Dự án đường Vành đai 3 TPHCM trước ngày khởi công
(Dân trí) - Dự án Vành đai 3 TPHCM đạt kỳ tích trong một năm chuẩn bị khởi công. Sau đó, dự án còn nhiều thách thức cần thực hiện để đưa vào hoạt động vào năm 2025, đáp ứng sự mong chờ của gần 20 triệu người dân.
"Lại đỏ rồi", một tài xế xe công nghệ thở dài thốt lên, nhìn vào bản đồ trực tuyến, đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) đang hiển thị màu đỏ, thể hiện giao thông rất ùn ứ.
Đó chỉ là một trong nhiều tuyến đường thuộc các cửa ngõ TPHCM đang ùn tắc mỗi ngày, do xe liên tỉnh vẫn phải quá cảnh vào TPHCM. Xe trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa đều đang chạy vào đường đô thị chung với xe máy, gây ra kẹt xe và nguy cơ tai nạn cao.
Người dân, cánh tài xế thường xuyên đi qua các tuyến đường "đỏ" này luôn trông mong về một lối đi khác có thể giải quyết tình trạng trên. Họ đặt kỳ vọng vào tuyến Vành đai 3 TPHCM, dự án trọng điểm được khởi công vào ngày 18/6 sau một năm chạy nước rút chuẩn bị.
Vành đai giảm tải giao thông vùng
Tại TPHCM nói riêng, hạ tầng giao thông đi các tỉnh đang bị quá tải, dẫn đến nhiều tuyến đường phải cấm xe lớn, tài xế "chầu chực" để vào hoặc ra khỏi thành phố, mất thời gian.
Hiện trạng trên là điểm nghẽn giao thông của TPHCM, nếu có một đường vành đai ngoại ô kết nối các địa phương, thì hành trình chở hàng sẽ được rút ngắn cả về khoảng cách lẫn thời gian.
Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc tạo liên kết cho cả vùng, gồm: TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Chơn Thành.
"Những tài xế chở hàng hay lúa gạo từ miền Tây có thể đi thẳng đến Đồng Nai, Bình Dương lên Tây Nguyên hoặc ra Bắc mà không cần "chui vào" quốc lộ 1 vào TPHCM", một tài xế xe tải biển số 71 (tỉnh Bến Tre) chia sẻ với phóng viên về cung đường tương lai.
Chưa có Vành đai 3, giao thông giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, miền Bắc, Trung và Tây Nguyên phần lớn phải đi qua quốc lộ 1 xuyên tâm TPHCM, hoặc cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi cao điểm hoặc có sự cố, đến cao tốc cũng kẹt xe.
Mặt khác, dự án này đi qua nhiều đô thị của TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, thêm tỉnh Long An, trong đó có nhiều khu dân cư, khu công nghiệp… với tổng dân số khoảng 18 triệu dân (theo kết quả điều tra dân số của Cục Thống kê năm 2019).
Riêng tại TPHCM có số dân hơn 8,9 triệu người, song, thực tế lên đến khoảng 13 triệu, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư tạm trú ngắn hạn và vãng lai. Tốc độ tăng dân số rất cao, bình quân mỗi 5 năm tăng thêm khoảng 1 triệu người.
Với áp lực dân số tăng lên đồng thời số lượng phương tiện giao thông cũng tăng, trong khi đất dành cho giao thông không thể nới rộng, hạ tầng giao thông ở các đô thị nhất là trong nội đô TPHCM ngày càng quá tải.
Tại cuộc họp báo trước thềm khởi công Vành đai 3 vào ngày 15/6, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư), tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu của dự án Vành đai 3.
Công trình sẽ giúp tình trạng giao thông vùng được cải thiện, góp phần giảm ùn tắc, hình thành các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí vận tải.
Dự án đường Vành đai 3 dài 76,34 km, đi qua 4 địa phương: TPHCM (47,51km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km) và Long An (6,81km).
Theo quy hoạch, dự án dài tới 92km, trong đó đã khai thác đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn qua tỉnh Bình Dương dài 15,3km đi cùng tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu.
Hơn 76km còn lại được khởi công tới đây cùng với đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang xây dựng đạt 80%) sẽ nối liền vành đai, tạo tuyến giao thông xuyên suốt bao quanh TPHCM.
Một năm chạy nước rút
Ngày 16/6/2022, vừa trải qua đại dịch Covid-19, trong tình hình rất khẩn trương Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TPHCM.
UBND TPHCM được giao chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Sau đó gần 7 tháng, TPHCM đã hoàn thành mức cơ bản công tác thu hồi đất bàn giao mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đạt 83%) cho 410,5ha mặt bằng.
Ông Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên TPHCM thực hiện dự án giao thông có khối lượng về mặt bằng lớn như vậy.
"Chúng ta đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng và đảm bảo khởi công dự án Vành đai 3 đoạn qua TPHCM đúng tiến độ đề ra sau một năm", Trưởng Ban Giao thông TPHCM phấn khởi báo cáo.
Theo báo cáo tiến độ đến ngày 15/6, dự án đoạn qua TPHCM đã thu hồi 356ha mặt bằng (đạt khoảng 87%), vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, huyện Hóc Môn đạt tỷ lệ thu hồi cao nhất 94/98,9ha (đạt khoảng 95%), kế đó đến huyện Bình Chánh 134,3/145,9ha (đạt khoảng 92%), huyện Củ Chi 54,2/65,3ha (đạt khoảng 83%) và TP Thủ Đức đã thu hồi 72,8/99,8ha (đạt khoảng 73%).
Các địa phương còn lại cũng chạy nước rút để đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ. Tỉnh Đồng Nai dự kiến hoàn tất các điều kiện khởi công dự án trong tháng 7. Tỉnh Bình Dương đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, chuẩn bị mặt bằng, dự kiến hoàn thành ngày 25/6, hoàn tất các thủ tục liên quan phục vụ khởi công trong tháng 6. Với mặt bằng nhỏ nhất, tỉnh Long An cũng sẽ hoàn tất các thủ tục khởi công vào ngày 18/6, lễ động thổ dự kiến tổ chức từ ngày 25-30/6.
Để đạt được kết quả trên, ông Lương Minh Phúc đề cập đến nhiều yếu tố. Trong đó, phía Trung ương đã dành cơ chế dành tốt cho thành phố, chính quyền các địa phương cũng quan tâm đồng hành, ủng hộ, chỉ đạo đôn đốc đã giúp TPHCM đạt kỳ tích về tốc độ.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua đã cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu về tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Đồng thời, nhà thầu thi công cũng không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho đến khi hoàn thành dự án.
"Bên cạnh cơ chế tốt, chúng tôi phải làm song song và tranh thủ từng phút từng giờ, để hoàn thành sớm nhất có thể từng đầu việc. Bản thân tôi rất trân trọng đội ngũ nhân sự ở sở, ban, ngành, địa phương đã làm việc bất kể ngày đêm, không nghỉ lễ cho công tác chuẩn bị", ông Phúc chia sẻ.
Tiếp đó, theo Ban Giao thông, mức kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các đơn giá đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 được áp dụng tại thời điểm năm 2022, tiệm cận giá thị trường.
Ngoài yếu tố mức bồi thường cao, các địa phương cũng sát sao vận động và quan tâm người dân ở nhiều mặt như: dành quỹ đất với hạ tầng hoàn thiện để bố trí tái định cư; tư vấn người dân sử dụng tiền đền bù; tặng bản vẽ thiết kế nhà mới và hỗ trợ di dời chuyển nhà cho người dân... Tất cả tạo nên sự đồng thuận của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.
Dự án đường Vành đai 3 đi qua TPHCM ảnh hưởng gần 1.700 hộ dân (556 trường hợp ở TP Thủ Đức; 408 trường hợp huyện Củ Chi; huyện Bình Chánh 393 trường hợp và 332 trường hợp huyện Hóc Môn).
Tỉnh Đồng Nai có hơn có trên 1.340 hộ bị ảnh hưởng, đến nay có thể tiến hành bố trí các khu tái định cư cho người dân.
Đoạn qua tỉnh Bình Dương ảnh hưởng khoảng 1.500 trường hợp. Các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An đang tích cực chi tiền bồi thường, hỗ trợ và nhận bàn giao mặt bằng từ người dân.
Còn tại Long An đã có 380/395 hộ được chi trả tiền bồi thường, đạt mức 96,2% tính đến 13/6.
Sau ngày khởi công
Theo đại diện chủ đầu tư, dự án vẫn giữ đúng mục tiêu phấn đấu cuối năm 2025 cơ bản thông xe đường cao tốc, năm 2026 sẽ có đường song hành và hệ thống giao thông xung quanh.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cho rằng, tiến đến ngày khởi công chỉ là bước đầu, sau đó còn nhiều thách thức cũng như nhiệm vụ phải tập trung thực hiện.
Thứ nhất, việc tổ chức thi công đồng loạt ở các địa phương phải đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật, an toàn trật tự cũng như vệ sinh môi trường, đặc biệt hạn chế ảnh hưởng đến giao thông hiện hữu và sinh hoạt của người dân.
Việc giải phóng mặt bằng vẫn còn dù ít, các địa phương cần phải giải quyết xong 100% trước ngày 31/12.
Đối với công tác bồi trường, các trường hợp nhà đất mua bán bằng giấy tay sau ngày 1/7/2004 đến trước 16/6/2022 vẫn được xem xét bồi thường, mức giá bồi thường sẽ được căn cứ vào nguồn gốc và quá trình sử dụng của từng hồ sơ để xem xét. Còn các trường hợp trước ngày 1/7/2004 thì đương nhiên sẽ được bồi thường nguyên trạng.
Với vai trò điều phối, TPHCM cần đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Quan trọng nhất là nguồn cung vật liệu. Trong bối cảnh cả miền Nam làm cao tốc, thì Vành đai 3 cần nắm chắc cơ hội có được nguồn vật liệu đáp ứng không bị gián đoạn trong quá trình thi công.
Ban Giao thông báo cáo, toàn dự án cần khoảng 1,5 triệu m3 cát xây dựng; 4,4 triệu m3 đất và 1,6 triệu m3 đá xây dựng. 3 loại vật liệu này đã có danh sách mỏ khai thác tại các địa phương với trữ lượng được cam kết cung cấp trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hiện đơn vị đã chuẩn bị khoảng 80% nhu cầu dự án.
Thách thức lớn nhất là về nguồn cát san lấp, dự án cần 7,2 triệu m3 cát (năm 2023 cần 2,1 triệu m3; năm 2024 cần 3,2 triệu m3 và 1,4 triệu khối còn lại cần trong năm 2025). Chủ đầu tư sẽ tiếp tục tính toán và làm việc với các địa phương để có thêm nguồn vật liệu dự phòng để đảm bảo liên tục quá trình triển khai.
Nói về dự án, ông Lương Minh Phúc bày tỏ sự xúc động: "Tôi có niềm tin hoàn thành dự án đúng kế hoạch. Và mong từ dự án này sẽ tạo tiền lệ về một cách làm mới, tạo một "phong cách Vành đai 3" để lan tỏa cho các dự án giao thông trong tương lai".
Cuối buổi họp trước ngày khởi công, ông Phúc trích một câu của nhà thơ Bằng Việt: Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai. Qua đó, Trưởng Ban Giao thông TPHCM bày tỏ mong muốn Vành đai 3 sẽ trở thành và góp phần vào "cả thế hệ gánh thành phố trên vai".
Nội dung: Tâm Linh
Ảnh: Trần Đạt, Hoàng Bình, Thành Nhân, Ban Giao thông
Đồ họa: Ngà Trịnh