1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

3 kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Các nguồn tin chính phủ phương Tây và giới chuyên gia đã dự đoán những kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga - Ukraine khi chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

3 kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga - Ukraine - 1

Một tòa chung cư ở vùng Kiev, Ukraine bị phá hủy sau khi bị pháo kích (Ảnh: Reuters).

Kịch bản 1: Nga ngừng chiến dịch

Gần hai tuần kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự, lực lượng của Ukraine đã cho thấy sức kháng cự tốt hơn nhiều so với dự đoán. Ukraine đã ngăn lính dù của Nga kiểm soát thủ đô Kiev những ngày đầu chiến dịch và tiếp tục kiểm soát các thành phố lớn như Kharkov, Mariupol. 

Mặc dù Nga tuyên bố đã chiếm ưu thế hoàn toàn trên không ở Ukraine, nhưng lực lượng phòng không của Ukraine ở khu vực thủ đô Kiev và các khu vực khác dường như vẫn hoạt động hiệu quả. "Điều đó gây cho Nga không ít vấn đề", AFP dẫn một nguồn tin an ninh châu Âu cho biết hôm 4/3.

Một lượng lớn tình nguyện viên đã đăng ký tham gia các đơn vị phòng không của Ukraine nhằm tăng cường lực lượng cho các đơn vị chính quy. Trong khi đó, nhiều chuyên gia phương Tây tỏ ra hoài nghi về năng lực hậu cần của Nga khi tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Ukraine.

Ngoài ra, sức ép từ các đòn trừng phạt của phương Tây cũng có thể khiến chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin thay đổi các tính toán. "Phương Tây có thể áp các lệnh trừng phạt buộc Nga phải từ bỏ các mục tiêu (của chiến dịch quân sự)", Samuel Charap, chuyên gia thuộc tổ chức RAND Corporation của Mỹ, nhận định.

Sức ép từ Trung Quốc - một đồng minh của Nga - và những sức ép trong nước cũng có thể làm thay đổi tính toán của Moscow.

Về phần mình, trong các phát biểu mới đây, Tổng thống Putin nói rằng, Nga chỉ kết thúc chiến dịch quân sự nếu Ukraine "hạ vũ khí và những yêu cầu an ninh của Nga được đáp ứng".

Kịch bản 2: Chiến dịch của Nga thành công

Với ưu thế về năng lực quân sự, khí tài, Nga có thể sẽ tiếp tục các đợt tấn công vào Ukraine.
Các ảnh vệ tinh cho thấy, những ngày qua, Nga đã triển khai một đoàn xe quân sự kéo dài hơn 64 km áp sát thủ đô Kiev. Đoàn xe gần như "chôn chân" tại chỗ do các thách thức về hậu cần cũng như vấp phải sự kháng cự mạnh của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Moscow sẽ rút kinh nghiệm những thiếu sót và khắc phục thách thức về hậu cần, sẵn sàng cho một cuộc tiến công quy mô lớn vào "trái tim" của Ukraine.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hôm 3/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, "điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước". "Nga muốn kiểm soát toàn bộ Ukraine", một trợ lý của ông Macron nói.

Mặc dù vậy, kể cả khi Nga giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev, việc kiểm soát một đất nước hơn 40 triệu dân không hề dễ dàng. "Tiến vào một thành phố rất khác với việc kiểm soát nó lâu dài", Lawrence Freedman, giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, bình luận.

Hiện chưa rõ chiến dịch quân sự của Nga sẽ đi xa đến đâu, song Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch để đạt mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" chính quyền Ukraine.

Kịch bản 3: Xung đột lan rộng

3 kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga - Ukraine - 2

Người dân Ukraine sơ tán sang Moldova ngày 4/3 (Ảnh: EPA).

Ukraine có biên giới chung với 4 quốc gia Liên Xô cũ hiện là các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt.

Cam kết của Tổng thống Putin bảo vệ các cộng đồng người Nga thiểu số, rất nhiều người trong số đó đang sinh sống và làm việc ở các nước vùng Baltic, đã đặt ra câu hỏi liệu chiến sự ở Ukraine có lặp lại ở những nơi khác hay không.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 26/2 bày tỏ lo ngại Nga có thể tấn công nước này, Phần Lan hoặc các quốc gia vùng Baltic sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ba Lan là một thành viên của NATO và có chung đường biên giới dài với Ukraine. Trước khi Nga mở màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ba Lan đã tiếp nhận thêm hàng nghìn binh sĩ NATO đến đồn trú.

Các nước NATO và đồng minh đang theo dõi mọi động thái của Nga, đồng thời cảnh báo rằng liên minh quân sự phòng thủ của họ sẽ làm mọi cách để bảo vệ "từng tấc" lãnh thổ của họ. Họ đã gửi vũ khí và đạn dược đến Ukraine, và huấn luyện binh lính Ukraine trong những năm gần đây, thậm chí ngay trước khi chiến dịch quân sự của Nga diễn ra. NATO nhiều lần tuyên bố sẽ không điều quân đến Ukraine, không lập vùng cấm bay ở Ukraine với lý do Ukraine không phải thành viên của khối nên bất cứ động thái nào như vậy có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi nếu chiến dịch quân sự của Nga vượt ra ngoài biên giới Ukraine. Điều 5 trong hiến pháp của NATO nêu rõ, "một cuộc tấn công chống lại một đồng minh của NATO sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh của khối". Nếu điều đó xảy ra, thế giới sẽ bước vào giai đoạn chưa từng có và khả năng xảy ra một cuộc đối đầu NATO - Nga.

Đa số chuyên gia cho rằng, Nga sẽ không tấn công công khai một quốc gia thành viên của NATO, nhưng nguy cơ đối đầu cũng chưa thể loại bỏ hoàn toàn. Chuyên gia Charap cảnh báo, nguy cơ những tính toán sai lầm hay một diễn biến bất ngờ, như tên lửa bay "lạc" sang lãnh thổ NATO, có thể dẫn đến xung đột Nga - NATO.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp với Bộ Quốc phòng Nga nhằm tránh "những tính toán sai lầm, sự cố quân sự và leo thang căng thẳng" ở khu vực. Đường dây này về cơ bản là một cuộc trao đổi các số điện thoại, một từ trung tâm tác chiến của Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ đóng ở thành phố Stuttgart, Đức và một từ Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow. Nga và Mỹ cũng đã áp dụng biện pháp này ở Syria để tránh nguy cơ xung đột khi lực lượng của cả hai nước đều triển khai ở đây.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng chỉ thị đặt lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga vào tình trạng báo động cao. Giới phân tích phương Tây tin rằng, mệnh lệnh này là một cách Moscow phát thông điệp cảnh báo Mỹ, châu Âu không tính đến các ý tưởng như lập vùng cấm bay ở Ukraine.

"Những tuyên bố này chủ yếu nhắm tới phương Tây, nhằm khiến họ lo sợ và bất an", Gustav Gressel, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định.

Theo AFP, Aljazeera
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine