DNews

Đội tuyển Indonesia gục ngã trước Trung Quốc: Ảo tưởng về giấc mơ World Cup

H. Long

(Dân trí) - Dưới thời HLV Shin Tae Yong, Indonesia đã chìm trong "men say chiến thắng" quá lâu. Trận thua trước Trung Quốc chỉ ra nhiều vấn đề với Garuda (biệt danh của Indonesia) ở sân chơi tầm cỡ.

Đội tuyển Indonesia gục ngã trước Trung Quốc: Ảo tưởng về giấc mơ World Cup

"Đội tuyển Indonesia thất bại vì quá kiêu ngạo"

"Tôi không ngờ đội tuyển Trung Quốc thi đấu hay như vậy", đó là lời thú nhận của HLV Shin Tae Yong sau trận thua trước chủ nhà Trung Quốc ở vòng loại thứ ba World Cup 2026 tối 15/10. Trong lời thú nhận ấy, người ta thấy được sự chủ quan của ông thầy người Hàn Quốc.

Sự chủ quan ấy còn được thể hiện qua cách HLV Shin Tae Yong thay thế hàng loạt cầu thủ đá chính trong trận đấu với Bahrain, để đưa một vài gương mặt dự bị ra sân trong trận gặp Trung Quốc. Đồng thời, ông còn tiến hành thử nghiệm vị trí như việc bố trí Nathan Tjoe-A-On, người vốn quen bám cánh, thi đấu tiền vệ trung tâm.

Đội tuyển Indonesia gục ngã trước Trung Quốc: Ảo tưởng về giấc mơ World Cup - 1

Indonesia phải trả giá vì quá ảo tưởng trong trận đấu với Trung Quốc (Ảnh: AFC).

Sau trận đấu với Trung Quốc, báo giới Indonesia đã phân tích hàng loạt vấn đề trong cách dùng người của HLV Shin Tae Yong cũng như cách tiếp cận trận đấu của Indonesia.

Thực tế, không chỉ có "vị tướng" Shin Tae Yong, nhiều thành viên khác của Indonesia cũng mang tư tưởng chủ quan vào trận đấu với Trung Quốc. Hãy nhìn cái cách Shayne Pattynama che bóng cẩu thả, tạo điều kiện cho Trung Quốc ghi bàn mở tỷ số cho thấy điều đó.

Rõ ràng, Indonesia đã trải qua thời gian quá dài chìm đắm trong "men say chiến thắng" cùng với dàn sao nhập tịch tới từ châu Âu. Họ dường như đã tự khoác lên mình chiếc áo của đẳng cấp, vốn quá lạ lẫm với Garuda (biệt danh của Indonesia) trong quá khứ.

Cần nói thêm rằng, bóng đá xứ Vạn đảo đang trải qua thời kỳ rực rỡ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Chưa bao giờ, Indonesia tiến sâu như vậy ở các giải đấu lớn và có thể giành kết quả tốt trước những "ông kẹ" hàng đầu châu lục như Australia hay Saudi Arabia.

Một ví dụ khác, đó là việc Indonesia từng thua Bahrain tới 0-10 cách đây 10 năm nhưng giờ đây, họ thậm chí đã suýt nữa giành chiến thắng trước đối thủ này.

Khi bước trong giai đoạn thành công kéo dài, người ta rất dễ tự ru ngủ mình trong sự huyễn hoặc. Indonesia tự cho phép mình ở vị thế cửa trên trước Trung Quốc, đội bóng đang xếp hạng 91 trên bảng xếp hạng FIFA và hơn Indonesia gần 30 bậc. Và rồi, họ đã phải nhận cái giá quá đắt cho điều đó.

Đội tuyển Indonesia gục ngã trước Trung Quốc: Ảo tưởng về giấc mơ World Cup - 2

Thành công đến quá nhanh khiến Indonesia quên mất mình là ai (Ảnh: AFC).

Truyền thông Trung Quốc đánh giá đội nhà không hẳn thi đấu quá hay nhưng chính sự kiêu ngạo và ảo tưởng đã "giết chết" Indonesia. Tất nhiên, những người Indonesia có quyền bực mình vì lối đá câu giờ của Trung Quốc nhưng đó không phải là lời biện minh hoàn hảo cho thất bại mà chính họ không lường trước trận đấu.

Từ trên mây xanh, Indonesia đã chịu cú ngã đau đớn…

Cú tát cần thiết cho Indonesia

Không thể phủ nhận, sức mạnh của Indonesia đã thăng tiến chóng mặt nhờ sức mạnh của dàn cầu thủ nhập tịch tới từ châu Âu. Giờ đây, tham vọng của họ không còn quanh quẩn ở "ao làng" Đông Nam Á, mà vươn tới châu Á và muốn hiện thực hóa giấc mơ giành vé dự World Cup 2026.

Nhưng sau trận thua trước Trung Quốc, Indonesia có lẽ đã nhìn nhận đúng về sức mạnh của mình hơn. Trong ba trận đấu với Australia, Saudi Arabia, Bahrain, Garuda đều chơi ở vị thế cửa dưới. Họ chơi phòng ngự và sẵn sàng phản công với tốc độ rất cao.

Thế nhưng, tới trận gặp Trung Quốc, Indonesia đã chọn cách tiếp cận của đội bóng cửa trên. Họ không ngừng dồn ép và sẵn sàng "làm gỏi" đối thủ. Thế nhưng, có một điều đoàn quân HLV Shin Tae Yong quên mất, đó là việc họ chưa có nhiều sự chuẩn bị khi bước lên vị thế cửa trên.

Đội tuyển Indonesia gục ngã trước Trung Quốc: Ảo tưởng về giấc mơ World Cup - 3

Để chuyển từ lối chơi phòng ngự sang tấn công, Indonesia vẫn còn khoảng cách dài về đẳng cấp (Ảnh: AFC).

Trong cả trận đấu với Trung Quốc, Indonesia cầm bóng 76% nhưng họ chỉ thể hiện lối chơi thiếu ý tưởng trong tấn công. Nên nhớ, hàng thủ của Trung Quốc thủng lưới tới 12 bàn trong 3 trận đấu với Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia nhưng họ vẫn dễ dàng khóa chặt các ngòi nổ của Indonesia.

Đội bóng xứ Vạn đảo có hai tiền đạo tốc độ và nguy hiểm là Oratmangoen và Rafael Struick. Thế nhưng, họ đã bị cô lập hoàn toàn khi tuyến giữa không thể triển khai bóng. Từ trước tới nay, chơi tấn công luôn khó hơn phòng ngự, để thực hiện lối chơi tấn công cần phải có hàng tá cách vận hành chiến thuật, cũng như sự nhuần nhuyễn.

Đương nhiên, đội hình Indonesia lúc này không thể có sự nhuần nhuyễn khi HLV Shin Tae Yong mới chủ yếu lắp ghép các cầu thủ nhập tịch từ khắp châu Âu. Họ chưa chơi cùng nhau đủ lâu để trở thành tập thể.

Bên cạnh đó, nếu muốn chơi tấn công, Indonesia cần phải chuyển đổi trạng thái (từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại) thực sự tốt. Dù vậy, thực tế ở trận đấu với Trung Quốc cho thấy họ xoay xở không thực sự tốt trong những nhịp chuyển đổi trạng thái.

Bàn thua thứ hai của Indonesia cũng xuất phát từ việc họ không chuyển đổi từ tấn công sang phòng ngự thực sự tốt. Các tuyến trong đội hình của Indonesia dễ dàng mất liên kết sau đường chuyền vượt tuyến. Zhang Yuning một mình thoát xuống ghi bàn giữa khoảng trống giữa hai trung vệ của Indonesia.

Nói vậy để thấy, để chuyển từ lối chơi phòng ngự sang tấn công không phải là điều đơn giản. Trong lối chơi phòng ngự, Indonesia có thể sử dụng số đông, tận dụng thể lực tốt của các cầu thủ gốc châu Âu. Tuy nhiên, để chơi tấn công tốt, họ cần thực hiện một bước tiến dài về đẳng cấp.

Đội tuyển Indonesia gục ngã trước Trung Quốc: Ảo tưởng về giấc mơ World Cup - 4

Trận thua trước Trung Quốc là cú tát cần thiết giúp HLV Shin Tae Yong và Indonesia tỉnh giấc (Ảnh: PSSI).

Bài học của Indonesia không mới. Thái Lan dưới thời HLV Kiatisuk từng mắc phải. Họ từng thể hiện lối chơi tấn công với những đường ban bật "chóng mặt" trước các đối thủ Đông Nam Á nhưng khi đối diện với những đối thủ tầm cỡ châu lục, Thái Lan đã bị hóa giải và trở nên vô hại.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia, Erick Thohir, tự tin đặt mục tiêu 15 điểm cho Indonesia ở vòng loại thứ ba World Cup 2026. Tuy nhiên, sau khi thi đấu gần hết lượt đi, Indonesia mới hoàn thành 1/5 chỉ tiêu đó. Nói vậy để thấy rằng, Garuda không dễ để giành tấm vé tham dự World Cup 2026.

Trong tương lai, Indonesia vẫn có thể mơ về việc dự World Cup nhưng rõ ràng, tất cả cần có lộ trình. Không phải cứ nhập tịch toàn bộ đội hình là Indonesia sẽ gặt trái ngọt ngay lập tức. Ngay cả những cầu thủ nhập tịch cũng cần thời gian để hòa nhập với nhau cũng như văn hóa ở đất nước Vạn đảo.

Đã đến lúc, Indonesia cần nhìn nhận đúng đắn về sức mạnh của mình, thay vì tự huyễn hoặc trong mục tiêu xa vời. Indonesia hiện tại vẫn là tập thể còn non và xanh nếu so với những kẻ già dơ ở châu Á.