(Dân trí) - Đội tuyển quốc gia Indonesia đang gặt hái nhiều thành công nhưng chính sách nhập tịch cũng gây ra sự chia rẽ trong nội tại nền bóng đá nước này.
Đội tuyển Indonesia đang trở thành hiện tượng tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á. Sau khi bất ngờ cầm chân thành công Saudi Arabia và Australia, hai gã khổng lồ trong khu vực, thầy trò Shin Tae Yong sắp sửa bước vào các cuộc chạm trán Bahrain (10/10) và Trung Quốc (15/10) trong dịp FIFA Days.
Nhiều ý kiến đánh giá đội bóng xứ Vạn đảo có khả năng giành chiến thắng trong cả hai cuộc chạm trán này. Thành công của đội tuyển Indonesia in đậm dấu ấn những cầu thủ nhập tịch.
Đáng kể như Elkan Baggott, hậu vệ sinh ra và lớn lên tại Anh quốc, đang khoác áo Blackpool theo diện cho mượn từ Ipswich Town; Jordi Amat, trung vệ trưởng thành từ lò Espanyol và từng chinh chiến từ La Liga đến Premier League; và đông đảo nhất là những cầu thủ gốc Hà Lan, bao gồm Rafael Struick và Marc Klok…
Trong diễn biến mới nhất, đội tuyển Indonesia vừa bổ sung hai cầu thủ nhập tịch Mees Hilgers và Eliano Reijnders. Như vậy HLV Shin Tae Yong triệu tập tới 16 cầu thủ nhập tịch trước hai trận gặp Bahrain và Trung Quốc.
Có nghĩa rằng, nếu cần thiết, HLV Shin Tae Yong có thể sử dụng 100% cầu thủ nhập tịch (kể cả chính thức lẫn dự bị) để bước vào hai trận đấu rất quan trọng sắp tới.
Nếu vượt qua hai đối thủ trước mắt, đội tuyển Indonesia có cơ hội lớn để tiến sâu ở vòng loại World Cup 2026. Tuy nhiên, việc nhập tịch ồ ạt khiến cho Indonesia nhận nhiều phản ứng trái chiều. Ngay cả nội bộ đội bóng cũng có sự chia rẽ lớn với nhiều luồng quan điểm khác nhau.
Thành viên cấp cao thuộc Ủy ban Olympic Indonesia (NOC), ông Hifni Hasan cũng lên tiếng nhắc nhở: "Tôi muốn nhắn với HLV Shin Tae Yong là tôi rất khắt khe trong vấn đề nhập tịch. Tôi đã nói với ông ấy không nên đưa quá nhiều cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển Indonesia".
Trong khi đó, ứng cử viên thống đốc Jakarta, ông Rano Karno, cũng có chung quan điểm. Phát biểu trước báo giới, ông Rano Karno cho biết: "Việc nhập tịch là cần thiết nhưng nó cần phải được tiến hành một cách thận trọng.
Làm ơn đừng bỏ quên sự phát triển của các cầu thủ trẻ. Ơn trời, lứa U17 và U20 của Indonesia có thành tích tốt. Điều đó cho thấy công tác đào tạo trẻ của Indonesia vẫn diễn ra rất tốt".
Trong khi đó, HLV người Scotland, Simon McMenemy (người từng dẫn dắt đội tuyển Indonesia năm 2019) hiểu lý do tại sao người kế nhiệm ông lại ủng hộ chính sách nhập tịch.
"Các cầu thủ từ nước ngoài giúp nâng cao tiêu chuẩn", HLV McMenemy đưa ra quan điểm. "Hệ thống giải vô địch quốc gia (VĐQG) Indonesia chưa đủ chất lượng để cung cấp cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) dàn cầu thủ đủ trình độ cạnh tranh với những đội bóng hàng đầu châu Á.
Thế nên cách cửa khác mở ra khi sử dụng cầu thủ nhập tịch, vốn xuất phát điểm ở nền bóng đá chất lượng hơn. Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cũng hỗ trợ cho HLV rất nhiều. Với tư cách HLV ĐTQG, nếu chỉ dựa vào giải đấu quốc nội thì rất khó thay đổi điều gì vì trình độ cầu thủ đã được phản ánh ở CLB.
