nuôi rươi quanh đây lo lắng.
Theo luật sư Nguyễn Đức Năng, Công ty Luật Năng & Partner (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi chôn lấp chất thải nguy hại và vi phạm tại hành lang bảo vệ đê điều là những vấn đề nghiêm trọng, được pháp luật quy định xử lý nghiêm minh.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định, các cơ sở chôn lấp chất thải nguy hại không đúng quy định có thể bị phạt hành chính từ 100 triệu đến 500 triệu đồng, kèm các biện pháp khắc phục như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động hoặc buộc khôi phục môi trường.
Cũng theo luật sư, với các hành vi nêu trên, với trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu phạt tiền từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm; tổ chức vi phạm bị phạt đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Tương tự, việc chôn lấp rác thải trong hành lang bảo vệ đê điều cũng bị xử lý nghiêm. Các cá nhân vi phạm có thể bị phạt hành chính và buộc khôi phục hiện trạng.
"Nếu hành vi gây hư hỏng đê điều hoặc nguy cơ thiệt hại lớn, cá nhân có thể bị phạt tù đến 10 năm, tổ chức vi phạm bị xử phạt đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động. Những quy định này nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy lợi, đê điều", luật sư Năng nói.