DMagazine

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày

(Dân trí) - Bất kể xung đột Nga - Ukraine có kết cục thế nào, bản đồ an ninh và những tính toán chính trị ở châu Âu đã thay đổi về căn bản và không thể trở lại như trước.

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 1

Những tiếng còi báo động từ Ukraine dường như đã đánh thức Liên minh Châu Âu (EU) và thống nhất lập trường của 27 quốc gia thành viên. EU không chỉ thông qua những lệnh trừng phạt mạnh nhất cho đến nay trong lịch sử liên minh, mà còn lần đầu nhất trí mua và cung cấp vũ khí cho một nước đang có chiến sự. Trong vòng vài ngày, EU đã tiến xa hơn trong hành trình trở thành một thế lực địa chính trị, so với những gì họ đã làm trong hai thập niên qua, kể từ sau chiến tranh tại Nam Tư.

"Đây là thời điểm quyết định đối với liên minh chúng ta. Chúng ta không thể xem an ninh và việc người dân được bảo vệ là chuyện hiển nhiên được nữa. Chúng ta phải đứng lên vì nó. Chúng ta phải đầu tư vào nó. Chúng ta phải gánh vác trách nhiệm một cách công bằng", bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, phát biểu hôm 1/3.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, EU tuyên bố sẽ trích 500 triệu euro từ ngân sách để mua vũ khí cung cấp cho Ukraine. Đức, quốc gia được cho là có ảnh hưởng nhất EU, cho biết quân đội nước này sẽ được cấp thêm hơn 100 tỷ euro năm nay, gấp đôi ngân sách quốc phòng năm ngoái.

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 3

Các binh sĩ Ukraine đi gần một tòa nhà bị phá hủy do trúng pháo kích tại Zhytomyr, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cam kết sẽ đáp ứng chỉ tiêu ngân sách quốc phòng bằng 2% GDP đối với thành viên NATO - vấn đề mà nhiều đời tổng thống Mỹ đã không thể thuyết phục được Berlin. Năm ngoái, Đức chi khoảng 1,53% GDP cho quốc phòng, thấp hơn nhiều so với mức 2%.

Kể từ khi cuộc chiến tại Nam Tư kết thúc năm 2001, người châu Âu đã không chi nhiều tiền hay nguồn lực, cũng như không phải hy sinh nhiều tính mạng trong các cuộc chiến. Họ dường như còn không mấy quan tâm đến chuyện này, vì cho rằng châu Âu vẫn được chiếc ô hạt nhân của Mỹ che chở, một di sản của Chiến tranh Lạnh.

Cuộc tranh luận đó đã bắt đầu thay đổi trong những năm gần đây, ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, với những lời kêu gọi rằng châu Âu cần có chiến lược và chính sách quốc phòng độc lập, vững chắc hơn.

"Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã phá tan ảo tưởng rằng an ninh và ổn định ở châu Âu là hoàn toàn miễn phí", một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói với CNN. "Khi không có mối đe dọa thực sự, địa chính trị dường như xa vời. Bây giờ một cuộc chiến tranh đang diễn ra trên biên giới của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi biết rằng chúng tôi phải bỏ tiền ra và hành động cùng nhau".

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 4

Hành động xoay chuyển của Đức có ý nghĩa biểu tượng. Vì những lý do lịch sử rõ ràng, chính trường Đức lâu nay đã ủng hộ việc chi tiêu khiêm tốn cho quân đội ngay cả khi các đồng minh quốc tế của Berlin lên tiếng bất bình. Đảng Dân chủ Xã hội theo đường lối cánh tả của Thủ tướng Scholz là một trong những phe chủ chốt phản đối việc tăng ngân sách quốc phòng.

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 6

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Song điều đáng nói hơn là Đức, dù được xem là cường quốc trụ cột của châu Âu, về cơ bản đã giao an ninh quốc gia của mình vào tay Mỹ thông qua NATO kể từ Chiến tranh Lạnh. Do đó, Đức không có khả năng phòng thủ độc lập đáng kể, cũng như không có ý chí chính trị để tham gia vào một cuộc xung đột quy mô lớn.

Giờ đây, đối với các quốc gia NATO, sự thay đổi trong lập trường của Đức về quốc phòng có thể có những ảnh hưởng sâu sắc về lâu dài.

"Chúng ta phấn đấu cho mục tiêu này không chỉ vì chúng ta đã hứa với bạn bè và đồng minh rằng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP vào năm 2024, mà chúng ta làm điều này vì chính bản thân mình, vì sự an toàn của chính chúng ta", Thủ tướng Scholz nói.