Cầu thủ nhập tịch có thể giúp HLV tạo ra đột biến, và cầu thủ trong nước cũng có thể học hỏi từ những cầu thủ này, nên làn sóng nhập tịch mang lại ích lợi cho nhiều phía", HLV McMenemy chia sẻ thêm.
Indonesia không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất áp dụng chính sách nhập tịch. Ví dụ như Philippines và Malaysia cũng được hưởng lợi ít nhiều từ chiến lược nhập tịch cầu thủ, những cũng có những quốc gia không thành công.
Đáng kể nhất là đội tuyển Trung Quốc. Những cầu thủ Brazil thi đấu tại Chinese Super League đã được nhập tịch nhưng đóng góp không đáng kể.
Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã cố gắng nhập tịch cầu thủ ngoại quốc đầu tiên vào năm 2012 (cầu thủ người Brazil Eninho) nhưng nỗ lực này thất bại vì sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước. Quan điểm tại Indonesia cũng bị chia rẽ vì vấn đề này.
"Cục diện là 50-50", Kusumatoro, một người hâm mộ sinh sống tại thủ đô Jakarta cho biết. "Một số người hâm mộ cho rằng chính sách nhập tịch là tốt vì những cầu thủ mang trong mình dòng máu Indonesia có quyền đại diện cho đất nước Indonesia.
Nhưng một số khác nghĩ rằng đó chỉ là quá trình để đạt được thành công ngay lập tức, đặc biệt là khi hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ trong nước không được ưu tiên".
Những nhà bình luận nổi bật ở Indonesia như Tommy Welly và Akmal Marhali đã đặt câu hỏi về quy trình này, liệu Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) có xem việc nhập tịch các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài chỉ là một giải pháp ngắn hạn để đạt thành công tạm thời hay không.
"Từ góc nhìn thuần túy về bóng đá, tôi xem đây là vấn đề nổi cộm cần sự quan tâm từ PSSI, đặc biệt là về các chương trình đào tạo và phát triển tài năng trẻ", ông Adhika Wicaksana, cựu giám đốc tài chính PSSI đưa ra quan điểm. "Việc tập trung quá mức vào cầu thủ ngoại kiều có thể dẫn đến việc bỏ quên nhu cầu thiết yếu về nâng cấp cơ sở hạ tầng và chính sách đào tạo để phát triển tài năng bản địa như một khoản đầu tư dài hạn".
Vượt ra ranh giới bóng đá, còn những vấn đề rộng lớn hơn. "Chính sách nhập tịch ồ ạt đặt ra dấu hỏi về định nghĩa người Indonesia, ông Wicaksana nói thêm. "Nếu ngôn ngữ là yếu tố quyết định chính, liệu một người sáng tạo nội dung ở Anh nhưng thông thạo tiếng Indonesia và Java có thể được xem như người Indonesia không?!".
Tuy nhiên, HLV McMenemy cho rằng, nếu được xử lý và lên kế hoạch đúng cách, việc tìm kiếm tài năng từ nước ngoài là chính sách phù hợp cho Indonesia, miễn là quốc gia này tích hợp quá trình đó vào chiến lược phát triển dài hạn.
"Khi nhập tịch cầu thủ ngoại kiều, cần lên kế hoạch trước một hoặc hai năm, và biết HLV Shin Tae Yong là người như thế nào, tôi chắc rằng ông ấy có kế hoạch vững vàng", nhà cầm quân người Scotland cho biết. "Cần phải đưa cầu thủ nhập tịch về bất cứ khi nào có cơ hội để thi đấu giao hữu hoặc tham gia tập luyện. Nếu chỉ đưa vài anh chàng vừa mới có hộ chiếu vào ĐTQG thì anh ta chẳng biết ai lại ai cả và điều đó thực sự khó khăn".
Trước khi dẫn dắt Indonesia, HLV McMenemy từng gặt hái thành công chưa từng có trong lịch sử đội tuyển quốc gia Philippines nhờ chính sách nhập tịch. Tuy nhiên, từ quy mô dân số cho đến đặc điểm văn hóa địa phương, Philippines hoàn toàn khác Indonesia, quốc gia vẫn được ví như gã khổng lồ ngủ quên của bóng đá châu Á.
