DMagazine

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ

(Dân trí) - Sir Alex Ferguson chỉ có một, Man Utd sẽ không tìm được người kế thừa Ngài. Nhưng Erik Ten Hag hứa hẹn sẽ làm nên những cuộc cách tân tại Old Trafford.

Sir Alex Ferguson chỉ có một, Man Utd sẽ không tìm được người kế thừa Ngài. Nhưng Erik Ten Hag hứa hẹn sẽ làm nên những cuộc cách tân tại Old Trafford.

Total Football (bóng đá tổng lực) là thuật ngữ quá đỗi quen thuộc với người hâm mộ bóng đá. Hiểu một cách đơn giản, 10 cầu thủ trên sân (trừ thủ môn) đều có thể chơi tốt ở mọi vị trí trên sân. Vì vậy, nếu hậu vệ nhìn thấy cơ hội và dâng cao tấn công như một tiền đạo biên thì một tiền vệ sẽ lùi xuống trám vào vị trí trấn thủ.

Những năm 70 của thế kỷ trước, khái niệm này thật mới lạ và điên rồ. Tuy nhiên đội tuyển Hà Lan, CLB Ajax Amsterdam và hiện thân Johan Cruyff không phải là những người đầu tiên áp dụng tư duy này trên sân cỏ. Trước đó hàng chục năm, Wunderteam của Áo thập niên 30, River Plate với thế hệ La Maquine của thập niên 40, đội tuyển Hungary thời đỉnh cao thập niên 50, Burnley cuối thập niên 50 đầu 60 và Santos thập niên 60 đã điều binh như vậy.

Nhưng, chỉ đến thập niên 70, với đội tuyển Hà Lan, với CLB Ajax và với Johan Cruyff, Total Football mới thành hình, nâng tầm thành triết lý và ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới bóng đá. Nhưng tại sao Total Football hay Totaalvoetbal lại mang tiếng nói Hà Lan là một câu chuyện đầy thú vị.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 1

Trước hết, hãy đưa cho một người Hà Lan bất kỳ ngòi bút và nhờ họ vẽ đường chân trời. Kết quả nhận được luôn là một đường thẳng, không bao giờ có nét gồ ghề của đồi núi trập trùng. Đơn giản, quốc gia nhỏ bé (41.848 km2) và đông đúc (17 triệu người) này có 100% diện tích đất là đồng bằng, 50% diện tích chỉ cao hơn mực nước biển 1m và nhiều vùng đất còn thấp hơn cả mực nước biển.

Đặc trưng cảnh quan ảnh hưởng đến văn hóa của người Hà Lan. Sự phẳng lặng của xứ sở này khiến nhà điêu khắc hậu hiện đại Joroen Henneman gọi những tác phẩm của Johannes Vermeer là "thoáng đãng". Hoặc rõ nét hơn, sân bay Schipol ở Amsterdam được thiết kế với một mái bằng.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 3

Thế nên, đối với người Hà Lan, không gian là thứ quý giá vô cùng. Họ khai thác triệt để mọi "khoảng trống", "phòng ngự" lũ lụt bằng đê điều, hệ thống thoát nước và thậm chí "tấn công" biển cả để có thêm đất đai sinh sống. Bóng đá không phải là ngoại lệ trong hệ thống tư duy phẳng và khai thác không gian ấy.

Ông Barry Hulshoff, cựu hậu vệ Ajax lý giải về cách đội bóng vô địch C1 châu Âu 3 năm liên tiếp như sau: "Chúng tôi thảo luận về không gian suốt ngày. Johan Cruyff luôn nói về không gian mọi người nên chiếm lĩnh, vị trí họ phải đứng và lúc nào không nên di chuyển". Việc chuyển đổi vị trí liên tục như một dàn nhạc toàn tấu này được gọi là Total Football và chỉ có thể vận hành trơn tru nếu tất cả cầu thủ đều nhận thức về không gian. "Đó là cách tạo ra không gian, đi vào không gian và tổ chức không gian - giống như kiến trúc trên sân bóng", Hulshoff nói.

