1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giống ngựa vàng mã, nhiều loại hành lý ở Tân Sơn Nhất cũng bị bỏ lại

Tâm Linh

(Dân trí) - Nhân viên làm thủ tục bay ở Tân Sơn Nhất cho biết, khách nước ngoài thường mang theo lựu đạn giả từ TPHCM đi quốc tế nhưng cũng bị yêu cầu bỏ lại.

Sau sự việc con ngựa vàng mã ở Nội Bài, các nhân sự làm trong ngành hàng không cũng chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về hành lý mang lên máy bay.

"Không ít lần tôi gặp trường hợp khách nước ngoài mang lựu đạn giả, súng giả, đầu đạn giả... được làm bằng kim loại trong hành lý", một nhân viên quầy thủ tục mặt đất ở ga quốc tế Tân Sơn Nhất nói với phóng viên Dân trí.

Vật không ngờ bị cấm mang lên máy bay

Nhân viên trên cho biết, các hành khách giải thích rằng đó là những món quà lưu niệm, đồ chơi họ mua tại khu di tích địa đạo Củ Chi hoặc Dinh Độc Lập. Hành khách không ngờ chúng nằm trong danh mục cấm bay.

Quy định các hãng hàng không (gồm 4 hãng hàng không của Việt Nam) thường cấm mang lên máy bay vật dụng đồ chơi giống vũ khí thật như súng, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, vỏ đạn, các vật được chế tác từ vỏ đạn.

Giống ngựa vàng mã, nhiều loại hành lý ở Tân Sơn Nhất cũng bị bỏ lại - 1

Một đoạn trong quy định hành lý xách tay của hãng hàng không Vietnam Airlines (Ảnh: VNA).

Tùy hãng hoặc hành trình đến quốc gia khác, những vật trên sẽ không được phép mang theo dưới dạng hành lý xách tay hoặc mang trên người, thậm chí phải bỏ lại sân bay nước sở tại.

Ví dụ, Hàn Quốc, Nhật Bản cấm mang ruốc (chà bông), xúc xích, nem chua, đồ sống; các nước theo Hồi giáo cấm mang các sản phẩm từ thịt heo... Những thứ này sẽ bị giữ lại sân bay nơi hành khách đi, hoặc nếu được mang lên máy bay cũng sẽ không được nhập cảnh.

"Từng có hành khách mang đầu heo tươi đóng thùng xốp rất kỹ gửi hành lý theo dạng ký gửi. Chuyến của người đó sang Dubai, nên tôi buộc phải yêu cầu khách bỏ lại", nhân viên thủ tục mặt đất hãng Emirates kể lại.

Quay lại chuyện mang đồ vàng mã, Trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, vật dụng trên có thể bị từ chối do kích thước hành lý xách tay to quá, hoặc do tiếp viên hàng không nhận ra nó là vật phẩm tâm linh, có thể khiến các hành khách khác sợ hãi, không thoải mái.

Giống ngựa vàng mã, nhiều loại hành lý ở Tân Sơn Nhất cũng bị bỏ lại - 2

Khách Tây ở Nội Bài không đóng gói hành lý con ngựa vàng mã (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nữ tiếp viên của một hãng hàng không Việt Nam có kinh nghiệm 4 năm bay nội địa lẫn quốc tế nêu quan điểm, bản thân cô không ngại các vật phẩm tâm linh trên chuyến bay.

"Không có quy định nào cấm mang những vật phẩm tâm linh lên máy bay. Trừ khi có khách nào trên chuyến bay không đồng ý, có hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh chuyến bay, thì chúng tôi phải trao đổi lại với khách hoặc hãng sẽ xem xét làm việc lại", nữ tiếp viên này nói.

Cô cũng nhắc đến trường hợp hành khách vẫn mang theo tro cốt hay ảnh thờ của người thân lên máy bay. Trong trường hợp này, thông thường tiếp viên sẽ khéo léo trấn an nếu hành khách khác lo lắng.

Anh Dương, phi công một hãng hàng không ở Việt Nam, cũng đồng quan điểm trên là không ngại vấn đề tinh thần. "Chúng tôi tập trung làm việc theo quy trình kỹ thuật, được đào tạo chuyên nghiệp, sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố mê tín dị đoan", anh Dương khẳng định.

Theo gợi ý của phi công, nếu biết đó là vật mang tính tâm linh, hành khách có thể đóng gói kín đáo hơn để tránh người khác nhìn thấy, miễn là đúng quy định hàng không.

Một kiện hành lý sai quy định có thể làm chậm chuyến bay

Mỗi hãng hàng không có chính sách khác nhau về kích thước, trọng lượng hành lý, đồ bị cấm đựng trong hành lý ký gửi, cấm xách tay mang lên máy bay. Hành lý của khách từng hạng dịch vụ (thương gia, phổ thông), tùy hành trình (nội địa, quốc tế) cũng có tiêu chuẩn riêng.

