DMagazine

"Siêu cò" châu Âu: "Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi"

(Dân trí) - Theo nhà môi giới Jernej Kamensek không phải thế hệ cầu thủ Việt Nam nào cũng sản sinh ra những gương mặt xuất chúng. Theo ông, thế hệ U23 Việt Nam hiện tại rõ ràng yếu thế hơn so với các đàn anh.

Theo nhà môi giới Jernej Kamensek, người từng đưa HLV Ljupko Petrovic, Nastja Ceh hay Pape Omar đến V.League hay theo chiều ngược lại là suýt nữa đưa Văn Thanh, Trọng Hoàng ra châu Âu, không phải thế hệ cầu thủ Việt Nam nào cũng sản sinh ra những gương mặt xuất chúng. Theo ông, thế hệ U23 Việt Nam hiện tại rõ ràng yếu thế hơn so với các đàn anh như Quang Hải, Đức Chinh, Công Phượng, Xuân Trường, Hoàng Đức… 

Cảm ơn ông đã tham gia trao đổi với Dân trí, xoay quanh chủ đề ngày một nóng hổi "hậu" vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á: Thế hệ kế cận của Việt Nam liệu có viết tiếp giấc mơ World Cup vào năm 2026?

Hai trận đấu cuối cùng của vòng loại, HLV Park Hang Seo đã sử dụng hai cầu thủ trẻ thuộc thế hệ mới. Đó là trung vệ Nguyễn Thanh Bình và Bùi Hoàng Việt Anh. Dựa trên góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào về màn trình diễn của hai cầu thủ này? 

Siêu cò châu Âu: Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi - 1

- Xin chào độc giả Dân trí. Đầu tiên, bạn có nhắc đến Thanh Bình. Đây là cầu thủ tôi đã làm việc hai năm trước ở CLB Bình Định. Tôi vẫn nhớ điều mà mình từng chia sẻ với trung vệ này sau một tháng tập luyện ở đội bóng đất Võ. Đó là: "Nếu như cậu tập luyện chăm chỉ, sẽ có một ngày cậu là trụ cột của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Điều ấy sẽ đến sớm thôi, Thanh Bình". Cho đến hiện tại, tôi đã chứng kiến Bình ra sân thi đấu và chơi tốt trước Nhật Bản. Nhưng bây giờ, Bình vẫn chưa phải là cầu thủ chủ lực của đội tuyển Việt Nam. Cậu ấy sẽ phải tiến bộ hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa trong tương lai gần.

Từ trường hợp của Bình, tôi cho rằng các cầu thủ trẻ cần được trao nhiều cơ hội thi đấu hơn, giống như hai trận đấu vừa qua khi Việt Nam đấu với Oman và Nhật Bản. Tôi có cảm giác rằng mọi thứ đang có những thay đổi tích cực. Sau thất bại trước Thái Lan ở AFF Cup 2020, HLV Park Hang Seo cũng có nhiều chuyển biến trong cách dùng người. 

Siêu cò châu Âu: Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi - 3

Nhưng một số ý kiến cho rằng vì HLV Park Hang Seo không thể có sự phục vụ của các trụ cột như Duy Mạnh, Tiến Dũng, Đình Trọng nên nhà cầm quân Hàn Quốc mới tạo điều kiện cho Thanh Bình, Việt Anh ra sân thi đấu. Ông nghĩ sao về điều này? 

- Tiếc rằng thực tế đúng là như vậy. Đó cũng là lý do vì sao ông Park chịu chỉ trích và áp lực lớn sau thất bại trước Thái Lan. Các cầu thủ trẻ U23 đã không được trao nhiều cơ hội. Trong khi một đội tuyển mạnh phải có sự dung hòa giữa những cầu thủ giỏi và các tài năng trẻ. Bóng đá là sự kết hợp của sức trẻ, sức mạnh và kinh nghiệm, bản lĩnh. Tôi không muốn nói nhiều nữa vì sẽ nhiều người cho rằng tôi nghiệt ngã với cách dùng người của ông Park trong một thời gian dài. Tôi chỉ muốn đưa ra thất bại mà Việt Nam đã phải trải qua ở AFF Cup 2020, khi cách dùng người thiếu linh hoạt và đầy cứng nhắc đã khiến thầy trò Park Hang Seo phải trả giá. 

Siêu cò châu Âu: Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi - 5

Một vấn đề nữa mà chúng ta phải thừa nhận, Thanh Bình và Việt Anh là những cầu thủ U23 Việt Nam hiếm hoi mà HLV Park Hang Seo tạo điều kiện để thi đấu AFF Cup hay vòng loại World Cup 2022. Điều đó hoàn toàn trái ngược khi chúng ta trẻ hóa mạnh mẽ với lực lượng nòng cốt của lứa 1995-1997 hay 1997-1999 góp mặt với mật độ lớn ở đội tuyển quốc gia ngay từ vài năm về trước. Vậy, đâu là lý do khiến HLV Park Hang Seo dè dặt trong việc trao cơ hội cho lứa hậu bối Công Phượng, Quang Hải? Nên nhớ họ chính là nòng cốt cho SEA Games 2021 và chiến dịch hướng tới tấm vé dự World Cup 2026 trong tương lai? 

- Nếu tôi dùng từ may mắn thì có ổn không nhỉ? Nhưng Park Hang Seo đến Việt Nam khi thế hệ tốt nhất của bóng đá nước nhà đạt đến độ chín. Ông Park đã thừa hưởng và tận dụng rất tốt các cầu thủ ấy. Và cho đến giờ, nhiều gương mặt trong số họ vẫn còn trẻ. Đó là lý do vì sao mà thế hệ sau đó của bóng đá Việt Nam không có nhiều cơ hội để được bước ra ánh sáng. Đó là câu chuyện nghiệt ngã và cũng rất đỗi bình thường trong bóng đá. Một tay bạn nhận được một thế hệ giỏi và nhận được nhiều cơ hội. Tay còn lại của bạn là một lứa cầu thủ khác còn giới hạn về năng lực và chỉ nhận được một hai cơ hội tương xứng với trình độ còn khiêm tốn ấy. 

Bóng đá là cuộc sống, chứ không phải những món hàng trên một dây chuyền sản xuất. Bạn không thể cùng lúc phát triển một loạt cầu thủ như nhau. Tôi cho rằng, người hâm mộ Việt Nam đã nhầm to khi họ ảo tưởng rằng mỗi thế hệ của Việt Nam đều có những cầu thủ giỏi. 

Siêu cò châu Âu: Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi - 7

Ông có nói rằng người Việt Nam đã nhầm khi không phải thế hệ nào cũng xuất sắc. Vậy, ông nghĩ sao về dàn cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại, một cách thật lòng? 

- Tôi là người hay nói thẳng. Tôi cũng vì bóng đá Việt Nam thôi. Thừa nhận rằng, lứa cầu thủ này không thể giỏi bằng những gương mặt đang chơi ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Và ngay cả khi vẫn là những cầu thủ thuộc cấp độ U23 thôi thì những cầu như Quang Hải, Đức Chinh, Đình Trọng cũng đã xuất sắc hơn so với lứa cầu thủ U23 bây giờ. 

Đâu là lý do khiến lứa cầu thủ U23 Việt Nam này kém hơn so với thế hệ đàn anh, thưa ông? 

- Đó có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các đội bóng ít trao cơ hội cho cầu thủ trẻ. Nhưng cũng có thể là bởi năng lực của họ vốn dĩ đã khiêm tốn. Khi các cầu thủ chưa đủ khả năng thì rất khó để các đội sẵn sàng liều lĩnh sử dụng họ ở một đấu trường có đẳng cấp cao hơn so với trình độ mà các cầu thủ ấy đang có. 

Siêu cò châu Âu: Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi - 9

Nếu ông là một thành viên trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông sẽ đưa ra phương án nào để cải thiện trình độ cho lứa cầu thủ hiện tại? 

- Chắc chắn tôi sẽ phải tập trung cải tổ và xây dựng một cách quy củ hệ thống bóng đá trẻ và các cấp độ đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống các HLV cho từng cấp độ đội tuyển cũng cần phải giỏi hơn so với đội ngũ hiện tại. Thứ ba, tôi muốn bóng đá Việt Nam có thêm một hai giải đấu cho các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội chơi bóng. Hoặc nếu không, giải hạng Nhất phải được mở rộng quy mô với số đội tăng lên. Hoặc thậm chí với V.League, chúng ta cần đưa ra quy định về việc có từ một hai cầu thủ dưới 21 tuổi được chơi bóng ít nhất là 45 phút/trận. 

Một cách thật lòng, ông có tin rằng trong khoảng 4 năm tới, Việt Nam kịp thời phát triển để biến giấc mơ World Cup thành hiện thực? 

- Không! Với tình hình này, Việt Nam chỉ có duy nhất một cơ hội để dự VCK World Cup. Đó là khi FIFA mở rộng số đội châu Á lên từ 15-20 đội. Tôi cho rằng, mục tiêu phù hợp và thiết thực hơn là chúng ta hãy hướng đến việc góp mặt từ hai, ba lần ở vòng loại cuối cùng World Cup khu vực. Kế đến sau đó, Việt Nam mới có thể nghĩ đến World Cup được. Ngoài ra thật lòng mà nói, đầu tư cho bóng đá Việt Nam là rất hạn chế. Nhiều quốc gia ở thời điểm hiện tại sẵn sàng chi từ 50-100 triệu USD cho phát triển bóng đá trẻ. Trung Quốc thậm chí còn chi tới tiền tỷ để hy vọng "hóa rồng". 

Nhưng Trung Quốc sai lầm ở chỗ, họ nghĩ rằng tiền là tất cả. Họ bỏ qua việc tuyển chọn những nhân tố đủ tâm và đủ tầm để phát triển bóng đá. Trung Quốc hiện tại còn yếu hơn so với chính họ vài năm về trước. Ném tiền qua cửa sổ và tin nhầm người đã khiến Trung Quốc phải trả một bài học quá đắt.

Siêu cò châu Âu: Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi - 11

Ông từng nói các cầu thủ Việt Nam từ 19 đến 21 tuổi nên xuất ngoại. Nhưng liệu có cầu thủ nào từ lứa U21 đến U23 hiện tại của Việt Nam đủ tầm rời V.League trong thời gian tới? 

- Tôi e là không. Thanh Bình có lẽ là cầu thủ hay nhất của U23 Việt Nam lứa này. Nhưng trình độ của cậu ấy còn quá kém để chơi tại một giải châu Âu. Tôi lấy ví dụ nhé, ở Slovenia nước tôi có một tài năng xuất chúng. Cậu ấy tên là Benjamin Sesko. Khi 18 tuổi, Sesko đã chơi ở UEFA Champions League cho Red Bull Salzburg. Và Sesko rời Slovenia từ khi 16 tuổi với mức giá 2,5 triệu euro. 

Nhưng Sesko không phải tự dưng thành công vang dội như vậy. Đằng sau những ấn tượng ngoài sân cỏ là một cầu thủ nỗ lực không ngừng nghỉ để đẩy năng lực bản thân từng bước vượt qua ngưỡng giới hạn trình độ. 

Siêu cò châu Âu: Đừng ảo tưởng thế hệ nào của bóng đá Việt Nam đều giỏi - 13

Trở lại với Thanh Bình, tôi cho rằng bàn thắng của cậu ấy vào lưới Nhật Bản là một điều đáng khen. Nhưng đó vẫn là phút giây lóe sáng trong một bức tranh tổng thể vẫn còn đó gam màu xám ở Thanh Bình. Sau cùng thì Thanh Bình vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để từng bước vượt qua được giới hạn bản thân. Và tôi mong mọi người hãy nhìn vào lộ trình phát triển của Bình, hơn là quá kỳ vọng sau một khoảnh khắc lóe sáng từ cậu ấy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nội dung: Tường Vy

Thiết kế: Thủy Tiên