Các kế hoạch của ông Scholz vẫn cần được quốc hội thông qua, song dường như ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng. Vài giờ sau khi ông phát biểu trước hạ viện, ít nhất 100.000 người đã tập trung ở Berlin để phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Đám đông tuần hành trải dài từ Cột Chiến thắng đến Cổng Brandenburg - nơi Bức tường Berlin từng chia cắt nước Đức.

Nhiều người Đức hoan nghênh sự thay đổi trong giọng điệu của chính phủ họ, nhưng thất vọng vì điều đó đã diễn ra quá muộn. Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, Đức đã do dự khi đối đầu trực tiếp hơn với quốc gia từng góp phần đánh bại Đức Quốc xã. Mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Đức với Nga đã có từ nhiều thập niên và, theo những người chỉ trích, điều này đã dẫn đến chính sách đối ngoại ngăn cản châu Âu chỉ trích Điện Kremlin quá mạnh mẽ.

Cho đến vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, một số người trong giới tinh hoa chính trị và vận động hành lang ở Đức vẫn tuyên bố rằng chính NATO và Mỹ, chứ không phải Nga, mới là những người bất thường.

"Các chính phủ ở Đức đã liên tục cho Nga lợi ích của sự nghi ngờ, cho dù đó là sau cuộc chiến Gruzia năm 2008, vụ sáp nhập Crimea năm 2014 hay xung đột ở miền đông Ukraine sau đó", bà Judy Dempsey, thành viên cấp cao không thường trú của tổ chức nghiên cứu Carnegie Europe, tổng biên tạp chí Strategic Europe, bình luận.

Song với việc ông Putin phát động chiến dịch tại Ukraine, "chính sách đặc biệt của Đức đối với Nga đã chấm dứt", bà Dempsey nói.

Chỉ trong vòng vài ngày, Đức đã đình chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga Nord Stream 2, và đồng ý loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, một biện pháp được xem là "lựa chọn hạt nhân" trong cuộc đối đầu giữa phương Tây với Moscow. Đức cũng tuyên bố sẽ đưa 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger tới Ukraine và áp dụng hạn chế rộng rãi đối với các ngân hàng Nga mà nước này đã từ chối trước đó.

Quan trọng hơn, giới tinh hoa chính trị Đức - cho đến nay vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa tự do - cuối cùng có thể nhận ra rằng Berlin cần phải khẳng định lại sức mạnh quân sự của mình để tự chủ đối phó với môi trường nguy hiểm và bất định xung quanh. Nhận thức như vậy thậm chí có thể thúc đẩy Đức phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.

"Chúng ta đang quay trở lại thời kỳ đối đầu giữa các khối, chỉ có điều biên giới của khối phương Tây đã dịch chuyển về phía đông xa hơn so với thời Chiến tranh Lạnh. Hòa bình ở châu Âu đã là dĩ vãng, và lòng tin vào Nga đã bị phá hủy hoàn toàn. Sẽ mất nhiều thập niên "để khôi phục lòng tin giữa phương Tây và Nga", Johannes Varwick, nhà khoa học chính trị tại Đại học Halle, Đức, nói với DW.

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 7

Những người hoài nghi có thể nghĩ rằng sự thống nhất và quyết đoán của châu Âu chỉ xuất hiện do một cuộc khủng hoảng chưa từng xảy ra và mối đe dọa cả đời chỉ xuất hiện một lần đối với an ninh của lục địa này. Tuy nhiên, nhiều quan chức châu Âu và NATO nói với CNN rằng không có kịch bản nào để châu Âu có thể quay trở lại như trước đây.

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 9

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels, Belgium sau cuộc họp khẩn về tình hình Ukraine hôm 25/2 (Ảnh: Reuters).

Nếu Ukraine "thất thủ" thì nước Nga sẽ mở rộng biên giới trên bộ với EU. Song nếu Ukraine trụ vững và đẩy lùi được lực lượng Nga, Điện Kremlin vẫn còn vũ khí hạt nhân. Cựu cố vấn về Nga của Nhà Trắng Fiona Hill, khi được Politico đặt câu hỏi liệu bà có nghĩ rằng Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, bà đã trả lời "Có".

Một quan chức cấp cao của Brussels nói với CNN rằng ngay cả hiện tại, các quốc gia thành viên EU đang nhận thấy ảnh hưởng của Nga quá gần để có thể thoải mái. Phần Lan có đường biên giới trên bộ khá dài với Nga. Các hạm đội Romania chia sẻ Biển Đen với hải quân Nga.

