Tuyển Việt Nam tìm kiếm HLV mới: HLV châu Âu hay châu Á phù hợp hơn?
(Dân trí) - Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang tích cực tìm kiếm HLV mới thay thế ông Troussier. Việc VFF sẽ lựa chọn HLV châu Âu hay châu Á đã tạo ra nhiều luồng tranh cãi trong thời gian qua.
Thành công chưa phải là yếu tố đảm bảo
Ngày huấn luyện viên (HLV) Troussier chia tay đội tuyển Việt Nam, không ít người hâm mộ đã thở phào. Không ai phủ nhận triết lý và ý tưởng của HLV người Pháp muốn xây dựng ở đội tuyển Việt Nam.
Thế nhưng, sau hành trình dài với hàng loạt trận thua liên tiếp (thua 10/11 trận gần nhất), HLV người Pháp đã chịu sức ép quá lớn. Sự ra đi của ông được xem như giải thoát cho cả hai phía.
Tờ Sina (Trung Quốc) cho rằng đội tuyển Việt Nam đã phải trả giá vì quá tin tưởng HLV Troussier, người mà họ cho rằng đã hết thời từ 10 năm trước khi cùng CLB Thâm Quyến xuống hạng ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc.
Thế mới nói, vinh quang trong quá khứ không phải là yếu tố đảm bảo thành công hiện tại với bất kỳ HLV nào. Hay nói đúng hơn, khi sự kết nối không phù hợp, ai cũng có thể sa lầy trong hàng mớ triết lý và ảo vọng của mình.
Có một thực tế rằng, bóng đá châu Á (trong đó có bóng đá Việt Nam) đang phát triển mạnh mẽ nhưng không theo "công thức châu Âu". Trong những năm qua, nhiều HLV thậm chí danh tiếng hơn cả HLV Troussier nhưng cũng ngậm ngùi rời khỏi các đội bóng châu Á vì không phù hợp.
Nếu mọi công thức trong quá khứ đều đúng với hiện tại của bóng đá châu Á, HLV lừng danh Marcelo Lippi, Sven-Goran Eriksson hay mới nhất là Jurgen Klinsmann đã không rời khỏi đội tuyển Trung Quốc, Philippines hay Hàn Quốc "không kèn không trống".
Họ từng là những con người làm nên tên tuổi ở World Cup nhưng đều không phù hợp với sự phát triển của bóng đá châu Á. Nhiều HLV hàng đầu châu Âu khác như Hector Cuper, Carlos Queiroz, Paulo Bento, Alberto Zaccheroni… đã và đang chật vật ở môi trường bóng đá châu Á.
Nhìn sang bóng đá Đông Nam Á, những nhà cầm quân châu Âu như Milovan Rajevac (Thái Lan), Luis Milla (Indonesia), McMenemy (Indonesia) đều lần lượt nếm trải thất bại. Hiện tại, chỉ có Philippines, Myanmar vẫn tin tưởng HLV châu Âu nhưng không thể bật lên.
Xu hướng dùng "cây nhà lá vườn" ở châu Á
Không phải ngẫu nhiên, ba đối thủ chính của đội tuyển Việt Nam là Thái Lan, Malaysia, Indonesia bắt đầu xây dựng kế hoạch dài hơi với các HLV người Nhật Bản (Masatada Ishii) hay Hàn Quốc (Shin Tae Yong, Kim Pan Gon).
Nhìn sang 6 đội bóng hàng đầu châu Á ở thời điểm này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Saudi Arabia, Iran, có tới 5 đội sử dụng huấn luyện viên "cây nhà lá vườn" ngồi trên băng ghế huấn luyện (chỉ trừ Saudi Arabia tin dùng HLV Roberto Mancini).
Điều đó cho thấy xu thế phát triển mới của bóng đá châu Á. Trước nay, các HLV châu Âu thường có xu hướng coi châu Á là "vùng trũng chiến thuật". Họ mang tư tưởng khai sáng tới những đội bóng ở châu lục này.
Thế nhưng, giờ đây, trình độ của những HLV châu Á cải thiện đáng kể nhờ tiếp cận phương pháp khoa học ở châu Âu kèm theo hiểu biết về cuộc sống và văn hóa bản địa.
HLV Hajime Moriyasu của Nhật Bản là trường hợp điển hình, ông đã biến đội bóng này thi đấu không khác đội bóng châu Âu. Trong vòng hơn một năm qua, đội bóng xứ Mặt trời mọc đã đánh bại Đức (2 lần), Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tunisia, những đội bóng tới từ các châu lục khác nhau.
Lợi thế của những HLV châu Á là am hiểu văn hóa, lối sống Á Đông. Họ có thể giải quyết nhiều vấn đề mà các HLV châu Âu bó tay. Thành công trong bóng đá không đơn thuần là sự sắp xếp chiến thuật, mà còn chiến thắng cả "trò chơi tâm lý" thu phục lòng quân.
Thậm chí, các HLV châu Á còn có phát kiến chiến thuật để phù hợp với thể trạng và thể hình của các cầu thủ. Đó là điểm mấu chốt.
Còn lợi thế khác không thể phủ nhận, đó là mức lương của HLV châu Á luôn thấp hơn so với đồng nghiệp châu Âu (nhất là HLV thành danh). Điều đó giải thích vì sao họ ngày càng được tin tưởng và trọng dụng ở châu lục.
