Võ thuật Việt Nam từ đỉnh cao đến nỗi thất vọng ở Olympic

Trọng Vũ

(Dân trí) - Giống như tính chất của các môn thể thao khác, các môn võ của Việt Nam thu được rất nhiều huy chương ở các kỳ SEA Games, nhưng chúng ta trắng tay ở Olympic đến 24 năm.

Ông hoàng ở SEA Games, người lạc đường tại Olympic

Tính về số lượng huy chương, các môn võ vẫn là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games. Cụ thể, tại SEA Games năm 2022 trên sân nhà, các võ sĩ Việt Nam giành 68 huy chương vàng (HCV) trong các môn võ (chưa kể đấu kiếm và vật).

Những HCV này tại SEA Games năm 2022 bao gồm: boxing (3 HCV), judo (9), jujitsu (2), karate (7), kick boxing (5), kurash (7), muay (4), pencak silat (6), wushu (10), taekwondo (9) và vovinam (6).

Võ thuật Việt Nam từ đỉnh cao đến nỗi thất vọng ở Olympic - 1

Anh em Nguyễn Văn Hùng (phải) và Nguyễn Trọng Cường từng giúp taekwondo Việt Nam rạng danh ở đấu trường quốc tế (Ảnh: TV).

Đến năm 2023, các võ sĩ Việt Nam mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 55 HCV. Những HCV của võ thuật Việt Nam có: jujitsu (1), karate (6), kun bokator (6), kun khmer (5), pencak silat (4), vovinam (7), arnis (2), boxing (2), judo (8), kick boxing (4), taekwondo (4) và wushu (6).

Trong số tất cả các môn võ vừa nêu, chỉ có 3 môn xuất hiện trong chương trình thi đấu của Olympic, gồm taekwondo, boxing và judo. Các môn như kurash, kun bokator, kun khmer, arnis nghe tên đã thấy xa lạ.

Nhóm các môn võ khác, như kick boxing, muay có nhiều nét tương đồng với nhau, tương đồng với boxing, jujitsu tương đồng với judo, hầu như không có khả năng xuất hiện tại Olympic. Các môn vovinam, wushu, pencak silat cũng vậy, rất khó có khả năng các môn này xuất hiện ở Olympic trong tương lai gần.

Võ thuật Việt Nam từ đỉnh cao đến nỗi thất vọng ở Olympic - 2

Các môn võ tại Olympic không có khái niệm biểu diễn, võ thuật ở Olympic là phải thi đấu đối kháng (Ảnh: Siam Sport).

Chưa kể, trong số những HCV võ thuật này, nhiều HCV ở các môn wushu, karate, pencak silat, vovinam đến từ các nội dung biểu diễn, mà nội dung biểu diễn trong võ thuật vốn không nằm trong đầu của những người có quyền quyết định các nội dung thi đấu tại Olympic. Võ thuật, đối với những nhân vật này, phải là đối kháng và phải cạnh tranh trên đài.

Thành ra, câu chuyện số lượng và chất lượng huy chương, số lượng và chất lượng HCV võ thuật của các võ sĩ Việt Nam ở các đại hội thể thao không song hành với nhau.

Chúng ta đầu tư quá nhiều môn, quá nhiều nội dung trong các môn võ chính là điển hình cho phương pháp đầu tư dàn trải, thay vì trọng điểm trong thể thao nhiều năm qua. Đầu tư dàn trải như vậy, tất yếu dẫn đến sự hao tổn nguồn lực và hao tổn thời gian, đánh mất sự tập trung vào các môn trọng điểm.

Sai trọng điểm, thế mạnh lụi tàn dần

Thành ra, không khó hiểu khi một số môn võ của Việt Nam, trong đó có 2 môn có trong chương trình thi đấu của Olympic, hoặc tuột dốc không phanh (taekwondo), hoặc không thể gia nhập nhóm có khả năng giành huy chương Olympic (boxing).

Võ thuật Việt Nam từ đỉnh cao đến nỗi thất vọng ở Olympic - 3

Võ thuật các hạng cân nhẹ là "mỏ huy chương" cho các VĐV Đông Nam Á (Ảnh: Reuters).

Taekwondo Việt Nam từng có quá khứ huy hoàng. Năm 2000, Trần Hiếu Ngân từng giành huy chương bạc (HCB) Olympic Sydney (Australia), hạng 49kg nữ. Tức là từ tận 24 năm trước, thể thao Việt Nam đã xuất hiện tiềm năng giành huy chương ở môn này ở đấu trường Thế vận hội.

Trước đó, tại Asiad 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản), Trần Quang Hạ giành HCV hạng cân 58kg nam, trong môn taekwondo. Đây là HCV đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử các kỳ Asiad.

Đến năm 1998, Hồ Nhất Thống nối gót Trần Quang Hạ giành HCV hạng cân 58kg nam, môn taekwondo, tại Asiad Bangkok (Thái Lan).

Sau Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống và Trần Hiếu Ngân là Nguyễn Văn Hùng, người giành HCB Asiad Busan (Hàn Quốc) 2002 và huy chương đồng (HCĐ) Asiad Bangkok 1998.

Tất cả họ đều thành công ở các đấu trường lớn tầm châu lục và thế giới ở những nội dung thi đấu đối kháng.

Võ thuật Việt Nam từ đỉnh cao đến nỗi thất vọng ở Olympic - 4

Hà Thị Linh (xanh) thất bại ở boxing tại Olympic Paris 2024 (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, cũng vì chú tâm mở rộng số lượng thay vì đầu tư cho chất lượng, những nhà hoạch định chiến lược cho môn taekwondo và các môn võ khác hướng sự chú ý vào các nội dung thi đấu biểu diễn, khiến cho thế mạnh trong môn taekwondo Việt Nam lụi tàn dần.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương (cựu giảng viên Đại học TDTT TPHCM) bình luận: "Các môn võ hạng cân nhẹ là những nội dung thi đấu rất phù hợp với thể trạng của dân Đông Nam Á nói chung, của người Việt Nam nói riêng. Các quốc gia khác ở Đông Nam Á đã nhìn ra điều này, trong khi chúng ta đang chệch hướng".

Dòng sự kiện: Olympic Paris 2024