DNews

Cầu thủ nhập tịch Indonesia: Những ngôi sao vô danh lột xác thành ông hoàng

H. Long

(Dân trí) - Ở châu Âu, nhiều ngôi sao nhập tịch của Indonesia chỉ là những cầu thủ vô danh. Thế nhưng, họ đã đổi đời và được săn đón nhờ quyết định trở về đóng góp cho đội bóng xứ Vạn đảo.

Cầu thủ nhập tịch Indonesia: Những ngôi sao vô danh lột xác thành ông hoàng

Những "ông hoàng" nhập tịch

Maarten Paes là thủ môn của CLB Dallas thi đấu ở giải Nhà nghề Mỹ (MLS). Tuy nhiên, khi thủ thành này dạo bước trên con phố đông đúc ở Dallas, anh chỉ như một người bình thường, không ai để ý đến Maarten Paes.

Thế nhưng, khi trở về khoác áo đội tuyển Indonesia, Maarten Paes đã như thể trở thành một người khác.

Cầu thủ nhập tịch Indonesia: Những ngôi sao vô danh lột xác thành ông hoàng - 1

Maarten Paes chỉ là ngôi sao vô danh ở Mỹ nhưng lại được đối xử như ông hoàng ở Indonesia (Ảnh: Getty).

Giống như nhiều cầu thủ nhập tịch khác ở Indonesia, Maarten Paes được trọng vọng, chào đón nồng nhiệt tại xứ Vạn đảo. Trên mạng xã hội, người gác đền sinh năm 1998 bỗng nhận được sự theo dõi đông đảo gấp bội. Đó là cảm giác bất cứ ai cũng thèm muốn, nhất là với những ngôi sao trình độ làng nhàng ở Mỹ như Maarten Paes.

Ngay cả bản thân Maarten Paes cũng thừa nhận rằng không ngờ sức hút của mình lớn tới vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã có 1,7 triệu người theo dõi trên Instagram và 1,2 triệu người theo dõi trên Tiktok.

"Indonesia là đất nước rộng lớn và mọi người đều yêu bóng đá cuồng nhiệt", Maarten Paes thừa nhận.

Maarten Paes có bà là người Indonesia. Do đó, cầu thủ này dễ dàng đáp ứng điều kiện nhập tịch của Indonesia. Thủ thành người Mỹ nói rằng anh đã cố gắng hoàn thành tâm nguyện của bà khi quyết định khoác áo đội tuyển Indonesia.

Thế nhưng, anh cũng hiểu rằng, đó là cứu cánh cho mình bởi cơ hội được triệu tập vào đội tuyển Hà Lan rất thấp, dù từng góp mặt ở cấp độ đội trẻ.

Sau khi truyền thông xứ Vạn đảo đăng tải thông tin Maarten Paes sẽ khoác áo đội tuyển Indonesia, cuộc sống của anh đã thay đổi. Tuyệt vời hơn, anh còn là người hùng trong cả hai trận đấu gặp Saudi Arabia và Australia giúp Indonesia giành hai trận hòa quý giá ở tháng 9.

Cảm giác được thi đấu với sự cổ vũ của 70.000 người hâm mộ tại sân Gelora Bung Karno (Jakarta, Indonesia) và được tung hô ngút trời khiến Maarten Paes thực sự "gai người".

Anh chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi cảm nhận đầy đủ sự ủng hộ rất lớn. Tôi đã nhìn thấy số lượng người theo dõi tăng đột biến trên mạng xã hội nhưng sức nóng đã lan tỏa ra ngoài đời thực. Sau đó, chúng tôi thậm chí không thể rời khỏi khách sạn mà không có sự trợ giúp của lực lượng an ninh".

Đó không chỉ là câu chuyện của Maarten Paes, Justin Hubner cũng cảm thấy bất ngờ vì sự chào đón cuồng nhiệt ở Indonesia. Cầu thủ gốc Hà Lan gia nhập Wolves vào năm 2020 và không có nổi trận đấu ở đội 1 của Wolves. Thế nhưng, anh lại được đối xử như những ngôi sao hạng A của Real Madrid.

Cầu thủ nhập tịch Indonesia: Những ngôi sao vô danh lột xác thành ông hoàng - 2

Justin Hubner có cả danh tiếng và tiền bạc khi quyết định đầu quân cho Indonesia (Ảnh: AFC).

"Tôi không thể rời khỏi khách sạn của mình vì có quá nhiều người chờ đợi và sẵn sàng lao tới tôi. Mọi thứ thật điên rồ. Nếu tôi bước vào một cửa hàng thì sẽ có 100 người túc trực chờ đợi. Tôi là thần tượng của họ. Họ sẵn sàng chờ đợi hàng giờ để chụp ảnh và xin chữ ký của tôi", Justin Hubner tâm sự.

Justin Hubner sinh ra tại Hà Lan và từng thi đấu cùng tuyển thủ quốc gia Xavi Simons ở cấp độ đội trẻ. Thế nhưng, nếu không lựa chọn khoác áo đội tuyển Indonesia, sự nghiệp của Justin Hubner có lẽ đã đâm vào ngõ cụt (cả về danh tiếng và tiền bạc).

Hậu vệ này chia sẻ: "Tôi có khoảng 5.000 người theo dõi Instagram. Sau khi người hâm mộ nhận thấy tôi có dòng máu Indonesia, con số đó tăng lên 30.000 người theo dõi. Giờ đây, tôi có khoảng 2,5 triệu người theo dõi. Chính vì thế, tôi đã có ngày một nhiều các hợp đồng quảng cáo. Đó là giấc mơ".

