1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tỷ phú Elon Musk thắc mắc vì sao NATO vẫn còn tồn tại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tỷ phú Mỹ Elon Musk đặt ra câu hỏi rằng vì sao khối liên minh quân sự NATO vẫn tiếp tục tồn tại sau khi đối thủ chính là Liên Xô và khối hiệp ước Warsaw đã tan rã từ lâu.

Tỷ phú Elon Musk thắc mắc vì sao NATO vẫn còn tồn tại - 1

Tỷ phú Mỹ Elon Musk (Ảnh: Reuters).

Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, Elon Musk đã đồng ý với nhà đầu tư người Mỹ David Sacks, người đã lập luận rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO đã không còn lý do tồn tại, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng liên minh.

Trong một bài viết trên mạng xã hội X vào cuối tuần qua, ông Sacks nói rằng liên minh do Mỹ đứng đầu không còn "đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện hữu" vì đối thủ Liên Xô đã tan rã. Tuy nhiên, "thay vì giải tán, NATO lại có một sứ mệnh mới là tiếp tục mở rộng", doanh nhân trên nhận xét.

"Như một vòng lặp, việc NATO mở rộng sẽ tạo ra sự thù địch (với các đối thủ) và điều này tiếp tục biện minh cho việc liên minh mở rộng thêm", ông cho biết.

Sau đó, tỷ phú Musk bình luận: "Chính xác. Tôi luôn thắc mắc vì sao NATO tiếp tục tồn tại ngay cả khi đối thủ và lý do tồn tại của nó là khối Hiệp ước Warsaw đã giải thể".

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, NATO tiếp tục kết nạp thêm các nước Đông Âu từng nằm trong Liên Xô, hoặc các cựu thành viên Hiệp ước Warsaw, cũng như các nước Baltic và Balkan.

Gần đây nhất, 2 nước Bắc Âu Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên mới nhất của NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022.

Nga đã nhiều lần phản đối việc mở rộng NATO, coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia. Moscow đã bày tỏ quan ngại đặc biệt về khả năng Ukraine gia nhập khối và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đây là một trong những lý do mà xung đột bùng phát hơn 2 năm qua.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc NATO là "công cụ đối đầu" và răn đe nhằm vào Nga. Trong khi nhiều quan chức phương Tây tuyên bố rằng Moscow có thể tấn công NATO trong vòng vài năm tới thì Tổng thống Putin nhiều lần nói rằng Nga không có kế hoạch làm việc đó.

Phát biểu của ông Musk đã đối mặt với một số ý kiến chỉ trích, trong đó có cả thành viên của NATO.

Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs trả lời ông Musk rằng, lý do mà NATO được thành lập ra, tồn tại và duy trì chính là vì Nga và một số quốc gia mà liên minh này cho là "đối thủ của thế giới tự do".

Trong khi đó, nghị sĩ Mỹ Adam Kinzinger đặt ra câu hỏi rằng vì sao chính phủ Washington không xem xét lại tư cách nhà thầu của tỷ phú Musk. Các công ty của ông Musk cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới an ninh quốc gia cho chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, các ý kiến chỉ trích cho rằng NATO được thành lập là vì mục tiêu bảo vệ an ninh cho các thành viên trong khối, không chỉ nhằm vào Liên Xô hay khối Hiệp ước Warsaw. Họ đưa ra bằng chứng là NATO được thành lập trước khối Hiệp ước Warsaw. 

NATO được thành lập vào năm 1949 để cung cấp cơ chế an ninh tập thể nhằm đối phó với Liên Xô khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Trong khi đó, khối Hiệp ước Warsaw được thành lập vào năm 1955 để đáp trả lại sự xuất hiện của NATO. Khối này giải tán vào năm 1991, cùng năm Liên Xô sụp đổ. 

Trước đó, ông Musk nhiều lần có phát ngôn gây tranh cãi trong nội bộ phương Tây. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, SpaceX của ông Musk đã cung cấp hệ thống internet vệ tinh Starlink rất quan trọng cho Kiev. 

Tuy nhiên, ông không ít lần cho rằng Washington nên ngừng viện trợ cho Ukraine vì điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến và không giúp ích thêm cho Kiev.

"Việc viện trợ sẽ không thể giúp Ukraine, kéo dài chiến sự không thể giúp được Ukraine. Để cho những chàng trai đó (binh sĩ) thiệt mạng không vì điều gì là không đúng và điều này cần dừng lại", ông kêu gọi hồi tháng trước.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine