DNews

Vì sao Iran trì hoãn tấn công Israel?

Minh Phương

(Dân trí) - Hơn một tuần trôi qua kể từ khi tuyên bố sẽ đáp trả đau đớn Israel về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, Iran vẫn chưa có dấu hiệu động binh và nhiều khả năng đã có sự điều chỉnh kế hoạch.

Vì sao Iran trì hoãn tấn công Israel?

Trung Đông những ngày "căng như dây đàn"  

Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran và thủ lĩnh Hezbollah Fuad Shukr hồi cuối tháng 7 đang đẩy Trung Đông đến bờ vực một cuộc chiến mới và làm đảo lộn những nỗ lực kéo dài nhiều tháng giữa các bên để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Iran, quan chức cao cấp Hamas Khalil al-Hayya cáo buộc Israel tấn công Li Băng và Iran để "đốt cháy khu vực".

Quan chức này tuyên bố, Hamas và các đồng minh không muốn một cuộc chiến khu vực, nhưng cái chết của ông Haniyeh, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột Gaza, đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng "lựa chọn duy nhất của chúng tôi với đối phương này là chiến đấu và đổ máu".

Israel đã nhận trách nhiệm về cuộc không kích gây ra cái chết của chỉ huy Hezbollah ở Beirut, Li Băng, song từ chối bình luận về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas.

Các sự kiện dồn dập, diễn ra chỉ vài tháng sau khi Israel và Iran tấn công "ăn miếng, trả miếng" bằng máy bay không người lái và tên lửa, đe dọa đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện. Hiện giờ, Iran tiếp tục chịu sức ép đáp trả để lấy lại thể diện.

Những tuyên bố cứng rắn của Iran hơn một tuần qua đặt khu vực Trung Đông và cả thế giới nói chung vào tình trạng thấp thỏm và lo ngại.

Hàng loạt quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Australia, ra khuyến cáo cho công dân nâng cao cảnh giác, hoặc rời khỏi, hoặc tránh đến Iran, Li Băng vào thời điểm này.

Các hãng hàng không quốc tế được khuyến cáo tránh không phận Iran và Li Băng trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể xảy ra trong khu vực.

Tuy nhiên, hơn một tuần trôi qua kể từ khi Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và tuyên bố sẽ trả đũa khốc liệt, Trung Đông đến nay vẫn tránh được một diễn biến leo thang như vậy.

Những tính toán của Iran

Vì sao Iran trì hoãn tấn công Israel? - 1

Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Jeddah vào ngày 7/8 (Ảnh: AFP).

Mặc dù vụ ám sát thủ lĩnh Hamas xảy ra ngay tại thủ đô Tehran có thể coi là một sự xúc phạm lớn đối với chính phủ Iran, nhưng theo nhiều chuyên gia, điều đó không thay đổi mong muốn của Iran là tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Israel và Mỹ và biến thành một cuộc chiến khu vực.

"Tôi không tin những người ra quyết định ở Iran đang nghĩ đến leo thang. Tất nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Iran không thống nhất", Reza Akbari, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Theo dõi Chiến tranh và Hòa bình (IWPR), bình luận.

Chính trị Iran từ lâu đã bị chia rẽ giữa những người theo đường lối cứng rắn và những người theo chủ nghĩa cải cách. Tân Tổng thống Masoud Pezeshkian, được mô tả là người theo chủ nghĩa trung dung hoặc theo chủ nghĩa cải cách, mới nhậm chức vài tuần.

Theo nguồn tin của Iran International, Tổng thống Pezeshkian đã tìm cách thuyết phục Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào vào Israel để tránh leo thang căng thẳng.

Ông Pezeshkian lập luận, sự leo thang có thể khiến Israel phá hủy các mục tiêu cơ sở hạ tầng và năng lượng cũng như làm tê liệt nền kinh tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến vị thế quốc tế của Iran.

Tình báo phương Tây ban đầu dự đoán cuộc tấn công của Iran sẽ diễn ra ngay sau cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) hôm 7/8 tại Ả Rập Xê Út.