"Các quyết định có thể mất nhiều năm để đưa ra thì nay chỉ mất vài ngày, vì châu Âu đã thay đổi mãi mãi. Chúng tôi chỉ đơn giản là không còn thời gian để hành động và tự mãn nữa", quan chức này nói.

Trong phát biểu của mình hôm 1/3, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen cũng thừa nhận rằng tình hình an ninh và quốc phòng ở châu Âu đã thay đổi nhiều hơn trong vài ngày qua so với những gì đã diễn ra trong hai thập niên qua.

Daniela Schwarzer, người điều hành Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho rằng xung đột Nga - Ukraine là bằng chứng cho thấy "trật tự an ninh châu Âu hiện tại không còn đảm bảo an ninh cho châu lục được nữa". Trong một dấu hiệu quan trọng báo hiệu sự tái tổ chức an ninh ở châu Âu, các quốc gia có truyền thống trung lập trong EU, bao gồm Áo, Ireland, Phần Lan và Thụy Điển, nay đã thay đổi lập trường.

Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Thụy Điển gửi vũ khí cho một quốc gia bị lôi kéo vào xung đột vũ trang. Phần Lan cũng đã đồng ý cung cấp cho Ukraine bệ phóng tên lửa, súng trường tấn công và thực phẩm cho quân nhân. Chuyện Thụy Điển và Phần Lan có thể muốn gia nhập NATO dường như không còn xa vời.

Dù không liên kết quân sự với nước nào, Ireland - hiện là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - đã lên án gay gắt chiến dịch quân sự của Nga. 

Thụy Sĩ, quốc gia ngoài EU nổi tiếng với truyền thống trung lập 200 năm qua, bất ngờ ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU. Việc ngồi yên trên hàng rào quan sát, thay vì chọn đứng về phía nào, đã cho phép Thụy Sĩ phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm tài chính, ngoại giao và du lịch quốc tế. Tuy nhiên, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích hành động quân sự của Nga. Thụy Sĩ đã đóng băng tài sản tài chính của các nhà lãnh đạo Nga và hơn 350 cá nhân bị EU trừng phạt.

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 10

Các nhà lãnh đạo châu Âu trong nhiều năm đã cố gắng xây dựng phản ứng chung mạnh mẽ trước mối đe dọa gia tăng từ Nga nhưng không mấy thành công. Song chỉ vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Điện Kremlin đột nhiên phải đối mặt với một lục địa hiếm khi xuất hiện đoàn kết như vậy.

Trật tự châu Âu 20 năm thay đổi trong 1 ngày - 12

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp gỡ các nhà lãnh đạo và quan chức Canada, Tây Ban Nha, Latvia tại Adazi, Latvia ngày 8/3 (Ảnh: Reuters).

"Tôi nghĩ giờ đây chúng tôi hiểu rằng giữ quan điểm trung lập và không gia nhập NATO không đồng nghĩa với việc bạn được an toàn", một cố vấn cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại nói.

Kể từ khi Liên Xô tan rã, NATO đã dần mất đi vai trò và động lực của mình. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích NATO và đe dọa từ bỏ liên minh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đã "chết não". EU bị chỉ trích là quá dựa dẫm vào Mỹ vì có NATO.

Những mối đe dọa gia tăng từ Nga mà mới nhất là xung đột tại Ukraine dường như đã giúp NATO tìm lại vai trò và động lực của mình, cũng như thúc đẩy EU gia tăng mức độ tự chủ chiến lược trong khi vẫn duy trì liên minh quân sự với Mỹ. Điều này có lợi cho cả Mỹ và châu Âu trong việc tìm cách đối phó với Nga.

Chưa thể dự báo kết quả cuộc xung đột tại Ukraine lúc này, song NATO chắc chắn sẽ tiếp tục củng cố sườn phía đông, trong khi Moscow vẫn sẽ quyết tâm ngăn chặn NATO mở rộng về phía mình. Trước khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, xung đột đã diễn ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014, giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga. Cả Nga và NATO đều xem Ukraine là vùng đệm chiến lược mà cuộc cạnh tranh giữa họ là "trò chơi tổng bằng không".

"Cách chúng ta phản ứng với những gì Nga đang làm hôm nay sẽ quyết định tương lai của hệ thống quốc tế. Ukraine đang bị đe dọa, nhưng số phận của chính chúng ta cũng đang bị treo lơ lửng", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu hôm 1/3.

Nội dung: Đông Phong
Đồ họa: Tố Linh
Theo Politico, DW, CNN

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine