DMagazine

Ousmane Dembele: "Con muỗi hút máu" khiến Barcelona kiệt quệ

(Dân trí) - Lịch sử bóng đá chắc chắn định danh Ousmane Dembele như là một trong những bản hợp đồng kỳ quái nhất của Barcelona, như một "con muỗi hút máu" đến kiệt quệ gã khổng lồ xứ Catalonia.

Lịch sử bóng đá chắc chắn định danh Ousmane Dembele như là một trong những bản hợp đồng kỳ quái nhất của Barcelona, như một "con muỗi hút máu" đến kiệt quệ gã khổng lồ xứ Catalonia.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 1

Lịch sử Barcelona đầy rẫy những bản hợp đồng thất bại. Thật khó kiếm đội bóng nào mua sắm kém cỏi như gã khổng lồ xứ Catalonia. Ngay cả ở giai đoạn thành công nhất lịch sử cùng HLV Pep Guardiola, những quyết định mua sắm của Barca vẫn thật tệ hại.

25 triệu euro cho Chygrynskiy. 14 triệu euro cho Keirrison. 10 triệu euro cho Henrique. Những cầu thủ mà dấu ấn tại Camp Nou là con số không tròn trĩnh. Ngay cả 46 triệu euro cộng thêm Samuel Eto'o dành cho Zlatan Ibrahimovic cũng không thể xem là thành công.

Nhưng với nội lực khủng khiếp của La Masia, cái nôi sản sinh ra Messi, Xavi, Iniesta v.v. và tài cầm quân kiệt xuất của Pep, thất bại trên thị trường chuyển nhượng không thể làm suy chuyển sức mạnh và sự thống trị của Barca thời điểm đó. Nhưng Barca thời đại tiqui-taca chỉ có một và không thể lặp lại. Những giai đoạn khác, đặc biệt là thời điểm hiện tại, gã khổng lồ xứ Catalonia kiệt quệ vì sự yếu kém trong khâu chiêu binh mãi mã.

Trong lịch sử mua sắm thảm hại của Barca, có hai thời điểm mang tính bước ngoặt và có nhiều điểm tương đồng. Đó là mùa hè 2000 và mùa hè 2017. Trong năm cuối cùng của thế kỷ 20, Barca hứng chịu cái tát tê tái từ Real Madrid, khi để cho đại kình địch cướp mất Luis Figo, ngôi sao sáng nhất, đội trưởng, biểu tượng mới của Los Blaugrana.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 3

Với 60 triệu euro phí chuyển nhượng ước chừng bị vứt vào tay, Barca xử lý khủng hoảng bằng cách chi 40 triệu euro để chiêu mộ Marc Overmars từ Arsenal. Cầu thủ chạy cánh người Hà Lan là một ngôi sao sáng tại Premier League, thế nên sự phản bội của Figo phần nào được nguôi ngoai. Nhưng, 4 năm sau, tiền vệ này tuyên bố giải nghệ vì chấn thương đầu gối dai dẳng. Dĩ nhiên khoảng trống Figo thực tế không hề được khỏa lấp.

17 năm sau, bi kịch lặp lại. Barca mất Neymar vào tay PSG. 222 triệu euro bị chuyển vào tài khoản. Một con số vô cùng khủng khiếp. Nhưng sự nhục nhã càng khủng khiếp hơn. PSG chỉ là một tay trọc phú. Barca là thế lực lớn nhất của bóng đá châu Âu. Suốt nhiều năm, khoác áo Los Blaugrana là ước mơ của mọi ngôi sao. Nếu ví Barca như vị thần Poseidon trong thần thoại Hy Lạp thì MSN (Messi-Suarez-Neymar) chính là cây đinh ba hiện thân cho sức mạnh hô phong hoán vũ. PSG cướp Neymar, đinh ba gãy.

Để xử lý khủng hoảng, rất chóng vánh, Barca đưa về Ousmane Dembele, với mức phí chuyển nhượng ước chừng 140 triệu euro. 5 năm sau, ở tuổi 24, cầu thủ người Pháp trên đường rời Camp Nou, với lời tống tiễn của Mateu Alemany, Giám đốc thể thao Barca. Gã khổng lồ xứ Catalonia đã không còn chịu nổi cầu thủ có biệt danh "Con muỗi" này.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 5
Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 7

Nếu Ousmane Dembele xuất hiện trên băng ghế dự bị vào đêm thứ Năm, ngày 20/1/2022, Barcelona có lẽ đã không bị Athletic Bilbao loại khỏi Copa del Rey. Bởi ít nhất, họ có thể đưa anh vào sân trong hiệp phụ, sau khi Ansu Fati phải rời sân vì chấn thương. Nhưng với chữ "nếu", người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai. Thay vào đó, cầu thủ người Pháp đang bị hắt hủi, sau khi Barcelona tuyên bố rằng anh nên rời đi "càng sớm càng tốt".

Giám đốc thể thao Mateu Alemany của Barcelona thường không có thói quen nói chuyện với kênh truyền thông của đội bóng, mỗi khi danh sách đăng kí cầu thủ cho một trận đấu được công bố. Nhưng sáng thứ Năm đó lại là câu chuyện khác. Alemany cảm thấy cần phải giải thích lí do tại sao Dembele không góp mặt trong cuộc chạm trán với Bilbao ở vòng 1/8 Copa del Rey.

"Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với Ousmane và người đại diện của cậu ta từ tháng 7 năm ngoái," Alemany nói. "Trong sáu tháng qua, Barca đã đưa ra những lời đề nghị khác nhau nhưng đều bị người đại diện của cậu ta từ chối.

"Có vẻ như Ousmane không muốn ở lại Barcelona. Vì vậy, chúng tôi đã thông báo với phía Ousmane rằng cậu ta phải rời đi ngay lập tức. Chúng tôi hi vọng có thể bán cậu ta trước ngày 30/1.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 9

"Chúng tôi không muốn có những cầu thủ không cam kết với dự án và không muốn ở lại Barca. Vì vậy, không có mặt trong đội hình là hệ quả của tất cả những điều trên."

Thời gian của Dembele ở Catalonia chắc chắn sẽ khép lại. Đó không phải là cái kết mà hai bên đã dự đoán cách đây 5 năm, khi Barcelona trả mức phí lên tới 105 triệu euro cho Dembele vào năm 2017, với những khoản phụ phí lên tới 40 triệu euro.

Mọi thứ thay đổi đến chóng mặt.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 11

Chỉ vài tuần trước, Barcelona đã cho cả thế giới thấy nỗ lực gia hạn hợp đồng với Dembele, người sẽ hết hạn vào tháng 6 năm nay. "Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Ousmane và cậu ấy muốn ở lại," chủ tịch CLB Joan Laporta nói với Catalonia TV3. "Chúng tôi cũng muốn Ousmane ở lại, vì cậu ấy là một cầu thủ tuyệt vời - thậm chí còn hay hơn cả Kylian Mbappe."

Xavi cũng có những động thái phụ họa, khi khen ngợi tuyển thủ người Pháp là người xuất sắc nhất ở vị trí của anh ta. Không giống như Philippe Coutinho, người mà Xavi biết rõ mình không thể dùng nổi, Dembele được xem là người đội bóng cần; việc trở lại chiến thuật với sơ đồ 4-3-3 truyền thống đòi hỏi sự khéo léo và trực diện từ những cầu thủ như Dembele.

Trong trường hợp này, sự tâng bốc không đưa họ đi đến đâu. Có thể Dembele đã nói riêng với Laporta rằng anh muốn ở lại. Có thể hai bên ngồi rất gần khi đàm phán, nhưng suy nghĩ thì lại cách xa nhau hàng vạn dặm.

Phía Dembele hoàn toàn tự tin vào vị thế đàm phán của mình. Trong vài tháng qua, cầu thủ 24 tuổi là tiền đạo quan trọng nhất của Barcelona. Phẩm chất kĩ thuật của Dembele giúp anh trở thành người đảm nhận các tình huống cố định. Những quả phạt góc nguy hiểm của anh đã giúp Barcelona ghi những bàn thắng quan trọng vào lưới Elche và Sevilla ở La Liga hồi tháng 12, cũng như tạo ra bàn đầu tiên cho đội bóng xứ Catalonia, trong trận thua 3-2 trước Real Madrid ở bán kết Siêu cúp Tây Ban Nha.

Cùng với những lời khen ngợi từ Laporta và Xavi vẫn còn văng vẳng bên tai, phía Dembele muốn có mức lương 30 triệu euro mỗi năm, trong khi đó lời đề nghị của CLB còn thấp hơn mức lương 20 triệu euro/năm hiện tại của anh.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 13

Barcelona cần giải quyết câu chuyện này càng sớm càng tốt, do tình hình tài chính khó khăn của họ và sự phức tạp của các quy tắc công bằng tài chính của La Liga. Số tiền 27 triệu euro cuối cùng trong phí chuyển nhượng của Dembele đang được tính vào ngân sách của mùa giải hiện tại. Nếu anh gia hạn, số tiền còn nợ Dortmund có thể được chia ra trong những năm tiếp theo của hợp đồng mới, giải phóng không gian để bổ sung cầu thủ mới trong kỳ chuyển nhượng hiện tại.

Ban đầu, đội chủ sân Nou Camp hi vọng có thể thực hiện điều này đúng lúc để đăng ký tân binh Ferran Torres, một người cũng chơi rộng, có tốc độ và ghi nhiều bàn thắng như Dembele. Cuối cùng, họ đã tìm được chỗ cho Torres ở La Liga, thông qua sự kết hợp giữa việc Sergio Aguero giải nghệ, Coutinho chuyển sang Aston Villa cho mượn và Samuel Umtiti đồng ý giảm lương trong thời gian ngắn.

Thế nhưng khác với Umtiti, người sẵn sàng giảm lương trong thời gian ngắn nhưng lại được gia hạn hợp đồng dài hơi, trường hợp của Dembele trở nên phức tạp gấp bội, bởi anh chỉ còn nửa năm hợp đồng.

Sau những tuyên bố của Alemany cách đây ít hôm, có thể hiểu rằng cả hai bên không muốn lưu luyến nhau nữa, ít nhất trên lí thuyết.

Barcelona đã chán với viễn cảnh Dembele thích làm bạn với y tá hơn là với trái bóng, với số trận nghỉ thi đấu lên tới… 102 trận. Cũng có những lời phàn nàn về việc cầu thủ sinh năm 1997 sinh hoạt thiếu lành mạnh. Don Balon gọi Dembele là người thường xuyên "buồn bã, thờ ơ, thiếu thiện chí và quá cá nhân", là "người lười học tiếng Tây Ban Nha, chỉ đi ngủ lúc nửa đêm để chơi game, một tín đồ của đồ ăn nhanh cũng như liên tục đi tập muộn."

Barcelona cũng đang tự hỏi cầu thủ sinh ra ở Vernon, Pháp có còn phù hợp với họ hay không. Trong trận hòa 1-1 trước Granada hồi đầu tháng, anh liên tục sút chệch khung thành từ những vị trí rất thuận lợi. Đối với một số người, đó là khoảnh khắc anh đang cố gắng tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mặt khác, nó cũng cho thấy anh không hiểu được ý tưởng chung của đội bóng về cách chơi bóng như thế nào.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 16
Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 17

Dembele đã trải qua 4 đời HLV ở Nou Camp, nhưng không ai trong số này có thể giúp anh tiến bộ hơn. Xavi có thể thử, nhưng tình thế hiện tại không cho phép anh làm điều đó.

Trong khi đó, người đại diện của Dembele, Moussa Sissoko có lí do để đặt câu hỏi về cách đối xử của Barcelona với thân chủ của mình. Dù chỉ mới trở lại sau khi mắc Covid-19, Dembele đã được tung vào sân ngay đầu hiệp 2, để giải cứu Barcelona khỏi một trận thua bẽ bàng ở Copa del Rey khi họ đang bị đội hạng ba Linares dẫn trước 1-0.

Moussa Sissoko cũng đổ lỗi cho những ca chấn thương của Dembele là do chế độ tập luyện kì lạ ở đội bóng, với các buổi tập được thiết kế để giúp các ngôi sao kỳ cựu vượt qua mùa giải dài hơi, chứ không phải để giúp các cầu thủ trẻ hơn như Dembele. Fati, Pedri, Umtiti và Coutinho đều gặp vấn đề, với những chấn thương thường xuyên tái phát khi họ trở lại thi đấu ở đội một.

Câu hỏi đặt ra là Barcelona có nên tuyên bố gạt bỏ Dembele một cách công khai như vậy không?

Họ có thể, tự do ngôn luận mà, nhưng tốt hơn hết là nên nói điều đó một cách riêng tư. Điều này không có gì mới. Các đội bóng luôn cố gắng ép buộc cầu thủ bằng cách đe dọa họ, rằng nếu họ không gia hạn thì sẽ phải ngồi ngoài.

Năm 2007, Fabio Capello tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng David Beckham sẽ không chơi cho Real Madrid nữa, sau khi anh đồng ý gia nhập LA Galaxy. Madrid sau cùng vẫn phải cần đến Beckham; may mắn cho họ khi cầu thủ người Anh đã loại bỏ cái tôi để trở lại và giúp đội bóng vô địch La Liga, trước khi chuyển đến xứ cờ hoa.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 19

Về mặt luật pháp, Barca thậm chí còn đang chơi với lửa trong trường hợp này. Như liên đoàn các cầu thủ Tây Ban Nha đã nói vào thứ Năm: "Nếu tình huống này có thể hiểu là một áp lực đối với cầu thủ (phải ký hợp đồng mới hoặc ra đi) và thêm vào đó, có những tuyên bố công khai áp lực này, chúng tôi sẽ đối phó với hành động bất hợp pháp từ phía CLB."

Barca có thể để Dembele ra đi, nhưng một khi đã công khai và thừa nhận rằng họ đang làm điều đó bởi anh sẽ không ký hợp đồng mới - điều mà cầu thủ người Pháp không có nghĩa vụ phải làm - thì rõ ràng họ có nguy cơ khởi kiện.

Phía Dembele rõ ràng không có ý định giúp Barcelona giải quyết vấn đề này. Thông điệp trên Instagram của cựu cầu thủ của Rennes và Dortmund đã khéo léo nói rõ rằng anh sẽ không để Barca đe dọa mình, dù vẫn để ngỏ việc tiếp tục chơi cho đội bóng này.

"Họ đang cố gắng đe dọa và điều đó không hiệu quả với chúng tôi," Sissoko nói với đài phát thanh RMC vào thứ Ba, tức là trước cả khi Xavi và Alemany đưa ra tối hậu thư. "Đúng, chúng tôi có những yêu cầu nhất định, nhưng chúng tôi sẽ chứng minh rằng lựa chọn nghề nghiệp của Ousmane không bị chi phối bởi tiền bạc."

Nói là vậy, nhưng phía cầu thủ này sẽ không cảm thấy bất cứ vấn đề gì nếu phải đợi đến mùa hè - khi họ có nhiều lựa chọn hơn với mức đãi ngộ tốt hơn, nếu CLB mới của Dembele kí hợp đồng với anh theo dạng chuyển nhượng tự do vào mùa hè, thay vì bây giờ.

Hai bên có thể khác xa nhau về suy nghĩ trên bàn đàm phán, nhưng lại chia sẻ điểm chung về cách "nói một đằng, làm một nẻo". Một mặt Barca nói không cần Dembele, một mặt họ rất cần cầu thủ này cho một suất dự Champions League.

Đúng, Dembele là một sai lầm lớn của ban lãnh đạo đội bóng, khi họ chi gần 140 triệu euro chỉ để đổi lấy thành tích 31 bàn và 23 kiến tạo sau 130 trận. Tuy nhiên, quyết định vẫy tay chào tạm biệt anh ngay từ thời điểm này là một sự lãng phí lớn, trong bối cảnh Fati đã chấn thương. Dembele đã tốn tiền, nhưng sẽ là thảm họa về tài chính nếu họ không lọt vào tốp 4.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 21
Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 23

Sau sự ra đi đầy bất ngờ của Neymar, CLB Barcelona đã chi hơn một nửa mức phí kỷ lục mà họ nhận được cho một trong những tài năng sáng giá nhất Bundesliga.

Nhưng thay vì lấp đầy khoảng trống Neymar để lại, Ousmane Dembele trở thành một trong những biểu tượng cho sự quản lý tài chính yếu kém của đội bóng xứ Catalonia, trong kỷ nguyên chứng kiến đội bóng này thụt lùi từ gã khổng lồ ở Champions League trở thành ứng cử viên vô địch Europa League.

Giống như biệt danh kỳ khôi, Dembele như con muỗi khiến gã khổng lồ xứ Catalonia xuất huyết đến kiệt quệ. Vì chi phí tốn kém. Vì năng lượng tiêu cực lan tỏa. Vì thái độ kém chuyên nghiệp. Và vì sự tham lam.

Ngoài 140 triệu euro là mức lương 20 triệu euro. Nên nhớ lương của Salah tại Liverpool cũng chỉ hơn 10 triệu euro. Nên nhớ hơn nữa Barca chỉ dự chi 80 triệu euro cho Dortmund để có Dembele. Nhưng, bằng cách nào đó rất kỳ khôi, được tờ The Athletic tiết lộ là khi đôi bên đàm phán tại Monaco, phía Dortmund thông báo rằng rất bận rộn nên chỉ có 30 phút họp mặt, do đó đưa ra cái giá 140 triệu euro. Chỉ vài phút suy nghĩ, phía Barca, với chủ tịch Bartomeu… đồng ý.

Nếu Dembele đến Blaugrana được cho là báo hiệu một kỷ nguyên mới, thì sự ra đi của anh cũng vậy. Tuy vậy, sẽ phải có nhiều hơn một cầu thủ không hạnh phúc rời khỏi Camp Nou, để đội bóng vĩ đại này có thể lấy lại vinh quang trước đây.

Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 25
Ousmane Dembele: Con muỗi hút máu khiến Barcelona kiệt quệ - 26

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Nguyễn Vượng