Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic: Hậu quả của tư duy "ao làng"

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Kết thúc Olympic Paris 2024, Đoàn Thể thao Việt Nam ra về mà không gặt hái được bất kỳ tấm huy chương nào. Đây đã là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp mà thể thao Việt Nam "trắng tay".

Trái ngược với thành tích 2 lần liên tiếp giành vị trí nhất toàn đoàn tại các kỳ SEA Games gần nhất, thành tích của thể thao Việt Nam khi vươn ra "biển lớn" chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Hàng loạt nguyên nhân được đưa ra, trong đó 2 vấn đề chính được nhiều người đề cập, đó là căn bệnh "thành tích" của người làm thể thao và sự hạn chế trong ngân sách, cơ sở vật chất để phát triển thể thao học đường. 

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic: Hậu quả của tư duy ao làng - 1

Olympic chỉ ra khoảng cách khổng lồ giữa các VĐV Việt Nam và quốc tế (Ảnh: Getty).

"Cần phát triển cái gốc là thể thao học đường"

Thất bại của thể thao Việt Nam khiến nhiều người "bừng tỉnh" và nhận ra tầm quan trọng của thể thao học đường. Khi cái gốc chưa được chú trọng, khi nền thể thao học đường chưa thể trở thành "bệ phóng" để phát triển thể thao thành tích cao, khó để thể thao Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc hàng đầu thế giới. 

"Bài học từ các nước châu Á là muốn thành công ở thế giới phải tập trung đầu tư thể thao học đường. Trong khi đó, Việt Nam vẫn bài toán làm ngọn không làm phần gốc, bao nhiêu thế hệ học sinh vẫn luẩn quẩn quanh những động tác thể dục hít thở, giơ tay cao lên trời... trong khi những môn chuyên sâu như bóng đá, bơi lội hay phù hợp thể chất chúng ta, cần đầu tư chuyên sâu như bóng bàn, cầu lông hay võ thuật lại không được đầu tư. Các gia đình muốn con tập thể thao phải bỏ thêm tiền đầu tư, rất tốn kém và kìm hãm sự phát triển của thể thao nước nhà", anh Nguyễn Trung thẳng thắn chỉ ra vấn đề. 

"Thể thao học đường không những phát hiện, phát triển những tài năng mà còn tăng cường thể chất cho thế hệ trẻ vốn đang ngày một lười vận động, phụ thuộc vào thiết bị công nghệ. Với những giá trị như trên, việc đẩy mạnh phát triển thể thao học đường là hết sức cần thiết", chủ tài khoản HighMountain Winter có chung quan điểm. 

Còn với độc giả Toàn Lê, anh cho rằng cần tạo thêm các sân chơi cho VĐV thể thao phong trào để từ đó tìm kiếm ra những "viên ngọc thô" mới cho nền thể thao nước nhà. Lấy ví dụ từ Đại hội Thể thao Học sinh sinh viên Đông Nam Á, người này viết: "Đại hội Thể thao Học sinh sinh viên Đông Nam Á là nơi các nước bạn tham gia với học sinh sinh viên thực thụ thì Việt Nam để thâu tóm huy chương đã đưa toàn VĐV chuyên nghiệp, đang học chuyên tu tại các thể thao ra thi đấu. Kết quả là học sinh sinh viên thực thụ không có sân chơi, không có đất để diễn.

Huy chương vàng mà thể thao Việt Nam giành được ở SEA Games đều là những huy chương không thuộc những môn mũi nhọn để tham dự Olympic. Trong khi đó, Thái Lan, Philippines hay Indonesia dù giành ít huy chương hơn nhưng huy chương của họ thực sự chất lượng, ở những môn có thể đua tranh ở đẳng cấp thế giới".

"Hình ảnh một đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu với một đội sinh viên đại học của nước bạn, thua sấp mặt, thật đáng xấu hổ. Tôi tưởng tư duy thay đổi từ hồi đó rồi?" anh DatDuong đặt câu hỏi châm biếm sau nhiều lần chứng kiến các đội tuyển bóng đá trẻ của Việt Nam lép vế hoàn toàn trước các đội bóng sinh viên của Nhật Bản, Hàn Quốc. 

"Cái cốt lõi nhất không ai dám nói là hạ tầng cho nền thể thao học đường và toàn dân. Hãy trả lại đất cho nhà nước làm công viên, sân thể thao, vui chơi cho học sinh, sinh viên, cho toàn dân thì nền thể thao sẽ tự đi lên ngay", anh Kieu Tien Long nhìn nhận dưới góc độ xã hội.

"Muốn có thành tích cao thì thể thao phong trào phải phát triển, giống như xây nhà, muốn xây cao thì nền móng phải chắc. Thể thao phong trào cũng giống như nền móng cho thể thao thành tích cao. Ở Trung Quốc, các môn bóng bàn, cầu lông chỗ nào cũng có, ai cũng chơi được, từ thể thao phong trào sẽ phát hiện được những nhân tố tốt. Các cường quốc thể thao thế giới đều có nền thể thao trong nhà trường rất phát triển, không chỉ giúp học sinh phát triển về thể chất còn giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội" chị Thao Thach nhấn mạnh.

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic: Hậu quả của tư duy ao làng - 2

Trịnh Văn Vinh gây thất vọng khi thậm chí không được ghi nhận thành tích tại Olympic (Ảnh: Reuters).

Những chiếc huy chương "vô giá trị" tại SEA Games

Tại kỳ SEA Games gần nhất, Đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 355 huy chương, trong đó có 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ. Tuy nhiên, có một sự thực phũ phàng được nhiều người chỉ ra rằng, nhiều tấm huy chương vàng đạt được là ở những môn thể thao không ở đẳng cấp Olympic, không có giá trị đua tranh khi vươn ra đấu trường thế giới. 

Anh Manh Huy phân tích: "Chúng ta muốn nằm trong vùng an toàn nên chỉ chú trọng SEA Games, dồn toàn lực vào giải ao làng trong khi các nước như Thái Lan chỉ coi SEA Games là giải tuyển chọn, sàng lọc chọn ra những VĐV trẻ tốt nhất, bồi dưỡng cho đấu trường chính là Asiad và Olympic. 10 năm nữa thì thể thao Việt Nam cũng vẫn chỉ được như này thôi, vì tính an toàn".

Có chung sự trăn trở, người dùng có nickname Jack Vu bình luận: "Nhiều năm qua, đa phần người hâm mộ không còn quan tâm SEA Games nhưng ngành thể thao vẫn lấy đó làm tiêu chí hàng đầu, đầu tư dàn trải để cố kiếm thật nhiều huy chương vàng SEA Games, còn thành tích ở cấp độ cao hơn như Asiad càng ngày càng đi xuống, Olympic thì 2 kỳ gần nhất đều trắng tay. Vị thế kinh tế, chính trị của đất nước đã đạt đến tầm quốc tế, tại sao thời thế thay đổi rồi mà tư duy của người làm thể thao lại không đổi thay?".

"Chúng ta có bệnh thành tích, cứ vùng vẫy được tí ao làng là cảm thấy mãn nguyện nhưng sự thật thì phũ phàng, đang bị thiên hạ họ cười nhếch mép kìa", chủ tài khoản Đỗ Sự Thật bình luận. 

Từ thực tại phũ phàng nêu trên, nhiều độc giả đã hiến kế để người làm thể thao có thể áp dụng nhằm nâng cao thành tích thể thao nước nhà. Chủ tài khoản Tokuda Nguyễn đưa ra giải pháp: "Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc họ đầu tư các môn cá nhân không cần sử dụng nhiều thể chất như bắn súng, bắn cung, cầu lông, cử tạ... và cạnh tranh huy chương sòng phẳng với thế giới. Việt Nam không đầu tư trọng điểm vào một số môn như vậy thì còn lâu mới đạt đẳng cấp thế giới được.

Trong đó, bắn súng và bắn cung là những môn có khả năng cao nhất. Còn với cử tạ, có thể tập trung vào các hạng cân thấp, từ 70 kg trở xuống để có thể tăng cơ hội cạnh tranh".

"Không cần phải suy nghĩ tìm hướng đi cho mệt, hãy nhìn các nước Đông Nam Á, châu Á dễ đoạt huy chương ở môn nào nhất mà đầu tư các môn đó. Kiểu như các môn bơi lội, chạy có đầu tư 2000 năm cũng không mơ có tấm huy chương nào vì tố chất thể lực chúng ta sao hơn phương tây và châu Phi được", anh Thái Nguyễn nhấn mạnh. 

Dòng sự kiện: Olympic Paris 2024