Sau cuộc họp của 57 thành viên (gồm các quốc gia ở Trung Đông, châu Phi, châu Á và những nơi khác), OIC đã ra tuyên bố chung nêu rõ, Israel phải "hoàn toàn chịu trách nhiệm" về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas. Tuyên bố chung cũng mô tả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Tehran là "sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Iran". Ngay cả sau cuộc họp này, Iran vẫn quyết định chưa động binh.

Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah hôm 6/8 cho biết, lực lượng này và Iran sẽ đáp trả Israel, nhưng việc khiến Israel thấp thỏm chờ đợi cũng là một "chiến lược trừng phạt" hay một đòn tâm lý. Tuy vậy, các nhà quan sát tin rằng những ngày qua, Iran vẫn chưa thể ra quyết định cuối cùng về quy mô và cách thức đáp trả.

"Phản ứng của Iran rất phức tạp do chưa thể khẳng định bản chất vụ ám sát thủ lĩnh Hamas. Lúc đầu, Tehran tuyên bố ông ấy bị sát hại bởi một cuộc tấn công tên lửa của Israel và đòi hỏi Iran phải đáp trả tương xứng. Nhưng ở hậu trường, Tehran ngày càng đồng tình với nhận định thủ lĩnh Hamas dường như bị ám sát bởi một quả bom cài sẵn. Nếu đúng như vậy, phản ứng của Iran sẽ nhẹ bớt", báo Al Arabiya dẫn nguồn tin thân cận cho hay.

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trước đó tuyên bố một quả đạn tầm ngắn được phóng từ bên ngoài nơi ở của ông Haniyeh là cách thức mà vụ khủng bố được thực hiện. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tiết lộ, Tehran đang ngày càng đồng tình với quan điểm được đề cập bên trên của Washington

Một lý do khác có thể khiến Iran do dự với kế hoạch trả đũa Israel là sự phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực. Mỹ đã cam kết sẽ bảo vệ đồng minh Israel trước một cuộc tấn công.

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo triển khai thêm tàu và máy bay chiến đấu ở khu vực, trong đó có biên đội tác chiến tàu sân bay, tiêm kích F-22.

"Iran hiểu rõ rằng Mỹ kiên định bảo vệ lợi ích của chúng tôi, các đối tác và người dân của chúng tôi. Chúng tôi đã di chuyển một lượng đáng kể khí tài quân sự tới khu vực để nhấn mạnh nguyên tắc đó", một quan chức cấp cao của Mỹ chia sẻ với Washington Post.

Quan trọng hơn là nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm tháo ngòi nổ Trung Đông của loạt quốc gia, trong đó có Mỹ, Jordan.

Một mặt tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông, mặt khác, Mỹ cũng nỗ lực không ngừng nghỉ để ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Iran.

Từ đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đã điện đàm với hàng loạt đối tác khắp Trung Đông nhằm tìm kiếm giải pháp ngăn xung đột.

Thông qua các kênh ngoại giao, Washington cũng gửi đến Tehran thông điệp: leo thang căng thẳng ở Trung Đông không có lợi cho Iran. Washington đồng thời kêu gọi đồng minh Israel phản ứng hạn chế với một cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng của Iran để tránh căng thẳng vượt tầm kiểm soát.

Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh đã liên lạc trực tiếp với cả Israel, Iran rằng "các bên không nên leo thang xung đột". Ông nhấn mạnh thêm, các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đã bước vào "giai đoạn cuối cùng" và có thể bị đe dọa bởi sự leo thang hơn nữa ở những nơi khác trong khu vực.

Những lựa chọn của Iran

Vì sao Iran trì hoãn tấn công Israel? - 2

Một vụ phóng thử tên lửa của Iran (Ảnh minh họa: AFP).

Khi thế giới tiếp tục thấp thỏm với những diễn biến ở Trung Đông, các nhà phân tích đã đưa ra dự đoán một số kịch bản về phản ứng của Iran.

Theo Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu và từng là thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Iran nhiều khả năng sẽ không lặp lại kiểu tấn công Israel tương tự hồi tháng 4 với sự tham gia của hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái. Ông giải thích, kiểu tấn công này đã nhanh chóng bị quân đội Mỹ, Israel và các nước láng giềng đẩy lùi.

