(Dân trí) - Từng nhiều năm làm trợ lý thể lực ở các đội tuyển Việt Nam, HLV người Hàn Quốc Bae Ji Won đã có những so sánh chiến thuật giữa chiến lược gia đồng hương Park Hang Seo với HLV Philippe Troussier.
Từng nhiều năm làm trợ lý thể lực ở các đội tuyển Việt Nam, HLV người Hàn Quốc Bae Ji Won đã có những so sánh chiến thuật giữa chiến lược gia đồng hương Park Hang Seo với HLV Philippe Troussier.
Trải qua thời gian gắn bó với các cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và bây giờ là cấp câu lạc bộ (CLB), ông cảm nhận như thế nào về bóng đá Việt Nam?
- Từ khi còn làm việc tại đội tuyển, tôi đã có ấn tượng rất đặc biệt về bóng đá Việt Nam. Đất nước các bạn có tiềm năng lớn để phát triển bóng đá. Nhiều người yêu thích và cổ vũ bóng đá hơn bất cứ môn thể thao nào khác.
Tôi cũng ấn tượng với sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trong việc phát triển bóng đá ở cấp quốc gia. Tôi cảm nhận được rất rõ phẩm chất lẫn niềm đam mê mãnh liệt của các cầu thủ.
Tại V-League, giải đấu tôi đã làm việc từ năm 2022 đến nay, tôi hiểu rằng lịch thi đấu tất yếu phải điều chỉnh dựa trên lịch trình của đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Do lịch thi đấu chưa thật hợp lý, mỗi đội bóng đều gặp phải nhiều trường hợp chấn thương. Chắc chắn V-League có sự khác biệt so với hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp ở Hàn Quốc hay Nhật Bản.
V-League bị kéo dãn quá dài do đội tuyển U23 tham dự SEA Games. Tại Hàn Quốc, việc thiết kế lịch thi đấu liên hoàn mới là ưu tiên hàng đầu. V-League cũng nên coi việc duy trì lịch thi đấu ổn định là ưu tiên trước nhất.
Các CLB đều đầu tư rất nhiều tiền nhưng dòng tiền chủ yếu đổ vào bóng đá (chuyển nhượng, trả lương cho cầu thủ). Cơ sở hạ tầng nói chung và các sân vận động nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.
Người hâm mộ cũng cần thể hiện niềm đam mê và sự cổ vũ nhiều hơn cho các cầu thủ giỏi cũng như những đội bóng có cơ sở vật chất tốt. Hạ tầng bóng đá không đơn thuần được tạo bởi nỗ lực của từng đội bóng mà còn cần sự quyết tâm từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Sau một thời gian kế nhiệm ông Park dẫn dắt các cấp đội tuyển quốc gia Việt Nam, ông nhận thấy đâu là vấn đề lớn nhất đối với HLV Troussier?
- Khi một HLV mới được bổ nhiệm, rất nhiều người tập trung vào việc đạt được kết quả khả quan trước tiên. Và những người này bắt đầu đánh giá HLV mới theo cách tích cực hoặc tiêu cực dựa trên kết quả đạt được. Điều này cũng xảy ra khi ông Park Hang Seo mới được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, khác biệt là HLV Park Hang Seo tạo ra kỳ tích người hâm mộ mơ ước, thế nên người kế nhiệm chịu nhiều áp lực so sánh với kết quả của người đi trước. Truyền thông cũng đi theo làn sóng này bằng những bài viết so sánh quá khứ với hiện tại và càng kích thích sự so sánh của người hâm mộ.
Tôi đã theo dõi U23 Việt Nam thi đấu tại SEA Games 32 cũng như các trận giao hữu của đội tuyển quốc gia vừa qua, phong cách và cách vận dụng chiến thuật hiện tại rõ ràng rất khác với HLV Park Hang Seo trước đây.
Sự khác biệt nữa cũng khá rõ ràng đến từ yếu tố thể lực. Chúng tôi cảm nhận rõ điều này. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta không nên chỉ dựa trên các trận đấu ở SEA Games mà suy nghĩ tiêu cực về HLV Troussier cũng như triết lý của ông ấy.
