DNews

Man Utd có nguy cơ xuống hạng: Hòn than đỏ rực và cú lừa thế kỷ

H. Long

(Dân trí) - Hiện thực ở Man Utd khốc liệt hơn nhiều so với những gì Sir Jim Ratcliffe tưởng tượng. Man Utd giống như hòn than đỏ rực. Càng cố gắng kiểm soát, vị tỷ phú người Anh càng đau đớn…

Man Utd có nguy cơ xuống hạng: Hòn than đỏ rực và cú lừa thế kỷ

Sir Jim Ratcliffe "gây chiến" với tất cả để… cứu Man Utd

"Xuống hạng" và "phá sản", đó là những từ khiến nhiều người bĩu môi nếu nghe về Man Utd cách đây hơn 10 năm. Bởi lẽ, ở thời điểm ấy, CLB đang tận hưởng sự hào nhoáng trong kỷ nguyên thống trị. Ngay cả trong giấc mơ tồi tệ nhất, không ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó đế chế thống trị bóng đá Anh có thể lâm vào tình cảnh như hiện tại.

Giờ đây, những từ "xuống hạng" hay "phá sản" đang ở rất gần Man Utd. Nó giống như bóng ma đuổi theo và ám ảnh họ từng ngày. Nhưng đáng tiếc, giờ đây, "Quỷ đỏ" không còn giỏi ở bất kỳ khoản nào, từ kiếm tiền cho tới thành tích sân cỏ.

Man Utd có nguy cơ xuống hạng: Hòn than đỏ rực và cú lừa thế kỷ - 1

Man Utd đối diện với nguy cơ phá sản (Ảnh: The Sun).

Tờ Telegraph tiết lộ rằng Man Utd đã cận kề phá sản nếu như cổ đông lớn Sir Jim Ratcliffe không bơm 240 triệu bảng để cứu giúp CLB vào năm ngoái. Báo cáo tài chính cho thấy CLB đã lỗ tới 300 triệu bảng trong vòng 3 năm gần đây. Vấn đề ở chỗ, khoản tiền vị tỷ phú người Anh rót vào Man Utd chỉ chữa cháy cho đội bóng trong ngắn hạn. Bức tranh tài chính của Man Utd ở hiện tại cũng như tương lai không còn tươi sáng như trước.

Man Utd đang phải gánh khoản nợ 481 triệu bảng và khoản vay quay vòng trị giá 232 triệu bảng. Tính ra, tổng nợ của CLB lên tới hơn 700 triệu bảng. Hầu hết con số này, Sir Jim Ratcliffe được thừa hưởng từ nhà Glazers khi tiếp quản quyền điều hành đội bóng.

Để cứu Man Utd khỏi nguy cơ phá sản, Sir Jim Ratcliffe đã phải đóng vai "kẻ phản diện". Vào năm ngoái, ông đã cắt giảm 250 nhân viên. Sang tới năm nay, người đứng đầu Man Utd tiếp tục cắt giảm thêm 100 người. Trong đó, Sir Jim Ratcliffe đã trực tiếp chấm dứt vai trò đại sứ của Sir Alex Ferguson (người nhận 2 triệu bảng mỗi năm) cùng hàng loạt nhân vật có tầm ảnh hưởng như Bryan Robson, Andy Cole và Denis Irwin.

Jackie Kay, người đứng đầu bộ phận hậu cần ở Man Utd trong 30 năm, cũng sắp mất việc. Thậm chí, Sir Jim Ratcliffe cũng cắt giảm nốt khoản thưởng 100 bảng vào mỗi dịp Giáng Sinh của các nhân viên, thay vào đó là phiếu mua hàng trị giá 40 bảng tại Marks & Spencer.

Cùng với việc cắt giảm chi phí, Man Utd tăng nguồn thu. Giá vé vào sân Old Trafford tăng từ 40 bảng lên 66 bảng mỗi trận. CLB cũng hủy bỏ ưu đãi mua vé 25 bảng cho trẻ em khi phải mua bằng giá vé người lớn. Tuy nhiên, sự tăng giá này chỉ giúp Man Utd thu về nhiều hơn 1,5 triệu bảng, bằng một tháng lương của Casemiro.

Chính Sir Jim Ratcliffe thừa nhận những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của ông không được lòng nhiều người, biến ông trở thành "cái gai" trong mắt họ. Tuy nhiên, đó là cách duy nhất đảm bảo sự sống cho Man Utd.

Nhưng vấn đề ở chỗ, INEOS và Sir Jim Ratcliffe không có nhiều tiền để bơm liên tục cho Man Utd. Khối tài sản của vị tỷ phú người Anh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì thành tích không tốt của Quỷ đỏ. Theo ước tính của Bloomberg, kể từ khi tiếp quản Man Utd, giá trị tài sản ròng của người đàn ông 71 tuổi này đã giảm từ 16,6 tỷ bảng xuống 12,7 tỷ bảng, khiến ông tụt hạng từ người giàu thứ 110 xuống thứ 131.

