DMagazine

Tỷ phú Abramovich và kỷ nguyên đồng tiền nhảy múa, khuynh đảo làng bóng đá

(Dân trí) - Bất cứ ai cũng phải thừa nhận một điều rằng, sự xuất hiện của tỷ phú Roman Abramovich đã thay đổi lịch sử Chelsea. "Bản sắc" của The Blues là gì? Abramovich chính là bản sắc của đội bóng.

TỶ PHÚ ABRAMOVICH VÀ KỶ NGUYÊN ĐỒNG TIỀN NHẢY MÚA, KHUYNH ĐẢO LÀNG BÓNG ĐÁ

Bất cứ ai cũng phải thừa nhận một điều rằng, sự xuất hiện của tỷ phú Roman Abramovich đã thay đổi lịch sử Chelsea. "Bản sắc" của The Blues là gì? Abramovich chính là bản sắc của đội bóng.

Mùa Hè năm 2003, cả làng bóng đá Anh dậy sóng khi tỷ phú Roman Abramovich xuất hiện. Ông chi 140 triệu bảng để mua lại Chelsea từ tay của tỷ phú Ken Bates. Thuở ấy, đội chủ sân Stamford Bridge có nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng họ phá vỡ được thế thống trị của Man Utd và Arsenal.

Thế nhưng, khi những đồng rúp của Abramovich "nhảy múa", Chelsea đã viết lại lịch sử, theo cách huy hoàng nhất. Sau này, bóng đá thế giới xuất hiện cụm từ "dùng tiền mua danh hiệu". Abramovich chính là người tiên phong, tạo nên trào lưu ấy.

Mặc dù vậy, Abramovich chưa bao giờ là con buôn. Những gì ông làm được chạm tới trái tim của những người hâm mộ. Hôm qua là ngày buồn nhất trong lịch sử Chelsea, khi chứng kiến người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử đội bóng nói câu giã từ vì lý do không thể cưỡng cầu…

NGƯỜI VIẾT NÊN LỊCH SỬ CHELSEA

Khi nhắc về Chelsea và bóng đá Nga, cái tên luôn nằm trên đầu danh sách luôn là Roman Arkadyevich Abramovich. Ngay cả khi bạn không nhớ được tên (Roman) và tên đệm (Arkadyevich) của ông và thậm chí, lứa người hâm mộ trẻ tuổi hiện nay còn rất hiếm khi thấy ông xuất hiện trên truyền hình, thì cái tên Abramovich vẫn là điều gì đó đại diện cho quyền lực của thế giới bóng đá.

Tỷ phú Abramovich và kỷ nguyên đồng tiền nhảy múa, khuynh đảo làng bóng đá - 1

Năm 2003, ở thời điểm Chelsea đang đứng trên bờ vực phá sản, tỷ phú người Nga xuất hiện với lời đề nghị 130 triệu bảng (kèm theo trả khoản nợ của đội bóng). Ông chủ Ken Bates không một giây suy nghĩ để bán lại đội bóng. Có những tia sáng luôn xuất hiện ở cuối đường hầm. Điều này đúng với Chelsea. Người mang lại thứ ánh sáng ấy không ai khác chính là tỷ phú Abramovich.

Từ một đội bóng tầm trung bình khá đang sống lay lắt, Chelsea đã vươn lên trở thành đội bóng thành công nhất bóng đá Anh (tính kỷ nguyên Abramovich). Không có đội bóng nào ở xứ sở sương mù sở hữu nhiều danh hiệu tới vậy. Trong 19 năm qua, phòng truyền thống của Chelsea đã có thêm 21 danh hiệu, trong đó có 5 chức vô địch Premier League, 2 Champions League, 2 Europa League, 1 Siêu Cúp châu Âu, 1 FIFA Club World Cup…

Có một chi tiết khác cần nhấn mạnh. Lịch sử của Chelsea trong 100 năm trước khi Abramovich xuất hiện chỉ có một lần vô địch bóng đá Anh (nay là Premier League), 2 cúp C2, một Siêu Cúp châu Âu.  

Sở dĩ, người viết mở đầu bài viết bằng những con số về danh hiệu bởi nó tóm gọn toàn bộ công lao của tỷ phú người Nga đối với Chelsea. Lịch sử đội bóng chia làm hai giai đoạn, trước và sau khi người đàn ông này xuất hiện.

Chia sẻ trong ngày đầu tiếp quản Chelsea, ông Abramovich không nói quá nhiều, mà chỉ tập trung vào trọng tâm: "Tôi có nguồn lực và tham vọng. Tôi muốn giúp Chelsea phát huy hết tiềm lực to lớn của CLB vĩ đại này". Và còn một câu nữa thể hiện đúng tham vọng của ông: "Bóng đá ở Anh đang sụp đổ vì những gánh nặng tiền bạc. Tôi nghĩ sự xuất hiện của mình sẽ mở ra làn sóng những ông chủ giàu có, đầu tư vào bóng đá".

Kỷ nguyên Abramovich ở Chelsea đã vận hành giống như tính cách của chính ông chủ. Họ mua bán chớp nhoáng, không sa lầy vào những cuộc đàm phán dài ngày và đặc biệt không kì kèo quá nhiều về giá cả. Tất cả đều cho thấy sự quyết đoán. Tính cách này thậm chí tồn tại tới tận bây giờ, khi CLB không còn quá mạnh tay như trước.

Abramovich đơn giản xây dựng một thiên đường của những ngôi sao. Ngay trong vài tháng đầu tiên tỷ phú người Nga tiếp quản, The Blues đã mang về hàng loạt ngôi sao lớn như Hernan Crespo, Damien Duff, Makelele, Mutu, Joe Cole, Veron, Geremi… với tổng số tiền 150 triệu bảng (con số lớn ở thời bấy giờ).

Họ cũng có cách tiếp cận HLV hàng đầu khá ngắn gọn với lời mời: "Có cơ hội làm việc với những siêu sao hàng đầu bóng đá thế giới, trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại, có thu nhập không giới hạn". Tất nhiên, sau này, ở kỷ nguyên bóng đá bùng nổ tiền bạc, lời đề nghị này có thể không còn hấp dẫn nhưng ở thời điểm cách đây 19 năm, đó là mơ ước của nhiều cầu thủ và HLV.

Nếu tìm hiểu về cuộc đời của tỷ phú Abramovich, nhiều người cũng có thể hiểu vì sao mọi thứ đều quyết đoán và ngắn gọn như vậy. Bởi lẽ, những gì ông đã trải qua đều là những cuộc chiến sinh tồn. Abramovich sinh ngày 24/10/1966 trong gia đình nghèo tại Saratov (Nga). Ngay từ khi còn nhỏ, sóng gió đã ập xuống cuộc đời ông. Năm một tuổi rưỡi, ông đã trở thành trẻ mồ côi khi cha mẹ đều lần lượt qua đời.

Tỷ phú Abramovich và kỷ nguyên đồng tiền nhảy múa, khuynh đảo làng bóng đá - 2

Sau đó, cậu bé Abramovich được bà nội và chú nuôi dưỡng. Ông chú Leib đã đưa ông tới thị trấn công nghiệp Ukhta, nơi ông theo học tại trường công lập địa phương. Có quá nhiều biến cố ập xuống với tỷ phú này khi còn nhỏ, điều đó đã hun đúc nên con người lầm lỳ nhưng vô cùng quyết đoán và ma mãnh.

Ngay từ khi còn nhỏ, Roman đã bán lốp xe và phụ tùng ô tô để kiếm sống. Sau đó, tới thập niên 80 và 90, ông bắt đầu kinh doanh mọi thứ ra tiền như sản xuất đồ chơi, săm lốp, cho thuê vệ sĩ, rồi lợi dụng "lỗ hổng" để bán xăng dầu lậu. Từ năm 1992 đến 1995, nhờ mối quan hệ tốt với Tổng thống Nga, ông đã thành lập 5 công ty dầu khí và là đồng sở hữu của một trong những công ty dầu khí lớn nhất của Nga có tên Sibneft.

Báo giới Liên Xô từng gán cho Abramovich biệt danh là "gã đầu sỏ" để chỉ một con người lọc lõi. Từ cậu bé mồ côi với xuất phát điểm thấp kém, ông đã vươn lên nhờ sự tinh quái và nhanh nhạy của mình. Trong đó, sự quyết đoán chính là tố chất làm nên vị tỷ phú với khối tài sản lên tới 14,4 tỷ USD.

ABRAMOVICH CHÍNH LÀ BẢN SẮC CỦA CHELSEA

Những CLB lớn trên thế giới luôn tự hào với bản sắc và truyền thống. Vậy bản sắc của Chelsea là gì? Abramovich chính là bản sắc của đội bóng. Những dòng lịch sử của Chelsea được viết nên từ đồng rúp và sự quyết đoán của tỷ phú Abramovich.

Tờ Sky Sports từng đặt một câu hỏi: "Nếu vào năm 2003, tỷ phú Abramovich không chiêu mộ Chelsea thì giờ đây, CLB sẽ ở đâu trên bản đồ thế giới". Nhiều người đã lấy hình ảnh của Leeds, một đội bóng từng huy hoàng trong quá khứ, nhưng rơi xuống đáy địa ngục vì khủng hoảng tài chính để nói về viễn cảnh Chelsea không có "bầu sữa" từ những đồng rúp của ông Roman.

Tỷ phú Abramovich và kỷ nguyên đồng tiền nhảy múa, khuynh đảo làng bóng đá - 3

Giải Premier League vốn luôn tự hào là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Ở thời điểm này, điều đó là đúng. Nhưng ở thời điểm Abramovich chưa xuất hiện, e rằng mọi thứ thật khiên cưỡng. Bởi lẽ giải đấu đã biến thành cuộc chiến riêng của Man Utd và Arsenal.

Thuật ngữ "Big 6" (6 đội bóng hàng đầu nước Anh) chỉ ra đời trong kỷ nguyên tiền bạc. Chelsea đã lớn nhanh như thổi nhờ những khoản đầu tư kếch xù. Rồi sau này, trật tự bóng đá thế giới thay đổi với những thế hệ đội bóng "đốt cháy giai đoạn" bằng đồng tiền. Điển hình như Man City và PSG. Giờ đây, việc một đội bóng được sở hữu bởi những ông chủ giàu có ở Ả rập, Trung Quốc không còn là điều mới mẻ. Bởi lẽ đó, không sai khi cho rằng Abramovich là người có công lớn để "vẽ lại bản đồ" bóng đá thế giới.

Nhưng sẽ thật tẻ nhạt nếu như viết lại lịch sử câu chuyện của Chelsea bằng những đồng rúp của Abramovich. Bởi lẽ, vị tỷ phú ấy không phải là con buôn. Cho tới ngày ông ra đi, Chelsea vẫn đang nợ vị tỷ phú này gần 2 tỷ bảng và không có điều kiện thanh toán.

19 năm là câu chuyện dài của một đế chế. Nếu không có tình yêu bất diệt với bóng đá thì Abramovich có lẽ đã từ bỏ đội bóng ấy từ lâu. Nếu là con buôn đơn thuần, có lẽ, ông không đời nào chịu giữ một đội bóng đã chịu lỗ cả thập kỷ.

Chia sẻ trên Forbes cách đây hai năm, Abramovich từng nhấn mạnh: "Cho tới thời điểm này, tôi vẫn còn vẹn nguyên và khát khao như ngày đầu mới đây. Điều đó có thể nhìn thấy qua những gì tôi đã làm cho đội bóng trong suốt 17 năm qua".

Trong những ngày đầu mua lại Chelsea, Abramovich đã nhận được không ít câu hỏi liên quan tới lý do đầu tư thương vụ này. Đáp lại, vị tỷ phú chỉ mỉm cười: "Tôi chưa bao giờ xem Chelsea là một thương vụ đầu tư. Tôi cũng không phải là kẻ thích ném tiền qua cửa sổ. Nhưng tôi cảm thấy vui khi chứng kiến đội bóng thành công".

Có lẽ, tuyên bố ấy vẫn đúng cho tới ngày ông gửi bức tâm thư chia tay đội bóng: "Cả đời tôi hướng tới xây dựng nền tảng cho Chelsea và giúp đỡ cộng đồng. Các quyết định của tôi đều nhắm tới lợi ích đội bóng".

Nhưng tất nhiên, Abramovich không yêu mù quáng. Thay vào đó, ông đã xây dựng đội bóng theo một cách bài bản và… quân phiệt nhất. Trong 10 năm trở lại đây, Chelsea vẫn quyết đoán, nhanh gọn trên thị trường chuyển nhượng, nhưng không còn là thiếu gia vung tiền như nước, thay vào đó, họ được xây dựng theo hướng ổn định và vững chắc hơn.

Đừng bất ngờ nếu cho rằng Chelsea luôn đi trước các CLB khác một bước. Trong thập kỷ qua, họ sống bằng "buôn cầu thủ". Có nghĩa rằng, họ xây dựng lò đào tạo chất lượng, gom tiền thu nạp mọi cầu thủ trẻ tốt nhất trên thế giới.

Chelsea không hẳn đào tạo để phục vụ đội một. Thay vào đó, họ tập trung đào tạo rồi "bán lúa non" thu lời. Mỗi năm, có khoảng 35-50 cầu thủ trẻ Chelsea được cho mượn trên khắp châu Âu. Có những người sau này sẽ khoác áo đội một, nhưng có không ít bị đem bán khi được giá.

Mohamed Salah, De Bruyne, Lukaku, Courtois đều được Chelsea chiêu mộ từ khi còn rất trẻ, trước khi bị đẩy đi để kiếm lời. Chỉ tính riêng mùa Hè vừa qua, The Blues đã bán 4 cầu thủ do họ đào tạo là Fikayo Tomori (25 triệu bảng), Marc Guehi (20 triệu bảng), Tammy Abraham (35 triệu bảng) và Kurt Zouma (30 triệu bảng). Số tiền này đủ để CLB chiêu mộ lại thương vụ thế kỷ là Lukaku.

Tỷ phú Abramovich và kỷ nguyên đồng tiền nhảy múa, khuynh đảo làng bóng đá - 4

Nhưng có không ít người "mòn mỏi" với kiếp bị đem cho mượn nhưng không tìm được đối tác để bán. Đơn cử, trong 6 năm ở Chelsea, Van Ginkel đều bị… cho các đội khác mượn hay tài năng người Brazil, Lucas Piazon đã bị đem cho mượn gần một thập kỷ. Thế nhưng, đó chỉ là trường hợp cá biệt. Trong đội hình của The Blues hiện tại, có không ít thành viên thuộc đội trẻ như Ruben Loftus-Cheek, Mason Mount, Reece James, những người đã bị đem cho mượn trong nhiều năm qua và chứng tỏ tài năng.

Thực tế, mô hình "buôn người" như của Chelsea không hiếm ở các CLB tầm trung (đặc biệt là ở Bồ Đào Nha, Pháp hay Hà Lan) nhưng không nhiều đội bóng lớn áp dụng như vậy, đặc biệt là những đội bóng giàu.

Bên cạnh đó, Chelsea là thiên đường nhưng cũng là "lò xay" HLV khủng khiếp nhất. Thống kê cho thấy, trong 19 năm triều đại Abramovich, Chelsea đã thay HLV tới… 16 lần. Thậm chí, có không ít HLV tính "tuổi thọ" trên ghế nóng bằng… tháng.

Báo giới Anh từng thừa nhận rằng "HLV Chelsea là nghề nguy hiểm nhất". Bởi lẽ, đôi khi những HLV không biết lúc nào sẽ mất việc. Di Matteo từng là người hùng mang về chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử Chelsea. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, ông đã bị "trảm" sau khi CLB tụt dốc. Lừng lẫy như Mourinho, với hàng tá danh hiệu nhưng cũng chưa bao giờ trụ nổi lại Stamford Bridge cuối mùa thứ ba.

Cứng rắn như Conte hay là huyền thoại CLB như Lampard cũng không tránh được quy luật này. Đối với Abramovich, sự kiên nhẫn là điều gì đó rất xa xỉ. Tất cả chỉ được xem xét thông qua số liệu của hiện tại. Người hùng của hôm qua có thể là tội đồ của ngày mai.

Không ít ý kiến chỉ trích cách quản lý "quân phiệt" của Abramovich nhưng rõ ràng, nếu nhìn vào thành công của Chelsea không ai có thể trách ông. Mỗi người có lối đi riêng để hướng tới thành công. Không phải lúc nào sự kiên nhẫn cũng phát huy hiệu quả. Tỷ phú người Nga có thể đi ngược với nhiều CLB lớn ở thế giới bóng đá về cách quản trị nhân sự. Nó đủ biến Chelsea trở thành nơi sắt đá và gai góc nhất. Thế nhưng, điều quan trọng là Abramovich luôn biết cách khiến HLV tận hiến vì mình.

Tỷ phú Abramovich và kỷ nguyên đồng tiền nhảy múa, khuynh đảo làng bóng đá - 5

Trong hệ thống của vị tỷ phú người Nga, bất cứ ai cũng có thể thay thế. Sự quản lý và định hướng của đội bóng không tới từ HLV (như cách truyền thống của Man Utd), mà có ban bệ định hướng rõ ràng, với "người đàn bà thép" Marina Granovskaia, cánh tay phải của ông trùm.

LỜI CHÀO TẠM BIỆT TRONG NƯỚC MẮT

"Cảm ơn Roman, ông chủ tốt nhất thế giới" - cựu đội trưởng Chelsea, John Terry đã viết trên Twitter sau khi tỷ phú người Nga tuyên bố rời khỏi đội bóng. Trên mạng xã hội, những dòng bình luận như vậy xuất hiện ngày càng dày đặc.

Cho tới tận giây phút cuối cùng, tỷ phú Abramovich vẫn giữ nguyên lời hứa như lúc mới đầu, đó là không sử dụng Chelsea để kinh doanh. Trong bức tâm thư, người đàn ông 55 tuổi đã tuyên bố xóa sạch khoản nợ gần 2 tỷ bảng cho Chelsea. Bên cạnh đó, số tiền bán CLB sẽ dùng để hỗ trợ những nạn nhân của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

19 năm qua, Chelsea đã trải qua không ít thăng trầm dưới thời ông chủ Abramovich, từ đỉnh cao vinh quang, tới những thất bại tủi hận. Từ người đàn ông 35 tuổi khi đặt chân tới Stamford Bridge, giờ đây, Abramovich sắp trở thành "ông lão". Nhưng có một điều không thay đổi, đó chính là tình yêu với Chelsea.

Tỷ phú Abramovich và kỷ nguyên đồng tiền nhảy múa, khuynh đảo làng bóng đá - 6

Ngày ông tới Stamford Bridge, cả thế giới bóng đá hướng về ông với sự hoài nghi. Đáp lại, ông chỉ mỉm cười và tuyên bố hùng hồn. 19 năm sau ngày ấy, Abramovich vẫn mỉm cười, khi nói lời chào tạm biệt. Nhưng trong lòng những người hâm mộ Chelsea, họ hiểu rằng mình đã mất đi thứ gì quý giá.

Kỷ nguyên hậu Abramovich ở Chelsea sẽ ra sao? Có lẽ, đó không phải là mối quan tâm nhất lúc này. Bởi lẽ, tất cả tình yêu, sự ngưỡng mộ và kính trọng của những người Chelsea đều hướng về ông chủ đáng kính.

Abramovich có thể là nhân vật phản diện trong bất kỳ nơi nào nhưng tại Stamford Bridge, người ta sẽ luôn nhớ về ông như một nhân vật vĩ đại. Di sản mà Roman để lại Chelsea là quá lớn. Có lẽ, rất nhiều năm sau này, những người hâm mộ Chelsea vẫn sẽ nhắc về ông.

H.Long