Đối với giới quan sát, không ít ý kiến cho rằng hai quốc gia tỷ dân Ấn Độ và Trung Quốc không phải là gã khổng lồ ngủ quên của bóng đá châu Á. Bởi lẽ, mặc dù dân số đông tuy nhiên bóng đá chưa bao giờ được đam mê số một tại những đất nước này.
Philippines cũng có đặc tính tương tự, nhưng Indonesia lại hoàn toàn khác. Tuy dân số ít hơn (ước tính khoảng 280 triệu người), người dân xứ Vạn đảo lại dành sự đam mê mãnh liệt cho môn thể thao vua.
Hình ảnh biển người đổ xuống mọi ngả đường ăn mừng tấm huy chương vàng SEA Games 32 hay chiến tích vào bán kết giải U23 châu Á là minh chứng sống động cho sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá Indonesia.
Thậm chí, bóng đá là cách tiếp cận hiệu quả trong cuộc đua bầu Tổng thống Indonesia hồi đầu năm nay. Với 52% dân số của đất nước, tức khoảng 270 triệu người, nằm trong độ tuổi từ 18 đến 39, bóng đá được xem là một cách hiệu quả để giao tiếp với phần lớn cử tri.
"Bóng đá là một cách dễ dàng để các chính trị gia kết nối với giới trẻ," Dex Glenniza, trưởng bộ phận nội dung của mạng lưới podcast lớn nhất Indonesia, Box2Box, chia sẻ. "Nhiều người tận dụng sức mạnh của bóng đá Indonesia."
Theo Usman Hamid, giám đốc điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế Indonesia, mối quan hệ đặc biệt này đã tồn tại kể từ khi đất nước giành độc lập từ Hà Lan vào năm 1945. "Các chính trị gia nhận thức được tiềm năng của việc liên kết mình với một môn thể thao có sự kết nối sâu sắc với công chúng," ông Hamid nói.
Riêng Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto ghi dấu ấn bằng cách thành lập Học viện bóng đá Garudayaksa ngay bên ngoài Jarkarta, cũng như thu hút sự chú ý khi ký hợp tác với Học viện Aspire nổi tiếng của Qatar.
Trở lại với địa hạt bóng đá, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Indonesia cũng được thể hiện qua cách nhiều ngôi sao nhập tịch Indonesia đang sống hai cuộc đời từ khi quyết định trở về cống hiến cho đất nước Vạn đảo.
Họ hầu hết vẫn là những cầu thủ vô danh tại nơi đang sinh sống nhưng lại được hâm mộ và ứng xử như những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới tại Indonesia.
Thống kê cho thấy đội hình xuất phát của đội tuyển Indonesia trong trận gặp Australia có tới 26,9 triệu tài khoản theo dõi trên Instagram. Trong khi đó, 11 CLB mà 11 cầu thủ này khoác áo lại chỉ có 10 triệu tài khoản theo dõi.
Và ngay cả đội tuyển Mỹ, chủ nhà World Cup 2026 và có dân số 335 triệu người nhưng lượng theo dõi của đội hình xuất phát trong trận gần nhất cũng chỉ là 1,5 triệu.
"Có lẽ tôi có khoảng 5.000 người theo dõi trên Instagram và khi người hâm mộ nhận ra tôi có dòng máu Indonesia, con số đó đã tăng lên 30.000 và giờ tôi đã có 2,7 triệu người theo dõi", Justin Hubner, một trong những cầu thủ nhập tịch của đội tuyển Indonesia cho biết.
Tuy nhiên, khi mọi nguồn lực được dồn cho chính sách nhập tịch, hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi về chuyện tương lai. Thực tế bóng đá quốc nội Indonesia vẫn tồn tại nhiều vấn đề, từ bạo lực, chất lượng cơ sở hạ tầng cho đến chiến lược phát triển dài hạn.
Và khi thế hệ nhập tịch già đi, liệu rằng PSSI còn có đủ nguồn lực để nhập tịch tiếp hay trở lại với những cầu thủ trẻ bị quên lãng suốt thời gian dài. Bài học từ những đội bóng láng giềng như Singapore hay Philippines vẫn còn đó.