(Dân trí) - Trả lời Dân trí, cựu trợ lý HLV Park Hang Seo, chuyên gia Bae Ji Won cho rằng không phải ngẫu nhiên đội tuyển Việt Nam vừa để thua Nga rồi Thái Lan, thậm chí thất bại này còn dẫn đến thất bại kia.
Ông đánh giá như thế nào về màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam trong hai trận đấu giao hữu với đội tuyển Nga và Thái Lan?
- Bất cứ ai cũng hiểu rõ Nga là đội bóng mạnh hơn. Đội tuyển Việt Nam thua trước đối thủ như vậy cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, cần nhìn nhận màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam một cách chi tiết hơn.
Trong bóng đá, không có thất bại nào là "tự nhiên", tức là không đội bóng nào ra sân với tâm lý sẽ thua. Mặc dù Nga vượt trội về đẳng cấp song cần phân tích đúng đắn thất bại, vì những thiếu sót và bài học kinh nghiệm rút ra sẽ giúp đội tuyển Việt Nam cải thiện.
Cần nhấn mạnh, những vấn đề nổi cộm trong trận thua Nga phần nào dẫn đến thất bại trước Thái Lan sau đó.
Việc rút ra kinh nghiệm từ các trận đấu khó nhằn như vậy không chỉ là bài học về thể thao mà còn là bài học về tinh thần sẵn sàng vượt qua thử thách. Điều này không khác gì những bài học về sự kiên cường và nỗ lực không ngừng để tiến bộ mà ta có thể thấy trong mọi khía cạnh của cuộc sống, ngay cả khi đối mặt với những tình huống đầy thách thức.
Nhìn chung, hiệu suất thi đấu, nền tảng thể lực và chiến thuật của đội tuyển Việt Nam chưa có nhiều khác biệt so với thời HLV Troussier. Những vấn đề rất nghiêm trọng đã bộc lộ trong khâu phòng ngự.
Trong các tình huống đối phương phản công nhanh, hàng phòng ngự của Việt Nam thiếu sự chặt chẽ và sát sao trong kèm người, khả năng bọc lót có tổ chức và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tiền vệ. Đây là vấn đề cần phải được giải quyết để chuẩn bị cho AFF Cup sắp tới.
Không cần quá lo lắng về kết quả thua của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan. Tuy nhiên, khả năng giành chức vô địch Đông Nam Á sẽ chỉ tăng lên nếu những vấn đề này được nhận diện, tìm ra giải pháp và cải thiện thông qua trận đấu với Thái Lan.
HLV Kim Sang Sik đã thể hiện được vai trò dẫn dắt đội tuyển Việt Nam?
- Tôi chưa thể bình luận nhiều về cách huấn luyện của ông Kim, từ cách chọn người đến áp dụng chiến thuật, vì tôi nghĩ rằng ông ấy chưa có đủ thời gian để theo dõi các trận đấu cũng như chọn lựa cầu thủ sau khi được bổ nhiệm.
Tôi cũng nghĩ rằng ông ấy chưa có đủ thời gian để huấn luyện các cầu thủ theo phong cách thi đấu và triết lý chiến thuật của mình. Tuy nhiên, trong một số tình huống của trận đấu, tôi có thể đưa ra lời khuyên và đánh giá về chiến thuật và thể lực của HLV Kim Sang Sik.
Đầu tiên, trong trận đấu với Nga, ông đã sử dụng nhiều cầu thủ từng thi đấu dưới thời HLV Park Hang Seo. Đây là một lựa chọn cầu thủ khác biệt so với người tiền nhiệm Troussier. Nga là một đội bóng giàu thể lực và sức mạnh đáng kể, họ thi đấu khá rắn và khó chịu. Ưu thế thể lực được Nga tận dụng rất tốt trong trận đấu.
Phần lớn các đội bóng châu Âu đều có thể lực mạnh mẽ như đội tuyển Nga. Về cách chơi, đội tuyển Nga xâm nhập vào khu vực vòng cấm địa đối phương bằng những pha di chuyển nhanh, giàu tốc độ, kết hợp kỹ thuật cá nhân tốt nên cực kỳ nguy hiểm.
Khi đối đầu với những đối thủ vượt trội về thể lực và trình độ như vậy, điều quan trọng là đội tuyển Việt Nam phải biết xây dựng chiến thuật và phân phối thể lực trong trận đấu.
Cách áp dụng chiến thuật của tuyển Việt Nam sau thời ông Park Hang Seo đang có vấn đề, dù là HLV Philippe Troussier hay HLV Kim Sang Sik. Bằng chứng là đội tuyển Việt Nam dễ dàng để cho đối phương ghi bàn và không tận dụng được cơ hội ghi bàn.
Nói cách khác, cách tổ chức phòng ngự của đội tuyển Việt Nam và vai trò cầm nhịp của hàng tiền vệ chưa đủ hiệu quả. Hệ quả là các tiền đạo không thể ghi bàn. Tóm lại, sự am hiểu và di chuyển trong chiến thuật tổng thể chưa tốt, sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự cũng chưa cao.
Nếu đối thủ có hàng công mạnh, chúng ta cần di chuyển tích cực hơn để cản trở đối phương quyết liệt nhưng đội tuyển Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng được điều đó. Đội bóng của ông Kim Sang Sik cần chuẩn bị và tăng cường thể lực và phương án chiến thuật nhiều hơn nữa, đồng thời cải thiện sự kết nối giữa các tuyến.
Sau thế hệ giành huy chương bạc U23 châu Á, hiện tại đội tuyển Việt Nam không có được lứa kế cận. Các ngôi sao ngày càng sa sút phong độ, cầu thủ trẻ chưa đủ khả năng thay thế. Bóng đá Việt Nam thiếu tài năng bóng đá hay các hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ không đảm bảo được chất lượng để sản sinh ra những cầu thủ giỏi như trước đây, thưa ông?
- Chúng ta cần nhắc lại về lứa U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018. Khi đó HLV Park Hang Seo mới được bổ nhiệm, U23 Việt Nam cũng không được đánh giá cao tại giải. Ngược lại, có sự lo lắng nhất định về màn trình diễn của các cầu thủ và không nhiều người kỳ vọng vào một kết quả tốt.
Trong những trận giao hữu trước giải đấu, ban huấn luyện đánh giá U23 Việt Nam rất khó lọt vào tứ kết. Điều này đồng nghĩa lứa U23 thời điểm đó không hẳn quá vượt trội so với những lứa cầu thủ sau này, kể cả thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, khi ấy chúng tôi tìm được những yếu tố khả thi và đáng tin cậy. Quy trình huấn luyện trước giải đấu được chuẩn bị kỹ càng, có hệ thống và đạt hiệu quả cao. Kết quả là đội tuyển U23 Việt Nam có được sự phối hợp ăn ý và tinh thần toàn đội cũng lên cao.
Mỗi cầu thủ đều có quyết tâm cao để đánh bại đối thủ và đủ dũng khí để vượt qua quy trình huấn luyện khắc nghiệt trong bầu không khí tích cực của toàn đội. Quá trình huấn luyện và rèn thể lực đạt hiệu quả cao phần nào nhờ bầu không khí và tinh thần toàn đội rất tốt.
Do đó, điều rất quan trọng là HLV trưởng phải biết dẫn dắt đội bóng như thế nào, quản lý cầu thủ và đội bóng theo triết lý ra sao, và làm thế nào để nâng cao sĩ khí. Đó chính là vai trò và trách nhiệm của HLV trưởng. Sự hỗ trợ, hợp tác của các trợ lý HLV cũng vô cùng cần thiết. Do đó, năng lực và kinh nghiệm của các trợ lý HLV cần được xem trọng.
Từ năm 2018 đến nay, U23 Việt Nam chưa đạt được thêm kết quả khả quan nào. Việc trải qua thất bại liên tiếp cũng chứng tỏ trình độ hiện tại của nền bóng đá chưa được cải thiện nhiều. Cần nhận ra chưa có nhiều khác biệt giữa năm 2018 và hiện tại, thế nên phải tập trung vào việc nâng cao hiệu suất tổng thể của đội tuyển thay vì tập trung vào vài cá nhân.
Liệu việc nhập tịch cầu thủ gốc Việt có thể cải thiện thành tích cho đội tuyển Việt Nam và tạo động lực phát triển mới cho nền bóng đá, như Indonesia đang gặt hái?
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng tác động của cầu thủ Việt kiều đối với bóng đá Việt Nam khá tích cực. Hiện tại, Indonesia là đội tuyển quốc gia (ĐTQG) khai thác rất tốt việc sử dụng cầu thủ nhập tịch.
Không dễ để đưa ra nhận định vì không rõ có bao nhiêu cầu thủ gốc Việt đang chơi bóng ở nước ngoài và trình độ của họ ra sao. Tuy nhiên, để bóng đá Việt Nam được hưởng lợi từ cầu thủ Việt kiều, đòi hỏi sự hợp tác và hỗ trợ tích cực từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
V-League đã chính thức khởi tranh. Trong điều lệ giải mùa trước có điều khoản mỗi CLB phải đăng ký 6 cầu thủ từ độ tuổi 16-22 tuổi, nhưng mùa này điều khoản ấy đã bị bỏ. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang thiếu đi những lứa cầu thủ trẻ chất lượng tốt, quyết định này liệu có thật sự hợp lý?
- Tôi từng làm việc tại Việt Nam ở đội tuyển quốc gia (ĐTQG) lẫn câu lạc bộ (CLB). Trước đây, tôi từng chỉ ra những vấn đề mang tính cấu trúc của bóng đá Việt Nam. Điều tôi đề cập chính yếu là kế hoạch triển khai cho tương lai, bao gồm các giải trẻ lẫn hệ thống giải vô địch quốc gia (VĐQG) thường xuyên bị xáo trộn.
Ngoài ra, còn có vấn đề phong độ cầu thủ sa sút do lịch thi đấu đôi khi quá dồn dập và dày đặc. Thật đáng tiếc khi sự thay đổi trong các quy định của giải chuyên nghiệp đã dẫn đến việc tài năng trẻ mất cơ hội phấn đấu.
Đặc biệt, các cầu thủ U22 thường phát triển thành trụ cột ở CLB và ĐTQG chỉ trong đôi ba năm, tiềm năng của nền bóng đá trong ngắn hạn ở trong tay họ. Theo kinh nghiệm của tôi, số lượng đội trẻ ở Thái Lan nhiều hơn hẳn và Việt Nam chưa thể sánh được.
Ngoài ra, rất nhiều đội bóng ở các cấp độ khác nhau, từ nghiệp dư, bán chuyên cho đến chuyên nghiệp, đều thi đấu hàng tuần tại các giải đấu.
Từ góc độ bóng đá Việt Nam, việc so sánh hệ thống với bóng đá Thái Lan một cách tổng thể và sâu rộng là cần thiết, bởi lẽ cơ sở hạ tầng, nhân lực đã giúp nâng tầm bóng đá Thái Lan. Để đảm bảo nguồn nhân lực, việc đầu tiên phải làm là gia tăng số lượng đội bóng.
Bóng đá Hàn Quốc làm như thế nào để tạo động lực phát triển bóng đá trẻ nói chung và cầu thủ trẻ có cơ hội phát triển nói riêng thưa ông?
- Bóng đá Hàn Quốc hiện nay có hệ thống bóng đá và cấu trúc tổ chức chặt chẽ. Nhiều đội trẻ ở các độ tuổi khác nhau tham dự nhiều giải đấu trong năm, bao gồm giải liên khu vực là giải hạng Năm trong hệ thống thi đấu bóng đá. Mỗi CLB chuyên nghiệp cũng đều có đội trẻ riêng và được tạo nhiều điều kiện hỗ trợ phát triển.
Đặc biệt, cầu thủ trẻ xuất sắc được các CLB chuyên nghiệp quản lý đặc biệt từ sau 18 tuổi. Tại Hàn Quốc, các giải trẻ và giải đấu khu vực được tổ chức thường niên trên nhiều vùng miền. Có những giải đấu chỉ các đội trẻ thuộc CLB chuyên nghiệp tham gia.
Các cầu thủ trẻ được đua tranh danh hiệu thường niên. Những cầu thủ xuất sắc nhất sẽ có cơ hội gia nhập CLB chuyên nghiệp. Sau đó, họ sẽ có cơ hội phát triển sự nghiệp với tư cách là các cầu thủ chuyên nghiệp.
Số lượng lớn các cầu thủ trẻ tài năng được phát hiện mỗi năm là kết quả của các hệ thống đào tạo bài bản và cơ sở hạ tầng nhân sự có tổ chức chặt chẽ.
Có lẽ chúng ta vẫn phải nói về vấn đề cơ sở vật chất, cho dù đã nói nhiều lần. Từ chất lượng mặt sân cỏ thi đấu đến thiết bị tập luyện của các CLB đang tham dự V-League đều không được đảm bảo và dường như ít ai nhận thức được sự thiếu thốn trầm trọng ấy ảnh hưởng như thế nào. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Để triển khai lối chơi giàu kỹ thuật cần điều kiện tập luyện tốt nhất, cơ sở hạ tầng sân vận động và chất lượng mặt sân phải đạt chuẩn. Cho đến nay, kể cả V-League vẫn phải tổ chức trên các sân bóng chưa đạt chuẩn, các cầu thủ phải tập luyện trên những mặt sân chưa đạt yêu cầu.
Cần phải cải thiện chất lượng sân tập lẫn sân thi đấu, qua đó mới đảm bảo sự đa dạng trong tập luyện, phát triển kỹ năng và triển khai chiến thuật. Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt của các cầu thủ tại CLB cũng cần được nâng cấp hơn nữa.
Các bài tập chiến thuật và thể lực đa dạng là cần thiết, nhưng điều quan trọng trước tiên là phải có trang thiết bị đầy đủ. Ngoài ra, huấn luyện viên cần phải hệ thống hóa chương trình tập luyện dựa trên việc sử dụng trang thiết bị.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!