(Dân trí) - Trả lời Dân trí, HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam, chuyên gia thể thao Hàn Quốc Park Chung Gun chỉ ra những vấn đề thể thao Việt Nam cần cải thiện nếu muốn nghĩ đến tấm huy chương ở sân chơi Olympic.
Ông là người huấn luyện và giúp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV, HCB ở Olympic Rio 2016, Phạm Quang Huy giành HCV Asiad 19. Ông cũng là người đã hỗ trợ rất nhiều xạ thủ Trịnh Thu Vinh trong suốt gần một năm qua, nhưng rất tiếc Việt Nam không giành được huy chương môn bắn súng ở Olympic 2024 như kỳ vọng. Ông có thể lý giải về thất bại của Thu Vinh ở Olympic Paris vừa qua?
- Chúng ta cần nhớ rằng tất cả vận động viên (VĐV) tham gia Thế vận hội Paris vừa qua đều là những VĐV đủ tiêu chuẩn dự Olympic và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh huy chương như nhau. Ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, Thu Vinh đạt thành tích 578 điểm và đứng thứ 4/44 ở vòng loại để giành quyền vào chung kết.
Ở chung kết 10m súng ngắn hơi nữ, cô ấy cũng thi đấu tốt nhưng rất tiếc khi một lần nữa xếp thứ 4 chung cuộc. Cơ hội giành được huy chương của Thu Vinh đã rất gần.
Ở nội dung 25m súng ngắn thể thao, Thu Vinh cũng đứng thứ 4 ở vòng loại khi giành được 587 điểm và giành quyền vào chung kết. Ở chung kết của nội dung này, Thu Vinh đạt thông số tốt hơn cả vòng loại nhưng chỉ đứng thứ 7/8 VĐV vào chung kết.
Thu Vinh đã làm rất tốt rồi, bởi chúng ta nên nhớ chỉ có 3 VĐV ở Olympic Paris vừa qua tiến vào trận chung kết ở cả hai nội dung thi đấu 10m súng ngắn hơi nữ, 25m súng ngắn thể thao nữ. Cả 3 VĐV trên đều không có tên VĐV của Hàn Quốc và Trung Quốc - những nước rất mạnh ở môn bắn súng.
Trịnh Thu Vinh không giành được huy chương ở trận chung kết nhưng tôi nghĩ cô ấy cho thấy khả năng giành huy chương trong tương lai. Có nhiều yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại ở trận chung kết nhưng tôi cho rằng thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân chính. Thất bại của Thu Vinh là do cô ít kinh nghiệm thi đấu chung kết ở trong nước cũng như quốc tế.
Các VĐV châu Âu tích lũy kinh nghiệm bằng cách tham gia nhiều cuộc thi nhỏ, nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore cũng tích cực tham gia các giải đấu quốc tế. Các bạn biết thực tế của thể thao Việt Nam đang khó khăn và đúng là còn nhiều bất cập.
Tôi nghĩ nguyên nhân lớn nhất của thất bại ở môn bắn súng hay các môn thể thao khác là do VĐV thiếu kinh nghiệm, ít được giao lưu cọ xát quốc tế. Tôi nghĩ nếu các bạn dành nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ cho chúng tôi, môn bắn súng có thể dành được huy chương trong tương lai, thậm chí sẽ có huy chương ở Olympic 2028.
Bắn súng được xem là môn có triển vọng giành huy chương nhất ở Olympic, nhưng ngoài tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam chưa có xạ thủ nào có thể nối tiếp thành tích trong 8 năm qua, theo ông đâu là nguyên nhân? Có phải Việt Nam không có đủ nhân tài hay do quy trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng VĐV làm chưa đủ tốt?
- Tôi đã chứng kiến sự thay đổi thế hệ trên quy mô lớn tại Hàn Quốc kể từ Thế vận hội Tokyo và dần dần chúng tôi đang cho thấy kết quả. Vì vậy tôi cho rằng các tuyển thủ đội tuyển bắn súng Việt Nam hiện tại vẫn còn trẻ và rất có tương lai.
Mặc dù tốc độ phát triển của thể thao Việt Nam không nhanh bằng các quốc gia có nhiều người chơi như Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam đang cải thiện từng chút một, đó thực sự là tín hiệu tốt.
Hàn Quốc gần như độc tôn ở môn bắn cung và có thứ hạng cao ở Olympic 2024, ông có thể nói thêm gì về điều này? Thể thao Việt Nam có thể học hỏi gì quy trình đào tạo, huấn luyện VĐV bắn cung của Hàn Quốc để áp dụng cho môn bắn súng cũng như các môn thể thao khác đủ sức cạnh tranh huy chương Olympic?
- Bắn cung Hàn Quốc có truyền thống tự tin và luôn khuyến khích các VĐV phấn đấu để đạt được thành công với sự hỗ trợ tốt trong quá trình tập luyện, thi đấu, kèm theo đó là những phần thưởng xứng đáng. Bắn súng có thể nói có chút khác biệt, có rất nhiều biến số xảy ra khi thi đấu.
Hàn Quốc cũng trải qua thời gian thất bại ở môn bắn súng, đặc biệt là thất bại ở Asiad 19 vừa qua nên điều quan trọng nhất là phản ứng sau thất bại. Thất bại đã tạo động lực tốt hơn cho người Hàn Quốc, buộc các VĐV phải tập luyện, làm việc chăm chỉ hơn.
Các VĐV Hàn Quốc thường thi đấu ít nhất 10 lần trong một năm và luôn phải cạnh tranh suất vào đội tuyển Olympic để đại diện cho quốc gia. Họ phải trải qua tới 6 vòng tuyển chọn khác nhau để mang lại nhiều sự kích thích cho các VĐV, tạo ra sự tự tin về mặt tâm lý. Đặc biệt các VĐV luôn được hứa hẹn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.
Nếu Việt Nam có thể đưa bắn súng trở thành một môn thể thao trên trường quốc tế và hứa hẹn phần thưởng xứng đáng thì nhiều người chơi mới sẽ nộp đơn, khi đó tính cạnh tranh sẽ tăng lên và chúng ta sẽ có thể thu hút được những người chơi giỏi.
Tôi nghĩ bất kỳ môn thể thao nào, điều quan trọng nhất là khơi dậy những ước mơ và hy vọng lớn cho những người chơi mới, kèm theo đó là tập trung vào việc huấn luyện cơ bản để có nền tảng tốt.
Ở Olympic 2024, Hàn Quốc rất xuất sắc khi giành được 3 HCV và 3 HCB ở môn bắn súng, dù trước đó ở Olympic Tokyo 2020 thì Hàn Quốc không giành được huy chương nào, theo ông là nhờ đâu ?
- Không ai có thể tự tin trong môn bắn súng ở Olympic bởi vì huy chương được quyết định bởi tỷ lệ rất nhỏ nên bạn phải đánh giá tình hình và đưa ra quyết định chính xác Nhưng tôi nghĩ thất bại ở Tokyo đã tạo động lực để Hàn Quốc thành công ở Paris. Tôi hi vọng thể thao Việt Nam cũng sẽ có động lực như vậy để tỏa sáng ở Olympic 2028.
Trong 3 kỳ Olympic gần nhất, 2 lần Hàn Quốc lọt vào top 10 (vị trí thứ 8 là Rio 2016 và Paris 2024, chỉ duy Tokyo 2020 đứng ở vị trí thứ 16), đâu là mấu chốt để giúp Hàn Quốc thành công ở đấu trường được xem là rất khắc nghiệt này? Hàn Quốc xây dựng chiến lược như thế nào để phát triển các môn thể thao đỉnh cao và canh tranh huy chương tại Olympic?
