(Dân trí) - Sự ra đi của HLV Park Hang Seo để lại khoảng trống lớn cho bóng đá Việt Nam. Nhưng ở góc độ nào đó, điều đó sẽ mở ra cơ hội phát triển và cuộc lột xác mới cho chúng ta.
Bóng đá Việt Nam sẽ ra sao sau khi HLV Park Hang Seo ra đi?
Sự ra đi của HLV Park Hang Seo để lại khoảng trống lớn cho bóng đá Việt Nam. Nhưng ở góc độ nào đó, điều đó sẽ mở ra cơ hội phát triển và cuộc lột xác mới cho chúng ta.
HLV Park Hang Seo - người thầy vĩ đại của đội tuyển Việt Nam
"Thật khó để tin rằng giải đấu này sẽ là lần cuối cùng tôi dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Nam. Những kỷ niệm đẹp trong 5 năm qua cùng với đội lại ùa về trong tôi. Tôi trân trọng từng khoảnh khắc đó và thông qua bức thư này, tôi muốn gửi sự cảm kích tới những người đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua" - HLV Park Hang Seo mở đầu bức tâm thư chia tay bóng đá Việt Nam.
Với bất cứ người hâm mộ Việt Nam, thật xót xa và đau đớn khi đọc từng dòng tâm sự của người đàn ông đã tâm huyết gồng gánh bóng đá Việt Nam trong 5 năm qua. Từ buổi chiều lạnh giá tại Thường Châu, tới những ngày hân hoan ở Mỹ Đình (ăn mừng chức vô địch AFF Cup) hay những lần "đánh đông dẹp bắc" ở châu Á.
Có thực tế không thể phủ nhận, kỷ nguyên Park Hang Seo là giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Trước khi ông tới, đội tuyển quốc gia ngổn ngang trăm bề nhưng chỉ trong vòng 5 năm qua, chúng ta đã có vị thế nhất định ở châu Á. Có quá nhiều "lần đầu tiên" xuất hiện dưới kỷ nguyên của HLV Park Hang Seo, tạo nên những chiến tích vĩ đại ở châu lục.
Thế nhưng, có một thực tế rằng, trong vòng một năm trở lại đây, đội tuyển Việt Nam gần như đã chạm ngưỡng thành công và không cho thấy sự tiến bộ thần tốc như trước. Như tờ 163 (Trung Quốc) từng nhận xét rằng chu kỳ thành công của HLV người Hàn Quốc đã hết.
Tờ báo này viết: "Thể thao đôi khi rất tàn nhẫn. Ngay cả khi bạn có thành tích ấn tượng trước đây thì cũng phải đối diện với hiện thực khốc liệt nếu thất bại ở thời điểm hiện tại. HLV Park Hang Seo đã có được thành công rực rỡ trong quá khứ nhưng trong vòng một năm qua, mọi thứ đang dần sụp đổ. Họ đã liên tục thất bại ở cả vòng loại thứ ba World Cup 2022 tới AFF Cup. Quá nhiều điểm hạn chế của đội tuyển Việt Nam đã xuất hiện. Trình độ của họ kém xa so với những đội bóng hàng đầu châu Á. Nhiều quan điểm cho rằng chu kỳ thành công của HLV Park Hang Seo đã hết và giờ đây, bóng đá Việt Nam cần một sự làm mới".
Thất bại ở AFF Cup 2022 là minh chứng cho điều này. Mặc dù đội tuyển Việt Nam đã tiến vào chung kết nhưng chúng ta bộc lộ khá nhiều hạn chế về lối chơi. Như chuyên gia Jackie của Siam Sports bình luận: "Họ chơi bóng đá khá lạc hậu. Bóng mặc định được đẩy lên phía trước cho tiền đạo cắm là Tiến Linh. Lối chơi này rất dễ bắt bài. Về nhịp điệu, đội tuyển Việt Nam cũng không thể tấn công dồn dập. Tại sao trong kỷ nguyên này, họ vẫn thi đấu thứ bóng đá cũ kỹ tới vậy? Thái Lan vượt trội hơn hoàn toàn trong trận đấu này".
Bên cạnh đó, có vẻ như đội tuyển Việt Nam đã đi tới điểm tới hạn dưới thời HLV Park Hang Seo. Bằng chứng là việc đội bóng không còn thể hiện được tinh thần thi đấu đủ tốt trong thế khó khăn. Nên nhớ, trước đây, đó từng là điểm mạnh của đội bóng. Nhưng giờ đây, chúng ta đang thiếu một ngọn lửa để thổi bùng.
Không phải HLV Park Hang Seo không cảm nhận được điều đó. Trả lời báo chí Hàn Quốc sau AFF Cup 2022, ông nhấn mạnh: "Có hội ngộ thì cũng có chia ly. Đó là sự lựa chọn tất yếu để bóng đá Việt Nam phát triển hơn. Đội bóng cần sự đổi mới". Quan điểm đó cũng được ông đề cập tới từ trước giải đấu.
Suy cho cùng, không có kỷ nguyên hoàng kim nào là mãi mãi. Không có sự thống trị nào mãi mãi. Hội ngộ và chia ly âu cũng là lẽ thường. Sự ra đi của HLV Park Hang Seo mang tới nhiều đớn đau nhưng ở thời điểm nào đó, nó vẫn xảy ra. Những gì ông Park làm được với bóng đá Việt Nam đều… đong đầy.
HLV châu Âu có phù hợp với bóng đá Việt Nam?
Gần đây, VFF nhấn mạnh về khả năng "làm mới" hoàn toàn triết lý trên băng ghế huấn luyện. Phát biểu ấy có thể hướng người hâm mộ tới dòng suy nghĩ về việc bổ nhiệm HLV châu Âu. Trong thời gian qua, các nhà cầm quân ở lục địa già như Dragan Skocic, Robert Prosinecki (người Croatia), Slaven Skeledzic (Bosnia & Herzegovina), Bozidar Bandovic (Montenegro) đều đã gửi hồ sơ ứng tuyển.
Trong số này, Robert Prosinecki là cựu HLV các đội Azerbaijan và Bosnia & Herzegovina, Slaven Skeledzic từng nắm đội U17 Bayern Munich, Dragan Skocic là cựu HLV đội Iran, còn Bozidar Bandovic từng dẫn dắt các CLB Buriram United và BEC Tero Sasana (Thái Lan).
Không hẳn những HLV châu Âu không thể thành công ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong quá khứ, HLV người Bồ Đào Nha, Henrique Calisto từng tạo nên chiến tích lẫy lừng khi giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup. Sau đó, VFF từng bổ nhiệm HLV châu Âu khác là Falko Goetz (người Đức) nhưng thất bại.
Tất nhiên, VFF không phải "nhắm mắt chọn bừa". Bên cạnh các tiêu chí về chuyên môn, về thành tích quá khứ, khi VFF tuyển HLV cho đội tuyển quốc gia, có thêm tiêu chí hiểu bóng đá Đông Nam Á và bóng đá Việt Nam. Nên nhớ, trước khi thành công ở AFF Cup 2008, HLV Calisto từng có thời gian dài dẫn dắt CLB Đồng Tâm Long An (2001-2008).
Hay đơn cử như HLV Park Hang Seo từng nhấn mạnh rằng một trong những yếu tố giúp ông thành công là hòa nhập văn hóa. "Lúc mới sang, tôi không hiểu được văn hóa ngủ trưa ở Việt Nam. Tuy nhiên, giờ tôi thấy rằng nên có quãng nghỉ ngắn buổi trưa mới hiệu quả. Cá nhân tôi cũng chợp mắt một lúc. Việc thích nghi với văn hóa địa phương là sự lựa chọn hợp lý.
Việc làm quan trọng hơn lời nói. Nếu như bạn không thể hòa nhập văn hóa với các cầu thủ thì chẳng ai nghe bạn cả. Lúc đầu, các đầu bếp thường chuẩn bị cho tôi món ăn Hàn Quốc. Đối với một người xa quê hương, việc được ăn đồ Hàn Quốc là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi yêu cầu đầu bếp cho tôi ăn đồ Việt Nam. Nếu các cầu thủ thấy HLV ăn đồ Hàn Quốc, còn họ ăn đồ Việt Nam thì sẽ vô tình xây dựng rào cản, tạo nên tâm lý tiêu cực. Giờ đây, tôi thấy món ăn Việt Nam rất ngon" - HLV Park Hang Seo tiết lộ.
Do đó, việc lựa chọn HLV châu Âu hay châu Á không quá trọng. Ở góc độ nào đó, làn gió chiến thuật mới từ châu Âu là điều cần thiết với bóng đá Việt Nam lúc này nhưng vấn đề lớn chính là sự hòa nhập. Nếu mọi thứ không ăn khớp với nhau thì sẽ chẳng thể tạo thành tập thể vững mạnh.
Chiến lược phát triển của VFF ra sao?
