DMagazine

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút?

(Dân trí) - Dick Advocaat đầy vẻ tự hào bước vào phòng họp báo, Zenit St Peterburg của ông đã đánh bại Rangers tại Manchester để vô địch UEFA Cup 2008. Nhưng điện thoại của vị HLV người Hà Lan bất ngờ đổ chuông.

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút? - 2

Theo thường lệ, HLV Advocaat ghé mắt lướt qua màn hình và có vẻ như sắp nhấn nút từ chối cuộc gọi. Nhưng ông bỗng khựng lại một chút rồi quay sang xin lỗi đông đảo phóng viên và bước ra ngoài phòng họp báo để nghe điện thoại.

Sau khoảng chừng 5 phút, Advocaat quay trở lại và giải thích không thể không nghe máy vì người gọi là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

St Petersburg chính là quê hương của ông Putin. Dù không phải tín đồ nhiệt thành của túc cầu giáo, ngài Tổng thống Nga vẫn nhận thấy rõ tầm ảnh hưởng của bộ môn thể thao vua. "Tôi coi chiến thắng này là một trong những minh chứng chói sáng nhất cho sự trỗi dậy của bóng đá Nga và rộng hơn, là thể thao Nga", ông Putin nói vào thời điểm đó.

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút? - 3

Tiền vệ Konstantin Zyryanov, tác giả bàn thắng thứ hai trong trận chung kết cho Zenit cũng nhìn ra bối cảnh rộng hơn: "Hy vọng rằng bây giờ ở châu Âu, họ sẽ bắt đầu coi trọng chúng tôi hơn. Có lẽ đó là ảnh hưởng cơ bản của chiến thắng chúng tôi vừa giành được".

Và quả thực trong một quãng thời gian, cả châu Âu phải để ý. Bóng đá Liên Xô một thời là thế lực nhưng chưa thể vươn tới tầm vóc dẫn đầu và liệu bóng đá Nga có thể bứt phá hơn nữa hay không?

Tháng 12/2010, Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018, Tổng thống Putin bất ngờ xuất hiện tại hội trường Zurich (Thụy Sĩ) để chứng kiến kết quả được công bố. Nhưng đó là đỉnh cao. Tại giải vô địch bóng đá thế giới sắm vai chủ nhà ấy, đội tuyển Nga lọt vào tới tứ kết.

Nhưng có vẻ World Cup 2018 là đích đến cuối cùng, gần như không có di sản nào được tiếp nối để bóng đá Nga làm bàn đạp phát triển. Và đến khi xảy ra xung đột với Ukraine, các đội bóng Nga bị cô lập. Từ đội tuyển quốc gia (ĐTQG) đến CLB đều bị cấm tham dự các giải đấu do FIFA hay UEFA tổ chức, như World Cup, Euro hay Champions League.

Lượng khán giả đến sân tại giải Ngoại hạng Nga cũng sụt giảm đáng kể, lên tới 32% so với đỉnh điểm ở mùa 2018-19 ngay sau World Cup 2018. Cuộc xung đột chính trị với Ukraine là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, thực tế sự sa sút đã xảy ra trước đó.

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút? - 5

Trở lại năm 2008, bóng đá Nga dường như đứng bên bậc thềm kỷ nguyên vàng son. Ba năm trước, CSKA Moscow trở thành đội bóng Nga đầu tiên vô địch một giải đấu ở châu Âu khi lên ngôi ở UEFA Cup năm 2005.

Năm 2007, đội tuyển Nga đánh bại đội tuyển Anh tại Moscow, tỷ số 2-1 chưa thể phản ánh hết sự áp đảo đội chủ nhà tạo ra trước Tam Sư. Một phần vì trận thua này, tuyển Anh không thể giành vé dự Euro 2008, giải đấu tuyển Nga vào tới bán kết với chiến thắng đầy ấn tượng trước Hà Lan.

Đối với Zenit, đội bóng này sở hữu dàn cầu thủ tài năng được đào tạo trong nước, bao gồm 7 cái tên trong đội hình xuất phát trận chung kết UEFA Cup năm 2008. Và Zenit còn nhận được sự hậu thuẫn từ Gazprom.

Sự quan tâm của các tập đoàn năng lượng lớn dường như đem đến cho bóng đá Nga sinh khí để trở thành thế lực; và rằng Zenit hoặc Spartak, đội bóng nổi tiếng nhất Moscow, có thể trở thành CLB hàng đầu châu Âu, sánh vai Real Madrid hay Bayern Munich.

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút? - 7

"Điều quan trọng là việc giành những chức vô địch như thế này phải trở nên thường xuyên", ông Alexandr Dyukov, Chủ tịch Zenit đưa ra quan điểm. "Chỉ có như vậy Zenit mới có thể được gọi là siêu CLB".

Điều đó đã không xảy ra. Zenit chỉ 3 lần lọt vào tới vòng 1/8 Champions League, với lần gần nhất đã từ mùa 2015/16. Giải Ngoại hạng Nga cũng sa sút. Từ vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia (VĐQG) châu Âu, vị trí vẫn giữ được cho đến năm 2019, giải đấu này đã tụt xuống vị trí thứ 18.

Vậy điều gì đã xảy ra? Phải chăng giấc mơ về một siêu câu lạc bộ Nga đã định sẵn là thất bại?

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút? - 10

Một người từng làm việc tại Zenit thừa nhận đội bóng chưa sẵn sàng cho thành công vào năm 2008. Trong nhiều năm, Zenit chỉ thuộc dạng làng nhàng tại xứ sở bạch dương.

Họ chỉ một lần đăng quang giải VĐQG thời Liên Xô (cũ) vào năm 1984 và không đạt được thành tích nào đáng chú ý cho đến khi một lứa cầu thủ tài năng được tập hợp dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người CH Séc Vlastimil Petrzela. Advocaat đã dựa trên di sản người tiền nhiệm này để đưa Zenit lên đỉnh vinh quang.

Bỗng nhiên, được dẫn dắt bởi một nhà cầm quân danh tiếng tại châu Âu, được hậu thuẫn bởi tập đoàn năng lượng cực kỳ giàu có và được xây dựng một sân vận động hoành tráng, hiện đại, Zenit có tiềm lực, vị thế hết sức thuận lợi để phát triển trở thành biểu tượng của thành phố 5,5 triệu dân.

Trong bối cảnh ấy, Zenit tiếp tục đầu tư mạnh mẽ. Sau Advocaat, một loạt các HLV danh tiếng xuất hiện: Luciano Spalletti, người hiện là HLV đội tuyển Italy; Andre Villas-Boas, cựu HLV Chelsea và Tottenham; Mircea Lucescu, HLV dày dạn kinh nghiệm người Romania; Roberto Mancini, HLV từng vô địch Premier League với Manchester City.

Đội hình cũng được duy trì bằng những ngoại binh danh tiếng. Điều Zenit thiếu là kinh nghiệm tiếp thị toàn cầu ở trình độ cao nhất của bóng đá.

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút? - 11

Tuy nhiên, Zenit cũng đến rất gần chiến thắng. Hai trong ba lần dừng chân ở vòng 1/8 Champions League, đội bóng này chỉ thua cách biệt một bàn. Một quyết định của trọng tài ở đây, một khoảnh khắc xuất thần của cầu thủ ở kia, hay một tình huống vô tình bất chợt đều có thể đã đưa Zenit vào tứ kết, và rồi ai biết được điều gì sẽ đến.

Nhưng họ gặp phải vấn đề mà tất cả các CLB mới nổi đều phải đối mặt: Nhóm hạt giống trong các giải đấu của UEFA được tính toán bằng hệ số dựa trên thành tích trong 5 năm.

Lịch sử thành tích cung cấp một mạng lưới an toàn cho các đội bóng truyền thống; đối với những đội mới nổi, một sai lầm có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với các lượt đấu trong tương lai.

Ngoại cảnh cũng gây ra ảnh hưởng không ít, đặc biệt là cuộc chiến quân sự với Ukraine của Nga khiến đồng rúp giảm mạnh. Hệ lụy là sự thay đổi thứ tự ưu tiên đầu tư của các nhà tài phiệt.

Roman Abramovich từng chi trả toàn bộ mức lương 3 triệu USD khi HLV Guus Hiddink dẫn dắt đội tuyển Nga thông qua Học viện bóng đá quốc gia đặt tại Togliatti. Tuy nhiên, sau đó vị tỷ phú này đã ngừng tài trợ cho học viện. Một kế hoạch khác để xây 10 sân vận động có mái che, để có thể thi đấu vào mùa đông, cũng bị hủy bỏ.

Không căng thẳng như vậy, nhưng Luật công bằng tài chính do UEFA đưa ra năm 2011 cũng cản trở các nhà đầu tư. Ví dụ vào năm 2008, mọi thứ vẫn có vẻ khả thi nếu Gazprom hoặc Lukoil, nhà tài trợ của Spartak, có thể tái hiện những gì Abramovich đã làm tại Chelsea. Đó là chi hàng trăm triệu USD để chiêu mộ ngôi sao và gặt hái thành công.

Đến năm 2011, điều đó trở nên bất khả, đặc biệt với tình trạng tương đối kém phát triển về thị trường bản quyền truyền hình tại Nga. Ngoài ra, doanh thu từ bán vé, đồ lưu niệm và dịch vụ kèm theo cũng chẳng mấy khả quan.

Từ đỉnh cao năm 2008, vì sao bóng đá Nga sa sút? - 13

Tỷ phú Suleiman Kerimov, người đã mua CLB Anzhi của Makhachkala, thành phố lớn nhất của Dagestan vào tháng 1/2011, là ví dụ điển hình. Sau khi mời Hiddink về làm HLV và chiêu mộ những tên tuổi lớn như Roberto Carlos hay Samuel Eto'o, Kerimov buộc phải thu hẹp quy mô vào năm 2013 do Luật công bằng tài chính. Rốt cuộc, ngân sách của Anzhi chỉ còn 2/3, dẫn đến việc bán tháo và xuống hạng năm 2014.

Cũng có những vấn đề quản trị rộng hơn, với các quyết định của Liên đoàn bóng đá Nga được đưa ra mà không tham khảo ý kiến đầy đủ từ các CLB. Ví dụ, giới hạn về số lượng cầu thủ nước ngoài đã bị thay đổi liên tục trong hai thập kỷ qua, thường là trong thời gian cực kỳ ngắn.

Điều này đã làm hỏng các thương vụ mà Zenit đã lên kế hoạch với tiền vệ Joao Moutinho của Bồ Đào Nha và tiền đạo Radamel Falcao của Colombia, khiến cho việc lập kế hoạch dài hạn trở nên bất khả thi.

Zenit nói riêng và bóng đá Nga nói chung từng có cơ hội vươn tới đỉnh cao nhưng rốt cuộc vì nhiều lý do mà trở nên sa sút. Và bây giờ, bóng đá xứ sở bạch dương bị cô lập, quy định về cầu thủ nước ngoài đã được nới lỏng để các đội ngập tràn những cầu thủ Brazil giá rẻ đi kèm chất lượng kém, trong khi đội tuyển Nga chỉ chọn được những đối thủ yếu để thi đấu giao hữu.

Trước mắt là giải Tam hùng tại Việt Nam vào tháng 9 và hậu vệ Arsen Adamov đã thẳng thắn thừa nhận: "Nếu đội tuyển Nga không thi đấu, mọi người sẽ bắt đầu quên chúng tôi".

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Đức Bình