- Thể thao không phải lúc nào cũng thành công hay thất bại giống nhau. Mọi người đều có khả năng thành công và đều có nguy cơ thất bại. Thể thao là môn đặc thù và có rất nhiều biến số nên Hàn Quốc luôn phải nỗ lực hết mình cho mỗi Thế vận hội. Điều này rất cần sự hỗ trợ và nỗ lực của Chính phủ.
Nhiều người cho rằng để đào tạo được một VĐV chuyên nghiệp thì phải có tập trung đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển tốt các chương trình đào tạo, áp dụng khoa học thể thao cũng như hỗ trợ tài chính tốt cho các VĐV, vậy ông nhận xét vấn đề này ở Việt Nam hiện nay ra sao?
- Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn chính xác, và sẽ rất vui nếu khoa học thể thao sớm áp dụng mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn và dự kiến sẽ có nhiều thử thách và sai sót khi áp dụng.
Tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm này khi làm huấn luyện viên ở Hàn Quốc. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu ngay từ bây giờ và tôi hoan nghênh điều đó.
Nhiều người cho rằng Việt Nam đào tạo VĐV theo kiểu gà nòi, thiếu sự phát hiện, bồi dưỡng nhân tài từ học sinh, sinh viên. Vậy ở Hàn Quốc có gì khác so với Việt Nam? Theo ông phát triển thể thao học đường có phải là điều nên làm và cần đẩy mạnh để tìm kiếm ra những vận động viên tài năng?
- Câu hỏi này cũng chính là điều tôi muốn nói. Sự khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc là ở chỗ các VĐV, người chơi thể thao có suy nghĩ khác nhau. Việt Nam rất chú trọng đến chủ nghĩa cá nhân, trong khi Hàn Quốc coi tập thể, toàn đội mới là quan trọng nhất.
Ở Việt Nam, ý kiến, suy nghĩ của cá nhân VĐV đều được đặt lên hàng đầu. Trong khi lẽ ra bạn có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng cách tích cực lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, huấn luyện viên. Nếu không lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, huấn luyện viên, bạn có thể sẽ phải thử nghiệm và sai lầm rất nhiều
Nhiều chuyên gia thể thao thì cho rằng Việt Nam nên học tập các nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á để cạnh tranh huy chương Olympic, theo ông điều đó có đúng hay Việt Nam nên học tập các nước lớn Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản để tiến nhanh hơn?
- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là thể thao Việt Nam phải đặt ra những mục tiêu khả thi một cách thực tế, đồng thời hoạch định tốt những kế hoạch cho tương lai.
Ví dụ nếu thể thao Việt Nam quyết tâm giành được huy chương ở Olympic 2028, tôi nghĩ cách để tiết kiệm thời gian và tiền bạc nhất là quyết định một môn thể thao có tính thực tế, chọn được những VĐV đủ sức tham dự Olympic 2028 và Olympic 2032, đồng thời mời các chuyên gia huấn luyện họ từ những điều cơ bản.
Một khi đã quyết định lựa chọn một môn thể thao, học theo quốc gia mạnh về môn thể thao đó thì chúng ta cần hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thể thao Việt Nam và theo đuổi phương án phù hợp với văn hóa, thực tế của Việt Nam.
Có thể bạn đã biết, câu chuyện thành công của các quốc gia Đông Nam Á tại Thế vận hội này bao gồm thể dục dụng cụ ở Philippines, taekwondo ở Thái Lan, cầu lông và cử tạ ở Indonesia.
Trong số đó, VĐV thể dục dụng cụ Carlos Yulo (người giúp Philippines giành 2 HCV ở Olympic 2024) đã có quá trình tập luyện rất lâu dài ở Nhật Bản và được đầu tư rất nhiều. Trước Olympic, họ không dám kỳ vọng về khả năng giành được huy chương. Tuy nhiên, Philippines vẫn tiếp tục đầu tư và cuối cùng họ đã thành công.
Taekwondo Thái Lan thành công cũng là nhờ quá trình đầu tư lâu dài để có bề dày kinh nghiệm thi đấu trên trường quốc tế. Huấn luyện viên Taekwondo cho VĐV Thái Lan Panipak Wongpattanakit là người Hàn Quốc, ông Choi Young Seok.