Ví dụ, nếu phong cách của HLV Troussier khác với HLV Park Hang Seo và những đánh giá tiêu cực vô điều kiện được đưa ra, gánh nặng đối với người kế nhiệm chắc chắn càng tăng lên. Tôi không nghĩ điều đó tốt cho tương lai của bóng đá Việt Nam.
Khi một HLV mới được chọn, rất khó để thiết lập chiến thuật cũng như chuyển tải triết lý của ông ấy trong thời gian ngắn. Chẳng hạn như đội tuyển Hàn Quốc, chúng tôi không thể có kết quả như mong đợi ngay sau khi bổ nhiệm tân HLV. Phải mất thời gian để bộ máy vận hành trơn tru và mọi người đều hiểu điều này.
Ông có thể nói sâu hơn về mặt kỹ chiến thuật?
- Thật sai lầm khi nghĩ rằng bóng đá chỉ có thể đánh bại đối thủ bằng cách tấn công ồ ạt. Bóng đá là trận chiến không ngừng giữa tấn công và phòng ngự. Cuối cùng, thắng thua được phân định dựa trên việc đội bóng nào ghi bàn ở thời điểm then chốt.
Nhân tiện, tôi cũng muốn nói thêm rằng nhiều người nhầm lẫn rằng chơi tấn công sẽ hiệu quả hơn để ghi bàn vào lưới đối phương. Thực tế trong các trận bóng đá, nhiều trường hợp hàng thủ được triển khai ổn định trước rồi mới tạo ra khả năng ghi bàn lớn hơn.
Hầu hết các đội thi đấu với chiến thuật phòng ngự phản công trước tiên tập trung vào việc ổn định hàng phòng ngự. Sau khi tiến hành tổ chức hệ thống phòng thủ dày đặc và vững vàng, họ mới triển khai chiến thuật phản công. Ngoài ra, thể lực rất quan trọng trong tấn công lẫn phòng ngự.
Trong bóng đá hiện đại, việc phản công hay vây chặt đối phương là điều bất khả thi nếu thiếu thể chất. Trong trường hợp đội tuyển U23 tại SEA Games hay các trận giao hữu đội tuyển quốc gia vừa qua, tôi cảm nhận vấn đề thể lực đang xuất hiện với các tuyển thủ Việt Nam vào cuối hiệp 2.
Khi tôi làm việc tại U23 Việt Nam, tôi từng trải qua 3 trận đấu liên tiếp kéo dài 120 phút, mỗi trận chỉ cách nhau hai ngày cho đến trận chung kết giải U23 châu Á 2018. Các trợ lý HLV phải hỗ trợ huấn luyện theo kế hoạch chiến thuật HLV trưởng đề ra.
Tương tự là HLV thể lực, phải chuẩn bị cho các cầu thủ về mặt thể chất và thực hiện các bài tập liên quan đến phong cách cũng như chiến thuật của HLV trưởng.
Vậy khác biệt căn bản giữa HLV Park Hang Seo và Troussier là ở điểm nào thưa ông?
- Để nói một cách đơn giản thì triết lý của ông Park và ông Troussier dẫn đến sự khác biệt về chiến thuật, sự ổn định nơi hàng thủ. Nếu một cầu thủ không thực hiện đầy đủ vai trò hay hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật được giao, lối chơi tổng thể của toàn đội bị ảnh hưởng và có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn.
Tôi nghĩ vấn đề đã xuất hiện tại SEA Games 32 ở trận bán kết U23 Việt Nam gặp U23 Indonesia. HLV Park Hang Seo trước đó chú trọng hàng thủ chắc chắn và áp dụng lối chơi ổn định để ngăn chặn các đợt tấn công của đối phương.
Tuy nhiên, các chuyển động chiến thuật của HLV Troussier lại tương đối manh động, dẫn đến một số vấn đề trong phòng ngự và kết quả là để cho đối phương ghi bàn, mặc dù chơi hơn người.
HLV Troussier hướng đến mục tiêu đội tuyển Việt Nam dự World Cup 2026, mục tiêu này liệu có quá tham vọng?
- Để có cơ hội tham dự World Cup, cần nhiều điều kiện để đáp ứng. Như tôi đã nói, phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, tận dụng sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền, kêu gọi được nguồn vốn đầu tư lớn hơn, bên cạnh sự ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ.
Các dự án phát triển trong tương lai không chỉ liên quan đến việc nâng cao khả năng của những tài năng trẻ. Bóng đá Việt Nam cũng cần đào tạo các lớp HLV xuất sắc cho tương lai.
Hiện nay, việc đảm bảo đủ số lượng HLV cấp cao nhất tại Việt Nam vẫn là điều cấp thiết. Chất lượng tổng thể của bóng đá phải được cải thiện thông qua hệ thống huấn luyện và các dự án phát triển bóng đá qua mỗi giai đoạn khác nhau.
Đối với World Cup 2002 diễn ra tại Hàn Quốc và Nhật Bản, tôi đã nghiên cứu hệ thống bóng đá châu Âu từ sau World Cup 1998 và trình lên Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc với tư cách thành viên Ban kỹ thuật, đồng thời là thành viên dự án hỗ trợ các kỳ World Cup trong tương lai.
Mặc dù đội tuyển Việt Nam đã cho thấy tiềm năng tại vòng loại World Cup tuy nhiên chưa thể đảm bảo kết quả giành vé tham dự vòng chung kết. Chúng ta cũng chưa thể đặt kỳ vọng đạt được kết quả cao như vậy trong thời gian ngắn. Muốn dự World Cup, cả hệ thống bóng đá phải được kích hoạt để nâng cao chất lượng trước.
Một chủ đề khác rất được quan tâm trong thời gian qua là sự kiện Quang Hải đã trở lại Việt Nam sau một năm chơi bóng tại Pháp. Ông nghĩ sao về chuyến đi và sự trở về của Quang Hải?
- Tôi nghĩ Quang Hải trở về Việt Nam là điều đương nhiên! Tôi đã tin cậu ấy sẽ trở lại từ khi cậu ấy mới đặt chân sang Pháp. Tôi chỉ không biết cậu ấy sẽ đi trong bao lâu… Tôi nghĩ còn quá sớm để cầu thủ Việt Nam sang châu Âu chơi bóng.
Đặt chân tới châu Âu đồng nghĩa phải đương đầu vô vàn khó khăn và áp lực. Nhiều cầu thủ Hàn Quốc đang chơi bóng tại châu Âu, nhưng đâu phải ai cũng thành công. Nhiều người đã thử vận may và thất bại, không chỉ trong quá khứ mà cả hiện tại. Bản thân tôi muốn khuyến khích các cầu thủ Việt Nam thử sức tại Hàn Quốc và Nhật Bản trước.
Giải K-League của Hàn Quốc khá là khắc nghiệt đấy. Môi trường tập luyện, chất lượng giải đấu và trình độ thi đấu cũng khác. Ngoài ra còn là sự khác biệt lớn về thể chất. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cầu thủ Việt Nam tập thích nghi trước ở Hàn Quốc rồi tìm cơ hội sang châu Âu.
Về phần Quang Hải, tôi vẫn đánh giá cậu ấy là cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất tôi từng biết về mặt phẩm chất. Những cú chạm bóng của cậu ấy thật xuất sắc, kỹ thuật toàn diện, am tường chiến thuật và có khả năng điều phối trận đấu xuất sắc.
Cậu ấy cũng là chàng trai điềm tĩnh, ít nói, thái độ nghiêm túc, tập luyện mẫu mực và luôn chu đáo trong việc chăm sóc bản thân.
Theo ông, cầu thủ Việt Nam nào nên xuất ngoại trong tương lai?
- Tôi kỳ vọng Văn Hậu sẽ ra nước ngoài thi đấu. Cậu ấy có cả tài năng lẫn thể chất tốt. Tiếc là trước đây cậu ấy không có nhiều cơ hội thể hiện do chấn thương dài hạn khi sang Hà Lan thi đấu.
Tất nhiên, nếu các cầu thủ Việt Nam sang Hàn Quốc hay Nhật Bản thi đấu, trước hết phải không sợ thất bại. Thử thách sẽ đến liên tục, vì vậy chí ít họ có được kinh nghiệm và kiến thức quý báu.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!