Chỉ vài ngày trước, Justin Hubner vừa ký hợp đồng quảng cáo với Rexona, tới mức ngay cả những ngôi sao của Wolves cũng phải ghen tỵ. Justin Hubner tâm sự: "Nhiều cầu thủ Wolves đùa rằng họ có thể chuyển tới khoác áo đội tuyển Indonesia được không?

Những đồng đội ở Wolves mừng cho tôi. Họ cũng có số lượng người theo dõi lớn như vậy. Đối với tôi, điều quan trọng là được thi đấu ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Đi kèm với đó, tôi đã có những lợi ích tuyệt vời".

Justin Hubner thừa nhận rằng mỗi khi tới Anh hay Nhật Bản, anh như thể bước vào thế giới khác. Chẳng có sự chào đón nào. Thậm chí, mẹ của anh đã khóc khi chứng kiến con trai của mình được hâm mộ như vậy.

CLB Oxford United vốn chỉ nằm lẩn khuất ở góc nhỏ bé trong bản đồ bóng đá Anh. Thế nhưng, vào tháng 8, họ từng có một video đăng tải trên trang Instagram đạt 5,2 triệu người xem. Tương tự, số lượng người theo dõi các video của CLB Brisbane Roar cũng tăng cả nghìn lần, với những video đạt 4,5 triệu người xem.

Vì sao điều này xảy ra? Đơn giản vì hai CLB này sở hữu hai tuyển thủ Indonesia, đó là Marselino Ferdinand và Rafael Struick. Tiền vệ công Marselino Ferdinand đầu quân cho Oxford United sau khi chuyển sang từ CLB Bỉ, Deinze.

Còn Brisbane Roar là bến đỗ của Rafael Struick. Đáng chú ý, cả hai CLB Oxford United và Brisbane Roar đều thuộc sở hữu của tập đoàn của Indonesia.

Việc các tỷ phú Indonesia sở hữu khá nhiều CLB ở nước ngoài (đặc biệt là châu Âu) mở ra cơ hội chơi bóng cho cả những cầu thủ bản địa Indonesia và những cầu thủ nhập tịch như Rafael Struick (vốn rất khó tìm kiếm cơ hội thi đấu ở châu Âu). Điều này góp phần tạo ra sự thu hút các cầu thủ nhập tịch trở về cống hiến cho Indonesia.

Những sự phản đối xuất hiện

Nhìn chung, không phải bây giờ, Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) mới sử dụng cầu thủ nhập tịch nhưng dưới thời của Chủ tịch Erick Thohir, đội bóng xứ Vạn đảo đã đẩy nhanh quá trình nhập tịch và tận dụng tối đa tiềm lực thi đấu ở nước ngoài. Điều đó đã giúp bóng đá Indonesia lớn nhanh như thổi, dần tiệm cận với trình độ châu Á.

Cầu thủ nhập tịch Indonesia: Những ngôi sao vô danh lột xác thành ông hoàng - 3

Một bộ phận người hâm mộ Indonesia đã quay lưng với cầu thủ nhập tịch vì đội tuyển Indonesia dần "mất chất" bản địa (Ảnh: Bola).

Tuy nhiên, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch ồ ạt cũng tạo ra làn sóng tranh cãi tại Indonesia. Theo luật Công dân Indonesia, mỗi người chỉ được phép mang một quốc tịch.

Nhưng để thu hút lao động tay nghề cao (kể cả lĩnh vực bóng đá), Indonesia đang xem xét cấp quốc tịch kép cho họ. Điều này tạo ra không ít sự tranh cãi trong nội bộ Chính phủ Indonesia.

Bên cạnh đó, nhiều người lo lắng về hệ lụy của quá trình nhập tịch. Ứng cử viên thống đốc Jakarta, ông Rano Karno, chia sẻ quan điểm: "Việc nhập tịch là cần thiết nhưng nó cần phải được tiến hành một cách thận trọng.

Làm ơn đừng bỏ quên sự phát triển của các cầu thủ trẻ. Ơn trời, lứa U17 và U20 của Indonesia có thành tích tốt. Điều đó cho thấy công tác đào tạo trẻ của Indonesia vẫn diễn ra rất tốt".

Trên mạng xã hội, nhiều cổ động viên (CĐV) Indonesia cho rằng đội tuyển quốc gia nước này dần "mất chất" vì sử dụng lực lượng "ngoại binh" quá nhiều. Theo tờ Makanbola, nhiều CĐV Indonesia đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách triệu tập cầu thủ nhập tịch của PSSI.

Thậm chí, họ đã căng một băng rôn dài gần 20m trên lan can cây cầu dành cho người đi bộ tại thủ đô Jakarta với nội dung: "Chúng tôi không ủng hộ chính sách nhập tịch. Chúng tôi muốn cầu thủ trẻ Indonesia được ra sân. Hãy xã hội hóa bóng đá Indonesia".

Tất nhiên, thành công của Indonesia là cách trả lời hoàn hảo nhất cho chính sách nhập tịch. Sau rất nhiều năm, bóng đá xứ Vạn đảo đã thoát khỏi "ao làng" Đông Nam Á để có thể tự tin cạnh tranh ở đấu trường châu Á.

Dù vậy, điều gì cũng có hai mặt của nó. Câu chuyện kế thừa thế hệ mới là điều đáng bàn. Nếu như các cầu thủ trẻ của Indonesia không đủ mạnh mẽ để vươn mình kế thừa di sản hiện tại thì bóng đá xứ Vạn đảo có thể gặp khó khăn trong tương lai.