Với sự xuất hiện của Total Football, kỷ nguyên thống trị bằng thứ bóng đá đạp vào chân đối phương của Catenaccio và người Italy chấm dứt.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 5

Tại thời điểm đỉnh cao thịnh trị của bóng đá Hà Lan, quốc gia này "xuất khẩu" Johan Cruyff và lối chơi Total Football sang Barcelona. Thế nên, có nhiều sự tương đồng trong triết lý chơi bóng của Barca và Ajax, đội tuyển Tây Ban Nha và Hà Lan.

Tuy nhiên, Hà Lan ngày càng tụt hậu so với Tây Ban Nha khi xứ sở bò tót sở hữu nguồn lực mạnh mẽ hơn để phát triển bóng đá, từ dân số, đất đai đến thị trường rộng lớn. Thất bại xứng đáng của "Cơn lốc màu da cam" trước "Cơn thịnh nộ đỏ" (La Furia Roja) tại chung kết World Cup 2010 chính là minh chứng cho sự tụt hậu của những hậu duệ Johan Cruyff. Ở trận đấu đó, Tây Ban Nha là đội kiểm soát bóng, phối hợp đồng bộ theo đúng tinh thần Total Football. Ngược lại, Hà Lan chơi thứ bóng đá phòng ngự thủ đoạn phản cảm.

Một khía cạnh khác, thế giới hiện đại không chỉ có Hà Lan là "phẳng". Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tạo nên một "thế giới phẳng". Thành công rực rỡ của Tây Ban Nha và Barcelona giúp lan tỏa nhanh chóng triết lý Total Football. Ngày nay, việc trám vào vị trí của một hậu vệ đang dâng cao tấn công xuất hiện trên mọi sân cỏ ở khắp hành tinh và trở thành khái niệm vỡ lòng về chiến thuật bóng đá.

Nói cách khác, Total Football chỉ còn là triết lý sơ khai. Bóng đá ngày nay đã phát triển tới mức đến thủ môn cũng trở thành một phần của hệ thống phát triển bóng (chơi bóng bằng chân) và xuất hiện cả khái niệm thủ môn quét. Và khi mà chiến thuật bóng đá phát triển mạnh mẽ như vậy, Hà Lan, Ajax, cái nôi của Total Football trở thành chậm tiến.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 7

Sự thụt lùi của bóng đá Hà Lan được phản ánh rõ rệt ở đội tuyển quốc gia và Ajax. Từ năm 2016 đến 2018, Cơn lốc màu da cam liên tiếp không thể giành vé dự vòng chung kết Euro và World Cup. Cùng khoảng thời gian, từ 2012 đến 2017, Ajax không giành được bất cứ danh hiệu nào cho dù luôn áp đảo đối phương về thời gian kiểm soát bóng. Và rồi Erik Ten Hag xuất hiện.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 9

Sau khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng Ajax Amsterdam vào mùa đông 2017, Erik Ten Hag "đập vỡ chén thánh" 4-3-3 để chuyển sang sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với cầu thủ chơi cao nhất là một "trung phong ảo", ngoài ra là sơ đồ 3-4-3 hoặc 4-1-4-1. Quyết sách này biểu trưng cho nỗ lực loại bỏ tư duy cũ kỹ và giáo điều tồn tại ở Ajax để hướng đến việc xây dựng một đội bóng biến hóa với cấu trúc tinh vi hơn.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Telegraph, HLV Steve McClaren, cựu trợ lý của Sir Alex Ferguson và từng làm việc với Ten Hag tại Hà Lan, miêu tả Ten Hag là người ứng biến chiến thuật tốt nhất mà ông từng làm việc cùng sau Sir Alex Ferguson.

