Thể thao Việt Nam ham thành tích SEA Games, không thể "cất tiếng" ở Olympic
(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, nhà báo lão làng Nguyễn Lưu cho rằng, ngành thể thao Việt Nam đang "khủng hoảng thủ lĩnh thể thao", những người thủ lĩnh thực sự có tâm, có tầm như ông Hoàng Vĩnh Giang hay Nguyễn Hồng Minh..
Thể thao Việt Nam không thể cất tiếng ở "biển lớn" Olympic
Tôi cũng như nhiều người hâm mộ Việt Nam trân trọng những nỗ lực, cố gắng của những vận động viên (VĐV) ở đấu trường Olympic. Thế nhưng, đứng dưới góc độ của người làm thể thao trong nhiều năm, tôi rất buồn khi chứng kiến đoàn thể thao Việt Nam trắng tay ở đấu trường Olympic.
Thành tích này phản ánh câu chuyện muôn thuở của thể thao Việt Nam. Ở đấu trường SEA Games, chúng ta luôn nằm trong top 3. Thế nhưng, mỗi khi bước ra đấu trường Asiad hay Olympic, chúng ta lại xếp dưới nhiều đoàn thể thao khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore. Thực chất, thể thao Việt Nam chỉ xếp thứ 6 ở Đông Nam Á ở các giải đấu cấp độ châu lục và thế giới.
Nếu xét về tiềm lực kinh tế, dân số hay kể cả sức bền thể thao, chúng ta đều phát triển tốt nhưng tại sao thể thao Việt Nam lại không có vị thế tương xứng?
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã bàn đi bàn lại vấn đề này quá nhiều lần. Trong cuốn sách của mình, tôi cũng từng viết một bài có nhan đề: "Chia tay đi tắt đón đầu".
Ngày xưa, chúng ta đã chọn "đi tắt đón đầu" trong thập niên 90 và có thành tích khá tốt ở đấu trường SEA Games. Sau đó, các quốc gia Đông Nam Á đã nhận ra điều đó và phát triển theo hướng khác.
Thành tích của thể thao Việt Nam ở SEA Games dần dần không nhận được coi trọng của các đoàn khác ở Đông Nam Á. Bởi cứ khi bước ra đấu trường thế giới, chúng ta lại kém họ. Gần đây, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratcharkitpracarn khẳng định đoàn thể thao Thái Lan không cố tranh giành với Việt Nam ở SEA Games.
Đơn cử như môn Vovinam, Việt Nam đưa vào tới 30 bộ huy chương ở SEA Games. Trong khi đó, những thế mạnh của Thái Lan lại không có nhiều bộ huy chương.
Vẫn biết rằng, trước khi bước ra biển lớn, chúng ta cần phải so với những "hàng xóm" trong khu vực Đông Nam Á nhưng vấn đề là chúng ta sẽ chơi và cạnh tranh với họ như thế nào? Chứ không phải cố gắng vơ vét thật nhiều huy chương ở SEA Games. Đó không phải là cách khẳng định vị thế đứng đầu khu vực của thể thao Việt Nam.
Cần quan tâm đúng mực tới thể thao
Điều quan trọng nhất là cần phải xem xét lại tổ chức của chúng ta. Từ khi Bác Hồ thành lập ngành thể thao với lời kêu gọi "Toàn dân tập thể dục", chúng ta có Nhà Thể dục Trung ương và sau đó là Ban Thể dục Thể thao Trung ương.
Bây giờ là thời đại 4.0, ai cũng biết và có thể tiếp cận thông tin trên toàn cầu. Yêu cầu về thưởng thức thể thao cũng giống như nhu cầu cơm ăn áo mặc. Đôi khi, ngôi sao thể thao có tầm ảnh hưởng và nổi tiếng toàn cầu.
Thể thao có thể tạo ra tác động lớn tới ngành công nghiệp không khói, đó là du lịch. Trước đó, người hâm mộ tới Barcelona không phải để tham quan thành phố này, mà chỉ đơn giản để theo dõi danh thủ Lionel Messi.
Thế nhưng, đi ngược với xu thế ấy, giờ đây, về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Thể dục Thể thao chuyển thành Cục Thể dục thể thao. Nhìn sang những nước "hàng xóm" như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, họ đều có Bộ thể thao riêng biệt.
Điều đó dẫn tới tình trạng đôi khi cán bộ ngành thể thao không có tiếng nói đủ lớn. Thậm chí những năm gần đây, trong các thứ trưởng, không có ai phụ trách Thể dục thể thao.
Tài chính cho lĩnh vực thể thao không có nhiều nhưng chúng ta lại đầu tư quá dàn trải. Môn nào ở SEA Games chúng ta cũng thi đấu và đều muốn giành huy chương.
Tôi thực sự chạnh lòng khi chứng kiến tay vợt Lee Chong Wei của Malaysia có tới 28 người đi theo hỗ trợ. Trong khi đó, tay vợt Nguyễn Thùy Linh của chúng ta không có HLV hỗ trợ, tới mức phải nhờ HLV Thái Lan chỉ đạo hộ (ở giải cầu lông quốc tế Phần Lan năm 2023).
Nói vậy để thấy, chúng ta không đầu tư nhiều tiền cho thể thao và lại không đầu tư trọng điểm. Theo tôi, chúng ta nên học tập Trung Quốc hay Thái Lan khi xã hội hóa nhiều môn thể thao. Nhà nước không nhất thiết phải ôm hết tất cả các bộ môn.
Tôi tin rằng chúng ta có những vận động viên (VĐV) đủ tiềm năng và tố chất để giành huy chương ở Olympic. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta chọn môn thể thao nào để gặt hái thành công. Thể thao Việt Nam rất khó cạnh tranh ở môn bóng bàn với Trung Quốc, không dễ để thi đấu boxing với những nước có sức mạnh thể chất.
Còn ở điền kinh, Ethiopia hay Kenya đã thống trị cự ly dài, Jamaica gần như vô đối ở cự ly ngắn. Chúng ta cũng khó cạnh tranh với kình ngư của Mỹ và Australia ở môn bơi lội.
Vấn đề chọn môn rất quan trọng. Chúng ta từng có huy chương ở môn cử tạ của Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh hay Trần Lê Quốc Toàn ở Olympic London. Ở môn taekwondo, Việt Nam từng có Trần Hiếu Ngân đạt HCB ở Olympic Sydney 2000. Đặc biệt là môn bắn súng, chúng ta từng có HCV của Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016.
Để từ đó, chúng ta có thể lựa chọn những VĐV phù hợp vào từng môn thế mạnh. Tôi chỉ lấy ví dụ như môn cử tạ. Rõ ràng, nếu chúng ta tuyển chọn các VĐV từ Tây Nguyên sẽ có nền tảng thể chất tốt hơn so với VĐV ở Hà Nội hay TPHCM.
Các VĐV Ethiopia hay Kenya mạnh về chạy đường dài bởi không nơi nào trên Trái Đất, người dân lại đi bộ nhiều như tại đây. Hay người dân ở Caribe như Jamaica thường chạy ngược dòng nước để mưu sinh, điều đó giúp họ xây dựng nền tảng mạnh mẽ.
Năm 2021, tôi từng đề cập tới vấn đề "Khủng hoảng thủ lĩnh thể thao". Chúng ta từng có những người thủ lĩnh thực sự có tâm, có tầm như ông Hoàng Vĩnh Giang hay Nguyễn Hồng Minh. Chúng ta đang thiếu những con người như vậy. Những nhà quản lý thể thao vừa cần trình độ, vừa phải có cá tính.
Giờ đây, những nhà quản lý thể thao quá tập trung vào những chuyện nhỏ, mà thiếu đi tầm nhìn vĩ mô. Tôi chỉ lấy ví dụ như vấn đề xin đất mở trung tâm huấn luyện, xin kinh phí để thúc đẩy những VĐV giỏi…
Hay tôi chỉ nói đơn cử như vấn đề bản quyền Olympic cũng cho thấy chúng ta chưa thực sự chú trọng và có cái nhìn đúng đắn về thể thao. Khi cuộc sống của người dân được cải thiện, nhu cầu thưởng thức thể thao đỉnh cao, để nâng cấp tinh thần con người. Không phải ngẫu nhiên, hầu hết các nước Đông Nam Á (trừ Việt Nam và Lào) đều sở hữu bản quyền Olympic.
Ngành thể thao và bộ mặt xã hội nên có cái nhìn đúng đắn hơn về những VĐV hàng ngày đổ mồ hôi và thậm chí cả máu để mang về vinh quang cho đất nước. VĐV Carlos Yulo, người giành 2 HCV cho Philippines, được đối xử không khác gì ông hoàng khi trở về đất nước. Số tiền thưởng giúp anh ta sống thoải mái cả đời. Tương tự, Thái Lan cũng chi thưởng rất lớn cho những VĐV giành Olympic.
Tôi thừa nhận đãi ngộ cho VĐV Việt Nam vẫn còn thua xa so với thế giới. Tôi lấy ví dụ như trường hợp của VĐV Hoàng Anh Tuấn, người từng giành HCB ở Olympic 2008. Cậu ta vẫn chật vật trong vai trò HLV cử tạ, với đời sống không mấy dư dả.
Thể thao góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam. Tôi biết người dân Việt Nam rất yêu mến thể thao và hy vọng chúng ta có vị thế trên bản đồ thể thao thế giới. Đây không phải là câu chuyện riêng của ngành thể thao.
Nhà báo nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu năm nay 81 tuổi. Ông là cây viết thể thao nổi tiếng và từng theo sát nhiều sự kiện thể thao trong hàng thập kỷ qua. Bên cạnh đó, ông còn xuất bản hơn 20 cuốn sách về nhiều vấn đề khác nhau.