(Dân trí) - Chelsea hiện tại không còn là đội bóng được trợ cấp bởi Roman Abramovich nhưng Thomas Tuchel lại chìm sâu trong văn hóa mệnh lệnh của triều đại cũ…
Chelsea hiện tại không còn là đội bóng được trợ cấp bởi Roman Abramovich nhưng Thomas Tuchel lại chìm sâu trong văn hóa mệnh lệnh của triều đại cũ…
Raheem Sterling tạo dáng thể hiện tham vọng như mọi cầu thủ muốn gửi gắm khi gia nhập đội bóng mới. Chỉ có những cây cọ California đằng sau lưng anh cho thấy đầy sự khác thường của thương vụ này so với bất kỳ thương vụ nào tại Ngoại hạng Anh.
Buổi chụp hình ra mắt của Sterling, tân binh trị giá 50 triệu bảng từ Man City được thực hiện tại Beverly Hills, nhấn mạnh cho sự đổi thay tại Chelsea. The Blues không còn thuộc quyền sở hữu của tỷ phú gốc Nga, Roman Abramovich.
Những biến động chính trị khiến Chelsea về tay nhóm đầu tư do vị tài phiệt Todd Boehly đứng đầu và đại diện bởi Clearlake Capital, công ty có trụ sở tại California, sau một vụ đấu thầu chóng vánh và cho thấy tham vọng toàn cầu của các nhà đầu tư.
Địa điểm Sterling chụp hình chỉ cần chạy xe 20 phút để đến đại bản doanh của đội bóng chày Los Angeles Dodgers, nơi Todd Boehly là cổ đông lớn còn Mark Walter giữ vai trò Giám đốc điều hành công ty mẹ, Guggenheim Partners. Không xa là sân Crypto Arena, tổ ấm của đội bóng rổ LA Lakers, họ cũng có một khoản đầu tư ở đó.
Chelsea từng trải qua gần 20 năm phụ thuộc tài chính vào Abramovich. Nhưng từ tháng 5/2022, giống như Los Angeles Dodgers, LA Lakers, đội bóng này trở thành doanh nghiệp thể thao kiểu Mỹ. Các ông chủ mới của The Blues, bao gồm Boehly, Walter, Clearlake và tỷ phú Thụy Sĩ Hansjörg Wyss, đã tiến hành vạch ra kế hoạch điều hành và phát triển đội bóng.
Dưới sự sở hữu của tỷ phú gốc Nga, "Chelsky" đã đăng quang Premier League 5 lần, vô địch Champions League 2 lần, củng cố vị thế ông lớn không chỉ của bóng đá Anh mà trên bình diện châu Âu. Nhưng đổi lại vinh quang là tiền bạc.
Chelsea chi khoảng 900 triệu bảng trong 19 năm triều đại Abramovich để chiêu mộ và trả lương cho những tài năng đẳng cấp thế giới. Vào thời điểm "đôi ngả chia ly", The Blues thậm chí còn nợ nhà tài phiệt gốc Nga số tiền lên tới 1,5 tỷ bảng.
Tuy nhiên, sau khi tiếp quản Chelsea, nhóm chủ sở hữu mới không hề siết chặt hầu bao hay cố tình tận thu. Ngược lại, Boehly và các cộng sự còn chi tiền mạnh tay như Abramovich khi bỏ ra 278,4 triệu bảng, với khoảng chi ròng hơn 200 triệu bảng, để chiêu mộ 10 tân binh trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua.
Không đội bóng nào, kể cả các trọc phú vượt qua con số vừa nêu. Nhưng khoản chi này vẫn chưa là gì so với số tiền 2,5 tỷ bảng nhóm đầu tư này đã chi ra để mua lại Chelsea cũng như khoản vay 800 triệu bảng hay cam kết đầu tư 1,75 tỷ bảng để xây dựng đội hình và cơ sở hạ tầng.
Từ chỗ đối diện tương lai bất định khi thậm chí không được bán đồ lưu niệm lẫn vé vào sân liên quan đến lệnh trừng phạt đối với Abramovich của Chính phủ Anh, Chelsea đã có màn đổi chủ thần kỳ. Nhiều ý kiến hoài nghi khả năng hái ra tiền của đội bóng "liên tục thua lỗ và được trợ cấp bởi Abramovich".
