DNews

Ukraine tấn công sâu vào Nga: Viên đạn bạc hay mồi thuốc súng?

Minh Phương

(Dân trí) - Phương Tây đang đứng trước áp lực cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí viện trợ. Điều này đặt ra câu hỏi về tác động đến cục diện chiến sự nếu Kiev được phương Tây "bật đèn xanh".

Ukraine tấn công sâu vào Nga: Viên đạn bạc hay mồi thuốc súng?

Ukraine đang dành nhiều nỗ lực hơn để hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ hạn chế, cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trong nhiều tháng, Ukraine luôn thúc đẩy Mỹ thay đổi chính sách hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây nhắm vào Nga, đặc biệt là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS).

Các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Ukraine một số loại tên lửa tầm xa kèm điều kiện chỉ sử dụng chúng để tấn công vào các mục tiêu bên trong Ukraine hoặc ở các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine.

HIMARS là một trong các hệ thống vũ khí phương Tây giúp Ukraine xoay chuyển đáng kể tình thế khi chúng lần đầu tiên xuất hiện vào mùa hè năm 2022. Ban đầu, hệ thống này được thiết kế để phóng tên lửa GMLRS có tầm bắn khoảng 70km, nhờ đó, Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga ở bên kia chiến tuyến chính xác hơn nhiều so với trước kia.

Mùa thu năm ngoái, Mỹ bắt đầu cung cấp cho Kiev một mẫu tên lửa ATACMS cũ hơn được bắn từ bệ phóng HIMARS với tầm bắn khoảng 165km. Tiếp đó, Mỹ viện trợ các hệ thống ATACMS có thể đạt tới tầm bắn 300km, giúp tăng đáng kể phạm vi mà Ukraine có thể tấn công.

Cục diện tiếp tục thay đổi sau cuộc tấn công mới của Nga tại tỉnh Kharkov vào tháng 5, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây khác nới lỏng hạn chế, cho phép Ukraine tấn công mục tiêu ở biên giới Nga bằng vũ khí phương Tây nhằm mục đích phòng thủ.

Anh cũng cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Storm Shadow với tầm bắn hơn 250km. Tên lửa này đã được triển khai trong một số cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Nga, như cuộc tấn công vào trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Crimea được cho là đã khiến hàng chục binh sĩ Nga thiệt mạng.

Tuy nhiên, do phương Tây do dự về chính sách của mình liên quan tới các cuộc tấn công tầm xa, nên Ukraine đã phát triển kho máy bay không người lái trong nước để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, tấn công các căn cứ không quân, kho đạn dược, nhà máy sản xuất máy bay không người lái và các địa điểm quân sự khác cách xa tới 1.300 km bên ngoài biên giới Ukraine.

Kể từ khi phát triển ngành công nghiệp máy bay không người lái trong nước, Ukraine đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Nga, nhằm loại bỏ cơ sở hạ tầng năng lượng, quân sự và giao thông của Moscow. Đến nay đã có hàng trăm cuộc tấn công như vậy.

Mặc dù vậy, Kiev khẳng định điều này là không đủ. Những máy bay không người lái này không mang đầu đạn có khả năng xuyên thủng qua các kết cấu kiên cố của Nga. Thực tế, các cuộc tấn công tầm xa của Kiev năm ngoái cũng tỏ ra không hiệu quả vì các lực lượng Ukraine không thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ trên bộ của Nga.

Nga rất ít khi để đạn dược hoặc máy bay chiến đấu ở ngoài trời, họ thường sử dụng các boongke được gia cố bằng các lớp bê tông dày để bảo vệ chúng. Trong khi đó, máy bay không người lái của Ukraine hiện không thể phá hủy các boongke.

Đó là lý do Ukraine vẫn kiên trì thuyết phục phương Tây "cởi trói" cho vũ khí viện trợ tầm xa. Kiev thậm chí đưa ra một danh sách chi tiết những mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga mà họ có thể nhắm đến bằng vũ khí của phương Tây.

Hơn 200 mục tiêu trong lãnh thổ Nga "vào tầm ngắm"

Ukraine tấn công sâu vào Nga: Viên đạn bạc hay mồi thuốc súng? - 1

Máy bay ném bom tại căn cứ của Nga (Ảnh minh họa: Reuters).

Đầu tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cử một phái đoàn đến Washington trong một nỗ lực mới để xin phép sử dụng ATACMS bên trong lãnh thổ Nga. Phái đoàn được cho là đã trình bày một danh sách các mục tiêu có giá trị cao mà Kiev đề xuất. Tuy nhiên, chi tiết danh sách chưa được công bố.

Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ vào tháng trước, có không dưới 245 địa điểm quân sự và bán quân sự của Nga đã được xác định nằm trong tầm ngắm 300km của các hệ thống ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Đây hiện là hệ thống có phạm vi bắn xa nhất trong số các tên lửa do phương Tây viện trợ cho Kiev.

