DNews

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: "Tháo gỡ khó khăn cho báo chí là cấp thiết"

Hoài Thu Võ Văn Thành

(Dân trí) - Nhấn mạnh sự phát triển của báo chí đồng hành với sự phát triển của đất nước, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho rằng các cơ quan quản lý cần tháo gỡ khó khăn, ách tắc để tạo đà cho báo chí phát triển.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: "Tháo gỡ khó khăn cho báo chí là cấp thiết"

Xem xét tổng thể những khó khăn báo chí đang phải đối mặt; đề xuất chính sách ưu đãi về thuế, về cơ chế cho hoạt động báo chí; đẩy mạnh truyền thông chính sách, nâng cao vai trò, vị thế của báo chí… là những nội dung được PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề cập trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí.

"Báo chí phải lấy lại những phần đã mất"

Thưa ông, kinh tế báo chí góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay hoạt động kinh tế báo chí gặp rất nhiều khó khăn. Từ góc độ một đại biểu Quốc hội và cũng là một người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Nói về kinh tế báo chí, cần xem xét ở nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, các sản phẩm báo chí tạm gọi là hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khi đến với công chúng được đón nhận thế nào? Nguồn thu từ sự chi trả trực tiếp của công chúng có đảm bảo cho báo chí hoạt động ổn định không?

Những năm gần đây, báo in rõ ràng đã giảm lượng phát hành. Còn các kênh truyền hình, đặc biệt truyền hình địa phương hoạt động theo hướng tự chủ, cũng đang gặp khó. Nhà nước không cấp ngân sách mà thực hiện đặt hàng, nhưng những yếu tố như định mức, đơn giá chậm ban hành hoặc mức ban hành quá thấp, cũng sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của báo chí.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Tháo gỡ khó khăn cho báo chí là cấp thiết - 1

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trả lời phỏng vấn của báo Dân trí (Ảnh: Mạnh Quân).

Nguồn thứ hai là quảng cáo. Các nền tảng mạng xã hội được hưởng lợi nhiều từ việc khai thác thông tin báo chí. Chủ thể các sản phẩm thông tin là báo chí, nhưng công chúng lại tiếp cận qua mạng xã hội và quảng cáo chảy về nền tảng đó. Đây là một thách thức lớn cho những người làm báo về cả công nghệ và phương thức làm báo.

Quảng cáo chạy sang mạng xã hội có nghĩa là tư duy quảng cáo trên báo chí truyền thống đã không còn đất sống, báo chí phải thay đổi. Thay đổi về công nghệ, về tư duy làm báo, hiểu thấu và thu hút công chúng trên các nền tảng số nhưng phải làm tốt nhiệm vụ công tác tư tưởng.

Báo chí muốn thu hút được công chúng trên mạng xã hội thì phải điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, súc tích, ấn tượng, không thể quá dài dòng. Kiểu như ra sân chơi thể thao mà vẫn comple, cà vạt thì rất vướng víu. Tất nhiên những đổi mới như thế này phải được cân nhắc, thống nhất, thực hiện đồng bộ mới tạo ra hiệu quả.

Bên cạnh đó, tổ chức sự kiện và các hoạt động xã hội khác cũng đem lại nguồn thu nhưng cần cân đối mức độ và thế mạnh của từng cơ quan báo chí.

Như ông đã phân tích, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu khi các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi phần lớn doanh thu của báo chí chính thống. Báo chí cần đổi mới như thế nào trong bối cảnh kinh tế số và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thưa ông?

- Báo chí có thế mạnh là nắm được nguồn thông tin, và nguồn thông tin ấy của báo chí phải được chi trả xứng đáng. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube… đang lấy đi 70% doanh thu quảng cáo của báo chí. Báo chí phải lấy lại những phần đã mất của mình. Nếu tất cả báo chí không cho phép mạng xã hội khai thác lại thì sẽ thế nào? Vấn đề bản quyền, cơ chế luật pháp, vai trò của các hội nghề nghiệp phải thể hiện rõ ở đây.

Quan trọng hơn và lâu dài hơn, báo chí phải đổi mới chính mình để tiếp cận được công chúng vì sự chi trả từ công chúng là sự chi trả bền vững, phải giữ được nền tảng tài chính đó.

Báo chí phải đổi mới để tăng sự cạnh tranh, và đặc biệt, báo chí giữ được giá trị cốt lõi của mình, đấy là nói lên sự thật.

Thực tế, mạng xã hội có nhiều thông tin được đưa rất nhanh, rất hấp dẫn, nhưng vì không qua kiểm chứng, không cần tính tới tác động xã hội, do đó có rất nhiều thông tin thất thiệt. Báo chí phản ánh chính xác, kịp thời, đúng bản chất sự việc sẽ tạo được niềm tin và giữ vững khả năng cạnh tranh.

Trước đây chưa có mạng xã hội, công chúng chỉ tiếp cận thông tin qua báo chí, việc chỉ đạo, định hướng thông tin trực tiếp thuận lợi hơn.

Còn bây giờ, với sự cạnh tranh của các nền tảng mạng xã hội, nhiều tình huống phải xử lý ngay, thông tin phải đưa ngay mới hiệu quả, chần chừ là mất trận địa.

Có những nguyên tắc chung, nhà báo phải tuân thủ quy định chứ không thể "xé rào, nhưng đồng thời chúng ta phải xem xét, khắc phục tình trạng "thông tin trên mạng xã hội tràn ngập mà báo chí vẫn im lặng".

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Tháo gỡ khó khăn cho báo chí là cấp thiết - 2
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Tháo gỡ khó khăn cho báo chí là cấp thiết - 3
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Tháo gỡ khó khăn cho báo chí là cấp thiết - 4

Truyền thông chính sách phải có phản biện

Một nhiệm vụ chính trị quan trọng và cũng đem lại nguồn thu cho báo chí là đẩy mạnh truyền thông chính sách. Tuy nhiên lâu nay việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách còn hạn chế. Theo ông cần làm gì để thực hiện tốt hơn công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới?

- Chỉ thị số 7 của Thủ tướng về tăng cường công tác truyền thông chính sách và hội nghị truyền thông chính sách do Thủ tướng chủ trì năm 2022 đã tạo sự thay đổi rất lớn khi chỉ rõ truyền thông chính sách là nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước.

Các cơ quan phải có con người và ngân sách để làm nhiệm vụ đó. Và báo chí là cơ quan phối hợp thực hiện truyền thông chính sách.

Tuy nhiên, trong một cơ quan lớn, một Bộ, ngành, nếu chỉ có một vài người làm truyền thông sẽ không giải quyết được vấn đề. Mấu chốt còn nằm ở chỗ lãnh đạo cơ quan đó phải quan tâm thúc đẩy và thấu hiểu vai trò của truyền thông.

Thứ hai, phải xem ngân sách đã đủ chưa và bố trí thế nào cho đủ, đặc biệt định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá phải kịp thời, đúng mức, phù hợp.

Thứ ba là cách đặt hàng, cần phải có sự thay đổi. Nếu cứ trả tiền theo số lượng bài như lâu nay liệu có hiệu quả?

Trong chuyển đổi nhận thức về vấn đề này, cần xác định chỉ cần một tác phẩm có chất lượng, đúng thời điểm, đúng đối tượng, sẽ giá trị hơn cả chục, cả trăm bài báo mà không tạo được sự chuyển động của xã hội.

Thực tế lâu nay, nhiều cơ quan "ngại" báo chí không viết đầy đủ về mình nên có tư duy ôm đồm, tự viết bài rồi gửi sang nhiều báo. Nếu là bài chuyên môn sâu thì còn có lý nhưng nhiều bài viết rất chung chung, không có hồn vía, đăng trên nhiều báo nên khó tạo tính lan tỏa.

Đặc biệt, truyền thông chính sách phải có phản biện, phát hiện ách tắc để điều chỉnh. Khi báo chí nói được sự thật, kể cả những "sự thật mất lòng" công chúng sẽ tìm đến báo chí nhiều hơn, và chính sách cũng đến với công chúng hiệu quả hơn.

Tôi nhớ cuối những năm 90, báo Sức khỏe và Đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế)  được Bộ trưởng Y tế Đỗ Nguyên Phương "đặt hàng" các bài viết phê bình những yếu kém của ngành y.