"Khách phải tự bảo quản hành lý xách tay của mình. Tiếp viên hay hãng bay sẽ không chịu trách nhiệm về hư hỏng của hành lý đó", một nữ tiếp viên hàng không nói.

Giống ngựa vàng mã, nhiều loại hành lý ở Tân Sơn Nhất cũng bị bỏ lại - 3

Hộc hành lý xách tay giới hạn về trọng lượng và kích thước tùy theo loại tàu bay nên việc tuân thủ quy định về hành lý rất quan trọng (Ảnh minh họa: Traveller)

Tiếp viên sẽ chỉ hỗ trợ nếu hành khách không đủ khả năng đưa kiện hành lý vào hộc trên ghế ngồi, nhất là khách lớn tuổi, mang thai hoặc trẻ nhỏ, ngay cả đối với khách hạng thương gia.

Ngoài ra, nữ tiếp viên cũng cho hay, khoang hành lý trên máy bay vào nhiều thời điểm không đảm bảo chứa đủ hành lý cho tất cả hành khách trên chuyến. Ví dụ 170 khách thì không phải hộc hành lý sẽ vừa chỗ cho 170 vali, vì trên hộc còn có những thiết bị an toàn bay khác dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Do đó, nếu trên tàu bay đã đầy hành lý, tiếp viên có quyền yêu cầu bộ phận mặt đất chuyển bớt hành lý xách tay xuống dưới hầm hàng của máy bay (offload). Trước khi chuyển hành lý, khách được yêu cầu giữ lại đồ có giá trị, tiền bạc, pin sạc dự phòng...

"Trường hợp trên hay xảy ra lắm, nhất là vào dịp cao điểm lễ, Tết. Đó cũng là lý do hãng bay yêu cầu bộ phận làm thủ tục mặt đất siết chặt cân nặng, kích thước và đồ quy định trong hành lý, để tránh phải offload khiến tiếp viên thêm việc và mất thời gian ảnh hưởng đến giờ cất cánh", nữ tiếp viên chia sẻ.

Giống ngựa vàng mã, nhiều loại hành lý ở Tân Sơn Nhất cũng bị bỏ lại - 4

Sau khi qua kiểm tra thủ tục an ninh, hành khách đến khu vực soi chiếu hành lý xách tay (Ảnh: Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất).

Một nhân viên an ninh soi chiếu tại Tân Sơn Nhất cho biết, mỗi nhà ga sân bay có vị trí và quy trình kiểm tra hành lý khác nhau.

Tại nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, sau khi hành khách làm thủ tục gửi hành lý, sẽ được hướng dẫn đến vị trí soi chiếu, quan sát qua màn hình xem hành lý của mình có được qua hay chưa. Nếu hành lý bị giữ lại kiểm tra, nhân viên an ninh sẽ hỏi hành khách có mặt tại chỗ để giải quyết luôn.

Còn tại nhà ga không có vị trí để khách theo dõi hành lý ký gửi qua bộ phận soi chiếu, nếu có vấn đề gì, khách sẽ được giữ lại tại khu vực kiểm tra an ninh hoặc cửa ra máy bay để xuống giải quyết hành lý.

"Nhiều hành khách chủ quan trong khâu gửi hành lý, như để quá cân nặng, thừa kích thước hoặc không chú ý vật bị cấm mang. Khi bị giữ lại kiểm tra sẽ mất thời gian dây chuyền cho một loạt bộ phận vận hành của chuyến bay và cho chính hành khách đó", nhân viên an ninh soi chiếu giải thích.

Các nhân sự trong ngành hàng không nói trên cũng chia sẻ, từ trải nghiệm công việc của mình họ luôn khuyên người nhà, người thân tuân theo quy định khi đi máy bay, để góp phần giúp chuyến bay suôn sẻ, nhanh chóng và thoải mái cho chính bản thân họ.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền bức ảnh ông Arnaud Zein El Din, một hành khách ngoại quốc, ôm con ngựa vàng mã đứng tại sân bay Nội Bài. 

Theo lời ông Arnaud nói với Dân trí, ông đã bị từ chối mang con ngựa lên máy bay ngay tại quầy làm thủ tục của hãng hàng không. Tuy nhiên, ông vẫn có thể mang con ngựa qua cửa soi chiếu an ninh mà không bị từ chối.

Đến khi bước vào máy bay, nhân viên của hãng hàng không đã chặn lại, kiên quyết không cho ông Arnaud mang con ngựa giấy vào máy bay. 

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, danh mục các vật phẩm cấm mang lên máy bay do Cục Hàng không ban hành không bao gồm đồ vàng mã. Do đó, con ngựa giấy đã qua được cửa soi chiếu an ninh.

"Lực lượng an ninh soi chiếu không quan tâm đến hình thức hàng hóa, chỉ quan tâm việc phát hiện các đồ vật nguy hiểm, có thể được sử dụng cho hành vi can thiệp trái phép vào hoạt động hàng không", ông Hùng giải thích.