Ukraine tìm lá chắn an ninh trước khi ông Trump nhậm chức
(Dân trí) - Ukraine cho biết, hiện nay họ ưu tiên cam kết an ninh từ đồng minh, đối tác, hơn là khôi phục các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát.
Trong suốt chiều dài cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua, giới chức Ukraine luôn khẳng định họ sẽ không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi ứng viên đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump đắc cử tổng thống và Nga liên tục giành được bước tiến về lãnh thổ ở miền Đông Ukraine, Kiev dường như đã xét lại ưu tiên. Họ đang coi trọng hơn việc đạt được các đảm bảo an ninh trong tương lai cũng như việc xác định ranh giới ngừng bắn cuối cùng sẽ nằm ở đâu.
Với việc các lực lượng Ukraine ngày càng mất dần lãnh thổ ở miền Đông, hai quan chức cấp cao nước này nói rằng, việc bảo vệ lợi ích của Ukraine trong các cuộc đàm phán tiềm năng sẽ không xoay quanh ranh giới lãnh thổ, mà phụ thuộc vào những đảm bảo nào được đưa ra để thực hiện lệnh ngừng bắn.
"Các cuộc đàm phán nên dựa trên các đảm bảo. Đối với Ukraine, không có gì quan trọng hơn", Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tình báo Quốc hội Ukraine Roman Kostenko nhấn mạnh.
Một quan chức khác cho biết: "Vấn đề lãnh thổ cực kỳ quan trọng, nhưng đó vẫn là câu hỏi thứ hai. Câu hỏi đầu tiên là đảm bảo an ninh".
Ukraine thiết lập biên giới dựa trên tuyên bố độc lập năm 1991. Ông Kostenko cho biết, Nga đã giành được quyền kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine nhưng Kiev sẽ không chính thức từ bỏ yêu sách của mình đối với bất kỳ vùng lãnh thổ nào.
Đảm bảo an ninh - Vấn đề gai góc
Từ lâu, Ukraine đã theo đuổi tham vọng gia nhập NATO. Mục tiêu đó đến nay vẫn xa vời, do vậy, với tình hình hiện tại, Kiev cần những đảm bảo an ninh để ngăn chặn một cuộc tấn công lớn hơn trong tương lai của Nga.
Ngay cả khi không gia nhập NATO, Ukraine vẫn có thể thúc đẩy các thỏa thuận phòng thủ chung hoặc sự hiện diện quân sự của phương Tây. Ngoài ra, Kiev cũng có thể đề nghị sự hỗ trợ kinh tế từ phương Tây để thúc đẩy tái thiết và phục hồi hậu xung đột.
Hồi đầu năm nay, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andrey Yermak, cho biết Kiev muốn các nước phương Tây đảm bảo an ninh cho Ukraine tương tự như mức độ mà Mỹ đã bảo vệ Israel. Chính phủ Ukraine đã và đang đàm phán một loạt hiệp ước an ninh với các nước phương Tây trong thời gian nước này chưa thể gia nhập NATO.
Ukraine muốn chính thức hóa các cam kết an ninh cần thiết dưới hình thức một hiệp ước, ràng buộc về mặt pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Phương án đầu tiên là khiến quốc hội các nước đồng minh phê chuẩn thỏa thuận an ninh trong tương lai đối với Ukraine, và chúng sẽ trở thành một phần của luật pháp nội bộ của các quốc gia đồng minh đó.
Phương án thứ hai, ít được ưa chuộng hơn, sẽ liên quan đến sự tham gia của quốc hội. Theo đó, quốc hội các nước có thể thông qua một thỏa thuận tương tự như bản ghi nhớ giữa Mỹ và Israel và luật hóa cách họ hỗ trợ Ukraine, như quốc hội Mỹ đã làm đối với Israel.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã chỉ trích mạnh mẽ đề xuất đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột mà Kiev đề ra, đồng thời cảnh báo việc thực hiện nó có thể dẫn đến "sự khởi đầu của Thế chiến III".
Ông Medvedev lập luận, đề xuất này về cơ bản tương tự như việc mở rộng sự bảo vệ quân sự của NATO cho Ukraine. Ông cảnh báo nếu các thành viên NATO không dừng cung cấp vũ khí cho Kiev, cuộc xung đột có thể phát triển sang một cấp độ khác, trở nên khó đoán định hơn và bắt đầu liên quan đến nhiều quốc gia hơn.
Cam kết an ninh vẫn luôn là vấn đề gai góc nhất trong bất cứ cuộc đàm phán nào giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 2/2022.
Khi Ukraine và Nga tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vào năm 2022, Moscow đã phản đối thành phần quan trọng của thỏa thuận được đề xuất: Một thỏa thuận ràng buộc các quốc gia khác đến bảo vệ Ukraine nếu nước này bị tấn công lần nữa.
Nga từ lâu tuyên bố rằng họ coi việc Ukraine gia nhập NATO là không thể chấp nhận được. Họ cảnh báo, kịch bản đó nếu xảy ra sẽ vi phạm bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào, đồng thời cũng ám chỉ họ sẽ duy trì kiểm soát lãnh thổ đã giành được ở Ukraine.
Các thảo luận về giải pháp tiềm năng cho cuộc xung đột Ukraine nóng lên kể từ cuộc bầu cử Mỹ hồi đầu tháng với chiến thắng thuộc về ứng viên Cộng hòa Donald Trump, người tuyên bố sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán ngay lập tức. Ông Trump hoài nghi về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine và tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ.
Lập trường này có sự thay đổi đáng kể so với của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden rằng thời điểm và các điều khoản của bất kỳ giải pháp nào nên do Ukraine quyết định.
Theo New York Times, vấn đề cấp bách đối với bất kỳ lệnh ngừng bắn nào là việc Ukraine kiểm soát một phần lãnh thổ tỉnh Kursk, ở Tây Nam nước Nga. Ukraine coi đây là quân bài thương lượng trong các cuộc đàm phán, trong khi đó, Moscow coi việc Ukraine rút quân khỏi đây là điều kiện tiên quyết để bắt đầu đàm phán.
Giới chức Ukraine cho biết, Nga hiện tập trung khoảng 60.000 quân ở Kursk chuẩn bị phản công. Konstantin Zatulin, một nhà lập pháp Nga, cho rằng nếu lực lượng Ukraine bị đẩy khỏi Kursk, Nga có thể chấp nhận lệnh ngừng bắn dọc theo mặt trận vào mùa xuân năm sau.
"Mọi thứ sẽ dựa trên sự thật. Mọi thứ chúng ta có đều là của chúng ta; mọi thứ Ukraine có đều là của Ukraine", ông Zatulin nói.
Tuy nhiên, với những người theo đường lối cứng rắn ở Moscow, các bất đồng hiện tại khiến viễn cảnh ngừng bắn vào mùa xuân năm sau khó xảy ra.
"Sẽ rất khó để đi đến một thỏa thuận chính xác bởi vì ngay cả quan điểm mềm mỏng nhất của chúng ta cũng liên quan đến những nhượng bộ lãnh thổ từ Ukraine", tài phiệt Nga Konstantin Malofeev chỉ ra.
Hiện nay, Ukraine đang mất dần lãnh thổ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi xung đột nổ ra. Nga đã mài giũa một chiến thuật hiệu quả thông qua các cuộc tấn công bộ binh nhỏ. Với quá ít binh lính, Ukraine buộc phải điều chuyển quân giữa các điểm nóng trên mặt trận để ngăn chặn các phòng tuyến sụp đổ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi sự ủng hộ từ Mỹ và các nước châu Âu cho cái mà ông gọi là chiến lược "hòa bình thông qua sức mạnh" nhằm củng cố quân đội Ukraine và cải thiện vị thế của nước này trên chiến trường trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Tuy vậy, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk, việc đảm bảo một giải pháp có lợi cho Ukraine trong khi Nga đang tiến công sẽ cực kỳ khó khăn.
"Hòa bình thông qua sức mạnh"
Khi cuộc chiến tiến gần hơn đến mốc 3 năm, giới chức Ukraine phát đi tín hiệu sẵn sàng cho giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, điều mà Kiev theo đuổi là đàm phán ở vị thế sức mạnh.
