Nhìn lại 12 khoảnh khắc vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32
(Dân trí) - Tại Campuchia, điền kinh Việt Nam giành được 12 HCV, đáng chú nhất là kỷ lục 4 HCV cá nhân tại một kỳ đại hội của Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Huyền nắm giữ kỷ lục 13 HCV ở các kỳ SEA Games.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam sang Campuchia dự SEA Games 32 có 75 thành viên, trong đó có 21 HLV và chuyên gia cùng 54 VĐV thi đấu ở 38/47 nội dung. Ngoại trừ nội dung marathon 42km và đi bộ 20km thi đấu tại Siem Reap, còn lại toàn bộ các nội dung thi đấu trên SVĐ Morodok Techo ở Thủ đô Phnom Penh (Ảnh: Tiến Tuấn).
Trong ngày thi đấu 8/5, dù các VĐV bị ảnh hưởng khá nhiều bởi cơn mưa nặng hạt, nhưng Nguyễn Thị Oanh thi đấu xuất sắc và giành tấm HCV nội dung 5.000m nữ với thành tích 17 phút 00 giây 33. Ở nội dung này, Phạm Thị Hồng Lệ giành HCB với thành tích 17 phút 06 giây 72 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Giọt nước mắt hạnh phúc hòa cùng những hạt mưa đọng trên gương mặt của VĐV nhỏ bé đến từ Bắc Giang chỉ cao có 1m48 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Một ngày sau đó, Nguyễn Thị Oanh tiếp tục tham gia thi đấu nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và giành HCV thứ 2 với thành tích 10 phút 34 giây 37. Đồng đội Nguyễn Thị Hương giành HCĐ với thành tích 10 phút 00 giây 85 (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Chỉ được nghỉ khoảng 10 phút sau khi thi đấu xong nội dung trước đó, dù đã quá thấm mệt, Nguyễn Thị Oanh bước tiếp vào nội dung 1.500m nữ và tiếp tục giành HCV với thành tích 4 phút 16 giây 85. Đồng đội Bùi Thị Ngân giành HCB.
Nguyễn Thị Oanh đã tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại SEA Games 32 khi là VĐV đầu tiên và duy nhất có thể giành 2 HCV ở hai nội dung thi đấu cực kỳ khốc liệt, diễn ra liên tiếp trong vỏn vẹn khoảng 30 phút (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Trong ngày thi đấu cuối cùng của điền kinh tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh lần đầu tiên tham gia nội dung 10.000m nữ. Trước đó, SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, đồng đội của cô là Phạm Thị Hồng Lệ đã thi đấu xuất sắc và giành tấm HCV (Ảnh: Tiến Tuấn).
Với chiến thuật hợp lý, Nguyễn Thị Oanh đã để đối thủ trực tiếp là VĐV người Indonesia liên tục dẫn đầu cho đến 2 vòng chạy cuối cùng rồi bất ngờ bứt tốc, băng băng một mình về đích (Ảnh: Tiến Tuấn).
Về nhất với thành tích 31 phút 11 giây 53 ở nội dung 10.000m, Nguyễn Thị Oanh đã đi vào lịch sử khi trở thành VĐV điền kinh đầu tiên giành 4 HCV tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (Ảnh: Tiến Tuấn).
Nguyễn Thị Oanh trên bục vinh danh, hát quốc ca khi cờ Tổ quốc Việt Nam được giương cao trên SVĐ Morodok Techo. Cả 2 nội dung 5.000m và 10.000m nữ, đồng đội Hồng Lệ đều giành HCB và VĐV Indonesia Odekta Elvina giành HCĐ (Ảnh: Tiến Tuấn).
Nguyễn Thị Oanh hạnh phúc bên tấm HCV cá nhân thứ 4 của mình. Cô cũng đồng thời san bằng kỷ lục 12 HCV tại các kỳ SEA Games của đồng đội Nguyễn Thị Huyền giành được trước đó 1 ngày. VĐV 27 tuổi còn có cơ hội gia tăng thành tích vào kỳ SEA Games 33 tổ chức tại Thái Lan năm 2025 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngày 8/5, điền kinh Việt Nam tham gia thi đấu chung kết nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp gồm các VĐV Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn và Nguyễn Thị Huyền (Ảnh: Tiến Tuấn).
