DMagazine

Nhà báo Nhật Bản: "Công Phượng không được phép bỏ cuộc"

(Dân trí) - Nhà báo Jun Usami của tờ Football Digest (Nhật Bản) nhận định việc Công Phượng đến Yokohama FC và vấn đề của tiền đạo Việt Nam khi chưa được thi đấu tại CLB này, dần dần được hé lộ.

Cảm ơn nhà báo Jun Usami đã tham gia trò chuyện với Dân trí. Như chúng ta biết, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã có lần thứ 4 xuất ngoại. Điểm đến của anh là Yokohama FC, một đội bóng mới trở lại J-League 1. Nhưng CLB này khởi đầu rất tệ hại sau 5 vòng vừa qua của giải đấu. Ông nghĩ sao về chuỗi trận đã qua của Yokohama FC?

- Xin chào độc giả Dân trí. Trước hết, Yokohama FC đã thua 5 trong 6 trận đã qua của mùa giải. Riêng ở J-League 1, họ thua 4 và chỉ hòa đúng một lần, ghi 5 bàn và thủng lưới tới 13 lần. Kể từ khi J-League 1 tăng số đội xuống hạng lên con số 3 từ năm 2009, chưa có đội nào đạt thành tích tệ như Yokohama FC sau 5 vòng đấu đầu tiên. Những thống kê đó cũng đủ thấy khó khăn của Yokohama FC ở thời điểm hiện tại.

Nhưng tôi nghĩ đây cũng không phải là điều khó hiểu. Bản thân nhiều chuyên gia đã đánh giá một đội bóng mới quay trở lại J-League 1 như Yokohama FC sẽ có khởi đầu trầy trật.

Và điều đó quả nhiên là đã xảy ra như thế. Mục tiêu của Yokohama FC trước mắt không còn cách nào khác là cố gắng chắt chiu từng trận đấu một với hy vọng tích lũy điểm số tốt nhất có thể. Mục tiêu trụ hạng là điều khả dĩ với Yokohama FC.

Nhà báo Nhật Bản: Công Phượng không được phép bỏ cuộc - 1

Theo ông, vấn đề của Yokohama FC là do nội lực của họ yếu hay đối phương mà họ chạm trán quá mạnh?

- Hãy nói về Yokohama FC trước. Họ là đội đề cao tính kiểm soát bóng trên sân. Yokohama FC đã chơi đúng với triết lý ấy tại J-League 2. Nhưng rõ ràng, J-League 1 là một giải đấu ở đẳng cấp cao hơn. Và chiến thuật này đã không phát huy hiệu quả trong những trận đã qua.

Các cầu thủ trên hàng tấn công thiếu đi sự khéo léo để có những đợt lên bóng nguy hiểm. Nhưng như tôi đã nói, với tư cách một CLB mới trở lại J-League 1, họ sẽ vấp phải các đối thủ mạnh hơn. Có lẽ, chúng ta cần kiên nhẫn chờ Yokohama FC thi đấu trong vài vòng đấu tới, để xem sự tiến triển và hòa nhập trở lại giải đấu số một Nhật Bản của họ sẽ như thế nào.

Nhà báo Nhật Bản: Công Phượng không được phép bỏ cuộc - 4

Ông có đề cập đến việc hàng tấn công của Yokohama FC không hiệu quả, khi chỉ ghi được 5 bàn sau 5 vòng đã qua. Vậy tại sao Công Phượng, cầu thủ Việt Nam được đội bóng này chiêu mộ lại không được trao cơ hội?

- Thực tế thì chất lượng hàng tấn công của Yokohama FC không tốt nằm ở câu chuyện đội bóng này đang vấp phải những cuộc đối đầu ở đẳng cấp cao tại J-League 1. Nên nhớ, lực lượng mà Yokohama FC đang sở hữu có Koki Ogawa - Vua phá lưới của J-League 2 mùa trước.

Họ cũng có nhiều tiền đạo ở mức độ khá trong danh sách dự bị. Khó có thể nói hàng tấn công của Yokohama FC lúc này là tệ. Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ, họ chưa thể thích nghi được với sự chênh lệch trình độ giữa các đối thủ tại J-League 1 và J-League 2.

Về Công Phượng, anh ấy đang vấp phải sự cạnh tranh quá lớn ở mặt trận tiền đạo. Đó cũng là lý do vì sao trong giai đoạn tập luyện trước mùa giải, Công Phượng lại được sắp xếp đá tiền vệ. Đó là một sự chọn lọc tự nhiên ở bất cứ CLB nào trên thế giới, khi các vị trí chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt.

Việc Công Phượng hiện tại ít được đăng ký cho một trận đấu cũng đến từ giới hạn yêu cầu của Ban tổ chức J-League 1, khi ở mỗi trận đấu, các đội bóng, trong đó có Yokohama FC chỉ được đăng ký 18 cầu thủ, bao gồm 11 cái tên đá chính và 7 cầu thủ dự bị. Trong khi đó, lực lượng của Yokohama FC hiện tại lên đến 35 người. Rõ ràng, tỷ lệ cạnh tranh chỉ để ngồi dự bị ở Yokohama FC cũng là lớn.

Bản thân Ban huấn luyện Yokohama FC dường như vẫn chưa thể thật sự tin tưởng vào chất lượng và khả năng hòa nhập của Công Phượng với đội bóng mới. Tôi nghĩ, theo thời gian, Công Phượng cần phải chứng minh mình nhiều hơn nữa.

Nhà báo Nhật Bản: Công Phượng không được phép bỏ cuộc - 6

Vậy tại sao Yokohama FC vẫn chiêu mộ Công Phượng, thậm chí là ký hợp đồng lên tới 3 năm. Trước đó, họ cũng đưa tiền vệ Tuấn Anh sang chơi bóng theo dạng cho mượn vào năm 2016?

- Phải nhấn mạnh là Công Phượng là một trong những cầu thủ hàng đầu Việt Nam. Anh ấy cũng có những tiến bộ rõ rệt trong thời gian qua. Nhưng điều đó cũng chưa thể đảm bảo rằng Công Phượng sẽ thành công khi quay trở lại giải Nhật Bản, sau năm 2016 không được như mong đợi trong màu áo Mito Hollyhock.

Một yếu tố cần phải nói thêm là nhà tài trợ của Yokohama FC là Tập đoàn Onodera. Công ty trực thuộc tập đoàn này là LEOC vốn cung cấp thực phẩm ở thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vậy nên theo tôi nghĩ, việc đưa một cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu cũng có thể liên quan đến mục đích quảng bá hình ảnh.

Thêm vào đó, đây là thời điểm kỳ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Rõ ràng, Công Phượng là một lựa chọn phù hợp.

Nhà báo Nhật Bản: Công Phượng không được phép bỏ cuộc - 8

Vậy theo anh, Công Phượng có thể trụ lại ở J-League 1? Đồng đội của Công Phượng tại đội tuyển Việt Nam là thủ môn Đặng Văn Lâm cũng đã phải rời Cerezo Osaka?

- Thực ra trường hợp của Văn Lâm thì đặc thù hơn. Cậu ấy là thủ môn. Mà chúng ta cũng hiểu nếu như không có vấn đề nào xảy ra, chuyện thay thủ môn trong một mùa giải thường ít khi xảy ra. Trong khi Cerezo Osaka lại sở hữu cựu thủ môn đội tuyển Hàn Quốc là Kim Jin Hyeon. Do đó, cơ hội ra sân của Văn Lâm bị hạn chế đáng kể.

Còn về Công Phượng, tôi nghĩ anh ấy sẽ phải cố gắng nhiều để chen chân vào danh sách đăng ký thi đấu của Yokohama FC. Như chúng ta đã thấy, Công Phượng sẽ phải chơi vị trí tiền vệ, tức là cậu ấy sẽ phải tham gia nhiều hơn ở vai trò phòng ngự. Nếu Công Phượng thích nghi được ở vị trí mới và nhiệm vụ mới, cậu ấy sẽ có cơ hội nhiều hơn để tham gia vào kế hoạch chung của Yokohama FC tại J-League 1. Bằng không mọi chuyện vẫn sẽ tiếp tục như hiện tại.

Nhà báo Nhật Bản: Công Phượng không được phép bỏ cuộc - 10

Dẫu sao, Công Phượng đã ký một bản hợp đồng kéo dài tới 3 năm với Yokohama FC. Mùa giải đầu tiên sau khi trở lại Nhật Bản của cậu ấy vẫn còn dài. Vậy nên, cơ hội sẽ đến nếu cậu ấy cố gắng. Công Phượng không còn cách nào khác là phải lấy được sự tin tưởng của đồng đội và HLV thông qua việc tập luyện chăm chỉ.

Cậu ấy không thể cứ mãi là người ngoài cuộc tại Yokohama FC. Hãy chứng minh cậu ấy đến Nhật Bản bằng thực lực và vị thế tuyển thủ quốc gia Việt Nam.

Theo ông, Công Phượng có nên sang một CLB khác, hoặc xin Yokohama FC cho mình thi đấu tại J-League 2 theo diện cho mượn hay không?

- Cá nhân tôi nghĩ cậu ấy nên ở lại và đừng có suy nghĩ bỏ cuộc.

Nhà báo Nhật Bản: Công Phượng không được phép bỏ cuộc - 12

Theo ông, vì sao các cầu thủ Việt Nam chưa thành công ở Nhật Bản. Trong khi Chanathip và Theerathon của Thái Lan đã có những dấu ấn nhất định tại J-League 1?

- Đội tuyển Việt Nam đã khẳng định được sức mạnh bằng một sự gắn kết. Nhưng nhìn từ hai giải AFF Cup vừa qua, tôi thấy rõ Thái Lan vượt trội hơn Việt Nam ở phương diện cá nhân, từ chiến thuật, tư duy lẫn kỹ thuật.

Giải vô địch quốc gia Thái Lan đang có một số HLV ngoại trình độ cao. Họ nâng tầm chất lượng cầu thủ Thái Lan, đặc biệt là tư duy chiến thuật.

Theerathon Bunmathan ban đầu là hậu vệ trái, trước khi được kéo vào đá tiền vệ phòng ngự. Cậu ấy đã thể hiện vai trò này một cách hoàn hảo. Tôi nghĩ không một cầu thủ Việt Nam nào có thể làm được như vậy.

Với Chanathip, cậu ấy ghi dấu ấn với việc hòa nhập tốt với chiến thuật ở đội bóng cũ Consadole Sapporo. Tại Kawasaki Frontale, Chanathip khởi đầu có khó khăn nhưng dần dần, anh ấy vẫn chiếm được lòng tin của Ban huấn luyện nhờ màn trình diễn tốt trên sân bóng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nhà báo Nhật Bản: Công Phượng không được phép bỏ cuộc - 13

Nội dung: Tường Vy

Thiết kế: Đỗ Diệp