HLV Troussier ra đi, đội tuyển Việt Nam liệu có "khỏi bệnh"?

H. Long

(Dân trí) - Sự ra đi của HLV Troussier là tất yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng là nó có thể giúp bóng đá Việt Nam trở lại thời kỳ đỉnh cao hay không? Điều đó chưa chắc.

1. Tờ Siam Sport (Thái Lan) cho rằng đội tuyển Việt Nam đã bị "hôn mê" dưới thời HLV Troussier. Suy cho cùng, ngay cả những người bi quan nhất cũng không thể hình dung nổi "Rồng vàng" đã thua ba trận liên tiếp trước Indonesia chỉ trong vòng hai tháng. Tệ hơn nữa, chúng ta không thể chọc thủng lưới đối thủ một lần nào, thậm chí còn không tung ra nổi cú sút trúng đích trong trận đấu trên sân Bung Karno.

HLV Troussier ra đi, đội tuyển Việt Nam liệu có khỏi bệnh? - 1

HLV Troussier ra đi sau chuỗi thành tích kém cỏi cùng đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).

Với những người từng trải qua hiện thực đẹp đẽ của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo, những thất bại liên tiếp trước Indonesia giống như "cơn ác mộng". Bởi lẽ, chỉ cách đây hơn một năm, đội bóng vẫn còn loại đối thủ xứ Vạn đảo ở bán kết AFF Cup 2022.

Chính vì thế, việc HLV Troussier ra đi là điều tất yếu. Bất chấp chiến lược gia người Pháp vẽ ra không ít viễn cảnh đẹp, với mục tiêu giành vé dự World Cup 2026 và lối chơi kiểm soát bóng, nhưng rõ ràng, sự kiên nhẫn là thứ xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Không chỉ ở Việt Nam, có lẽ phần đông đội bóng trên thế giới sẽ "trảm tướng" nếu HLV đó thua tới 10/11 trận.

Không một lời bào chữa sau những thất bại của đội tuyển Việt Nam. Không có gì bàn cãi về quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Troussier của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu chăng đội tuyển Việt Nam có "khỏi bệnh" sau khi HLV người Pháp ra đi?

Sau trận thua 0-3 trước Indonesia tại Mỹ Đình, đội trưởng Hùng Dũng khẳng định: "HLV đến rồi đi, chỉ có đội tuyển Việt Nam là mãi mãi". Điều này cùng đồng nghĩa với việc, vấn đề của đội tuyển Việt Nam vẫn còn ở đó sau khi HLV người Pháp ra đi.

Có một thực tế rằng, trong nhiều năm qua, các HLV và nhà làm bóng đá Việt Nam vẫn đau đáu "giấc mơ 10km". Hay nói dễ hiểu hơn, việc các cầu thủ Việt Nam có thể "đều đặn" chạy 10km mỗi trận vẫn là giấc mơ trong thập kỷ qua. Điều này liên quan tới vấn đề thể chất và thể lực của các cầu thủ.

2. Trong Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2014, Trưởng giải V-League Tanaka Koji đưa ra số liệu đáng suy ngẫm. Trong đó, các cầu thủ ở V-League chỉ chạy trung bình 5,8km mỗi trận, thời gian bóng sống trong các trận đấu ở giải đấu này chỉ là 51 phút/trận (dưới tiêu chuẩn 60 phút/trận) của AFC.

Cần nói thêm rằng, ở thời điểm cách đây 10 năm, việc các cầu thủ chạy ít nhất 10km mỗi trận là tiêu chuẩn của bóng đá thế giới. Nếu không đảm bảo yếu tố này, các CLB khó lòng thành công. Lấy đơn cử như tiền đạo Thomas Muller ở World Cup 2014 (giải đấu đội tuyển Đức vô địch). Trung bình mỗi trận, cầu thủ này chạy tới 12km, tức gấp đôi so với các đồng nghiệp ở V-League.

HLV Troussier ra đi, đội tuyển Việt Nam liệu có khỏi bệnh? - 2

Vấn đề thể hình và thể lực vẫn là điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua (Ảnh: Minh Quân).

10 năm sau, đây vẫn là câu chuyện mang tới nhiều suy nghĩ cho bóng đá Việt Nam. Cách đây không lâu, HLV Troussier tâm sự: "Các cầu thủ Việt Nam chỉ chạy 60-70 phút ở cường độ cao. Đó là hệ quả từ chất lượng ở giải quốc nội. Nhiều cầu thủ chưa thể thích nghi với cường độ cao trong bóng đá hiện đại".

Ngày mới đến làm việc ở đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo từng than phiền về thể lực của các tuyển thủ Việt Nam. Sau này, Quang Hải, Hùng Dũng từng đạt đến thông số chạy 10,5-11km/trận nhưng không duy trì được trong thời gian dài (nhất là khi về CLB).

Hồi năm 2021, ông Park từng tâm sự: "Trong thời gian phân tích video, chúng tôi nhận ra cần phải tăng thời lượng kiểm soát bóng lên 5-10% nữa. Khối đội hình vốn đã cân bằng giữa các tuyến nhưng tôi muốn đẩy cao thêm 5-10m nữa để tấn công, gây sức ép lên đối thủ.

Tôi muốn cải thiện vấn đề thể lực của các cầu thủ. Rất ít người chạy được 10km/trận, trong khi đây là ngưỡng tối thiểu của bóng đá thế giới. Tôi cần phải đẩy các cầu thủ chạy thêm 1-2km nữa.

Bên cạnh đó, họ còn thích nghi với việc chạy cường độ cao. Ngưỡng bình quân thế giới là 500m/trận, các cầu thủ Việt Nam chỉ đáp ứng 300m/trận thôi. Cường độ cao ở đây là xâm nhập khoảng trống của đối phương. Chúng tôi muốn cầu thủ tăng thêm 200m/trận nữa".

Một yếu tố nữa là thể hình. Theo thống kê từ AFC, đội tuyển Việt Nam có chiều cao thấp nhất trong số 24 đội tham dự Asian Cup 2023 vừa qua với 1,754m. Trong đó, khá nhiều cầu thủ Việt Nam như Trương Tiến Anh (1,69m), Nguyễn Hai Long (1,68m), Nguyễn Quang Hải (1,66m) và Lê Phạm Thành Long (1,65m) cao dưới 1,7m.

HLV Troussier ra đi, đội tuyển Việt Nam liệu có khỏi bệnh? - 3

Indonesia lấn lướt hơn đội tuyển Việt Nam về thể hình và thể lực. Họ dễ dàng bẻ gãy lối chơi của đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).

3. Có thể nói, thể hình và thể lực được ví như nền móng của ngôi nhà. Đội tuyển Việt Nam chỉ vươn tới giấc mơ xa hơn nếu cải thiện được hai yếu tố này. Đơn giản, mọi ý đồ chiến thuật chỉ có thể áp dụng nếu cầu thủ.... chịu khó chạy.

Chẳng nói đâu xa, hãy thử nhìn trận đấu của đội tuyển Việt Nam với dàn cầu thủ nhập tịch to cao của Indonesia. Chúng ta hoàn toàn đuối ở khả năng tranh chấp. Chỉ cần đối thủ thực hiện pressing, lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã bị bẻ gãy hoàn toàn. Đó là lý do nhiều người tin rằng ngay cả khi Quang Hải vào sân, sự khác biệt của "Rồng vàng" không quá lớn.

Indonesia vốn không mạnh về thể lực nhưng rõ ràng, họ đã rút ngắn thời gian phát triển bằng cách nhập tịch rất nhiều cầu thủ to cao tới từ châu Âu. Vì lẽ đó, họ lấn lướt hơn hẳn so với "Rồng vàng" trong ba trận đấu vừa qua.

Không dễ để đội tuyển Việt Nam cải thiện vấn đề này. Nó xuất phát từ thái độ chuyên nghiệp trong từng khâu, từng cấp độ. Trong đó, vấn đề dinh dưỡng và chế độ tập luyện cần được chú trọng ngay từ lứa trẻ.

HLV Miura thừa nhận bị sốc khi các cầu thủ ăn mỳ tôm vào buổi đêm trong khách sạn hay tự ý lái xe máy. Đó là chi tiết nhỏ nói lên sự thiếu chuyên nghiệp của nền bóng đá. Chiến lược gia người Nhật Bản cũng cho rằng bóng đá Thái Lan đi trước Việt Nam khi trang bị rất tốt về cơ sở vật chất ngay từ cấp độ trẻ.

Nói vậy để thấy rằng, việc sa thải HLV Troussier chưa chắc giải quyết gốc rễ vấn đề. Đội tuyển Việt Nam không thể "lớn nhanh như thổi" ngay sau khi chiến lược gia người Pháp ra đi. Nếu không xây nền móng đủ tốt, bóng đá Việt Nam có thể liêu xiêu bất kỳ lúc nào như thời HLV Troussier.

HLV Troussier ra đi, đội tuyển Việt Nam liệu có khỏi bệnh? - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm