DNews

Giải mã con ngựa giấy khiến ông Tây muốn đưa về nước

Ngọc Tân

(Dân trí) - Một vị khách nước ngoài đã đến Việt Nam, lựa chọn con ngựa giấy cùng nhiều món đồ mang về nước. Ông đã mở ra cuộc thảo luận sôi nổi về giá trị văn hóa của địa phương.

Giải mã con ngựa giấy khiến ông Tây muốn đưa về nước

Hình ảnh con ngựa vàng mã, một trong những vật phẩm để thực hành tín ngưỡng của Việt Nam, bỗng nổi tiếng khắp mạng xã hội sau khi ông Arnaud Zein El Din, một du khách nước ngoài dùng nó làm món quà mang về nước.

Không chỉ chú tâm đến hành động "đáng yêu" của vị khách, nhiều người cũng bàn tán về con ngựa bằng giấy trị giá 100.000 đồng. Theo góc nhìn của chuyên gia văn hóa, con ngựa mang nhiều giá trị hơn là một món vàng mã để đốt.

Nguồn gốc và giá trị

Để rõ hơn về danh tính của con ngựa giấy màu đỏ mà ông Arnaud Zein El Din có mong muốn mang về nước, phóng viên đã liên hệ Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật, Trưởng phòng Trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đồng thời là một chuyên gia về phong tục, tín ngưỡng bản địa Việt Nam.

Giải mã con ngựa giấy khiến ông Tây muốn đưa về nước - 1

Hình ảnh ông Arnaud Zein El Din ôm con ngựa vàng mã tại sân bay Nội Bài được lan truyền trên mạng xã hội.

Nhìn con ngựa trong bức hình khách Tây tại sân bay Nội Bài, TS Vũ Hồng Thuật khẳng định đó là ngựa tiểu - loại ngựa giấy nhỏ nhất trong các dòng ngựa để hiến cúng thần thánh ở Việt Nam.

Theo tín ngưỡng Việt Nam, con ngựa màu đỏ này nằm trong bộ 5 con ngựa với 5 màu khác biệt (xanh, đỏ, tím, vàng và trắng), dùng để hiến cúng thần linh 5 phương (đông, tây, nam, bắc và trung ương).

"Cúng động thổ làm nhà, khai trương cửa hàng, đào huyệt mộ, nhập trạch (về nhà mới)... đều sử dụng ngựa tiểu", ông Thuật chia sẻ và lưu ý thêm rằng ngựa giấy chỉ dùng để cúng thần linh, không bao giờ dùng để cúng ông bà tổ tiên hay người đã khuất. 

Giải mã con ngựa giấy khiến ông Tây muốn đưa về nước - 2

5 con ngựa giấy với 5 màu khác nhau dùng để hiến cúng thần linh.

Xét ở góc độ nghề thủ công, ông Thuật cho biết con ngựa giấy giá trị ở chỗ nó là sản phẩm liên kết giữa nhiều làng nghề. Ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) có làng Song Hồ chuyên bồi giấy, một xã khác trong huyện lại chuyên làm cốt tre. Nguyên liệu tre lại được đóng bè thả trôi sông từ các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc...

"Vẻ đẹp của con ngựa được tạo nên từ các tri thức bản địa như kỹ thuật nấu hồ để dán giấy, kỹ thuật chọn nguyên liệu để đan khuôn hình của con ngựa, kỹ thuật dán giấy... Những kỹ thuật đó đòi hỏi người có tay nghề cao, không phải ai cũng làm được vàng mã", vị chuyên gia phân tích.

Trong xã hội đương đại, giá trị của con ngựa vàng mã thường trở thành chủ đề tranh cãi khi nhìn ở góc độ môi trường và kinh tế. Về mặt môi trường, ông Thuật cho biết việc sản xuất ngựa giấy bằng các nguyên liệu công nghiệp đã khiến quá trình đốt tạo ra lượng khói độc hại, gây ô nhiễm môi trường.

Ở khía cạnh kinh tế, có thể dễ thấy con ngựa tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhóm người chuyên sản xuất và kinh doanh nó. Tuy nhiên, đốt ngựa giấy nói riêng hay vàng mã nói chung cũng là đốt đi một khoản tiền nhất định, gây lãng phí tiền của.

Trải qua thăng trầm lịch sử, biến đổi về chính sách văn hóa, ông Thuật khẳng định đến nay con ngựa giấy vẫn nằm trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, đặc biệt là người Việt ở Bắc Bộ.

"Ông Tây mua con ngựa giá 100.000 đồng. Còn tôi từng mua con ngựa như thế giá chỉ 35.000 đồng. Nhưng có thể nói ông ấy bị mua đắt không? Ở góc độ Nhân học Văn hóa, con ngựa này không thể tính được bằng tiền", ông Thuật nhận định.

Những lần "đi Tây" của ngựa giấy

Chia sẻ với phóng viên, TS Vũ Hồng Thuật đánh giá việc một vị khách Tây mua ngựa vàng mã mang về nước là rất thú vị, nhưng không phải chuyện hiếm.

Trong môi trường làm việc của mình, ông Thuật cũng từng dẫn nhiều chuyên gia nhân học nước ngoài đi mua ngựa giấy, vàng mã tại Việt Nam để mang về nước. Giá trị thẩm mỹ của những món đồ này lọt vào mắt khách Tây một cách tự nhiên.

Lần cho ngựa giấy "xuất ngoại" đáng nhớ nhất với ông Thuật là vào năm 2003. Khi đó, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ muốn đưa vài con ngựa giấy của Việt Nam về Mỹ để trưng bày trong buổi triển lãm Journey of body, mind and spirit (Cuộc hành trình của cơ thể, tâm trí và tinh thần).

Tình huống khi đó cũng trớ trêu. Công ty vận chuyển hàng không từ chối nhận ngựa vàng mã. "Những con ngựa khi đó bị coi là đồ mê tín dị đoan và là nguy cơ gây hỏa hoạn", ông Thuật nhớ lại.

Cuối cùng, ông Thuật và các cộng sự phải đưa những con ngựa giấy sang Mỹ trong container tàu biển.

Giải mã con ngựa giấy khiến ông Tây muốn đưa về nước - 3

Hình ảnh con ngựa giấy cùng nhiều vật phẩm khác của Việt Nam trên poster hướng dẫn tham quan của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ vào năm 2003.

Có mặt tại cuộc triển lãm ở Mỹ, ông Thuật vẫn nhớ hình ảnh con ngựa giấy được đặt trên một bục cao, không đặt dưới đất như trong các nghi lễ của người Việt. Ban tổ chức bên phía Mỹ đã giải thích rằng họ tôn trọng con ngựa. Bên cạnh đó, chức năng sử dụng sản phẩm văn hóa đã thay đổi, từ chỗ thực hành nghi lễ (đốt) sang trưng bày để chiêm ngưỡng (đặt trên bục).

Liên hệ với việc một khách nước ngoài muốn đưa con ngựa giấy về nước, vị chuyên gia đánh giá người này có một hành động tôn trọng văn hóa văn của phương Đông, góp phần thay đổi nhận thức của người Việt Nam về các giá trị văn hóa bản địa.

"Sau việc này, liệu con ngựa giấy có thể trở thành một sản phẩm du lịch, lưu niệm hay không?", Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật để ngỏ câu hỏi.

Giải mã con ngựa giấy khiến ông Tây muốn đưa về nước - 4

Tuy phải để con ngựa giấy ở lại sân bay, ông Arnaud Zein El Din vẫn mang được nhiều vật phẩm đặc trưng khác của Việt Nam về nước (Ảnh: NVCC).