HLV Choi Young Seok đã làm việc 22 năm và lần đầu tiên giúp Thái Lan giành được HCĐ tại Olympic Rio 2016, giành HCV tại Tokyo 2020 và tiếp tục giành HCV tại Olympic Paris 2024. Người Thái Lan đã tin tưởng và ủng hộ ông ấy suốt 22 năm và ông ấy từ đó cũng rút ra được rất nhiều kinh nghiệm qua 22 năm huấn luyện.
Indonesia là quốc gia đầu tiên thành công trong môn cử tạ. Với môn cầu lông thì Indonesia có truyền thống nổi tiếng và có nhiều người chơi cầu lông. Cầu lông mang lại sự giàu có và danh tiếng cho các VĐV Indonesia, đồng thời giúp cầu lông Indonesia trở thành thế lực hùng mạnh trên thế giới.
Vì vậy để thực hiện mục tiêu giành huy chương ở Olympic 2028 trong hoàn cảnh thực tế của thể thao Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng người Việt Nam có thể thể hiện thế mạnh ở các môn bắn súng, bắn cung, thể dục dụng cụ, cầu lông, các hạng cân nhẹ ở môn taekwondo, boxing, judo, đấu vật, cử tạ....
Đó là những môn thể thao nhiều tiềm năng mà Việt Nam có thể hiện thực hóa được giấc mơ huy chương Olympic.
Để có thể cạnh tranh huy chương ở Olympic, có thể thấy Hàn Quốc tập trung vào các môn bắn cung, bắn súng, đấu kiếm, Trung Quốc hướng đến bóng bàn, nhảy cầu, cử tạ, Mỹ thì mạnh ở điền kinh, bơi lội. Theo ông, thể thao Việt Nam nên định hướng ra sao để theo kịp các nền thể thao hàng đầu châu Á cũng như thế giới?
Tôi nghĩ là nếu dành nhiều sự quan tâm và đầu tư cho các môn thể thao thì khả năng giành được huy chương hoàn toàn có thể được. Nhưng điều quan trọng là phải mô hình hóa từ các cường quốc thể thao như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, dù mỗi môn thể thao đều có những đặc điểm khác nhau nhưng chúng ta phải luôn đầu tư có trọng điểm.
Vạch ra được một kế hoạch đầu tư đúng đắn sẽ giúp giảm thiểu việc mất thời gian thử nghiệm cũng như sai lầm, giúp rút ngắn thời gian và hiệu quả trong quá trình đầu tư.
Cũng cần phải hiểu rằng thành công của thể thao không bao giờ diễn ra như kế hoạch, dù có đầu tư nhiều thời gian và công sức. Không có gì đảm bảo cho sự thành công khi đầu tư, nhưng không đầu tư thì chắc chắn sẽ không thành công. Một sân khấu lớn như Thế vận hội luôn chờ đợi những ngôi sao cũ sụp đổ và những ngôi sao mới sẽ xuất hiện.
Các VĐV có thể không thành công vào năm 2028 hoặc 2032, nhưng chúng ta cần phải bắt đầu từ bây giờ. Chúng ta cần đầu tư rất nhiều, dành sự quan tâm lớn để nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế vào năm 2028 và 2032.
Mặt khác tôi cũng nghĩ đến điều này, nếu một VĐV Việt Nam giành được HCV Olympic, tôi cho rằng Chính phủ nên khơi dậy ước mơ và đền đáp cho các VĐV bằng những phần thưởng xứng đáng về tiền mặt.
VĐV tự nhủ rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ và thành công thì họ không chỉ mang lại danh dự cho quốc gia mà còn mang lại thành công cho cá nhân, tôi nghĩ điều đó rất cần thiết.
Cuối cùng, tất cả những câu trả lời này đều là suy nghĩ cá nhân của tôi nên quan điểm có thể khác với mọi người.
Cảm ơn ông về những chia sẻ đầy thú vị!