Tổng thống Zelensky kêu gọi sự ủng hộ từ phương Tây cho chiến lược "hòa bình thông qua sức mạnh" nhằm củng cố quân đội Ukraine và cải thiện vị thế của nước này trên chiến trường trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Đây cũng là quân điểm mà giới lãnh đạo Mỹ và các đồng minh châu Âu tuyên bố công khai và là động lực để họ hết lần này đến lần khác vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga.
Giữa tháng này, không lâu sau cuộc bầu cử, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định dỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine dùng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công sâu vào Nga. Quyết định đã mở đường cho các đồng minh khác, như Anh, Pháp, có động thái tương tự nhằm giúp Ukraine tăng cường vị thế.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, quyết định của phương Tây một lần nữa quá muộn màng, tương tự quyết định trước kia với chính sách viện trợ vũ khí sát thương, xe tăng, máy bay chiến đấu.
"Quyết định được đưa ra quá muộn để thay đổi cục diện cuộc chiến", Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, nói.
Ngoài ra, với nguồn cung vũ khí tầm xa hạn chế, Ukraine khó tạo ra bước ngoặt. "Để gây tổn thất thực sự cho Nga, Ukraine cần một lượng lớn tên lửa ATACMS. Đó là điều bất khả thi vì Mỹ cũng chỉ có nguồn cung hạn chế", Jennifer Kavanagh, người đứng đầu bộ phận phân tích quân sự của Viện nghiên cứu Defense Priorities có trụ sở tại Washington, nhận định.
Hơn nữa, theo cựu đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker, Mỹ đã sai lầm khi để rò rỉ thông tin "cởi trói" vũ khí cho Ukraine quá sớm. Điều này cho phép Nga có thêm thời gian để ứng phó.
Về phía Ukraine, thách thức lớn nhất của họ là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản có khả năng vận hành hiệu quả các hệ thống vũ khí của phương Tây.
Nếu không giải quyết được những thách thức này, Ukraine có thể không còn lựa chọn nào khác là đàm phán ở vị thế yếu hơn và buộc phải đưa ra các nhượng bộ không mong muốn.
Một thỏa thuận ngừng bắn với các nhượng bộ lãnh thổ từ phía Ukraine có thể mang lại hòa bình tạm thời. Tuy nhiên, nếu các đảm bảo an ninh không đủ mạnh, nguy cơ Nga tái khởi động chiến dịch quân sự sẽ vẫn hiện hữu. Do vậy, Ukraine cũng cần chắc chắn rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải mang lại sự đảm bảo an ninh lâu dài.
Điều đáng nói là đến nay giải pháp của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa rõ ràng, nên Kiev cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Theo nhiều nguồn tin, một trong những bước đi đầu tiên mà chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang hướng đến là thiết lập một vùng đệm phi quân sự dọc theo tiền tuyến hiện tại giữa Nga và Ukraine dài hơn 1.200km và được lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo an ninh.
Kế hoạch này cũng bao gồm các điều khoản khác như: Đóng băng chiến tuyến hiện tại nhằm duy trì hiện trạng lãnh thổ, ngăn Ukraine gia nhập NATO trong vòng 20 năm tới, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo các chuyên gia, đề xuất trên có khả năng giúp ngăn xung đột leo thang hơn nữa, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.
Kế hoạch có thể nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp Mỹ vốn hoài nghi về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, song sẽ khó tránh sự phản đối của các nghị sĩ ủng hộ Kiev.
Việc đóng băng tiền tuyến cho phép Nga duy trì kiểm soát các vùng lãnh thổ đã giành được ở Ukraine. Điều này kéo theo khả năng Nga sẽ lợi dụng vùng phi quân sự để tập trung lực lượng và tăng cường ảnh hưởng tại các khu vực lân cận.
Trong khi đó, đề xuất sẽ khiến NATO rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải cân nhắc phương án dự phòng nếu Washington giảm viện trợ cho Ukraine. Nếu Ukraine không được gia nhập NATO trong vòng 20 năm tới, châu Âu sẽ phải phòng thủ độc lập hoặc tăng cường hỗ trợ cho Kiev để đảm bảo an ninh ở khu vực.
Viễn cảnh đó thúc đẩy các bên có những bước đi táo bạo với hy vọng ở "cửa trên" trong bất cứ cuộc đàm phán nào do Tổng thống đắc cử Trump làm trung gian.
Theo New York Times, AFP