(Dân trí) - Những động thái mới nhất của chính phủ Anh giáng lên tỷ phú Roman Abramovich và CLB Chelsea khiến tương lai của đội bóng trở nên bất định.
Những động thái mới nhất của chính phủ Anh giáng lên tỷ phú Roman Abramovich và CLB Chelsea khiến tương lai của đội bóng trở nên bất định.
Kể từ khi rơi vào cảnh suýt phá sản đầu thập niên 2000 dưới thời cựu chủ tịch Ken Bates, có lẽ đến bây giờ Chelsea mới lại rơi vào hoàn cảnh bấp bênh như hiện tại. Mới chỉ cách đây một tháng, trong niềm hân hoan đăng quang FIFA Club World Cup, chức vô địch hoàn thành bộ sưu tập danh hiệu dưới triều đại Abramovich, khó ai nghĩ The Blues lại bị "triệt mọi đường sống".
Nhưng hiện tại, niềm hân hoan đã nhường chỗ cho những lo lắng về một tương lai bất định khi tỷ phú Roman Abramovich - chủ sở hữu đội bóng - chính thức bị phong tỏa mọi tài sản ở Anh, trong đó bao gồm CLB Chelsea. Hình ảnh tỷ phú người Nga nâng cao chiếc cúp FIFA Club World Cup ở Abu Dhabi, UAE cách đây một tháng sẽ là hình ảnh cuối cùng vị tỷ phú này được nâng cúp vô địch với tư cách ông chủ Chelsea.
Có thể nói những vấn đề của Abramovich với chính phủ Anh không phải bây giờ mới xuất hiện. Năm 2018, ông đã bị cấm cấp hộ chiếu nhập cảnh vào Anh, và đó là một trong những lý do khiến dự án xây sân vận động mới của Chelsea trị giá 500 triệu bảng ở phía Tây Nam London bị tạm dừng do "môi trường đầu tư không thuận lợi". Kể từ đó, vị tỷ phú người Nga không còn xuất hiện tại Stamford Bridge trong các trận đấu của The Blues. Sau đó trên truyền thông Anh đã bắt đầu xuất hiện những thông tin Abramovich có ý định bán Chelsea.
Cuối tháng 2/2022, Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và đó chính là giọt nước làm tràn ly. Anh là một trong những nước phản đối hành động của Nga. Là một trong những cố vấn thân tín nhất của tổng thống Nga Vladimir Putin, tương lai của Abramovich tại nước Anh gần như bị đóng lại. Lường trước những tác động sắp đến với mình và CLB Chelsea, ngày 26/2 vừa qua, tỷ phú người Nga tuyên bố trên trang chủ Chelsea là trao quyền điều hành CLB cho tổ chức từ thiện Chelsea Charitable Foundation.
Có thể nói đó là cách mà Abramovich đã cố gắng đi trước một bước để về danh nghĩa không liên quan tới Chelsea. Đến thời điểm ấy, nhiều người vẫn tin rằng hành động này của tỷ phú người Nga sẽ giúp Chelsea không bị ảnh hưởng. Song, mọi chuyện không hề đơn giản như thế. Tình hình ngày càng căng thẳng hơn và người hâm mộ The Blues bắt đầu nhận ra tương lai đội bóng sẽ có những xáo trộn.
Ngày 2/3, Abramovich đưa ra tuyên bố chính thức trên trang chủ Chelsea rằng sẽ bán CLB mà không yêu cầu đội bóng phải trả số tiền nợ ông (được cho là 2 tỷ bảng). Bên cạnh đó, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đội bóng sẽ được dùng để hỗ trợ các nạn nhân tại Ukraine cũng như hỗ trợ quá trình tái thiết. Đã có những vị tỷ phú xác nhận đàm phán mua lại đội bóng chủ sân Stamford Bridge.
Nhưng sóng gió đến đây chưa kết thúc. Ngày 10/3 - ngày kỷ niệm 117 năm thành lập Chelsea - chính phủ Anh xác nhận đóng băng tài sản tại Anh của 7 tài phiệt Nga có mối quan hệ thân cận với điện Kremlin, trong đó có Abramovich. Chính vì lẽ đó, quá trình bán Chelsea của Abramovich cũng bị dừng lại. Tuy các cầu thủ Chelsea vẫn được phép thi đấu, nhưng đội bóng không có quyền bán thêm vé, vật phẩm cũng như tham gia vào thị trường chuyển nhượng (mua, bán, gia hạn hợp đồng). Các nhà tài trợ của đội bóng cũng có những động thái của mình trước thông tin này.
Tập đoàn viễn thông Three - nhà tài trợ xuất hiện ở mặt trước áo thi đấu của Chelsea - tuyên bố tạm dừng các hoạt động tài trợ trị giá 40 triệu bảng với CLB. Sau Three, các nhà tài trợ khác đang rục rịch nối gót để tạm thời dừng hợp tác với Chelsea như Nike, Huyndai và Hublot. Năm 2020, Chelsea kiếm được 154 triệu bảng từ các hợp đồng tài trợ và giờ họ có thể sẽ mất luôn khoản tiền đó của mình. Trong đó với việc Nike - tập đoàn đã ký hợp đồng trị giá 900 triệu bảng trong vòng 15 năm với Chelsea vào năm 2015 - cân nhắc dừng hợp tác, Chelsea có thể sẽ mất 540 triệu bảng từ thương hiệu sản xuất dụng cụ thể thao nổi tiếng này.
Trong hoàn cảnh khó khăn, Chelsea đã đánh bại Lille để tiến vào tứ kết Champions League. Đó có thể xem là một tia sáng le lói trong tương lai mù mịt, tăm tối của CLB. Trên khán đài, các cổ động viên Chelsea cũng hô vang tên của tỷ phú Roman Abramovich như một sự tri ân những gì mà ông đã làm cho đội bóng suốt 19 năm qua. Hành động này của người hâm mộ Chelsea bị các thành viên chính phủ Anh lên án.
Ông Chris Philp - Bộ trưởng Bộ Công nghệ - phát biểu trên Times Radio: "Bản thân tôi cũng là một cổ động viên bóng đá. Tôi là người hâm mộ Palace, đội bóng ở nam London. Vì thế tôi hiểu vì sao họ lại gắn kết với đội bóng. Nhưng Roman Abramovich là người đã bị trừng phạt. Tôi tôn trọng cổ động viên Chelsea, tôi biết ông ta đã làm nhiều điều cho CLB, nhưng tình hình nhân đạo ở Ukraine quan trọng hơn bóng đá".
Tất nhiên, có thể hiểu những phản ứng của người hâm mộ Chelsea. Việc họ ở bên đội bóng lúc này là một điều cần thiết với thầy trò Thomas Tuchel. Sau trận đấu, HLV Thomas Tuchel chia sẻ đầy xúc động: "Miễn là còn đủ áo thi đấu và có một chiếc xe buýt để di chuyển đến các trận đấu, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình".
Nhưng tương lai của đội bóng lúc này thực sự bất định. Nói một cách ngắn gọn, những việc lúc này Chelsea có thể làm là:
- Thi đấu các trận đấu, cả sân nhà và sân khách.
- Trả lương cho các cầu thủ và nhân viên.
- Cung cấp các dịch vụ ăn uống, bảo an cho người hâm mộ với giới hạn chi là 500.000 bảng.
- Nhận tiền bản quyền truyền hình và tiền thưởng, dù số tiền này cũng sẽ bị đóng băng.
- Việc chuyển giao đội bóng vẫn có thể được tiến hành nếu Abramovich đồng ý giao đội bóng cho chính phủ Anh. Khi đó, chính phủ Anh sẽ quyết định chủ sở hữu mới của Chelsea mà không cần thông qua Abramovich, điều đó đồng nghĩa ông sẽ mất trắng Chelsea.
Trong khi đó, những việc Chelsea không thể làm:
- Bán vé ngày cho người hâm mộ. Chỉ những cổ động viên đã mua vé mùa mới được phép đến sân.
- Tham gia thị trường chuyển nhượng: mua, bán, gia hạn hợp đồng.
- Bán các vật phẩm tại sân vận động hoặc thông qua hình thức trực tuyến.
- Chỉ được chi 20.000 bảng cho việc di chuyển đến các trận đấu sân khách.
- Thực hiện bất cứ hoạt động xây dựng nào trên sân Stamford Bridge.
Trước hết, án cấm chuyển nhượng, trong đó bao gồm cả việc gia hạn hợp đồng, khiến Chelsea chắc chắn sẽ mất 3 cầu thủ sẽ hết hạn hợp đồng với đội bóng trong mùa hè này là đội trưởng Cesar Azpilicueta, Andreas Christensen và Antonio Rudiger. Mức giới hạn 20.000 bảng cho việc di chuyển đến các trận đấu sân khách cũng làm dấy lên những lo lắng về vấn đề hậu cần, đặc biệt là những chuyến hành quân xa nhà. Đơn cử như câu chuyện toàn đội phải di chuyển 10 tiếng bằng xe bus để tới sân Middlesbrough vì không đủ kinh phí đi máy bay.
Trong khi đó, ban lãnh đạo CLB được cho là đang vô cùng đau đầu về mức chi tối đa 500.000 bảng để tổ chức các trận đấu tại sân Stamford Bridge, bao gồm các chi phí như bảo an và các dịch vụ ăn uống. Lệnh cấm bán vé ngày cũng khiến Chelsea mất hơn 600.000 bảng. Pat Nevin, cựu cầu thủ Chelsea từ 1983 đến 1988, tiết lộ trên kênh BBC 5Live rằng một số nhân viên của CLB đã bị cho thôi việc sau lệnh trừng phạt của chính phủ Anh.
Theo Daily Mail, phía Chelsea sẽ làm đơn gửi lên chính phủ Anh để giảm nhẹ lệnh trừng phạt nhằm cứu đội bóng khỏi những khó khăn tài chính có thể dẫn đến phá sản. Đội bóng cũng sẽ làm đơn "xin phép bán hàng đặc biệt" để có thể bán Chelsea - tài sản mà Abramovich định giá 3 tỷ bảng.
Trước đó, Abramovich đã thuê ngân hàng Raine Group giám sát việc mua bán. Có khoảng 20 bên bày tỏ sự quan tâm nhưng chỉ có 3 người được xem là đáng tin cậy gồm tỷ phú Thụy Sĩ Hansjorg Wyss, Todd Boehly - một trong các cổ đông đội bóng rổ LA Dodgers - và ông trùm bất động sản người Anh Nick Candy. Trong đó, Candy là một người hâm mộ Chelsea.
Tất nhiên, trong câu chuyện của Chelsea người ta vẫn nhìn ra và hy vọng vào một hướng giải quyết tích cực cho đội bóng. Chelsea là một CLB bóng đá, nhưng đồng thời cũng là một doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của Abramovich. Tuy nhiên, khác với những doanh nghiệp/tài sản khác của Abramovich bị đóng băng ở Anh, Chelsea vẫn được phép hoạt động thi đấu bóng đá thông qua một giấy phép đặc biệt. Điều đó cho thấy Chelsea là một trường hợp đặc biệt.
Với vị thế của Chelsea hiện tại cùng giá trị của họ, The Blues là một tài sản văn hóa quan trọng của London nói riêng và nước Anh nói chung. Hãy nhớ họ đang là đương kim vô địch Champions League, một biểu tượng của bóng đá châu Âu. Chính vì thế, người hâm mộ The Blues có cơ sở để tin rằng chính phủ Anh sẽ không bằng mọi giá hủy hoại một biểu tượng, giá trị văn hóa như Chelsea bởi điều đó có thể sẽ vấp phải làn sóng phản đối rất lớn từ cổ động viên. Tất nhiên trong tình cảnh hiện tại mọi thứ đang bất lợi với Abramovich và Chelsea, nhưng nút thắt có hy vọng sẽ được tháo gỡ.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh, Boris Johnson giải thích: "Công bằng mà nói, Chính phủ đã mở cửa trở lại việc bán CLB. Nhưng việc chuyển nhượng yêu cầu phải có một giấy phép khác và điều đó đòi hỏi một cuộc nói chuyện thêm với Kho bạc nhà nước". Văn phòng Đối ngoại & Khối thịnh vượng chung, Bộ Kỹ thuật số, Bộ Truyền thông, Bộ Văn Hóa và Thể thao cũng sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh này.
