PhotoStory

Khỉ ở Sơn Trà từ "chủ nhà" thành "kẻ ăn xin"

Thực hiện: Hoài Sơn

(Dân trí) - Du khách được khuyến cáo không cho khỉ ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) ăn. Tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn, vô tình biến khỉ trở thành "kẻ ăn xin" ngay trong môi trường sống tự nhiên của mình.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 1

Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có diện tích hơn 4.400ha, dài 13km với chu vi khoảng 60km, độ cao trung bình 350m, nơi cao nhất gần 700m so với mực nước biển.

Bán đảo nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía đông bắc. Với 3 mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.

Không chỉ sở hữu khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, bán đảo còn có rừng nguyên sinh tuyệt đẹp với hệ động thực vật phong phú. Trong đó, có nhiều loài động vật quý hiếm như voọc chà vá chân nâu, mèo rừng, chồn bạc má đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 2

Khỉ vàng là loài linh trưởng phổ biến trên bán đảo Sơn Trà. Chúng có tên khoa học là Macaca mulatta, tên tiếng Anh là Rhesus Macaque.

Đây loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), khỉ vàng được xếp ở cấp độ LR (lower risk) - bậc ít nguy cấp. Khỉ vàng sống theo đàn, mỗi đàn có từ 10 - 15 cá thể, trong đó có một cá thể đực đầu đàn. Chúng hoạt động ban ngày, phạm vi hoạt động cả dưới đất lẫn trên cây.

Tuy nhiên những năm gần đây, hoạt động sống của loài khỉ này trên bán đảo Sơn Trà đang bị ảnh hưởng. Trong đó có tình trạng vô tư cho khỉ ăn uống khiến tập tính của loài bị thay đổi, giờ đây chúng là những "chuyên gia" trong việc ăn rác.

Khỉ vàng ở Sơn Trà cũng đang mất dần khả năng chủ động tìm kiếm thức ăn. Loài linh trưởng này từ vị trí "chủ nhà" của rừng núi Sơn Trà đã trở thành những kẻ xin ăn của du khách.

Trong hình là một cá thể khỉ ăn rác trên đường Lê Văn Lương (quận Sơn Trà). Chúng ăn bánh mì, bánh ngọt và trái cây do con người vứt bỏ.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 3
Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 4

Khoảng 9h sáng, khi nghe tiếng động cơ của xe di chuyển lên khu nghỉ dưỡng ở bán đảo Sơn Trà để thu gom rác thải.

Một con khỉ đầu đàn đã lập tức leo lên mái nhà để gọi đàn khỉ với số lượng hơn 10 con tập trung bên chiếc xe rác bốc mùi để tìm thức ăn, tại đây chúng ăn trái cây đã bị hỏng.

Có kinh nghiệm nhiều năm theo dấu loài khỉ vàng tại bán đảo Sơn Trà, chị Thanh Ngọc Trúc lo ngại thức ăn từ bãi rác thường bị ôi thiu, điều này có thể làm đàn khỉ nhiễm bệnh.

"Sau nhiều năm quan sát, tôi thấy chúng kéo đến đây ăn rác như một thói quen. Đặc biệt trong đàn này có một cá thể khoảng 2 năm tuổi đã bị cụt chân, việc cá thể này tiếp xúc với rác sẽ làm vết thương nặng hơn và rất khó lành lại", chị Trúc chia sẻ.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 5

Trên tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, tại vị trí có nhiều du khách cắm trại, hóng mát, có cả một đàn khỉ chuyên "cướp giật" thức ăn để trên xe. Thậm chí có trường hợp 3-4 cá thể vây người để giật thức ăn ngay trên tay du khách.

Đây là hệ lụy của việc du khách thường xuyên cho các đàn khỉ ăn làm loài vật này thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường kiếm ăn. Từ việc tìm kiếm thức ăn tự nhiên trong rừng, giờ đây khỉ chỉ chờ đợi người mang thức ăn đến cho ăn hoặc "cướp" thức ăn từ du khách.

"Khu vực này luôn là điểm nóng của tình trạng du khách cho khỉ ăn thức ăn của con người. Điều này làm chúng thay đổi tập tính kiếm ăn và khi thấy người mang đồ ăn bên cạnh, chúng nghĩ đó là thức ăn của chúng nên sẵn sàng chờ sơ hở để lao vào cướp", chị Trúc chia sẻ.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 6

Điểm nóng thứ ba của tình trạng khỉ ăn rác và du khách cho khỉ ăn thức ăn của con người là chùa Linh Ứng. Trong hình là khu vực bãi rác phía sau chùa, hàng ngày có rất nhiều lượt khỉ từ núi kéo về đây bới rác tìm thức ăn.

Ông Nguyễn Văn Sơn (68 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) - nhân viên dọn rác tại chùa Linh Ứng cho hay, đàn khỉ luôn có cá thể túc trực tại bãi rác, khi có rác đổ ra, lập tức cá thể này sẽ ra hiệu cho các con khác trong đàn đến tìm thức ăn.

"Dừa, lê, táo là những loại trái cây thừa mà khỉ ưa tìm kiếm. Một số loại bánh kẹo du khách bỏ lại cũng được chúng nhai ngấu nghiến", ông Sơn chia sẻ.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 7
Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 8

Nguy hiểm hơn, sau khi bới tìm thức ăn dơ bẩn, đầy vi khuẩn, đàn khỉ lại kéo xuống khu vực chùa Linh Ứng. Tại đây, nhiều du khách vì thỏa mãn tò mò, hiếu kỳ đã cho khỉ các loại thức ăn.

Ghi nhận của PV Dân trí vào ngày 19/2, dù đã có biển báo nhưng chỉ trong vòng vài giờ đã có hàng chục lượt khách ném thức ăn của con người cho khỉ.

Thậm chí nhiều người còn nô đùa, cố tình chọc tức các chủ khỉ nổi giận, làm chúng có nhiều hành vi nổi nóng như la ré, cào, cấu.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ khỉ là rất cao, tuy nhiên đến nay tất cả chỉ mới dừng ở việc nhắc nhở là chính, chưa có chế tài xử lý, để ngăn tình trạng cho khỉ ăn, trêu chọc khỉ.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 9

Một du khách muốn có những kỷ niệm với loài động vật này đã mua một que kem tặng khỉ. Khi chú khỉ tiến tới cầm lấy que kem, người xem tụ lại mỗi lúc một đông, ai cũng chực chờ điện thoại trên tay để chụp ảnh.

"Khỉ ở khu vực này rất thích ăn kem. Chúng dường như bị thèm chất béo trong đó, chúng không sợ người và những con khỉ này đang mất dần đi khả năng kiếm ăn tự nhiên của chúng", chị Thanh Ngọc Trúc nói.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 10

Trên những bờ tường trong khuôn viên tượng Phật Bà, những con khỉ khác chực chờ được người đi chùa cho ăn. Một số du khách đã cho chúng ăn cả bánh chưng để lâu ngày đã lên mốc và bánh ngọt.

Trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) cho hay, hiện tại loài khỉ ở Sơn Trà vẫn ăn được những thức ăn của con người, tuy nhiên theo quan sát bên ngoài thực tế khi khỉ ăn thức ăn đấy có thể bị béo phì và nhiều bệnh khác.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 11

Thay vì vào rừng, những đàn khỉ chỉ quanh quẩn khu vực chùa để chực chờ xin trái cây do du khách mang đến. Nhưng theo quan sát, trái ngược với tự nhiên, trái cây giờ đây lại không phải là món khoái khẩu của đàn khỉ.

Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ nhận định khi con người cho khỉ ăn sẽ làm thay đổi tập tính tự nhiên của khỉ trong việc tìm kiếm thức ăn. Khỉ sẽ không vào trong rừng để kiếm ăn mà nó chỉ muốn được con người cho thức ăn, cuối cùng chúng sẽ trở nên bị thụ động.

Khi người cho khỉ ăn, chúng sẽ quen dần và từ đó vùng sống bị thay đổi, từ trong rừng chúng sẽ chuyển ra sống gần đường và cuối cùng về khu dân cư, gây ảnh hưởng đến đời sống con người.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 12

Không chỉ cho khỉ ăn, một số du khách còn vô tư vứt rác không đúng nơi quy định để khỉ nhặt ăn, uống nước. Điều đáng nói khi uống xong chúng lại ném vương vãi trong sân chùa, bìa rừng làm mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

"Cần phải giám sát và quản lý chặt chẽ hơn nữa tình trạng du khách vô tư vứt rác để khỉ nhặt ăn. Bởi việc này tạo nên hình ảnh không đẹp trên bán đảo Sơn Trà cũng như hoạt động du lịch sinh thái ở đây", chị Thanh Ngọc Trúc kiến nghị.