Ajax không còn cầm bóng những chẳng biết làm gì nữa. Ajax dưới thời Ten Hag lột xác thành thực thể sống động, giàu tốc độ và tấn công trực diện. Kết quả là gã khổng lồ của bóng đá Hà Lan 2 lần đăng quang giải vô địch quốc gia, 2 lần vô địch Cúp Quốc gia, bên cạnh những màn trình diễn bùng nổ tại đấu trường châu Âu. Vì vậy, giới chuyên môn tán tụng Ten Hag là người đưa bóng đá Hà Lan vào kỷ nguyên hiện đại.

Với Ten Hag, những tài năng trẻ như De Jong, De Light hay Antony đã vươn tới tầm cao mới. Bên cạnh đó, vị chiến lược gia này cũng hồi sinh những cầu thủ từng gây thất vọng tràn trề tại Premier League như Dusan Tadic hay Sebastien Haller.

Tài năng của vị chiến lược gia này càng được thừa nhận hơn nữa qua cách ông tái thiết Ajax Amsterdam sau mùa giải bị cả châu Âu hút máu. Frenkie De Jong, De Ligt, Hakim Ziyech lần lượt gia nhập những đội bóng lớn hơn. Ajax thu về hơn 300 triệu euro và chi ra hơn 150 triệu euro để tái thiết. Tuy vậy, điều không thể phủ nhận là chất lượng đội hình của đội bóng thành Amsterdam không bằng trước đó.

Thế nhưng, với tài điều binh khiển tướng của Ten Hag, Ajax tiếp tục bùng nổ. Mùa trước họ đăng quang với điểm số cao thứ ba trong lịch sử giải vô địch quốc gia Hà Lan, chỉ kém thành tích của Ajax thời Johan Cruyff vĩ đại. Mùa này, Ajax tiếp tục tiến bước vững vàng trên hành trình bảo vệ danh hiệu, với 83 bàn thắng và hiệu số +69 tính đến vòng 28.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 11

Tại Champions League, Ajax để thua một cách đáng tiếc tại vòng 1/8 nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ về khả năng tấn công. Tại vòng bảng, bình quân mỗi trận các học trò của Ten Hag ghi được 2,05 bàn, tổng cộng 20 bàn sau 6 trận, chỉ kém gã khổng lồ Bayern Munich. Bên cạnh đó, Ajax là đội có tổng bàn thắng kỳ vọng (xG) cao nhất (16,3 xG/6 trận).

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 13

HLV Erik Ten Hag sinh năm 1970, trải qua một sự nghiệp cầu thủ khá ổn nhưng không nổi bật ở vị trí hậu vệ, chủ yếu trong màu áo FC Twente và chưa bao giờ có cơ hội khoác áo đội tuyển Hà Lan.

Ông bắt đầu sự nghiệp cầm quân tại đội bóng hạng hai Hà Lan, Go Ahead Eagles. Đội bóng này làng nhàng tới mức chưa từng nghĩ chuyện lên hạng. Nhưng với Ten Hag, đội bóng này đã làm nên lịch sử. Công việc tiếp theo của nhà cầm quân người Hà Lan là dẫn dắt đội dự bị của Bayern Munich, với Pep Guardiola là HLV đội một. Tiếp đến, Ten Hag đưa Utrecht, một đội bóng cũng làng nhàng giành vé dự Europa League. Và hiện tại, từ chỗ lựa chọn chữa cháy, Ten Hag đã hồi sinh rực rỡ Ajax Amsterdam.

Với chừng ấy dữ kiện, bản CV của Ten Hag đã đủ để mọi đội bóng lớn phải thèm khát. Một trong số đó là Manchester United, đội bóng trải qua thời gian dài khủng hoảng triết lý và thèm khát danh hiệu tương tự Ajax.

Những phát biểu của HLV tạm quyền MU, Ralf Rangnick như thể "đo ni đóng giày" cho Ten Hag vào vị trí kế nhiệm ông. "Bất cứ khi nào có tân HLV, điều đầu tiên phải là: Ông ấy muốn chơi thứ bóng đá như thế nào và chúng ta cần những mẫu cầu thủ như thế nào để đáp ứng lối chơi ấy? Sau đó, chúng ta quay lại với DNA của các cầu thủ, tốc độ, thể chất, cường độ. Chúng ta cần gì? Đội bóng này không thiếu những cầu thủ kỹ thuật, nhưng để hoàn thiện cần nhiều thể chất hơn", nhà quản lý bóng đá người Đức chia sẻ.

"Cần có quy định đúng đắn và rõ ràng trong tuyển dụng nhân sự cho các vị trí: mẫu cầu thủ nào, kiểu HLV nào và sau đó, trong mọi kỳ chuyển nhượng, hãy cố gắng đạt được tối đa mục tiêu đề ra. Việc này không hề phức tạp, rất dễ hiểu và dễ làm. Vì vậy cần phải thực hiện, nếu thành công, không nhất thiết cần đến 3 hay 4 năm. Có thể trong 2 hoặc 3 kỳ chuyển nhượng, tình hình sẽ khác".

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 15

Trở lại với Ten Hag, triết lý của vị chiến lược gia người Hà Lan đã được thể hiện rất rõ ràng. Và như đã nói, ông không rập khuôn một cách giáo điều Total Football. Ông cách tân lối đá này nhờ kinh nghiệm tích lũy của bản thân. Tại Go Ahead, vị chiến lược gia này cho các học trò "chơi bóng vô hình", lối tập luyện được nhà cầm quân huyền thoại người Italia, Arrigo Sacchi áp dụng. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của Sacchi lên Ten Hag.

Tại Bayern Munich II, Ten Hag thụ hưởng sự khoa học trong cách làm bóng đá của người Đức và phương pháp huấn luyện của Pep Guardiola, người thời điểm đó dẫn dắt đội một. "Tôi học được mọi thứ về phương pháp huấn luyện của Pep, từ cách ông ấy truyền bá triết lý trên sân tập, cách triển khai bóng, quá trình chuyển đổi trạng thái, tấn công. Ở tất cả các khâu, Pep đều huấn luyện các cầu thủ một cách kỹ lưỡng. Đôi khi ông ấy chỉ đạo cả đội, đôi khi với từng nhóm nhỏ và cho từng cá nhân. Tất cả đều tỉ mỉ đến không tưởng. Và tôi thì mỗi ngày đều học được một điều mới mẻ", Ten Hag từng bộc bạch.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 17

Ten Hag là mẫu HLV kỹ trị. Ông tỉ mẩn đến từng chi tiết, từ chiều cao mặt cỏ đến hàng giờ đồng hồ ngồi phân tích băng ghi hình. Vị chiến lược gia người Hà Lan không phải mẫu quản trị như Sir Alex Ferguson. Tuy nhiên, Sir Alex chỉ có một, thật khó để Man Utd tìm được một nhà cầm quân nào tạo ra tầm ảnh hưởng lớn như huyền thoại người Scotland. Hơn nữa, tình thế của "Quỷ đỏ" hiện tại cần một HLV tập trung vào chuyên môn, như Rangnick phân tích.

Pochettino hay Luis Enrique cũng là những ứng viên sáng giá nhưng Ten Hag có sức hấp dẫn riêng. Một chiến lược gia đại tài đang chờ cơ hội để thi thố ở đẳng cấp cao nhất. Hay ví von một cách hình ảnh, nhà cầm quân người Hà Lan như Ngọa Long (biệt danh của Khổng Minh thời Tam Quốc - Trung Quốc), rồng ẩn mình để chờ cơ hội vùng vẫy trên cao vút tầng không.

Erik Ten Hag: Người hiện đại hóa bóng đá tổng lực hay Ngọa Long chờ Quỷ đỏ - 19

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Nguyễn Vượng