Mặc dù vậy, ông nhận định, các cuộc tấn công từ lãnh thổ Iran vẫn đáng lo ngại. Ông dự đoán Iran sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình chống lại các mục tiêu của Israel.

Kịch bản thứ hai là Iran sẽ tiến hành một cuộc tấn công chủ yếu bằng tên lửa từ các lực lượng ủy nhiệm ở Li Băng, Syria và Iraq. Kế hoạch này sẽ khiến Israel và các đồng minh phải tập trung bắn hạ những mục tiêu đó.

Ông Jonathan Ruhe, người đứng đầu công tác chính sách đối ngoại tại Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ, nói với báo NatSec Daily, một cuộc tấn công như vậy sẽ được lên kế hoạch để áp đảo khả năng phòng thủ của Israel và khiến quân đội Israel có ít thời gian hơn để phản ứng.

Mỹ tin rằng Israel sẽ có thể đẩy lùi bất cứ cách tấn công tiềm tàng nào của Iran trong thời gian tới. Nước này cũng hy vọng vào một liên minh quốc tế hỗ trợ Israel đánh chặn hỏa lực của Iran.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó có thể không công khai như hồi tháng 4 khi liên minh Mỹ, Anh, Jordan giúp Israel đánh chặn hầu hết tên lửa, máy bay không người lái Iran. Điều này là do sự thất vọng của các đồng minh, đối tác với Israel về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas mà Tel Aviv bị quy trách nhiệm.

Một kịch bản khác là Iran có thể cân nhắc hủy kế hoạch tấn công Israel để đổi lấy tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Gaza "đang ở giai đoạn cuối".

Iran cần một lý do chính đáng để tránh gặp phải rủi ro trong việc vội vàng trả đũa Israel ngay sau vụ sát hại ông Haniyeh: một lệnh ngừng bắn ở Gaza sẽ cho phép Tehran tuyên bố họ quan tâm nhiều đến cuộc sống của người Palestine tại Gaza hơn là trả thù.

Tất nhiên, lợi ích từ lệnh ngừng bắn này cần phải đủ lớn đối với Iran vì danh dự và khả năng răn đe của nước này đang bị đe dọa.

"Nếu Mỹ và các nước phương Tây thực sự muốn ngăn chặn chiến tranh và bất ổn trong khu vực, để chứng minh cho tuyên bố này, họ nên ngay lập tức ngừng bán vũ khí cho Israel và buộc nước này phải dừng sát hại dân thường cũng như các cuộc tấn công vào Gaza  và chấp nhận lệnh ngừng bắn", tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nói.

Theo Politico, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đang cởi mở hơn trong việc tiến hành đàm phán sau khi chịu áp lực từ cơ quan an ninh Israel. Văn phòng của ông Netanyahu ngày 9/8 xác nhận sẽ nối lại đàm phán ngừng bắn với Hamas ở Dải Gaza vào tuần tới.

Tiến triển trong thỏa thuận ngừng bắn được kỳ vọng sẽ làm giảm thêm khả năng Iran tấn công Israel.

Báo Guardian lưu ý, việc chịu sự giám sát quốc tế, thêm vào đó là thiếu sự ủng hộ rõ ràng từ các quốc gia Hồi giáo khác có thể khiến Tehran phải xem xét lại quy mô và cường độ trả đũa của mình.

Thay vì tấn công quy mô lớn vào Israel, Iran được dự đoán sẽ tập trung vào bên trực tiếp chịu trách nhiệm cho vụ tấn công, chủ yếu nhắm vào cơ quan tình báo Israel (Mossad) và các cơ quan liên quan.

Mặt khác, một quan chức Mỹ và một quan chức tình báo phương Tây nói với CNN, mối lo ngại về việc Hezbollah hay các lực lượng ủy nhiệm khác hành động đơn lẻ hiện nay lớn hơn so với mối lo Iran. Những lực lượng này có thể hành động mà không cần Iran.

Hải Đăng - Anh Ngọc