Nhờ pha bứt phá thần tốc của Nguyễn Thị Hằng ở lượt chạy thứ 2, Nguyễn Thị Huyền lĩnh nhiệm vụ "chốt sổ" và mang về cho điền kinh Việt Nam tấm HCV với thành tích 3 phút 21 giây 27 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngày 11/5, bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền tiếp tục thi đấu nội dung sở trường 400m rào nữ. Cô giành thành tích 56 giây 29 và bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games (Ảnh: Mạnh Quân).
Sau đó một ngày (12/5), Nguyễn Thị Huyền cùng các đồng đội bước vào nội dung chung kết 4x400m tiếp sức nữ (Ảnh: Tiến Tuấn).
Với tấm HCV 4x400m tiếp sức nữ, Nguyễn Thị Huyền cũng vượt qua đồng đội Nguyễn Thị Oanh để nắm giữ kỷ lục 13 HCV tại các kỳ SEA Games. Một kỷ lục vô tiền khoáng hậu của bà mẹ một con (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngày 10/5, VĐV Huỳnh Thị Mỹ Tiên cùng Bùi Thị Nguyên tham gia tranh tài ở nội dung chung kết 100m rào nữ (Ảnh: Tiến Tuấn).
Xuất sắc về trước người đồng đội chỉ 2% giây, Huỳnh Thị Mỹ Tiên giành tấm HCV đầu tiên tại SEA Games của cá nhân mình (Ảnh: Tiến Tuấn).
Thành tích của Mỹ Tiên là 13 giây 50, còn thành tích của Bùi Thị Nguyên là 13 giây 52 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngày 11/5, Nguyễn Thị Thu Hà (số 543) và Bùi Thị Ngân (số 553) bước vào tranh tài ở chung kết nội dung 800m nữ (Ảnh: Tiến Tuấn).
Sau vòng chạy đầu tiên nhường cho VĐV các nước dẫn đầu, đến 200m cuối cùng, Thu Hà và Bùi Thị Ngân bứt lên nước rút mạnh mẽ để cán đích đầu tiên. Nguyễn Thị Thu Hà giành HCV, đồng đội Bùi Thị Ngân giành HCB (Ảnh: Mạnh Quân).
Trong kỳ SEA Games 32, đoàn Việt Nam thống trị nhiều nội dung thi đấu điền kinh của nữ khi giành cả HCV và HCB hoặc HCĐ. Ngoài nội dung 1.500m nữ; 5.000m nữ; 3.000m vượt chướng ngại vật; 10.000m nữ; 800m nữ; 110m rào nữ... Điền kinh nam góp mặt vào danh sách ở một nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nam với 1HCV và 1 HCB (Ảnh: Mạnh Quân).
Ở nội dung này, Nguyễn Trung Cường về nhất và giành HCV với thành tích 8 phút 51 giây 99. Đồng đội của anh là Lê Tiến Long giành HCB với thành tích 8 phút 53 giây 62 (Ảnh: Mạnh Quân).
Thi đấu ở nội dung được coi là khốc liệt nhất của điền kinh là 7 môn phối hợp, VĐV Nguyễn Linh Na của Việt Nam tham gia tranh tài, tính điểm ở các môn chạy 800m, nhảy cao, chạy 200m, 100m rào, đẩy tạ, nhảy xa và ném lao (Ảnh: Mạnh Quân).
Với thành tích 5.403 điểm, Linh Na giành tấm HCV cá nhân đầu tiên. Cô trung úy giơ tay chào điều lệnh quân đội, miệng ngân vang quốc ca khi cờ Tổ quốc Việt Nam giương cao trên SVĐ trong lễ trao huy chương (Ảnh: Tiến Tuấn).
Thi đấu ở Angkor Wat (Siem Reap) ngày 6/5, Nguyễn Thị Thanh Phúc là người "mở hàng" HCV cho điền kinh Việt Nam ở nội dung 20km đi bộ nữ (Ảnh: Nam Bảo).
Thanh Phúc về nhất với thành tích 1 giờ 55 phút 02 giây (Ảnh: Nam Bảo).
Dù gặp nhiều khó khăn ngay trước thềm SEA Games 32 sau việc 5 VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam vẫn thi đấu xuất sắc và giành tổng số 40 huy chương các loại, gồm 12 HCV, 20 HCB và 8 HCĐ tại Đại hội thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Campuchia (Ảnh: Tiến Tuấn).