Cựu trợ lý HLV Park Hang Seo, Bae Ji Won đã nói về điều này: "Các HLV châu Âu thường có xu hướng tập trung khả năng huấn luyện của mình vào những điều phù hợp với đội bóng và cầu thủ. Tuy nhiên, môi trường bóng đá ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, điều đó rất khác với môi trường bóng đá châu Âu".
Quan trọng là sự phù hợp
Có chi tiết đáng chú ý trong lễ cưới của Quang Hải, HLV Park Hang Seo trêu đùa Văn Hậu là "cậu nhóc". Sau đó, ở phía dưới phần bình luận, nhiều tuyển thủ Việt Nam đã nêu ý kiến rôm rả trêu chọc ông thầy người Hàn Quốc.
Có lẽ, hiếm có HLV ngoại nào chiếm được cảm tình của cầu thủ (ngay cả khi không còn dẫn dắt) như HLV Park Hang Seo. Từ đó, hiếm có HLV ngoại nào thành công rực rỡ như vị chiến lược gia 66 tuổi này trên mảnh đất hình chữ S.
Ngoài yếu tố chiến thuật, HLV Park Hang Seo nổi tiếng là bậc thầy tâm lý, thu phục lòng quân. Trong nỗi buồn thất bại trước U23 Uzbekistan tại Thường Châu, các cầu thủ tìm thấy sự an ủi trong hình ảnh trìu mến của ông thầy. Trong ngày tập tễnh bước ra sân bay vì chấn thương, Đình Trọng được người thầy đưa tiễn.
Hay trong thời khắc căng thẳng nhất trên sân, nhiều cầu thủ Việt Nam có thể yên tâm phần nào khi hướng mắt ra đường biên và thấy người thầy "cháy hết mình" ngoài đường piste. Còn rất nhiều câu chuyện như vậy về tình thầy trò ở đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo.
Hồi năm 2022, HLV Park Hang Seo từng chia sẻ bí quyết giúp ông gặt hái thành công ở Việt Nam là tôn trọng thuần phong mỹ tục và lối sống của người Việt Nam. Ông sẵn sàng làm bạn với các học trò để hiểu tâm tư của họ hơn. Từ những điều nhỏ nhặt ấy, HLV Park bắt đầu xây dựng phương pháp đào tạo, rèn thể lực và chiến thuật phù hợp với con người Việt Nam.
Trong chia sẻ gần đây cùng Dân trí, ông Bae Ji Won thừa nhận: "Trước hết, nếu muốn thành công, HLV Troussier cần nỗ lực tìm hiểu môi trường, bầu không khí bóng đá cũng như văn hóa và lối sống của người dân địa phương. Thành công của HLV Park Hang Seo không chỉ ở chỗ ông giành kết quả tốt trong các trận đấu.
HLV Park Hang Seo luôn nỗ lực tìm hiểu và thích ứng với thói quen ăn uống, sinh hoạt, môi trường bóng đá cũng như tâm tư, suy nghĩ của từng cầu thủ. Vì vậy, các cầu thủ luôn đặt niềm tin lớn vào ông ấy. Từ đó, họ thể hiện tốt nhất khả năng của mình trên sân.
Nói cách khác, sự giao tiếp, thấu hiểu các học trò là yếu tố hàng đầu của HLV Park Hang Seo. Tôi là huấn luyện viên giỏi, các cầu thủ cần tin tưởng tuyệt đối tôi. Suy nghĩ này không ảnh hưởng tới kết quả mà HLV mong muốn trong trận đấu.
Điều quan trọng là tạo dựng niềm tin và tuân theo chỉ đạo của HLV. Một cầu thủ giỏi hay một cầu thủ trẻ đều thấm nhuần điều này. Bí quyết thành công của HLV Park Hang Seo khá đơn giản và dễ dàng".
Nói vậy để thấy, yếu tố phù hợp rất quan trọng với tân HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn tái thiết này. Họ cần phải xây dựng lại đội tuyển quốc gia, trong đó, điều đầu tiên là phải xây dựng niềm tin của học trò. Đó gần như là điểm cốt lõi cho thành công của bất kỳ HLV nào.
Bóng đá Thái Lan hay Indonesia đều từng có thời gian tụt dốc nghiêm trọng ở thời điểm đội tuyển Việt Nam vươn mình cùng HLV Park Hang Seo. Nhưng điều quan trọng, họ đã chọn đúng "thuyền trưởng" để hướng sự phát triển đúng hướng.
Đương nhiên, không thể đòi hỏi thành công ngay với tân HLV mới của đội tuyển Việt Nam thời điểm này nhưng ít nhất, họ cần "vẽ lại nụ cười" trên môi các tuyển thủ bằng sự thấu hiểu.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng thành công với các HLV châu Âu như Alfred Riedl hay Henrique Calisto. Thế nhưng, điểm chung là họ đều có thời gian làm việc đủ lâu để thấu hiểu và tạo ra niềm tin từ các học trò.
Quá trình tuyển chọn HLV mới cho đội tuyển Việt Nam không thể vội vàng. Bởi lẽ, nó sẽ quyết định thành bại của đội bóng trong giai đoạn dài.