Boehly và Clearlake thì từ chối đưa ra bình luận. Khi đã cam kết chi ra hàng tỷ bảng để xây dựng đội bóng có tiềm lực duy trì vị thế hàng đầu tại châu Âu, các nhà đầu tư rõ ràng có niềm tin Chelsea vẫn còn nhiều tiềm năng kinh tế để phát triển.
Những ông chủ mới của Chelsea muốn biến đội bóng này trở thành thương hiệu toàn cầu và là tài sản trí tuệ để khai thác. Nhóm đầu tư cũng nhận thấy cơ hội từ Ngoại hạng Anh để tạo thêm doanh thu từ việc bán bản quyền trình chiếu trực tiếp cho các đài truyền hình.
"Thực tế, Chelsea là một thương vụ nặng về nội dung và truyền thông, những tài sản mang tính toàn cầu", một chuyên gia nhận định trên Financial Times. "Nếu các nhà đầu tư không tư vị, đó là khoản đầu tư tốt. Ánh sáng chói lòa của thể thao và tên tuổi Chelsea sẽ che mờ khía cạnh này, nhưng đây thực sự là vụ đầu tư vào truyền thông và công nghệ".
Quay ngược thời gian, năm 2012, Boehly và Walter từng là thành viên của nhóm đầu tư do huyền thoại bóng rổ Magic Johnson đứng đầu. Nhóm này đã trả 2,15 tỷ USD để cứu đội bóng chày Los Angeles Dodgers thoát khỏi tình huống đặc biệt nghiêm trọng: phá sản.
"Mọi người nghĩ rằng đây là vụ đầu tư rủi ro cực lớn", Michael Milken, chuyên gia kinh tế, người được ví là nhà tiên phong trái phiếu tỷ suất lợi nhuận cao từng nói với Boehly, "nhưng một lần nữa, rủi ro là sự am tường về tài sản, cấu trúc ra sao. Ông và các đối tác đã thành công khi chia doanh nghiệp thành hai bộ phận: một là công ty truyền thông và một là chính đội bóng chày".
Các nhà đầu tư nhận ra việc gia hạn hợp đồng truyền thông với Major League Baseball, giải bóng chày nhà nghề Mỹ, sắp đến là một cơ hội. Theo Wall Street Journal, đài truyền hình Fox đã đề nghị khoảng 3 tỷ USD để gia hạn hợp đồng thêm 17 năm, trong khi tờ LA Times đưa tin vào thời điểm đó rằng hợp đồng sẽ trị giá ít nhất 4 tỷ USD. Đối với Boehly, giá thầu của Fox là "món hời vô cùng lớn".
Nhưng bản quyền truyền hình chỉ là một phần của phương trình lợi nhuận. Các ông chủ của Los Angeles Dodgers còn xây dựng đội hình chiến thắng dựa trên những ngôi sao, qua đó tạo ra "năng lượng tích cực" trên sân vận động, việc làm rất có lợi trong các cuộc đàm phán hợp đồng truyền thông hay cụ thể là quảng cáo. "Rốt cuộc, chúng tôi cảm thấy sung sướng khi tổng trị giá hợp đồng quảng cáo lên tới 2 tỷ USD", Boehly nói. "Kỷ nguyên của chúng tôi thật tuyệt hảo".
Hiện Los Angeles Dodgers được định giá hơn 4 tỷ USD, theo Forbes, chỉ đứng sau New York Yankees trong bảng xếp hạng MLB. Mặc dù Los Angeles Dodgers là câu lạc bộ ở môn thể thao hoàn toàn khác, nhưng trường hợp đầu tư dường như rất giống với cách Boehly nhìn thấy triển vọng của Chelsea.
Tuy nhiên, để canh bạc thành công, trước tiên Chelsea cần một đội hình đủ mạnh để tranh đua với những đối thủ petrodollar tiền tiêu không phải nghĩ như Man City tại giải quốc nội hay PSG ở Champions League. Bàn thân Boehly không chỉ đảm nhận vai trò Chủ tịch đội bóng mà còn là Giám đốc thể thao lâm thời, với quyền kiểm soát trực tiếp các vụ chuyển nhượng.
Dù thành công hay thất bại, Chelsea sẽ gắn chặt với tương lai của nhà tài phiệt này. Đây chính là nguồn cơn để Tuchel bất ngờ bị sa thải.
Trong ngày thứ 100 của triều đại Boehly, trận đấu thứ 100 của HLV Thomas Tuchel, chỉ 6 ngày sau khi kỳ chuyển nhượng kỷ lục với 6 tân binh thượng thặng, và Ngoại hạng Anh cũng chỉ bước qua 6 vòng đấu, mọi con số trở nên vô nghĩa. Trên website chính thức của Chelsea lạnh lùng đăng tải thông báo chia tay Tuchel, quyết định khiến ngay cả vị chiến lược gia người Đức cũng bị sốc chứ đừng nói bất kỳ ai khác.
Mới chỉ 12 tiếng trước, ông còn mạnh miệng chỉ trích học trò vì trận thua bạc nhược trước Dinamo Zagreb ở lượt trận mở màn Champions League và hứa hẹn sẽ "chỉnh lý" đến nơi đến chốn. Cũng mới chỉ 3 tuần trước, Tuchel còn vui mừng tiết lộ rằng ông đang đàm phán gia hạn hợp đồng.
"Cậu biết tôi vui sướng như thế nào với công việc ở đây mà. Tôi thích thú vô cùng", nhà cầm quân người Đức hào hứng chia sẻ với cánh phóng viên.
Vậy mà bây giờ Tuchel đã mất việc. Tại sao lại có sự chóng vánh như vậy? Thực tế, chiếc ghế của nhà cầm quân người Đức đã bắt đầu lung lay từ thời điểm tưởng chừng ông đạt đến đỉnh cao quyền lực không bất cứ người tiền nhiệm nào ở Stamford Bridge có thể vươn tới. Đó chính là thời điểm Boehly trở thành Chủ tịch Chelsea.
Không lâu sau, "bà đầm thép" Marina Granovskaia, Giám đốc điều hành, cánh tay nối dài của Abramovich tại Chelsea bị sa thải.
Tại Londongrad trước đây, khi Mourinho tại vị, giới quan sát vẫn đánh giá Granovskaia mới là "người đặc biệt" chứ không phải nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. Antonio Conte thì mất chức sau khi sụp đổ mối quan hệ với người phụ nữ này.
Tại Chelsea, mọi HLV chỉ làm công việc huấn luyện, quyết định chuyển nhượng nằm ở trong tay giám đốc điều hành. Tuchel không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, sau cuộc chuyển giao quyền lực, với việc Chủ tịch Boehly là người thiếu nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bóng đá, tiếng nói lớn nhất trong khâu chuyển nhượng thuộc về Tuchel. Đơn cử như vụ Boehly, với tư duy làm thể thao kiểu Mỹ, hào hứng trao đổi ý tưởng chiêu mộ siêu sao C.Ronaldo, nhưng rốt cuộc kế hoạch bất thành bởi sự từ chối phũ phàng của vị chiến lược gia người Đức.
Điều đáng nói, Tuchel chỉ đáp gọn lỏn là "không" thay vì giải thích cặn kẽ lý do không muốn chiêu mộ CR7. Boehly không ưa văn hóa "độc tài" ấy.
Trong 100 ngày quản lý Chelsea, nhà tài phiệt này cùng với Behdad Eghbali thường xuyên thảo luận về tiến trình xây dựng "văn hóa CLB" mới ở Chelsea cũng như triển vọng làm việc lâu dài của Tuchel. Thực ra, ban đầu ban lãnh đạo Chelsea đặt niềm tin ở Tuchel.
Như đã nói, vị chiến lược gia người Đức còn được trao quyền kiểm soát nhiều hơn trên thị trường chuyển nhượng, thứ quyền lực không một HLV nào trước đây tại Stamford Bridge được trao. Tuy nhiên, càng ngày Tuchel càng khiến những ông chủ mới phật lòng, từ thái độ đến thành tích trên sân cỏ.
Mặc dù trải qua mùa hè chi tiêu mạnh tay nhất trên thị trường chuyển nhượng, Chelsea khởi đầu mùa giải mới rất đáng thất vọng. Họ đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh sau 6 vòng đấu và thua Dynamo Zagreb ở trận mở màn Champions League.
Mở rộng vấn đề, hàng thủ Chelsea dưới thời Tuchel ngày càng lỏng lẻo. Nếu như 50 trận đầu tiên dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia người Đức, The Blues chỉ nhận 24 bàn thua thì 50 trận cuối cùng, họ phải chịu số bàn thua gấp đôi, 53 bàn.
Trên mặt trận tấn công, Chelsea chỉ ghi 8 bàn sau 7 trận đầu mùa. Để dễ hình dung, cùng khoảng thời gian, Erling Haaland đã ghi 12 bàn cho Man City còn Liverpool từng ghi 9 bàn trong một trận đấu.
Những mày mò chiến thuật của Tuchel không còn hiệu quả như thời điểm ông vừa tiếp quản Chelsea từ Frank Lampard. Đáng nói hơn, vì quyền lực, vị chiến lược gia người Đức không còn là ông thầy khả kính và đáng tin của các cầu thủ áo xanh. Ông hay cáu bẳn, dễ dàng nổi nóng và đòi hỏi thái quá ở các học trò.
Thế nên, những kế hoạch của Tuchel càng ngày càng không được các cầu thủ thực thi chuẩn xác. The Blues trở nên bệ rạc và rệu rã. Theo trình tự thời gian, tháng 7, Tuchel than phiền rằng "mức độ cam kết, thể chất và tinh thần" của các cầu thủ không đủ. Tháng Tám, ông mô tả các học trò "thiếu cứng rắn". Và đầu tháng 9, ngay trước khi bị sa thải, ông chỉ trích Chelsea thiếu sót trên mọi khía cạnh.
Những lời phàn nàn ấy gây nên sự bất an cả trong lẫn ngoài CLB, một không khí tiêu cực không đáng có vào thời điểm bình minh triều đại mới. Chủ tịch Boehly dĩ nhiên nhận ra điều đó.
Bởi vậy, tưởng chừng việc được giao quyền lực tối thượng đối với vai trò một HLV sẽ giúp Tuchel làm việc hiệu quả hơn nhưng rốt cuộc, ông lại khiến thượng cấp bực bội, thuộc cấp ức chế. Đó chính là cái bẫy quyền lực vị chiến lược gia người Đức đã rơi vào.
Những ông chủ mới của Chelsea đều có chung một ý tưởng: Xây dựng văn hóa mới ở Chelsea. Tuchel có thể xem như gạch nối cuối cùng của kỷ nguyên Abramovich và bây giờ đã bị xóa bỏ. Graham Potter là người được chọn, với bản hợp đồng có thời hạn tới tận 5 năm.
Potter được bổ nhiệm vào tháng 5/2019 và dẫn dắt Brighton lần lượt cán đích ở các vị trí thứ 15, 16 và 9, trong 3 mùa giải vừa qua. Tuy vị trí chưa cao nhưng nhà cầm quân này lại gây ấn tượng mạnh mẽ bởi thứ bóng đá tấn công quyến rũ và chiến thuật linh hoạt.
Trước khi bay cao tại Brighton, Potter từng dẫn dắt Ostersunds, đội bóng vô danh với ngân sách chỉ một triệu bảng vào tới vòng 1/16 Europa League và từng đánh bại Arsenal 2-1 ngay tại Emirates.
Trong thế giới bóng đá, không nhiều chiến lược gia được trao bản hợp đồng dài hạn như vậy, nhất là các trường hợp thay tướng giữa mùa. Tuy nhiên, nhìn vào thói quen dùng người của Boehly lại thấy rằng quyết định này không có gì khó hiểu.
Nhà tài phiệt này luôn ký hợp đồng dài hạn để hướng đến sự phát triển lâu dài. Một số tân binh của Chelsea được ký hợp đồng 6 năm. Dave Roberts, HLV của LA Dodgers được ký hợp đồng 7 năm.
Với vị HLV mới, ban lãnh đạo Chelsea kỳ vọng sẽ tạo ra văn hóa trao đổi cởi mở hơn giữa các nhân vật cấp cao, thay cho văn hóa mệnh lệnh đã tồn tại suốt triều đại Abramovich. Ngoài ra, như đã đề cập, Chelsea sẽ hướng tới hình ảnh một doanh nghiệp thể thao với hai bộ phận tách biệt: truyền thông và chuyên môn.
Riêng câu chuyện chuyên môn, Potter sẽ đương đầu thử thách vô cùng lớn bởi ông phải dẫn dắt đội hình hoàn toàn được xây dựng dựa trên ý tưởng của Tuchel, người tiền nhiệm đã được trao quyền quyết định trên thị trường chuyển nhượng để rồi bị sa thải chưa đầy một tuần sau khi phiên chợ Hè đóng cửa. Đó là điều kỳ dị nhất trong biến cố thay tướng ở Chelsea!
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Đỗ Diệp