Chuyên gia: "Trọng tài V-League yếu, cầu thủ Việt Nam khổ khi gặp VAR"
(Dân trí) - Cựu Phó Chủ tịch chuyên môn, cựu Trưởng ban trọng tài VFF Dương Vũ Lâm cho rằng sở dĩ các cầu thủ Việt Nam dễ bị phạt nặng trong các trận đấu có VAR, xuất phát từ thói quen tại V-League.
Thói quen này, theo ông Dương Vũ Lâm, không chỉ là thói quen xuất phát từ cầu thủ, mà còn xuất phát từ sự thiếu bản lĩnh của các trọng tài trong nước khi xử lý các tình huống phạm lỗi.
Ngoài vị trí là cựu Phó Chủ tịch chuyên môn của VFF, ông Dương Vũ Lâm còn giữ cương vị Trưởng ban trọng tài VFF, Phó ban trọng tài của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) trong quá khứ, nên ông có khá nhiều kinh nghiệm về công tác trọng tài. Ông Dương Vũ Lâm trao đổi với phóng viên Dân trí.
Thói quen tại giải V-League làm hại cầu thủ Việt Nam khi lên đội tuyển quốc gia
Không chỉ riêng ở Asian Cup 2023, ở hầu hết các giải đấu quốc tế lớn có sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), cầu thủ Việt Nam thường dính nhiều thẻ đỏ và nhiều phạt đền, theo ông nguyên nhân do đâu?
- Đầu tiên, việc này xuất phát từ khoảng cách chuyên môn giữa chúng ta với các đội bóng có trình độ quốc tế. Chuyên môn kém so với đối thủ khiến các cầu thủ dễ mất bình tĩnh.
Tôi lấy ví dụ như khi bị dẫn trước, trong thế không còn gì để mất ở trận gặp Iraq, có cảm giác rằng đội tuyển Việt Nam chơi tự tin hơn khi chúng ta đã gỡ 2-2. Nhưng sau khi gỡ hòa, toàn đội dường như để lộ tâm lý sợ thua, sợ không bảo toàn được tỷ số hòa.
Thứ hai, việc bị phạt nhiều lỗi nặng và bị phạt nhiều thẻ đỏ, cũng như phải chịu nhiều quả phạt đền đến từ thói quen của các cầu thủ ở giải trong nước.
Cụ thể thói quen này là gì, thưa ông?
- Một ví dụ khác về tình huống kéo áo đối phương của Thanh Bình trong trận đấu với Indonesia, chúng ta xem bóng đá quốc tế hiếm khi thấy tình huống kéo áo đối thủ kéo dài và lộ liễu như vậy, lại xảy ra trong khu vực 16m50.
Đây là thói quen thôi, nhưng nếu tình huống này xảy ra ở giải V-League, có khi các trọng tài không xử lý lỗi. Hoặc khi trọng tài xử lý lỗi của cầu thủ, các đội phản ứng dữ dội ngay, vì chính họ cũng không cho rằng họ đã phạm lỗi.
Tiếp theo là pha tranh bóng dẫn đến thẻ đỏ của Khuất Văn Khang trong trận đấu Iraq. Theo tôi, cậu ấy không ác ý, nhưng vào bóng như thế thì thẻ đỏ là khó tránh khỏi. Dù vậy, đặt trường hợp tình huống này xảy ra ở giải trong nước, chưa chắc trọng tài ở V-League xử lý dứt khoát như trọng tài quốc tế.
Trọng tài nội thiếu cương quyết khi xử lý lỗi của cầu thủ nội
Có nghĩa là thói quen phạm lỗi nặng của cầu thủ Việt Nam còn đến từ sự thiếu cương quyết của một số trọng tài nội?
- Thứ nhất, giải trong nước lâu nay không có VAR, nhiều trận đấu bắt đầu từ mùa giải hiện tại cũng chưa sử dụng công nghệ này, các pha phạm lỗi chưa được xem đi xem lại nhiều lần bởi các trọng tài. Các lỗi này chưa được phân tích kỹ ngay sau khi nó xảy ra.
Thứ hai, bản thân các trọng tài thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán, nhất là thiếu bản lĩnh và thiếu quyết đoán để xử lý một số cầu thủ của một vài đội bóng lớn tại V-League.
Hãy điểm lại một số cái tên đã dính thẻ đỏ vì lỗi chơi thô bạo khi khoác áo đội tuyển Việt Nam ở các giải quốc tế lớn, thường rơi vào nhóm cầu thủ nhất định của một số đội bóng nhất định tại giải trong nước.
Có những cầu thủ còn nổi tiếng đá dữ dằn ở sân chơi V-League, nhưng phải đến khi thi đấu ở các giải quốc tế có sử dụng công nghệ VAR, những cầu thủ này mới bị xử lý đúng với tính chất những lỗi mà họ vẫn thường xuyên phạm phải. Điều đó có nghĩa là họ nhận thẻ đỏ xứng đáng ở sân chơi quốc tế.
Không ít trọng tài V-League yếu chuyên môn, thiếu bản lĩnh, khiến cho cầu thủ Việt Nam khổ khi ra quốc tế, ở các giải có công nghệ VAR.
Còn về kỹ thuật tranh bóng của cầu thủ Việt Nam ở những tình huống dẫn đến các lỗi này thì sao, thưa ông?
- Đây cũng là một vấn đề khác. Tôi cho rằng cầu thủ của các đội cũng phạm lỗi, nhiều là đằng khác, nhưng họ đá kín lắm, không lộ như cầu thủ Việt Nam.
Có thể chính họ cũng đã nghiên cứu về cách thi đấu và cách mắc lỗi của đội tuyển Việt Nam trước đây. Ví dụ như cầu thủ Iraq họ chỉ cần nhanh chân hơn chúng ta một nhịp là có thể đưa cầu thủ Việt Nam vào thế phạm lỗi với họ trong khu vực 16m50. Vì như đã nói, động tác của chúng ta khá lộ.
Đó có thể cũng là khác biệt giữa trình độ châu lục với sân chơi trong nước, khác biệt giữa giải đấu có VAR và giải đấu không có VAR. Cầu thủ quốc tế nhiều kinh nghiệm hơn khi tham gia các giải quốc tế, nhiều kinh nghiệm hơn cầu thủ Việt Nam khi đối diện với các trận đấu có VAR.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!