Hansjorg Wyss nói với một tờ báo Thụy Sỹ rằng ông "vẫn quan tâm" đến việc mua lại Chelsea. Vị tỷ phú này đã bắt tay với doanh nhân thể thao người Mỹ, Todd Boehly và bộ đôi này được cho là đã đưa ra đề nghị đầu tiên, với mức giá 2,5 tỷ bảng.
Tuy nhiên, Abramovch muốn một con số lớn hơn. Đó là lý do tại sao trên các mặt báo xuất hiện vô khối tin đồn về những tỷ phú Mỹ, tài phiệt Anh, quý tộc Ả-rập hay kể cả những tay khai thác vàng tại Ghana muốn mua lại Chelsea.
Theo nguồn tin từ The Sun, tập đoàn Saudi Media Group, với tỷ phú Mohamed Alkhereiji đứng đầu, sẵn sàng mua lại Chelsea với giá lên tới 2,7 tỷ bảng. Con số này ở rất gần mức giá mong muốn của tỷ phú người Nga. Do đó, tờ báo của Anh dự đoán rằng tỷ phú Abramovich có thể nhanh chóng đồng ý.
Nhà báo Ben Jacobs của CBS Sports tiết lộ: "Tôi có thể xác nhận tập đoàn Saudi Media Group đã hỏi mua Chelsea. Người đứng đầu Mohamed Alkhereiji là một cổ động viên nhiệt thành của Chelsea".
Mohamed Alkhereiji là Giám đốc điều hành của công ty Engineer Holding Group, do người cha Abdulelah Alkhereiji thành lập. Saudi Media Group do Alkhereiji trực tiếp lãnh đạo và điều hành được cho là tạo được khoản lãi ròng lên đến 770 triệu bảng mỗi năm, con số ấn tượng đáng được lưu ý trên phương diện nhà đầu tư.
Nếu như thành công trong việc chuyển giao quyền sở hữu cho Saudi Media Group, Chelsea sẽ trở thành đội bóng tiếp theo sau Newcastle có ông chủ đến từ Saudi Arabia. Trước đó, đội chủ sân St James' Park được Quỹ đầu tư công Saudi Arabia mua lại với giá 300 triệu bảng.
Dù vậy khác với đội bóng vùng đông bắc nước Anh khi họ được hậu thuẫn với Quỹ đầu tư công Ả Rập, chủ sở hữu của Chelsea là doanh nghiệp tư nhân với doanh thu hàng năm ước tính gần 1 tỷ bảng.
Do Saudi Media Group không có liên hệ trực tiếp với chính phủ Saudi Arabia nên điều này có thể giúp cho họ có lợi thế trong việc mua lại Chelsea. Hơn nữa, Mohamed Alkhereiji có mối "quan hệ" với nước Anh. Trong quá khứ, Alkhereiji từng học tại Trường Kinh doanh Cass ở London và cũng có ba năm làm việc tại Ngân hàng Deutsche Bank.
Trong kế hoạch đầu tư, tỉ phú Mohamed Alkhereiji cam kết 5 điều khiến cho ông dường như sẽ nhận được sự ưu ái của CĐV Chelsea:
- Gia hạn hợp đồng với Cesar Azpilicueta và Antonio Rudiger
- Đầu tư 1,5 tỉ bảng nâng cấp sân Stamford Bridge
- Đầu tư vào hệ thống đào tạo trẻ và bóng đá nữ
- Đảm bảo các mối quan hệ và đầu tư với các nhà tài trợ
- Tìm kiếm các đối tác thương mại lớn và giúp Chelsea thâm nhập vào thị trường tiềm năng Saudi Arabia.
Tổng kết lại, đã có 12 lời đề nghị mua lại Chelsea. Trong đó, những đối thủ chính của ông Mohamed Alkhereiji là tỷ phú người Anh, Nick Candy và liên minh hai tỷ phú Hansjorg Wyss và Todd Boehly. Vào lúc 21h00 tối ngày 18/3/2022 (giờ địa phương), thời hạn nộp đơn đấu thầu quyền mua lại CLB Chelsea sẽ chính thức khép lại. Danh sách rút gọn các ứng viên sáng giá sẽ được tập hợp đầy đủ và giới thiệu trong tuần tới.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Nguyễn Vượng