Nhiều tờ báo Anh đã ví việc mua lại 27% cổ phần của Man Utd giống như "một cú lừa thế kỷ" với Sir Jim Ratcliffe. Man Utd giờ đây chỉ còn là cái tên, chứ không thực sự hào nhoáng như vốn có. Vị tỷ phú người Anh thừa nhận: "Man Utd dần trở nên tầm thường. CLB từng được đánh giá tốt nhất thế giới. Tôi buộc phải đưa ra một vài quyết định khó khăn và không được lòng đám đông. Tuy nhiên, nếu bạn né tránh khó khăn, thì sẽ chẳng có gì thay đổi cả".

Man Utd có nguy cơ xuống hạng: Hòn than đỏ rực và cú lừa thế kỷ - 2

"Cú lừa" Man Utd khiến cho Sir Jim Ratcliffe thực sự đau đầu (Amnhr: Getty).

Sir Jim Ratcliffe vẫn nói cứng: "Tôi không quan tâm tới khía cạnh tài chính ở khoản đầu tư vào Man Utd. Tôi đã kiếm đủ tiền từ hóa chất và dầu khí. Đây không phải là khoản đầu tư tài chính, mà vì tôi muốn Man Utd thành công".

Man Utd đang chịu "đau đớn" ngắn hạn nhưng liệu họ có thể vực dậy trong tương lai hay không, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Thành tích ngày một tệ ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu của Man Utd, đặc biệt là khi CLB liên tục vắng mặt ở Champions League. Thất bại liên tiếp ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của Man Utd và niềm tin từ người hâm mộ, giới đầu tư.

Bên cạnh đó, Sir Jim Ratcliffe dường như cũng "hoảng loạn" trong việc sử dụng đồng tiền. Vào mùa hè 2024, CLB chi tới 200 triệu bảng mang về hàng loạt hợp đồng theo ý HLV Ten Hag như Joshua Zirkzee, Noussair Mazraoui, Matthijs de Ligt, Manuel Ugarte và Leny Yoro. Khi ấy, "Quỷ đỏ" vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào chiến lược gia người Hà Lan.

Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Sir Jim Ratcliffe không chịu được sức ép khủng khiếp từ dư luận. Ông buộc phải sa thải HLV Ten Hag và dàn cộng sự René Hake, Jelle ten Rouwelaar, Pieter Morel và Ruud van Nistelrooy. Tổng số tiền bồi thường hợp đồng của Ten Hag và bộ sậu lên tới 10,4 triệu bảng.

Sau đó, Man Utd mất thêm 11 triệu bảng giải phóng hợp đồng của HLV Ruben Amorim và dàn trợ lý Carlos Fernandes, Jorge Vital, Adelio Candido, Emanuel Ferro và Paulo Barreira ở Sporting Lisbon.

Chưa dừng ở đó, điển hình trong sự "hoảng loạn" của Sir Jim Ratcliffe là việc chi hàng núi tiền đền bù hợp đồng cho Newcastle để mang về giám đốc thể thao Dan Ashworth. Và rồi, chỉ 5 tháng sau, Dan Ashworth đã nhận trát sa thải. Đó là những số tiền lãng phí lớn của Man Utd tới từ cách điều hành của Sir Jim Ratcliffe.

Dã tràng Ruben Amorim xe cát biển Đông

Chỉ 3 tháng sau khi tiếp quản Man Utd, HLV Amorim đã nhận câu hỏi liên quan tới việc sa thải. Trận thua trước Tottenham vừa qua là thất bại thứ 8/14 trận của Man Utd dưới thời HLV người Bồ Đào Nha (tỷ lệ thua 57%) tại giải Ngoại hạng Anh.

Dưới thời HLV Amorim, Man Utd tung ra trung bình mỗi trận đấu 12,7 cú dứt điểm (3,8 cú trúng đích), tạo ra 2,1 cơ hội và có chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) chỉ là 1,29. Tất cả chỉ số này đều thấp hơn so với thời HLV Ten Hag.

Man Utd có nguy cơ xuống hạng: Hòn than đỏ rực và cú lừa thế kỷ - 3

Chỉ số tấn công của Man Utd dưới thời HLV Amorim còn kém cả Ten Hag (Ảnh: Sky Sports).

Câu hỏi đặt ra là phải chăng, Man Utd đã mất tới hơn 20 triệu bảng (bồi thường cho Ten Hag, giải phóng hợp đồng Amorim) để thấy phiên bản tệ hơn. HLV Amorim tiếp quản Man Utd từ đống đổ nát. Thế nhưng, tình hình ở Old Trafford thời điểm này còn… nát hơn.

Đỉnh điểm của sự khủng hoảng ở Man Utd chính là việc HLV Amorim run rẩy không biết sử dụng ai trên băng ghế dự bị ở trận đấu với Tottenham. Ngoài Lindelof, 8 gương mặt còn lại ngồi dự bị đều được đôn lên từ đội trẻ. Phải tới phút 90+1, HLV Amorim mới có sự thay đổi người đầu tiên khi tung Chido Obi-Martin vào sân để củng cố hàng công.

Trong thời gian qua, "cơn bão chấn thương" đã quét sạch Man Utd. Nhiều gương mặt ưu tú như Amad Diallo, Kobbie Mainoo, Lisandro Martinez đều sẽ vắng mặt dài hạn. Bản danh sách "đen" ấy còn có Manuel Ugarte, Toby Collyer, Mason Mount, Luke Shaw, Jonny Evans, Altay Bayindir và Tom Heaton.

Có lẽ, HLV Amorim đã thấm thía những điều mà các người tiền nhiệm như Ten Hag, Solskjaer hay Rangnick. Họ đều có ý tưởng nhưng không thể cụ thể hóa ở Man Utd. Họ có một điểm chung là không thể "gò" Man Utd vào lối chơi có cường độ cao.

Man Utd có nguy cơ xuống hạng: Hòn than đỏ rực và cú lừa thế kỷ - 4

Băng ghế dự bị Man Utd "có cũng như không" trong trận đấu với Tottenham khi có 8 cầu thủ được đôn lên từ đội trẻ. Nó cho thấy CLB đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng (Ảnh: Sky Sports).

Ngay khi HLV người Bồ Đào Nha tăng cường độ tập luyện và thi đấu cho Man Utd, nhiều gương mặt đã lăn ra chấn thương vì… quá tải. Thậm chí, sự gò bó của HLV Amorim còn khiến nhiều cầu thủ như Antony, Rashford cảm thấy bất mãn và nằng nặc đòi ra đi.

Khi Sancho "chúc mừng" Rashford "tự do" sau khi chuyển tới Aston Villa, người ta mới hiểu rằng thứ văn hóa độc hại đã len lỏi và bén rễ sâu ở Man Utd. Từ khi nào, các cầu thủ lại xem Man Utd giống như địa ngục và hân hoan khi rời khỏi CLB. Chứng kiến Rashford, Antony đều thi đấu quyết tâm và tỏa sáng ở CLB mới, người hâm mộ Man Utd đã đặt ra nhiều câu hỏi về văn hóa ở CLB.

Cựu thủ thành Man Utd, Ben Foster, đã gọi đó là "văn hóa độc hại" ở Man Utd. Kể từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, văn hóa chiến thắng cũng như kỷ luật dường như biến mất khỏi Man Utd. Các cầu thủ đã được "nuông chiều" quá mức, dần dần tạo thành thứ văn hóa độc hại và bất mãn ở CLB. Ngay cả những người nổi tiếng "sắt thép" như Mourinho hay Van Gaal không thể nào tái hiện văn hóa từng giúp Man Utd thống trị bóng đá Anh và châu Âu.

Suy cho cùng, HLV Amorim chỉ là "nạn nhân" tiếp theo của mớ bòng bong ở Man Utd. Ông từng thành công ở Sporting Lisbon, tới Old Trafford trong khát vọng của sự đổi mới nhưng rồi nhanh chóng vỡ mộng vì văn hóa độc hại ở nơi đây.

HLV Amorim giống như dã tràng xe cát Biển Đông, cứ miệt mài xây dựng và rồi nhanh chóng sụp đổ chỉ sau một cơn sóng.   

Man Utd có nguy cơ xuống hạng: Hòn than đỏ rực và cú lừa thế kỷ - 5

Văn hóa độc hại đã bám rễ sâu ở Man Utd (Ảnh: Getty).

Hồi mới tới Man Utd, vị HLV trẻ tuổi người Bồ Đào Nha thừa nhận đây là phiên bản tệ nhất của đội bóng và có nguy cơ xuống hạng. Không ít người đã cười cợt HLV Amorim phóng đại vấn đề. Thế nhưng, giờ đây, ai cũng thấy rằng đó không còn là vấn đề xa xôi với Quỷ đỏ. Cựu danh thủ Man Utd, Paul Scholes thừa nhận nếu không đi đúng hướng trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2025, CLB có thể xuống hạng ở mùa giải tới.

HLV Amorim cần tiền để xây dựng nên đế chế mới. Nhưng vấn đề ở chỗ, tiền ở đâu ra khi Man Utd đang gặp vấn đề về tài chính. Liệu chăng Amorim có trở thành nạn nhân tiếp theo của mớ bòng bong mang tên Man Utd?