DNews

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác

Thanh Tùng

(Dân trí) - Mỗi khi nhắc lại thời khắc thiêng liêng đưa cây luồng ra Lăng Bác trồng, ông Lê Ngọc Yền (xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) lại bồi hồi, xúc động xen lẫn niềm tự hào.

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác

Niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ

Ông Lê Ngọc Yền năm nay 77 tuổi. Ông sinh ra ở xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh - vùng đất được mệnh danh thủ phủ tre, luồng của tỉnh Thanh Hóa.

Trong suốt hàng chục năm gắn bó với cây luồng, ông Yền trải qua không ít những kỷ niệm với loại "cây trăm đốt" mang đậm nét văn hóa của làng quê Việt Nam. Ông Yền chia sẻ, ông nhớ nhất kỷ niệm ngày những khóm luồng của gia đình được lựa chọn đưa ra Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng.

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác - 1

Ông Lê Ngọc Yền, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh bên rừng luồng của gia đình (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đó là kỷ niệm đáng nhớ, là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ và vùng quê huyện Lang Chánh", ông Yền chia sẻ.

Ông kể, từ những ngày đầu xây dựng Lăng Bác, luồng Lang Chánh đã được lựa chọn đưa ra trồng ở khuôn viên Lăng. Đến năm 2014, do những cây luồng tại đây đã hết tuổi sinh trưởng, cằn cỗi, nên các bộ, ngành, trung ương lên phương án khảo sát, tìm luồng mới về trồng thay thế.

Lúc bấy giờ, rừng luồng của gia đình ông Yền và 2 hộ dân khác trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh được lựa chọn để khảo sát.

Khi biết tin những cây luồng của gia đình được lựa chọn, ông Yền rất bất ngờ. Dẫn chúng tôi ra khoảnh đồi phía sau nhà, ông Yền nhớ như in vị trí từng khóm luồng được đào lên để đưa ra Lăng Bác Hồ.

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác - 2

Vị trí những khóm luồng của gia đình ông Yền được đào lên, đưa ra Lăng Bác (Ảnh: Thanh Tùng).

"Hôm ấy, tôi đang đi chăn trâu sau đồi thì có đoàn cán bộ và công ty lâm nghiệp vào xem luồng. Sau đó, họ quyết định lấy 20 khóm luồng của gia đình tôi để đưa ra Lăng Bác trồng. Mỗi khóm có 5 cây xanh tốt, đẹp, cao 4-5m và có đường kính gần bằng cổ tay người lớn", ông Yền nhớ lại.

Ông Yền cho biết, bản thân là cựu chiến binh, những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường, ông từng mơ ước một lần được gặp Bác Hồ. Ông vẫn còn xúc động khi nhớ lại ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của dân tộc và đồng bào cả nước.

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác - 3

Ông Yền từng tham gia kháng chiến chống Mỹ (Ảnh: Thanh Tùng).

"Khi nghe tin Bác Hồ qua đời, tôi đang bị thương và điều trị tại bệnh viện ở Campuchia. Lúc đó, mọi người ai cũng khóc, nghe tin mà chân tay run bần bật", ông Yền nói.

Bởi vậy mà khi những khóm luồng của gia đình được lựa chọn đưa ra Lăng Bác, ông Yền cảm thấy tự hào và xúc động. "Tôi vô cùng xúc động và tự hào. Cây luồng được trồng ở nơi thiêng liêng, được người dân trong và ngoài nước biết đến khi về thăm Lăng Bác", ông tâm sự.

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác - 4

Rặng tre, luồng xanh tốt bên cạnh Lăng Bác (Ảnh: Minh Nhật).

Ông Yền cho hay, ông đã 2 lần ra thăm Lăng Bác. Đợt gần đây nhất vào năm 2022, nhìn những khóm luồng của gia đình xanh tốt, tỏa bóng mát, ông cảm thấy rất vui mừng. Mỗi khi có khách tham quan, ông không ngớt lời giới thiệu với mọi người đây là luồng Lang Chánh, luồng của gia đình được chọn đem ra trồng ở Lăng Bác.

Cây chủ lực giúp người dân thoát nghèo

Theo ông Yền, mặc dù năm nay đã gần 80 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn lên đồi chăm sóc luồng. Nói về cây luồng, ông Yền cho biết, gia đình ông có truyền thống 4 đời làm nghề trồng luồng. Đây là kế sinh nhai và là gia tài truyền đời mà ông cha để lại. Vì vậy, ông luôn coi cây luồng như con.

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác - 5

Ông Yền nhớ về những năm tháng gian khó, cây luồng giúp cả gia đình vượt qua khó khăn (Ảnh: Thanh Tùng).

"Luồng là nguồn sống của cả gia đình. Nếu không có cây luồng nhiều gia đình ở vùng quê miền núi xa xôi này khó vượt qua những khó khăn của cuộc sống", ông Yền nói.

Trong ký ức của ông Yền, cây luồng gắn với nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Ông nhớ nhất ngày còn bé, được theo chân cha lên đồi chặt luồng đem ra chợ bán. Đường xá lúc bấy giờ khó khăn, để đưa được cây luồng ra chợ, bố của ông phải kết thành bè đi gần 10km ra trung tâm huyện.

Sau này, cha ông qua đời để lại cho ông 100 khóm luồng là tài sản kế thừa. Vào những năm 1970-1976, kinh tế khó khăn, cây luồng trở thành kế sinh nhai duy nhất, là cây cứu đói của người dân địa phương.

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác - 6

Nhờ cây luồng, người dân huyện Lang Chánh có kế sinh nhai, ổn định cuộc sống (Ảnh: Thanh Tùng).

"Ngày ấy đói lắm, ngày nào cũng ăn củ mài, củ nâu. Lúc khó khăn nhất, cây luồng cứu tinh cho cả nhà. Đặc biệt là những dịp Tết, nhà nào có luồng là có Tết. Chúng tôi chặt luồng để đổi lấy phiếu mua thực phẩm, sắm sửa đồ dùng ngày Tết", ông Yền chia sẻ.

Cũng nhờ cây luồng mà vợ chồng ông Yền nuôi 5 người con trưởng thành. Ngoài ra, ông đang sở hữu hơn 5ha luồng, mỗi năm đem về thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết, toàn xã có hơn 2.000ha luồng. Cây luồng ở địa phương đã 2 lần được đưa ra Lăng Bác trồng.

"Lần đầu tiên là thời điểm xây dựng Lăng Bác. Đợt sau này, cây luồng của hộ gia đình ông Yền cùng 2 hộ dân khác ở thôn Sơn Thủy và của vài hộ dân ở xã Giao An (Lang Chánh) được lựa chọn đưa ra Lăng Bác và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn để trồng. Tổng có 26 khóm luồng được lấy.  Đây là vinh dự không chỉ đối với các hộ dân mà còn là niềm tự hào đối với địa phương", ông Phú cho hay. 

Chuyện cây luồng từ Thanh Hóa ra Lăng Bác - 7

Huyện Lang Chánh đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tre luồng (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo thống kê từ UBND huyện Lang Chánh, toàn huyện này có khoảng 14.000ha tre, luồng. Những năm qua, cây luồng là cây trồng chủ lực để người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do giá cả còn thấp, các nhà máy chế biến tre, luồng còn ít nên chưa thực sự hiệu quả.

Có thời gian, người dân chuyển đổi trồng keo thay thế cây luồng. Để cây luồng phát huy hết thế mạnh, chính quyền địa phương cũng đã từng phục tráng, lập đề án phát triển lại cây luồng. Đồng thời, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, luồng để ổn định đầu ra cho bà con.