PhotoNews

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM

Thực hiện: Nam Anh

(Dân trí) - Căn hầm ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM từng là nơi hoạt động, ẩn nấp của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 1

Đình Phong Phú, tọa lạc tại TP Thủ Đức, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, là nơi thờ Thành Hoàng theo tục thờ thần của người Việt.

Đình được thiết kế theo phong cách truyền thống của miền Nam, với các hạng mục chính như cổng tam quan, võ ca, tiền điện, chánh điện. Năm 1993, đình Phong Phú được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 2

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, anh hùng Nguyễn Văn Bá đã đào căn hầm bí mật ngụy trang ngay trong phòng tắm của Đình Phong Phú để phục vụ cách mạng.

Căn hầm này là cơ sở để các chiến sĩ bám trụ hoạt động cách mạng, chứa lương thực, thực phẩm, tiền bạc, vũ khí và thuốc nổ cho lực lượng vũ trang và huyện ủy Thủ Đức.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 3

Miệng hầm hình tròn, đường kính khoảng 50cm, có bậc thang đi xuống, trước kia được ngụy trang thành miệng cống nhà tắm, chỉ đủ một người lớn chui lọt.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 4

Đường hầm dài gần 100m, rộng chừng nửa mét, vừa đủ để một người di chuyển. Hiện hầm đã được lắp đèn, quạt thông gió nên việc đi lại khá dễ dàng so với trước kia.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 5
Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 6

Cứ cách vài mét, hầm lại có một lỗ thông hơi nhỏ lên mặt đất, ngụy trang bằng các ụ mối. Ngày nay, những ụ mối này đã được xây dựng lại bằng xi măng kiên cố hơn.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 7

Dọc thành hầm được trang bị những chiếc móc sắt để những chiến sĩ mắc võng nghỉ ngơi khi trú ẩn.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 8

Ở giữa đường hầm có khu vực rộng chừng 2m2, dùng để nghỉ ngơi, họp bí mật hoặc cất giữ vũ khí.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 9

"Tôi rất khâm phục về những điều mà ông cha ta ngày xưa đã làm để giành lại độc lập cho đất nước ngày hôm nay. Tôi luôn căn dặn con cháu phải học cách trân trọng, biết ơn về những đóng góp to lớn của những thế hệ đi trước", bà Đào Thị Yến (70 tuổi) chia sẻ.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 10

Lối thoát của đường hầm dẫn ra khu rừng cây rậm rạp, cách đình khoảng 100m.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 11

Qua nhiều lần tu sửa, ngôi chánh điện của đình vẫn giữ nguyên nét cổ kính vốn có, mang đậm bản sắc của những ngôi đình Nam Bộ xưa.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 12

Trong khuôn viên đình Phong Phú còn có nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Bà Nguyễn Thị Súng (73 tuổi), con đầu của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bá, từng làm giao liên cho các chiến sĩ cách mạng khu vực đình Phong Phú.

Trải qua hơn 60 năm, bà Súng vẫn nhớ rõ những kỷ niệm ngày còn cùng cha tham gia cách mạng. "Tôi vẫn nhớ in nguyên mọi thứ hồi đó, mới 12-13 tuổi nhưng chẳng biết sợ là gì. Cứ được giao nhiệm vụ thì phải gắng hoàn thành cho bằng được", bà Súng kể lại.

Đường hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi đình cổ ở TPHCM - 13

Đình Phong Phú nằm trên khu đất rộng hơn 4 hecta, bao quanh bởi hàng trăm cây dầu từ lâu đời.

Cứ vào Rằm tháng 11 hằng năm, Đình Phong Phú sẽ tổ chức lễ Kỳ Yên để tế thần Thành Hoàng, một trong những nét đặc trưng của những ngôi đình ở miền Nam.