Tương lai nào cho châu Âu khi thực hiện "tự chủ chiến lược" về quốc phòng?
Kể từ tháng 5/2022, Phần Lan và Thụy Điển trên thực tế đã rời bỏ vị thế trung lập lịch sử để đề nghị gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong đó, Helsinki gia nhập NATO vào tháng 4/2023, còn Stockholm mới đây cũng đã được phê chuẩn để làm điều tương tự. Như vậy, 23 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU sẽ sớm thuộc Liên minh Đại Tây Dương.
Kể từ khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine, Thụy Điển đã tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể, cam kết tăng gần 30% trong năm 2024, lên dưới 120 tỷ SEK (10,8 tỷ USD) và chi khoảng 3,2 tỷ euro (3,5 tỷ USD) cho quân sự và viện trợ phi quân sự cho Ukraine.
Thụy Điển dự kiến sẽ chủ yếu tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của NATO thông qua năng lực hải quân và không quân, bao gồm máy bay chiến đấu Saab JAS 39 Gripen và hai tàu ngầm tấn công A26 trong tương lai. Như vậy, từ năm 2022, NATO mở rộng không phải về phía đông mà về phía bắc.
"Cú sốc" về cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ thúc đẩy người châu Âu tăng cường sức mạnh cho NATO, mà còn khiến EU phát triển khả năng phòng thủ của riêng mình với mong muốn tăng cường "quyền tự chủ chiến lược".
Vào tháng 3/2022, EU đã thông qua "la bàn chiến lược", xác định các định hướng chính về an ninh và quốc phòng châu Âu cho đến năm 2030. Sự tham gia nhiều hơn của châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng đã được hiện thực hóa qua các quyết định chưa từng có nhằm hỗ trợ Ukraine.
Các quốc gia thành viên EU cũng đã tăng đáng kể ngân sách quân sự và do đó tăng cường an ninh tập thể. Theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), chi tiêu quân sự tại EU đã tăng trung bình 6% vào năm 2023, với 6 quốc gia thành viên có mức tăng chi tiêu quân sự vượt quá 10%. Ở Thụy Điển, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn 30%.
Hiện mới chỉ có 18 trong số 31 thành viên NATO đáp ứng mục tiêu của NATO là chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2024. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên EU đều chi tiêu quân sự ở mức 2%.
Xu hướng cần phải chuyển sang mức 3% để đáp ứng các yêu cầu về năng lực và sẵn sàng cho các kế hoạch phòng thủ mới của NATO đang được thử nghiệm thông qua cuộc tập trận lớn nhất của liên minh mang tên Steadfast Defender kể từ sau Chiến tranh Lạnh và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine khi nước này bước vào năm thứ ba của cuộc xung đột quân sự với Nga.
Các đồng minh NATO được chia thành ba nhóm chính: 1/3 thành viên (chủ yếu là các quốc gia ở phía đông và phía bắc châu Âu) đã vượt mức chi tiêu ngân sách quốc phòng, 1/3 thành viên đã đạt được mục tiêu, và 1/3 còn lại đang tụt lại phía sau và thiếu kế hoạch phù hợp để sớm đạt được mục tiêu. Điều đó cho thấy việc phòng thủ có thể chưa được một số quốc gia ưu tiên thỏa đáng.
Mới đây, phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử hôm 10/2 ở bang Nam Carolina, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kể lại với đám đông về cuộc nói chuyện giữa ông và một nhà lãnh đạo nước ngoài.
"Nguyên thủ quốc gia một nước lớn đứng lên và nói, "Thưa ông, nếu chúng tôi không đóng tiền và bị Nga tấn công, liệu ngài có bảo vệ chúng tôi không?". Tôi nói, "Các ông không trả tiền? Các ông chậm trả phải không?... Không, tôi sẽ không bảo vệ các ông. Và thực tế thì tôi sẽ khuyến khích họ làm mọi điều họ muốn. Các ông phải trả", ông Trump nói.
Phát biểu của ông Trump khiến dư luận phương Tây cho là "vô trách nhiệm" và đã gây ra một cú sốc ở châu Âu. Nếu ông Trump trở thành tổng thống một lần nữa, các quốc gia EU sẽ không còn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Mỹ như một phần trong cam kết phòng thủ tập thể của NATO.
Giờ đây, các đồng minh châu Âu đang cố gắng giành quyền "tự chủ chiến lược" về quốc phòng, tăng cường chi tiêu quốc phòng, ngay cả EU cũng đang thảo luận về vũ khí hạt nhân và Đức đang xây dựng một nhà máy sản xuất đạn pháo mới. Liên minh châu Âu sẽ phải làm nhiều hơn nữa vì an ninh của châu Âu, khi trọng tâm chiến lược của Mỹ đang chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, những phát biểu của ông Trump đặt ra một câu hỏi quan trọng hơn cả: Điều gì sẽ xảy ra với NATO nếu Donald Trump tái đắc cử?
Sẽ là sai lầm nếu hiểu những lời của ông Trump về quốc phòng châu Âu là phản ánh nền chính trị lệch lạc của một người cực đoan biệt lập.
Nếu giải thích những lời nói của ông Trump như Mỹ và phương Tây nên làm thì những phát biểu ấy phản ánh một quan điểm rất rộng rãi ở Mỹ, rằng thế giới đang thay đổi, Mỹ chuyển hướng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở 4 "mặt trận": Ukraine, Gaza, Triều Tiên và Đài Loan.
Ở mức độ nào đó, chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc đã chuyển thành đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ. Ứng cử viên tương lai của đảng Cộng hòa bức xúc trước việc châu Âu chưa thực hiện đầy đủ cam kết với NATO (trừ Anh và Pháp) từ những thập niên trước và gần đây vẫn tiếp diễn là điều có thể hiểu được, nhưng cũng phải thừa nhận: EU đang phải gồng mình lên để thực hiện "tự chủ chiến lược" về quốc phòng.
Vào tháng 1/2025, dù ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng, chắc chắn Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vẫn tồn tại, nhưng một số thành viên khó có thể tiếp tục "chây ì", không chịu thực hiện đầy đủ cam kết với NATO.
Phải thừa nhận ngôn ngữ của ông Trump mạnh mẽ hơn cả ngôn ngữ ngoại giao của cựu Tổng thống Barack Obama lẫn đương kim Tổng thống Joe Biden!
Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.