Cao tốc nối TPHCM - Phan Thiết hơn 2 giờ lái xe sắp khánh thành
(Dân trí) - Những hạng mục cuối cùng trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang được gấp rút hoàn thành để tuyến đường được tạm thời đưa vào sử dụng dịp 30/4 sắp tới.
Còn một tuần trước ngày thông xe toàn tuyến, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đạt hơn 95% tổng khối lượng. Khởi công vào tháng 10/2020, dự án có kế hoạch hoàn thành cuối năm 2022.
Nói về nguyên nhân thi công chậm tiến độ, đơn vị quản lý là Ban Quản lý dự án Thăng Long (Ban QLDA) cho biết, dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một số vấn đề về thời tiết, 4-6 tháng dịch Covid-19, phát sinh tài chính… Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu đất đắp, hiện đã được giải quyết và chỉ cần tăng tốc thi công.
Đi hết 99km toàn tuyến, phóng viên ghi nhận hiện trạng mặt đường cơ bản đã hoàn thành. Trước đó vào 31/12/2022, dự án đã liền mạch và cho thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều hạng mục đang được gấp rút bổ sung.
Theo báo cáo của Ban QLDA Thăng Long, tiến độ tổng thể vẫn bám sát kế hoạch thông xe dịp 30/4. Các nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục an toàn giao thông, hàng rào, hộ lan, sơn, vạch kẻ đường...
"Gần đến ngày thông xe, các hạng mục dải phân cách, hàng rào, cọc tiêu… cơ bản sẽ xong", anh Nguyễn Thanh Trường, giám đốc một nhà thầu tại gói 4 ở điểm đầu và gói 1 điểm cuối của tuyến đánh giá.
Chia sẻ với PV Dân trí, các đơn vị đang thực hiện sơn vạch kẻ đường đều khẳng định sẽ hoàn thành hạng mục này trước ngày thông xe. "Sau khi đo độ chính xác của vạch kẻ làn đường, chúng tôi vẽ sơn bằng máy nên sẽ rất nhanh. Thời tiết nắng nóng cũng khiến sơn mau khô hơn", một công nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo quan sát của đại diện nhà thầu tại gói 1 và gói 4, một số đoạn hàng rào sẽ chưa được khép kín đúng tiến độ vì còn phải chờ vài hạng mục hai bên đang thi công dang dở như: cống thoát nước, đường gom, cầu vượt dân sinh…
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 6 nút giao, 65 cầu (18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt đường ngang dân sinh). Theo quan sát của phóng viên, các nút giao dọc tuyến gần như được kết nối.
Mặt đường rộng hơn 32m thiết kế cho 6 làn xe, vận tốc 120 km/h.
Hạng mục taluy chắn hai bên đường đã gần như xong phần cố định. Nhóm thi công nơi đây cho hay, sẽ bố trí các chậu cây hoa trên taluy để điểm tô thêm sắc màu dọc tuyến cao tốc.
Xe đi qua địa phận hai tỉnh sẽ được ngắm nhìn đặc trưng của địa phương. Tuyến cao tốc qua tỉnh Đồng Nai dài 51,3km xuyên qua các cánh rừng cao su bạt ngàn.
Đoạn cao tốc qua địa phận tỉnh Bình Thuận, cảnh quan hai bên đường thay đổi bằng những cánh đồng thanh long, loại cây nông nghiệp đặc trưng của vùng.
Để kịp đưa vào phục vụ người dân, nhiều ca kíp trên cao tốc chia nhau làm việc từ tờ mờ sáng đến khi mặt trời lặn.
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ thông xe và đi vào khai thác vào 30/4/2023. Trong chuyến kiểm tra ngày 14/4, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu các nhà thầu cần nỗ lực tối đa mới kịp hoàn thiện tuyến chính.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một trong những dự án giao thông trọng điểm phía Nam với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý.
Khi dự án hoàn thành, thời gian ô tô di chuyển giữa TPHCM và thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) còn khoảng hơn 2-2,5 giờ, thay vì 5-6 giờ như hiện tại (Đồ họa: Ngà Trịnh).
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bổ sung mức phí dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Phí bổ sung dự kiến nếu đi từ nút giao Long Phước đến Phan Thiết theo công bố của VEC đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) thấp nhất là 78.000 đồng đối với xe dưới 12 ghế và cao nhất là 295.000 đồng đối với xe tải 18 tấn và xe container 40 feet.