Lúc đó, ngành y đang rất khó khăn, thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế, chất lượng phục vụ hạn chế… Vì vậy, Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương xác định phải "chữa bệnh từ trong nhà", và việc đó thực sự đã đem lại hiệu quả.

Suy cho cùng, đó cũng là tự phê bình và phê bình theo quan điểm của Đảng, đồng thời truyền thông chính sách chủ động, linh hoạt, từ thực tiễn cuộc sống, để chính sách tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Tạo cơ chế cho báo chí phát triển

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó quy định mức thuế suất với các cơ quan báo chí, bao gồm cả quảng cáo trên báo là 15% (giảm 5% so với hiện hành); riêng với báo in, mức thuế tiếp tục được đề xuất áp dụng là 10%. Mức 15% được cho vẫn chưa hợp lý trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn, hơn nữa sự chênh lệch về thuế suất giữa báo điện tử và báo in là không có cơ sở vì chi phí cho báo điện tử cũng rất lớn. Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

- Điều chỉnh chính sách thuế là vấn đề rất thận trọng vì việc này tác động rộng, phải đảm bảo tính công bằng. Nhưng rõ ràng với khó khăn của báo chí hiện nay, đã đến lúc không thể trì hoãn việc xem xét giảm thuế cho báo chí.

Có người nói rằng, khi yêu cầu cống hiến thì nói báo chí là đơn vị sự nghiệp, khi cần thu thuế lại áp báo chí như doanh nghiệp là không công bằng.

Ý kiến đó cũng có những khía cạnh phải bàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ không thể coi báo chí như doanh nghiệp đơn thuần mà phải đặt nó đúng vai trò và giá trị cống hiến cho xã hội. Từ chiến tranh đến quá trình bảo vệ Tổ quốc, sự động viên của báo chí tới toàn dân là rất lớn để "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", giúp cả nước hừng hực khí thế ra trận.

Khi xây dựng đất nước, cũng chính báo chí phát hiện ra những ách tắc về chính sách, từ đó góp phần thúc đẩy khoán 100 rồi khoán 10 trong nông nghiệp, tháo gỡ những nút thắt "đóng đinh trong đầu" về tư duy kinh tế. Báo chí cũng chống tiêu cực, phát hiện tấm gương tốt để cổ vũ, động viên cả xã hội.

Báo chí cần có sự ưu đãi hợp lý. Sự ưu đãi đó không chỉ dành cho báo chí và người làm báo vì báo chí phát triển là phù hợp với lợi ích chung của xã hội, đồng thời đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng: báo chí giữ vai trò xung kích trên mặt trận công tác tư tưởng.

Vừa qua Quốc hội đã xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Báo chí được xem là loại hình văn hóa đặc biệt, vì vậy nhiều ý kiến cho rằng nên được quan tâm đúng mức để xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Theo ông, vấn đề này nên được nhìn nhận như thế nào?

- Báo chí cũng là một sản phẩm văn hóa, cần được quan tâm đúng mức. Trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét có nội dung truyền thông về văn hóa, đó cũng là cách hỗ trợ báo chí.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Tháo gỡ khó khăn cho báo chí là cấp thiết - 5

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh cần tạo cơ chế cho báo chí phát triển (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhưng đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho báo chí chỉ là một phần, quan trọng hơn phải tạo được cơ chế cho báo chí phát triển.

Chúng ta coi báo chí là sản phẩm văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu. Vậy báo chí cũng phải làm sao để hấp dẫn công chúng, vì đã là món ăn bên cạnh giá trị bổ dưỡng thì phải ngon, phải hấp dẫn. Nhưng hấp dẫn không phải bằng cách giật gân câu khách mà phải bằng giá trị thông tin.

Báo chí nếu có thể đáp ứng nhu cầu của công chúng sẽ nhận lại sự chi trả của công chúng bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đó là nguồn thu bền vững nhất.

Sang năm, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Phải có cơ chế để người làm báo yên tâm cống hiến, tự hào làm nghề đúng nghĩa, đồng hành và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.

Xin cảm ơn ông!