Tuy nhiên, trước thực trạng không đẹp mắt này, rất đông du khách lại tỏ ra thích thú và hành động vô ý thức. Họ lại gần khỉ quay phim, mang theo thức ăn cho khỉ để dụ khỉ lại gần mà không biết việc này có thể khiến họ bị khỉ tấn công.

Điển hình vào năm 2015, một cá thể khỉ vàng thường xuyên tấn công người tham quan khu vực đỉnh Bàn Cờ. Con khỉ vàng giống đực này thuộc loại khỉ đuôi lợn, thường xuyên bu theo du khách xin thức ăn. Khi du khách đến tiếp cận thì bị tấn công, cào cấu.

Phải mất rất nhiều ngày, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và Trung tâm GreenViet mới bắt được khỉ và đưa vào rừng sâu thả.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 13

Không chỉ cho khỉ ăn, ở khuôn viên ngôi chùa linh thiêng này còn có tình trạng du khách lén vứt bỏ khỉ bệnh tật do nuôi nhốt. Trong hình là một cá thể khỉ mặt đỏ khoảng 2 năm tuổi bị chủ nhân nhẫn tâm vứt ngay dưới bãi giữ xe của chùa.

"Cá thể này bị nuôi nhốt trong một thời gian dài và loài khỉ mặt đỏ không xuất hiện tại Sơn Trà nên việc tái hòa nhập là dường như không thể vì thế cá thể đang bị yếu, đứng trước nguy cơ sẽ chết nếu không được chăm sóc", chị Thành Ngọc Trúc cho hay.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 14

Dù Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã cắm biển lưu ý du khách với nhiều ngôn ngữ, kích thước khác nhau với cùng một thông điệp không cho động vật hoang dã ăn, nhưng nhiều người vẫn cố tình không chú ý.

Anh Trần Văn Minh, chủ một xe bán hàng rong tại bán đảo Sơn Trà, cho biết hàng ngày, anh bán bánh kẹo, nước uống cho các đoàn khách du lịch tham quan tại đây. Sau nhiều lần được cho ăn, nhiều con khỉ đã chủ động chạy xuống đường để xin ăn, giật đồ ăn của du khách, gây mất an toàn giao thông.

"Họ mua bánh kẹo rồi cho khỉ ăn, tôi không bán và nhắc họ rằng đó là hành vi bị cấm nhưng nhiều người vẫn cứ làm", anh Minh nói.

Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 15
Khỉ ở Sơn Trà từ chủ nhà thành kẻ ăn xin - 16

Để hạn chế được tình trạng khỉ ăn rác và nhắc nhở du khách về việc cho khỉ ăn thức ăn của con người, vào thời gian rảnh, chị Thanh Ngọc Trúc thường đến những điểm nóng, dùng đá để chắn miệng thùng rác. 

Ông Phan Minh Hải - Phó Trưởng ban Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho hay, cái khó của vấn đề là việc cho khỉ ăn không có chế tài xử lý.

Giải pháp trước mắt là tuyên truyền và nhắc nhở. Hiện nay, Ban Quản lý cũng có một tổ khoảng 6 người thường xuyên tuần tra dọc đường bán đảo Sơn Trà, khi thấy du khách chơi hoặc cho khỉ ăn thì sẽ nhắc nhở.

Đồng thời Ban Quản lý đã phối hợp với các đơn vị kinh doanh để lắp đặt các biển cảnh báo, biển nghiêm cấm cho động vật hoang dã ăn.

Ban Quản lý cũng đã gửi công văn đề nghị các đơn vị lữ hành, các hãng xe tuyên truyền, khuyến cáo du khách tuyệt đối không dùng thức ăn của mình cho các loài động vật tự nhiên.

Còn về lâu dài, ông Hải cho biết, thành phố đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn viết đề án đánh giá môi trường và vấn đề khỉ hiện nay ở Sơn Trà. Đồng thời đưa giải pháp hạn chế khỉ xuống đường và du khách cho khỉ ăn.