Theo thông tin mới nhất, VFF đã đàm phán với HLV Troussier trong thời gian qua, đồng thời đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với vị HLV người Pháp. Dù vậy, thông tin này được giữ kín trong suốt thời gian vừa rồi vì các bên thể hiện sự tôn trọng với HLV Park Hang Seo, đồng thời chiến dịch AFF Cup 2022 lúc đó vẫn đang diễn ra, nên các bên không muốn ảnh hưởng đến tâm lý các cầu thủ. Việc quan trọng còn lại giữa HLV Philippe Troussier với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ là đàm phán về lương và các chế độ đãi ngộ khác với HLV người Pháp, trong trường hợp ông Troussier chính thức trở thành HLV của đội tuyển Việt Nam.
Nếu HLV Philippe Troussier dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, kỳ vọng dành cho chiến lược gia người Pháp để phát triển lối chơi cho tuyển Việt Nam là rất lớn. Gần đây, trả lời phỏng vấn báo Dân trí, HLV thể lực Nils Haacke (người từng có thời gian làm việc ở Nam Định) đã đưa ra nhận xét bất ngờ. Theo ông, HLV Park Hang Seo chưa để lại dấu ấn về mặt chiến lược phát triển. "Ở góc độ chuyên môn, tôi lại có phần thất vọng trước sự phát triển của đội tuyển quốc gia Việt Nam dưới thời huấn luyện của ông Park. Ở đây tôi muốn nói đến sự phát triển từ các lớp trẻ.
Bạn cần phát triển và tạo dựng triết lý cho một nền bóng đá. Khi HLV Park Hang Seo đến Việt Nam, tôi cho rằng ông ấy nên bắt đầu từ gốc, có thể là từ lứa U16. Việc quan tâm, chăm sóc, chia sẻ với các CLB, HLV và định hướng về tầm nhìn cho đội tuyển quốc gia trong khoảng 3 năm cần được thực hiện. Bởi nếu cầu thủ trẻ không có sự định hướng, họ sẽ không thể thi đấu tốt trên đội tuyển Việt Nam. Tôi nghĩ đáng ra HLV Park Hang Seo nên phải bắt đầu từ cái gốc ấy".
Bên cạnh đó, chuyên gia Nils Haacke cũng nhấn mạnh rằng VFF cần có vai trò trong cuộc cách mạng mới: "VFF cần tạo ra một dự án tổng thể với những bước tiến ngắn. Quan trọng là VFF kiểm soát được các giai đoạn ấy, xem họ đã làm được gì. Nếu bạn làm được, bạn sẽ thành công và tiến bộ. Tất nhiên, đây là khối lượng công việc đồ sộ, liên tục và diễn ra hàng ngày, hàng tuần. Công việc này sẽ không chỉ thuộc về người kế nhiệm HLV Park Hang Seo và còn là cả của VFF cũng như tổng thể nền bóng đá".
Trong đại hội VFF khóa 9, những lãnh đạo VFF đã nhấn mạnh về mục tiêu lớn giành vé tham dự World Cup vào năm 2030. "Bóng đá Việt Nam ngày càng đến gần hơn với việc tiếp cận trình độ của các đội bóng hàng đầu châu lục. Trong chiến lược phát triển, chúng ta định hướng đến năm 2030 nằm trong Top 10 châu Á và phấn đấu đi World Cup", Chủ tịch Trần Quốc Tuấn tự tin nói.
Đây được xem là áp lực thực sự. Bởi nhìn từ vòng loại thứ ba World Cup 2022 có thể thấy trình độ của chúng ta với các đội bóng hàng đầu châu lục vẫn còn khoảng cách rất xa. Trong khi đó, thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam hiện tại ở ngưỡng 26-27 tuổi. Gần như, họ chỉ còn đủ sức để đua tranh ở vòng loại World Cup 2026. Đó là kỳ World Cup đầu tiên được nâng lên 48 đội và châu Á có 8,5 suất tham dự.
Việc FIFA nâng suất tham dự vừa là động lực, vừa là thách thức với bóng đá Việt Nam khi mà sự kỳ vọng ngày càng lớn hơn. Lo ngại nằm ở lứa kế cận khi ở thời điểm này những nhân tố tốt nhất của lứa trẻ như Khuất Văn Khang, Nhâm Mạnh Dũng vẫn chưa thực sự vươn tầm, đủ để chen chân vào đội hình chính của đội tuyển Việt Nam.
Không thể phủ nhận bước tiến của bóng đá Việt Nam nhưng rõ ràng, để bay cao hơn nữa so với thời HLV Park Hang Seo là thách thức quá lớn. Ngay từ nhiệm vụ đầu tiên là tìm người "đủ tâm, đủ tầm" thay thế ông Park đã là thử thách chông gai với VFF.
H.Long