Nếu được đặt gần tiền tuyến của Ukraine, các loại vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp có khả năng nhắm mục tiêu vào một vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga.

Phạm vi này bao gồm các căn cứ quân sự, sân bay, khu tập trung quân đội và kho đạn dược. Nhiều khu dân cư cũng nằm trong tầm ngắm như thành phố Rostov-on-Don (dân số 1,1 triệu người), Voronezh (dân số 1 triệu người), Krasnodar (dân số 1,1 triệu người), Lipetsk (dân số 496.000 người), Bryansk (dân số 350.000 người), Smolensk (dân số 310.000 người), cũng như thành phố cảng quan trọng Novorossiysk trên Biển Đen (dân số 262.000 người).

Danh sách này không tính đến các thành phố ở bán đảo Crimea và các khu vực khác của Ukraine đang do Nga kiểm soát hoặc những thành phố ở Nga đã bị Ukraine tấn công, như Belgorod.

Ngoài ra, một số mục tiêu quân sự có thể nằm trong tầm ngắm là căn cứ không quân Lipetsk, căn cứ không quân Shatalovo ở Smolensk Oblast, sân bay quân sự Millerovo ở Rostov, sân bay quân sự Yeysk ở Krasnodar Krai và căn cứ hải quân Novorossiysk, nơi phần lớn Hạm đội Biển Đen của Nga đã di dời sau một loạt các cuộc tấn công tàn khốc của Ukraine trước kia.

Bên cạnh đó là các trung tâm logistics và chỉ huy ở Rostov-on-Don, nơi từng là mặt trận chính của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, hay căn cứ không quân Primorsko-Akhtarsk ở Krasnodar Krai, vốn thường xuyên được Nga sử dụng để phóng máy bay không người lái Shahed vào Ukraine.

Mặc dù danh sách mục tiêu chính thức chưa được tiết lộ, nhưng Ukraine đã nhiều lần tuyên bố họ cần thiết bị có thể phá hủy những sân bay và máy bay mà Nga dùng để tấn công tên lửa hàng loạt vào các thành phố của Ukraine.

Viên đạn bạc hay mồi thuốc súng?

Giải phóng Ukraine khỏi các hạn chế về vũ khí có thể dẫn đến các lợi ích chiến thuật và chính trị khác cho Ukraine cũng như phương Tây. Động thái đó sẽ gửi đi một tín hiệu rằng Mỹ và Anh không còn lo lắng về sự trả đũa của Nga. Thêm vào đó, điều này có thể thuyết phục Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Kiev.

George Barros, một nhà phân tích an ninh của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), nhận định ngay cả một vài cuộc không kích của Ukraine bằng vũ khí hạng nặng vào các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga sẽ gây thêm áp lực lên hậu cần, quân đội và các nguồn lực khác của Nga. 

Ông John Conway, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Felix Defence, cho biết tên lửa hành trình JASSM hiệu quả hơn hệ thống ATACMS để tấn công các mục tiêu được bảo vệ cao.

Tên lửa này có thể hoạt động trong môi trường GPS yếu, bay gần mặt đất và có thể được lập trình để đi theo các tuyến đường tránh phòng không. Ông Conway khẳng định những khả năng đó có thể cho phép Ukraine xuyên thủng hệ thống phòng không để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

"Điều này có khả năng thay đổi hướng đi của Nga khi buộc họ phải xem xét lại vị trí cơ sở chỉ huy và hậu cần, mặt khác tạo cơ hội cho Ukraine phá vỡ đáng kể và ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga", ông nói.

Ukraine tấn công sâu vào Nga: Viên đạn bạc hay mồi thuốc súng? - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân, cho phép Moscow đáp trả hạt nhân nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga (Ảnh: EPA).

Trong khi đó, ATACMS do Mỹ cung cấp sẽ được sử dụng theo một cách khác. Đây là tên lửa đạn đạo được trang bị bom chùm phù hợp để vô hiệu hóa đường băng tại các sân bay của Nga hoặc tấn công các điểm tập kết quân ngoài trời.

Ngoài ra, các phiên bản được trang bị đầu đạn đơn nhất có khả năng tiêu diệt các mục tiêu lộ thiên đơn lẻ ít được bảo vệ hơn, như hệ thống phòng không hoặc tác chiến điện tử.

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả nếu Ukraine được phép thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.

 "Storm Shadow hữu dụng nhất khi dùng chúng tấn công vào các tòa nhà được bảo vệ nghiêm ngặt như boongke hoặc các kho chứa đạn dược được gia cố và trụ sở chính. Nó sẽ không thực sự hữu dụng khi tấn công máy bay đang trên đường băng hoặc tấn công vào sân bay", Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), nói với báo Kiev Independent.

Theo ông Savill, phiên bản tên lửa chùm của ATACMS có thể gây thiệt hại lớn nếu nhắm đến các máy bay tại các sân bay của Nga. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây cho biết Moscow đã chuyển khoảng 90% máy bay quân sự của mình đến các căn cứ ngoài tầm với của tên lửa Ukraine.

"Điều đó phần nào có nghĩa là máy bay Nga phải hoạt động ở khu vực xa hơn và có thể thực hiện số lần xuất kích ít hơn mỗi ngày. Sẽ vẫn có lực lượng Nga nằm trong phạm vi của ATACMS, nhưng về cơ bản có vẻ như Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội gây thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng không quân Nga trên bộ", ông nói.

Ông Savill nhấn mạnh, trong trường hợp Ukraine được bật đèn xanh, họ vẫn khó đánh sập các căn cứ không quân của Nga, bởi chúng được gia cố bằng rất nhiều bê tông và cách xa hàng trăm km so với tiền tuyến.

Để thực sự hiệu quả, việc phóng tên lửa tầm xa cần được kết hợp với những bước tiến của lực lượng mặt đất Ukraine. Kiev có thể gây áp lực đáng kể cho lực lượng Nga ở Crimea và khu vực Biển Đen bằng các cuộc không kích.

Lầu Năm Góc lo ngại ATACMS sẽ không phải là câu trả lời cho mối đe dọa chính mà Ukraine phải đối mặt từ bom lượn tầm xa của Nga, bởi loại bom này được bắn từ khoảng cách hơn 300km, ngoài tầm với của ATACMS.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh các quyết định về việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine rất phức tạp và không có giải pháp nào là hoàn hảo. 

Hiện tại, Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về việc cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga.

Trong một cuộc trao đổi với các phóng viên về việc liệu chính quyền đã sẵn sàng nới lỏng các hạn chế vũ khí đối với Ukraine hay chưa, Tổng thống Biden nói: "Chúng tôi đang xem xét".

Ông Stephen Biddle, giáo sư về các vấn đề quốc tế và công cộng tại Đại học Columbia cho biết, Mỹ dường như đang xem xét mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Nga một cách nghiêm túc, đặc biệt sau khi Moscow vạch lằn ranh đỏ hạt nhân mới.

Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo nếu các quốc gia phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào bên trong nước Nga, có nghĩa là NATO sẽ châm ngòi chiến tranh với Moscow. "Nó sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột, nghĩa là các nước thành viên NATO đang có chiến tranh với Nga", ông Putin phát biểu hôm 19/9.

Trong đề xuất mới đây, ông Putin đề cập đến sửa đổi học thuyết hạt nhân Nga theo hướng hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, bất cứ quyết định nào của phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga sẽ bị coi là vượt lằn ranh đỏ.

Ngoài ra yếu tố trên, chi phí cũng có thể là một yếu tố khiến Mỹ vẫn do dự cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa.

"Rõ ràng là vũ khí tầm xa có thể vươn tới các mục tiêu xa hơn như nhà máy lọc dầu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Nhưng mức viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine cũng có hạn", giáo sư Biddle nói.

Washington đã cung cấp cho Kiev khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 50 tỷ USD kể từ năm 2022. Giáo sư Biddle cũng cho biết không có gì chắc chắn các tên lửa tầm xa có khả năng thay đổi cục diện cuộc chiến.

Hơn nữa, dành nguồn lực cho viện trợ vũ khí tầm xa có thể ảnh hưởng đến việc Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ, đạn pháo và các loại đạn dược khác cho Ukraine.

"Có rất nhiều thứ khác Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine. Liệu đánh đổi những vũ khí đắt tiền đó có xứng đáng hay không là một câu hỏi quan trọng liên quan đến khả năng tự vệ của Ukraine", giáo sư Biddle phân tích.

Do vậy, các nhà phân tích nhận định, Mỹ sẽ dỡ bỏ một số hạn chế, nhưng vẫn có những giới hạn xung quanh việc Ukraine sử dụng tên lửa với tầm bắn hơn 300km để tránh các cuộc tấn công liều lĩnh hoặc không cần thiết.

Nói cách khác, Mỹ và hầu hết các đồng minh đều có chung quan điểm cho rằng, vũ khí tầm xa khó trở thành "viên đạn bạc" giúp Kiev xoay chuyển tình thế, ngược lại nó có thể trở thành mồi lửa thổi bùng xung đột ở khu vực. Hai quan chức Mỹ giấu tên bình luận, số lượng tên lửa phương Tây được sử dụng ở Ukraine sẽ quyết định mức độ leo thang của cuộc xung đột.

Theo Telegraph, Defense News, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine