Vì sao Ukraine "chơi lớn" ở Crimea và tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga?
(Dân trí) - Bế tắc trong phản công trên chiến trường, trong vài tuần qua, Ukraine tập trung tấn công vào những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea bằng UAV tự sát và tên lửa hành trình tầm xa.
Đây không phải động thái ngẫu nhiên của Kiev, mà chính là chiến lược luôn "làm ấm" bằng những cái gọi là chiến thắng trên truyền thông của Ukraine, cũng như để thuyết phục các quốc gia đồng minh.
Tại sao Ukraine lại "chơi lớn" ở Crimea?
Không khó để nhận ra một trong những vấn đề cốt lõi dẫn tới cuộc xung đột quân sự hiện nay giữa Nga và Ukraine là Crimea.
Bán đảo này có vị trí vô cùng đặc biệt, bởi bất kỳ bên nào kiểm soát đều sở hữu khả năng khống chế Biển Đen và Biển Azov, kèm theo đó là nguồn tài nguyên dồi dào. Thế nên, ngay từ năm 2014, khi Nga bất ngờ sáp nhập Crimea, Ukraine cùng Mỹ và phương Tây luôn tìm cách giành lại vùng đất chiến lược.
Crimea bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu trên bàn cờ địa chính trị tại châu Âu. Trong mọi tuyên bố của mình, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đặt một trong những yêu cầu tiên quyết là giành lại quyền kiểm soát bán đảo. Các tuyên bố và hành động của Mỹ về việc hỗ trợ quân sự cho Kiev cũng đặt trọng tâm tương tự.
Do vậy, việc Ukraine tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn ở miền Đông và miền Nam, đồng thời tấn công liên tục vào Crimea không có gì đáng ngạc nhiên.
Thứ nhất, mục tiêu chiến lược của cuộc phản công là tiến tới biển Azov, cắt con đường nối đất liền từ Nga tới Crimea và đương nhiên, mục tiêu sau cùng không gì khác ngoài vùng đất nằm trên Biển Đen này, dù họ thừa biết có rất ít cơ hội thành công.
Thứ hai, vì sao Crimea, dù cách chiến tuyến cả trăm km nhưng Ukraine vẫn cố gắng tấn công? Có lẽ, đó chính là vì truyền thông.
Khi cuộc phản công đang rơi vào bế tắc và thậm chí có những đánh giá tiêu cực về nguy cơ thất bại, Kiev liền phát động các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga và Crimea. Đây chính là những cú ra đòn để giúp Ukraine có những "chiến thắng truyền thông", được báo chí phương Tây hỗ trợ nhằm khỏa lấp đi những tin xấu trên chiến trường.
Hãng tin Lenta của Nga mới đây cho biết, tỷ lệ thông tin về cuộc xung đột Ukraine đã giảm đáng kể trên truyền thông chính thống của Mỹ và phương Tây, cá biệt trên hãng tin Foxnews, tỷ lệ này giảm hơn 60%, còn trên các hãng tin lớn của phương Tây, tỷ lệ giảm xuống từ 20-40%.
Đây chính là con số đáng quan ngại đối với Ukraine, khi không đạt được lợi thế trên mặt trận, cuộc chiến trên truyền thông cũng có dấu hiệu dần hạ nhiệt. Kiev buộc phải "chơi lớn", có những hành động mạnh tay để kéo lại sự chú ý của quốc tế vào cuộc xung đột.
Và không có vị trí nào đáng chú ý hơn Crimea vì nó vốn luôn nhận được sự quan tâm từ Mỹ và phương Tây.
Thứ ba, việc Kiev liên tục tấn công, uy hiếp Hạm đội Biển Đen cũng như lực lượng phòng thủ của Nga ở Crimea cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chiến thuật, buộc Moscow phải san sẻ nguồn lực có hạn để tăng cường phòng thủ bán đảo, giảm sức ép cho các mặt trận khác.
Đồng thời, các đợt tấn công được đánh giá là có hiệu quả, gây thiệt hại cho Hạm đội Biển Đen, khiến Hải quân Nga phải sơ tán lực lượng chủ lực lùi về các cảng cách xa đất liền Ukraine hơn, qua đó giảm khả năng phong tỏa Biển Đen, tạo điều kiện cho hành lang ngũ cốc tạm thời của Kiev vận hành suôn sẻ, giải tỏa tắc nghẽn trong xuất khẩu nông sản.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định: "Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào vũ khí hải quân của Hạm đội Biển Đen và các cơ sở sửa chữa ở Crimea có thể ngăn cản các đơn vị hải quân của hạm đội thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ. Nhưng, việc khẳng định Ukraine đã đánh bại Hạm đội Biển Đen là quá sớm vì các vũ khí khác của đơn vị vẫn còn khả năng tham gia vào cuộc xung đột".
Dù vậy, ISW cho rằng, nếu Nga thực sự rút các tàu này khỏi Sevastopol, đây là một thành tựu của Ukraine vì Moscow đã suy giảm khả năng phong tỏa hành lang vận chuyển do Kiev thiết lập vào mùa hè này ở Biển Đen - tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của Ukraine.
Thứ tư, Ukraine cần thuyết phục những đồng minh, đặc biệt là Mỹ về quyết tâm chiến đấu đến cùng trong cuộc xung đột với Nga và giành lại quyền kiểm soát Crimea, để nhận thêm các gói viện trợ mới. Điều này càng trở nên quan trọng khi liên tiếp có những dự báo về các "sự nhiệt tình" của Mỹ và NATO dành cho Kiev sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Nhà khoa học chính trị người Đức, Giáo sư tại Đại học Bonn, Andreas Heinemann-Gruder cảnh báo rằng Ukraine sẽ không thể trông cậy vào hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ.
Theo ông Andreas Heinemann-Gruder, việc cung cấp vũ khí hiện tại sẽ tiếp tục trong 6 tháng nữa, sau đó sẽ kết thúc. Ông nói thêm rằng, sau Mỹ, các nước phương Tây cũng sẽ cùng ngừng hỗ trợ. Chuyên gia này nhấn mạnh, những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực chuyển giao viện trợ sẽ diễn ra trước thềm bầu cử Mỹ.
Cùng với đó, trong tuyên bố mới nhất sau chuyến thăm của Tổng thống Ukraine tới Mỹ và Canada, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), John Kirby cho biết, Washington sắp hết tiền viện trợ quân sự cho Kiev trong vài tuần tới.
Nhà Trắng đã gửi cho Ukraine một lá thư kèm theo danh sách các yêu cầu phải đáp ứng trong vòng 18 tháng để tiếp tục nhận được hỗ trợ quân sự. Và chắc chắn trong yêu cầu này có việc gia tăng chiến sự ở mặt trận phía Nam và hướng mũi nhọn xung đột tới Crimea.
Ukraine tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen Nga hôm 22/9 gây thiệt hại nặng (Ảnh: Rybar).
Ukraine không thể tấn công Crimea nếu không có sự hậu thuẫn từ NATO
Với vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, không cần xác minh cũng có thể khẳng định Nga sẽ duy trì lực lượng mạnh với các trang bị hiện đại để bảo vệ Crimea.
Thế nhưng, Ukraine với vũ khí Mỹ và phương Tây viện trợ, vẫn có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ đa tầng, đa lớp của Nga để tung các đòn tấn công chính xác nhằm vào nhà máy sửa chữa tàu ở Sevastopol, khiến tàu ngầm Rostov-on-Don và tàu đổ bộ cỡ lớn Minsk bị hư hỏng và hôm 22/9 là phá hủy trụ sở của Hạm đội Biển Đen tại thành phố Sevastopol.
Như vậy, có phải hệ thống phòng thủ của Nga yếu hay do Ukraine quá mạnh?
Mới đây, cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ Scott Ritter bày tỏ trong cuộc phỏng vấn trong chương trình Ask the Inspector rằng, các chuyên gia NATO dường như đã giúp đỡ Quân đội Ukraine chuẩn bị đợt tấn công chính xác vào nhà máy đóng tàu cũng như trụ sở Hạm đội Biển Đen tại thành phố Sevastopol, Crimea.
"Cuộc tấn công chính xác như vậy không thể diễn ra nếu thiếu sự hợp tác, tham gia của Anh, Mỹ và NATO", ông Scott Ritter cho biết.
Theo cựu sĩ quan tình báo này, các UAV trinh sát và máy bay tuần thám P-8A Poseidon của Mỹ hoạt động trên Biển Đen phối hợp trinh sát tọa độ và chỉ thị mục tiêu cho các đợt tấn công hiệu quả của Ukraine.
Ngoài ra, sự tham gia của các sĩ quan NATO trong việc lên kế hoạch, điều phối tác chiến tại Ukraine không phải là chuyện quá đáng ngạc nhiên.
Các đòn tấn công Ukraine thực tế diễn ra rất bài bản, có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, thể hiện sự chuẩn bị và phương án tác chiến tinh vi và rất chính xác.
Đầu tiên chính là các đợt UAV trinh sát và tự sát bay sâu vào lãnh thổ Crimea nhằm thăm dò phản ứng của hệ thống phòng không Nga. Những vị trí trọng yếu như trạm radar, hệ thống phòng không sẽ được đánh dấu và chỉ thị bằng vệ tinh để sử dụng vũ khí chính xác tấn công tiêu diệt khiến lưới lửa phòng không suy yếu.
Các cuộc tấn công chính xác như vậy của Ukraine vào Crimea không thể diễn ra nếu thiếu sự hợp tác, tham gia của Anh, Mỹ và NATO.
Trên thực tế, Ukraine tập kích 2 hệ thống tên lửa phòng không S-400 tầm xa của Nga bố trí ở Crimea, mặc dù không rõ thiệt hại đến mức nào, nhưng dường như họ đã thành công trong việc xóa các ô phòng không nguy hiểm, mở đường cho tên lửa hành trình phóng từ trên không và từ bờ biển tấn công vào bán đảo một cách thuận lợi hơn.
Tiếp đến, Ukraine tung hàng loạt UAV quấy nhiễu, làm quá tải hệ thống phòng không ở Crimea vốn đã bị thiệt hại trước đó, để tên lửa hành trình đột kích.
Khi mà cơ số đạn trên các bệ phóng tên lửa vợi đi do bị hút vào "bầy UAV" thì cũng là lúc Không quân Ukraine "ra đòn". Các máy bay mang tên lửa hành trình Storm Shadow hoặc Scalp EG bay bám địa hình và đỉnh sóng, tiếp cận Crimea ở vị trí thuận lợi nhất để phóng 9 tên lửa, chỉ vài quả lọt lưới đã đánh trúng tàu đổ bộ và tàu ngầm Kilo trong quá trình sửa chữa, khiến Hải quân Nga thiệt hại nặng.
Đỉnh điểm nhất, trong vụ tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen, Ukraine đã thực hiện một đợt tấn công bằng hơn 70 UAV tự sát, 11 tên lửa hành trình và 3 xuồng không người lái.
Quả thực, đợt tập kích quy mô lớn này đã làm quá tải hệ thống phòng không của Nga, dù chúng hoạt động rất hiệu quả khi đánh chặn được 8/11 tên lửa và bắn hạ hầu hết UAV tấn công. Chỉ cần 3 tên lửa lọt lưới và trúng đích, Ukraine đã "ghi bàn", tòa nhà trụ sở Hạm đội bị đánh hư hại nặng.
Sức ép và mối đe dọa lớn tới mức Hải quân Nga phải sơ tán phần lớn các tàu chiến từ Sevastopol tới những cảng khác xa đất liền Ukraine hơn để tránh tổn thất và buộc phải giảm hoạt động ở Biển Đen, tạo thuận lợi cho Kiev mở "con đường máu" cho phép các tàu vận tải ra vào những cảng ở Odessa vận chuyển nông sản và sản phẩm khác.
Chúng ta làm sao có thể hình dung được các sĩ quan chỉ huy Ukraine không có vệ tinh quân sự cũng như máy bay trinh sát lại có thể vạch kế hoạch và điều khiển các loại vũ khí chính xác của phương Tây, nếu không có sự hỗ trợ của NATO,?
Các vũ khí trên bộ được Nga triển khai ở Crimea (Ảnh: Atlantic Council).
Nga chưa có phương án hữu hiệu để bảo vệ Crimea
Liên quan tới vụ tấn công nhằm vào Crimea mới đây, giới chuyên gia quân sự Nga đã phân tích và chỉ ra những điểm yếu của Quân đội Nga được Ukraine tận dụng triệt để.
Theo trang tin K-politika của Nga, vấn đề đầu tiên chính là chiến tuyến của Nga tại Ukraine quá rộng lớn. Với hàng nghìn km cần bảo vệ, dù là siêu cường quân sự như Nga thì việc đảm bảo hệ thống phòng thủ chặt chẽ trong mọi thời điểm gần như là không thể.
Vấn đề còn lại chính là việc Ukraine với sự hỗ trợ của NATO đã tìm ra điểm yếu trong hệ thống đó để khai thác.
Vấn đề thứ hai là, tại sao các hệ thống phòng không hiện đại như Pantsir-S1, Tor-M2, Buk-M2/3, S-300V4 và thậm chí cả S-400 lại để các tên lửa hành trình Ukraine xuyên thủng, tấn công vào vị trí quan trọng như trụ sở của Hạm đội Biển Đen.
Xét về khả năng tác chiến, với số lượng không quá 30-50 mục tiêu đồng thời trong các đợt tấn công đường không vào Sevastopol là "muỗi" so với hệ thống phòng không đa lớp trên bộ, trên hạm và tiêm kích phòng không Nga tại đây. Vấn đề nằm ở việc tổ chức lưới phòng không của Nga tại Crimea và cụ thể tại Sevastopol đang tồn tại một số điểm yếu.
Có lẽ Nga thiếu hoặc không trang bị các hệ thống radar trinh sát bắt thấp chuyên nhiệm như 48Ya6-K1 "Podlet-K1" hay Kasta-2E2 và 76NG Clam Shell đặt trên tháp cao của tổ hợp S-400.
Bên cạnh đó, Nga quá thiếu máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50U AWACS với radar Shmel-M trong khu vực được coi là tương đối an toàn vì tiêm kích Ukraine khó có thể vươn tới khu vực này.
Nếu được cảnh báo sớm, các hệ thống tên lửa tầm trung-xa và tầm thấp dày đặc của Nga hoàn toàn có khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình hoạt động ở độ cao thấp dưới 35m từ xa tới 100km trong điều kiện địa hình có nhiều nhiễu địa vật.
Rõ ràng, việc Ukraine tăng cường hoạt động tấn công nhằm vào Crimea và trên Biển Đen đang đưa ra một lời cảnh báo với Nga. Điều gì sẽ xảy ra nếu như Ukraine có nhiều vũ khí hiện tại, tầm xa do Mỹ và phương Tây viện trợ hơn. Chắc chắc các đòn tấn công sẽ hiệu quả và nguy hiểm hơn nhiều. Hãy chờ xem cuộc chiến "mâu - thuẫn" tại Ukraine!