(Dân trí) - Trong bài phân tích dưới góc độ chuyên môn gửi Dân trí, HLV Bae Ji Won đã chỉ ra những vấn đề U23 Việt Nam vừa vô địch U23 Đông Nam Á cần cải thiện để hướng tới giải U23 châu Á.
Trong bài phân tích dưới góc độ chuyên môn gửi Dân trí, HLV người Hàn Quốc Bae Ji Won (trợ lý HLV Park Hang Seo ở giải U23 châu Á tại Thường Châu năm 2018) đã chỉ ra những vấn đề U23 Việt Nam vừa vô địch U23 Đông Nam Á cần cải thiện để hướng tới giải U23 châu Á.
U23 Đông Nam Á là giải đấu quan trọng để đánh giá tổng thể về khâu phát triển bóng đá trẻ của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, đây là sân chơi cần thiết để các cầu thủ trẻ ra sân thi đấu cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.
Kết quả thi đấu tại U23 Đông Nam Á đã phần nào phản ánh thực lực của các nền bóng đá. Tại Đông Nam Á, nhìn chung Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, 4 đội giành vé vào bán kết, vẫn vượt trội so với các quốc gia khác.
Trong khi đó, chênh lệch trình độ giữa 4 đội góp mặt ở bán kết không quá xa, thắng hay bại đôi khi được quyết định bởi những yếu tố khác. Tất nhiên, trận đấu bán kết giữa U23 Việt Nam và U23 Malaysia đã thể hiện sự chênh lệch trình độ khá lớn. Thầy trò Hoàng Anh Tuấn đã cho thấy sự khác biệt về mặt đẳng cấp.
Các cầu thủ Malaysia thi đấu rất thiếu hiệu quả từ mặt lối chơi đến khả năng triển khai đấu pháp chiến thuật. Đội bóng này không thể tạo ra thế trận như mong muốn và thua kém hoàn toàn về kỹ năng cá nhân ở từng cầu thủ.
Ở trận bán kết còn lại, U23 Thái Lan thất bại vì thiếu sự đa dạng về mặt đấu pháp. Lối chơi của họ một màu, không tạo ra sự đột biến và kết quả là tự sụp đổ trước U23 Indonesia.
Những nỗ lực lên bóng ở trung lộ và phương án dàn xếp tấn công của U23 Thái Lan khá đơn điệu, dẫn đến sự thiếu ổn định và hệ thống phòng ngự trở nên mất cân bằng.
Vì mất cân bằng, U23 Thái Lan không thể đối phó với đòn phản công đặc trưng của Indonesia. Hàng thủ đội bóng này lại còn không duy trì được sự tập trung, đặc biệt là các tình huống cố định, thế nên tạo điều kiện cho Indonesia có nhiều cơ hội ghi bàn rõ rệt.
Về phần U23 Indonesia, đội bóng này đã thể hiện được lối chơi giàu tốc độ và sức mạnh, khác biệt hoàn toàn các đội bóng khác tại giải U23 Đông Nam Á. Họ chơi bóng dựa trên thể lực và tổ chức phòng ngự dày đặc, kín kẽ.
Các pha tấn công của Indonesia được triển khai trực diện, nhanh chóng tiếp cận các khu vực có cơ hội xuyên phá hàng thủ đối phương bằng những đường chuyền dài hoặc các pha sút xa. Đặc biệt, những pha ném biên dài đã phát huy được hiệu quả để phá vỡ thế trận phòng ngự của Thái Lan.
Đến trận chung kết, các pha ném biên dài của Indonesia không còn phát huy được nhiều tác dụng. Điều đó cho thấy, đội tuyển U23 Việt Nam đã phân tích và chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với lối chơi của đối phương. Dù vậy, vẫn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến diễn biến và kết quả trận đấu, bao gồm cả thời tiết, bầu không khí hay điều kiện mặt sân.
Nhìn vào số liệu thống kê của trận chung kết U23 Đông Nam Á, U23 Việt Nam có phần nhỉnh hơn Indonesia. U23 Việt Nam tung ra 21 pha dứt điểm, so với 19 của Indonesia, trong đó có 7 pha dứt điểm gây sóng gió cho khung thành đối phương.
Thầy trò Hoàng Anh Tuấn cũng cầm bóng nhiều hơn đối phương (55% so với 45%). Chênh lệch tỷ lệ cầm bóng chủ yếu đến từ hiệp 1 và thời gian thi đấu hiệp phụ, khi U23 Việt Nam làm chủ thế trận. Dù vậy trong khoảng thời gian cuối hiệp 2, thế trận thuộc về Indonesia khi đội bóng này chuyển sang đấu pháp tấn công.
Về số đường chuyền, U23 Việt Nam thực hiện 484 đường chuyền, bỏ xa Indonesia với chỉ 412 đường chuyền. Dù vậy tỷ lệ chuyền bóng chính xác của hai đội gần như tương đương. Điều này phần nào phản ánh cục diện trận chung kết.
U23 Việt Nam áp dụng lối chơi kiểm soát bóng và tấn công, đội hình được kết nối với nhau bằng những đường chuyền ngắn chủ yếu ở giữa sân. Trong khi đó, Indonesia vẫn sử dụng lối chơi phản công, chuyển trạng thái nhanh chóng từ phòng ngự sang phản công bằng chuyền dài và sút xa.
Cách bố trí đội hình, áp dụng chiến thuật của hai đội được phản ánh rõ rệt qua lối chơi và diễn biến cụ thể trên sân. U23 Việt Nam chuyền bóng nhiều hơn Indonesia, nhưng tỷ lệ chuyền bóng chính xác chỉ tương đương, có nghĩa tỷ lệ kiểm soát bóng cao hơn song việc triển khai bóng còn thiếu mạch lạc.
Nhiều đường chuyền thiếu chính xác và chất lượng để tạo ra đợt lên bóng hiệu quả. Thực tế trong suốt 120 phút thi đấu, có nhiều tình huống các cầu thủ U23 Việt Nam chuyền hỏng hoặc dễ dàng mất bóng và để cho đối phương tổ chức phản công.
Để theo đuổi lối chơi kiểm soát bóng, các cấp đội tuyển quốc gia chứ không riêng U23 Việt Nam cần hạn chế số đường chuyền hỏng và phát triển hệ thống tấn công chi tiết, đa dạng và biến hóa hơn.
Sơ đồ U23 Việt Nam sử dụng là 3-4-3, tận dụng tốc độ và khả năng tạt bóng của các cầu thủ chạy cánh (wing-back) để thực hiện các pha chồng biên hoặc xẻ nách để đưa bóng xuống đáy biên rồi căng ngang vào bên trong.
Đây chính là điểm mạnh của chiến thuật này. Tuy vậy, cần thừa nhận là U23 Việt Nam chưa phát huy được hiệu quả ở miếng đánh này trong trận chung kết.
Một khía cạnh khác, U23 Việt Nam cũng cần uyển chuyển và khéo léo hơn để điều chỉnh nhịp độ trận đấu khi có bóng ở giữa sân. Đặc biệt, khi hàng thủ đối phương xộc xệch, mất cân bằng, các tiền đạo phải biết cách cầm bóng hiệu quả và chạy chỗ đến những khoảng trống có cơ hội ăn bàn cao hơn.
Đối với các cầu thủ tấn công, sự điềm tĩnh để quan sát và phân tích thế trận rất quan trọng.
Dù vậy, các pha lên bóng tận dụng khả năng di chuyển linh hoạt và nhanh nhẹn của các tiền đạo của U23 Việt Nam đã phát huy được hiệu quả. Các tình huống xâm nhập bằng kỹ thuật cá nhân và chọc thủng đối phương bằng những đường chuyền đã đem lại sự đe dọa đối với khung thành U23 Indonesia.
Vòng chung kết U23 châu Á ở trình độ cao hơn hẳn U23 Đông Nam Á, vì thế nhiệm vụ cấp thiết nhất với U23 Việt Nam là củng cố khả năng chống phản công. Các tình huống tấn công nhanh nhằm khai thác hệ thống phòng ngự dâng cao của U23 Việt Nam chưa được Indonesia tận dụng hiệu quả, tuy nhiên các đội bóng ở tầm châu lục sẽ khác.
Tất nhiên theo thời gian, các cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam sẽ thi đấu trơn tru và hiệu quả hơn nếu phát triển tốt những điểm mạnh trong lối chơi tấn công và hệ thống chiến thuật. Bên cạnh đó, nhiệm vụ cải thiện hệ thống phòng ngự để đội hình trở nên ổn định và vững vàng hơn cũng rất cần thiết.
Tạo được hàng thủ cân bằng và vững chãi là nền tảng để mọi đội tuyển tiến xa.
Một khía cạnh khác, thể lực vẫn là vấn đề đối với các cấp đội tuyển Việt Nam. Sau phút 70 trận chung kết, không khó để nhận ra hiệu suất của các cầu thủ giảm sút đột ngột do thể lực không còn đảm bảo.
Hệ quả là U23 Việt Nam không còn chặn đứng những đường chuyền dài và sút xa của Indonesia một cách hiệu quả. Họ phải chấp nhận lùi sâu đội hình để tập trung cho khâu phòng ngự.
Nếu thế trận đảo chiều, đối thủ chiếm ưu thế trên mặt trận tấn công trong khi chúng ta lùi đội hình phòng ngự, cần phân biệt đâu là ý đồ chiến thuật, đâu là sự xuống sức. Không phải lúc nào lùi đội hình xuống cũng là ý đồ sử dụng lối chơi phòng ngự phản công.
Vấn đề của U23 Việt Nam trong trận chung kết là thể lực. Khi hàng phòng ngự không còn đảm bảo về mặt thế chất để chống chọi, cần có sự hỗ trợ từ hàng tiền vệ, không chỉ để phòng ngự mà còn kết nối với tuyến trên để tạo ra các pha phản công.
Trong trận chung kết, các tiền vệ trung tâm chưa thể hiện được tầm ảnh hưởng trong việc cầm trịch và sự hiệu quả để kết nối giữa nhiệm vụ phòng ngự và tấn công. U23 Đông Nam Á là bước khởi đầu cho U23 châu Á. U23 Việt Nam cần tìm ra giải pháp bằng cách hiểu rõ những điểm yếu và vấn đề đã xuất hiện tại giải đấu vừa qua.
Các giải đấu tầm châu lục cho đến thế giới hiện nay, ưu thế về thể lực ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng. Đó có thể xem là đặc điểm chính yếu của bóng đá đương đại và khiến các yếu tố khác phải thay đổi.
Càng về sau, việc cải thiện thể lực càng được coi là yếu tố cần thiết để đạt được mục tiêu tại các giải đấu lớn. Vì thế, nhiệm vụ và thách thức để phát triển bóng đá Việt Nam là tạo ra khả năng chiến đấu cân sức với các đội bóng hàng đầu châu Á về kỹ năng lẫn thể lực.
Đội U23 là tương lai của ĐTQG. Vì vậy, ngay từ bây giờ, phải từng bước giải quyết các vấn đề xuất hiện ở đội U23.
Về phong cách, U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018 hướng đến sự ổn định của hệ thống phòng ngự và cân bằng của cả đội hình. Các phương án tấn công lẫn phòng ngự đều được lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ và hiệu quả.
Trên mặt trận phòng ngự, bài toán đề ra là duy trì sự chặt chẽ nơi hàng thủ và bắt người thật chặt, luôn duy trì sự điềm tĩnh trong giữ bóng và triển khai tấn công qua các đường chuyền có ý đồ cụ thể.
Các cầu thủ được yêu cầu di chuyển nhiều để hỗ trợ cho hàng thủ lẫn hàng công từ giữa sân. Các tiền đạo phải tích cực tham gia phòng ngự và liên tục hoán đổi vị trí để tạo ra sự đa dạng chiến thuật. Ngoài ra, khuyến khích hai cầu thủ chạy cánh dâng cao theo hai hành lang để hỗ trợ tấn công.
Về định hướng chiến thuật, tùy thuộc vào từng đối thủ để điều chỉnh về mặt đấu pháp. Trước hết, tập trung vào sự ổn định của hàng phòng ngự và ngăn chặn đường lên bóng của đối phương. Yêu cầu các cầu thủ chạy cánh dâng cao tham gia tấn công khi có bóng và tiền vệ trụ hỗ trợ phòng ngự khi đối phương tổ chức phản công.
Tập trung phát triển tấn công từ tuyến tiền vệ. Các tiền đạo hoạt động cao độ để quấy phá hàng phòng ngự đối phương. Tổng quát lại, thu hẹp mọi khoảng không gian tới mức tối đa để hạn chế kẽ hở trong phòng ngự và lên bóng nhanh nhất có thể. Những vị trí được yêu cầu hoạt động rộng và tích cực di chuyển nhất là cầu thủ chạy cánh và tiền đạo biên.
Về đặc điểm chơi bóng của các cá nhân, hàng phòng ngự được tổ chức bởi ba trung vệ ăn ý và bổ sung tốt cho nhau. Trong đó, lối chơi phòng ngự thông minh của Trần Đình Trọng trong vai trò trung vệ thòng đã gây ấn tượng mạnh.
Hai trung vệ còn lại là Bùi Tiến Dũng và Duy Mạnh cũng thi đấu nổi bật với khả năng tranh chấp mạnh mẽ và kỹ năng phòng thủ toàn diện.
Ở hai hành lang, Đoàn Văn Hậu và Vũ Văn Thanh đều làm tốt nhiệm vụ leo biên. Cặp tiền vệ Đức Huy - Xuân Trường đem đến sự ổn định về mặt thế trận và hỗ trợ phòng ngự hiệu quả.
Nhờ vậy, các tiền vệ tấn công/tiền đạo cánh là Quang Hải, Văn Toàn, Phan Văn Đức đã phát huy được khả năng tạo đột biến. Cuối cùng, trên hàng công, cách chơi bóng liều lĩnh, khó lường của Công Phượng hay Đức Chinh giúp phân tán hàng thủ đối phương.
Lứa U23 hiện tại và U23 đã làm nên lịch sử tại Thường Châu có rất nhiều điểm khác biệt từ lối chơi đến con người. Lứa 2018 lấy phòng thủ làm trọng, phụ thuộc vào lối chơi của đối phương, nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chiến thuật bên cạnh kỹ năng và bản lĩnh của các cầu thủ, đã đạt được kết quả tuyệt vời, qua đó tạo ra cú hích cho bóng đá Việt Nam.
Hy vọng, kỳ tích lại một lần nữa lặp lại!
Tác giả: Bae Ji Won